Thi thể của anh được tìm thấy trong một bồn thiền nổi, ở tư thế úp mặt xuống nước.
Aaron Traywick, anh chàng nổi tiếng sau khi livestream Facebook, cởi quần và tiêm thuốc chữa herpes tự chế, được xác nhận là đã chết ngày 29 tháng 4, theo báo cáo của Sở Cảnh sát Washington DC.
Trong khi nguyên nhân cái chết chưa được làm rõ, sự ra đi của Traywick ở tuổi 28 đã làm dấy lại cuộc tranh cãi về sự phát triển của một lĩnh vực gọi là 'biohacking'. Trong đó, những người tham gia lấy cơ thể chính mình để thử nghiệm những liệu pháp sinh học tự chế, rẻ tiền và không được kiểm duyệt.
Nhà bẻ khóa sinh học livestream Facebook cởi quần tiêm thuốc tự chế đã tử vong
Theo báo cáo từ sở cảnh sát, thi thể của Traywick được tìm thấy tại cơ sở SOULEX Float Spa ở Washington DC, trong tư thế úp mặt xuống bồn thiền nổi. Nguyên nhân cái chết đang được điều tra thêm. Tuy nhiên, cảnh sát tuyên bố không có dấu hiệu đây là một vụ án mạng.
Traywick và công ty công nghệ sinh học Ascendance Biomedical của anh từng nổi tiếng khắp các mặt báo vào tháng 10 năm ngoái, khi anh chàng này cởi quần mình trước một hội nghị bẻ khóa sinh học (biohacking) ở Texas, và tự tiêm vào đùi mình một liệu pháp gen với tuyên bố nó chữa được bệnh herpes.
Liệu pháp này do Traywick tự điều chế và phát triển. Một cách chính thức, nó không hề trải qua những thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt, tốn nhiều tiền của và mất hàng năm nghiên cứu thử nghiệm. Nó tất nhiên cũng không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt.
Bằng cách biến chính bản thân mình thành vật thí nghiệm, Traywick dự định chứng minh cho mọi người thấy liệu pháp gen của anh nói riêng, đại diện cho các hình thức biohacking khác, là an toàn và hiệu quả bên ngoài sự kiểm soát của FDA.
Tại Ascendance Biomedical, các đồng nghiệp của Traywick cho biết anh đã rời vị trí điều hành công ty sau khi không thống nhất được định hướng của công ty. “Chúng tôi đều mất liên lạc với anh ấy”, một đồng nghiệp cho biết. Nhiều khả năng Traywick muốn có một khoảng thời gian một mình.
Công ty cũng đưa ra một tuyên bố, đại ý nói rằng cái chết của Traywick không liên quan đến liệu pháp anh thử nghiệm trước đó. Tuy nhiên, nó vẫn làm nổi bật chủ đề về sự an toàn và rủi ro trong một lĩnh vực khoa học không chính thống, khi những người bẻ khóa sinh học muốn tự thử nghiệm những liệu pháp chưa được kiểm duyệt trên cơ thể họ.
Traywick được tìm thấy đã tử vong trong bồn thiền nổi ở một cơ sở spa tại Washington DC
Đầu năm nay, nhà sinh học Josiah Zaynor, một người là tín đồ của biohacking cũng đã phải tự lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của các hình thức DIY sinh học trên cơ thể mình. Trước đây, Zaynor đã từng thực hiện nhiều thử nghiệm trên cơ thể anh, ví dụ như cấy phân mình vào ruột, thậm chí là tự chỉnh sửa DNA của mình với một bộ kit CRISPR đơn giản.
"Mọi người coi chúng như một cách để có được sự chú ý của báo chí và trở nên nổi tiếng. Nhưng họ sẽ bị tổn thương" Zaynor nói. "Không có gì phải nghi ngờ, tôi chắc chắn rằng cuối cùng cũng có một ai đó (thử hack cơ thể mình) bị thương”.
Lịch sử ghi nhận nhiều tấm gương những nhà khoa học lấy thân mình làm vật thử nghiệm và tạo ra được đột phá. Chẳng hạn như năm 1961, nhà khoa học Victor Herbert đã tự kiêng tuyệt đối axit folic trong nhiều tuần để chứng minh đó là một chất quan trọng trong chế độ ăn uống.
Hai thập kỷ sau, Barry Marshall ăn vi khuẩn Helicobacter pylori tiết lộ rằng đó là nguyên nhân của loét dạ dày (năm 2005, ông đã giành được giải Nobel cho ý tưởng đó).
Tuy nhiên, không có thống kê nào cho biết số lượng đầy đủ những người cũng tự thử nghiệm một điều gì đó với cơ thể mình và thất bại.
Đối với Traywick và những người theo đuổi biohacking như anh, thời gian sẽ cho biết họ là một người nhìn xa trông rộng hay chỉ là những kẻ ngu ngốc tự tin quá mức. Công nghệ đang mở ra ngày càng nhiều cơ hội, cho một cá nhân cũng có thể tham gia nghiên cứu sinh học và y sinh. Nhưng xu hướng biohacking là nên hay không nên vẫn là một câu hỏi.
Tham khảo Sciencealert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Độc lạ: Startup Mỹ dùng kim cương làm mát GPU, giảm nhiệt khủng và tiết kiệm điện vượt xa mong đợi
Akash tuyên bố rằng công nghệ của họ có thể giảm nhiệt độ điểm nóng của GPU từ 10 đến 20 độ C, giúp trung tâm dữ liệu tiết kiệm hàng triệu USD chi phí làm mát
Người sáng tạo nội dung này bị phạt gần 7 tỷ Đồng vì bay drone quấy rối người vô gia cư