Nhà bán hàng tố sàn thương mại điện tử "giam tiền", Shark Bình nói sàn "vặt lông vịt": Thực hư ra sao?

    Ngọc Hiền,  

    Gần đây, nhiều nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử phản ánh việc thay đổi trong chính sách thanh toán của sàn lớn đang gây khó khăn trong việc quản lý dòng tiền.

    “Giam tiền” nhà bán hàng?

    Trước đây, với các đơn hàng được thực hiện thành công, sau 7 ngày kể từ khi đơn vị vận chuyển xác nhận tình trạng "Đã giao hàng" tới người mua thì sàn lớn này sẽ thanh toán phần tiền (sau khi đã trừ các chi phí theo quy định) vào ví của người bán. Lúc này, người bán có quyền tiếp tục giữ tiền tại đây, chờ tới thời hạn rút tiền tự động (miễn phí) định kỳ, hoặc bấm yêu cầu rút tiền (có mất phí giao dịch với ngân hàng) theo nhu cầu.

    Nhưng thời gian gần đây, nhiều nhà bán hàng phản ánh việc thay đổi trong chính sách thanh toán của sàn này (kéo dài thời gian thanh toán lên đến 15 ngày) đang ít nhiều gây nên những khó khăn cho nhà bán hàng trong việc quản lý dòng tiền để nhập hàng, đặc biệt là với nhà bán hàng nhỏ.

    Câu chuyện được chia sẻ "rầm rộ" trên một hội nhóm nhà bán hàng trên Facebook, một seller đã bức xúc kêu than về việc mình bị sàn thương mại điện tử này kéo dài thời gian trả tiền. Và ngay bên dưới thì sàn này giới thiệu dịch vụ “cho vay người bán” (vay vốn lên tới 200 triệu để kinh doanh).

    Nhà bán hàng tố sàn thương mại điện tử "giam tiền", Shark Bình nói sàn "vặt lông vịt": Thực hư ra sao?- Ảnh 1.

    Đáng chú ý, doanh nhân Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình) đã chia sẻ lại câu chuyện này trên Facebook cá nhân và tâm sự rằng mình cũng từng “nát xương lòi da” 20 năm về trước, vì không chịu nổi nhiệt khi đầu tư vào thương mại điện tử nhưng không đọ nổi với sàn nước ngoài mà phải ngậm ngùi đóng cửa.

    Vị doanh nhân cũng bày tỏ quan ngại nhà bán hàng tại Việt Nam có thể phải đối mặt với tình trạng câu chuyện "thua trên chính sân nhà": “các nhà bán tại Việt Nam đã nghèo lại gặp phải cái eo là hàng Trung Quốc xuyên biên giới giá rẻ đang tràn ngập trên các sàn thương mại điện tử…”.

    Chuyên gia: Nhà bán hàng cần chủ động dòng tiền

    Trước thông tin này, ông Trần Lâm, hiện là nhà sáng lập 5 thương hiệu thực phẩm và hóa mỹ phẩm được bán rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử và tác giả sách "Cất cánh trên sàn thương mại điện tử" cho rằng, nếu thực sự sàn chậm thanh toán kéo dài, thì không chỉ ảnh hưởng đến nhà bán hàng nhỏ mà cả những doanh nghiệp lớn cũng sẽ bị ảnh hưởng tùy vào cách quản lý tài chính của từng doanh nghiệp.

    Ông Lâm cũng cho biết: "Một số nhà bán hàng cho rằng, chính sách gần đây nhất cho phép người mua "đổi ý miễn phí 15 ngày" của sàn là để hợp thức hóa việc "giam tiền" người bán. Tuy nhiên, thực tế, chưa có thông báo chính thức về việc này, chính sách mới nhất là người bán trên sàn này sẽ nhận tiền ngay sau khi người mua bấm "Đã nhận được hàng" hoặc vào ngày thứ 8 kể từ khi đơn giao thành công (không phát sinh yêu cầu trả hàng/hoàn tiền) hoặc ngay sau khi yêu cầu trả hàng/hoàn tiền được xử lý xong".

    Trong thời buổi kinh doanh đầy rẫy những khó khăn, các nhà bán hàng vẫn nên tự chủ động tìm cách duy trì dòng tiền của mình. “Seller nên lập kế hoạch ngân sách rõ ràng. Tạo kế hoạch cho tất cả hoạt động của doanh nghiệp để có thể quản lý chặt chẽ giúp ổn định tài chính và giảm rủi ro.” - ông Trần Lâm chia sẻ.

    Ngoài ra, tiết kiệm chi phí cũng là một phương án tối ưu để có thể chủ động dòng tiền. Kinh doanh trên sàn có rất nhiều chi phí như khuyến mãi cho khách hàng, phí xử lý đơn hàng, phí hoa hồng cho sàn, phí dịch vụ...Cần nắm rõ tất cả chi phí liên quan khi bán được một đơn hàng để tìm cách tối ưu.

    Bên cạnh đó, việc vay vốn để lưu động dòng tiền cũng là một giải pháp giúp duy trì dòng tiền ổn định, tăng khả năng đầu tư. Tuy nhiên, cần được thực hiện một cách thận trọng, có kế hoạch rõ ràng để tránh tình trạng nợ quá hạn, đảm bảo thanh toán và duy trì uy tín với đối tác.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ