(GenK.vn) - Ông Qin Liang, Phó Chủ tịch phụ trách mảng sản phẩm LTE của Huawei cho rằng, nhà mạng sẽ thay đổi mô hình kinh danh và sẽ đi theo mô hình OTT miễn
Ông Qin Liang, Phó Chủ tịch phụ trách mảng sản phẩm LTE của Huawei cho rằng, nhà mạng sẽ thay đổi mô hình kinh danh và sẽ đi theo mô hình OTT miễn phí SMS và thoại khi triển khai dịch vụ 4G để cạnh tranh.
Theo đánh giá của ông thì thời điểm này đã là chín muồi để Việt Nam triển khai LTE/4G hay chưa vì có những ý kiến cho rằng 3G còn chưa khai thác được hết, vậy 4G có quá vội vàng hay không?
Về lợi ích của việc phát triển 4G tại Việt Nam, có thể khẳng định quá trình lên 4G là tất yếu. Nó có những ưu điểm như thông lượng lớn, tốc độ tải xuống 150 Mbps, tốc độ tải lên 75 Mbps. Thứ hai là sự linh hoạt, có thể sử dụng nhiều tần số nên vùng phủ sóng sẽ lớn hơn. Với thuê bao di động, họ sẽ được tận hưởng những dịch vụ chất lượng cao hơn. Với nhà mạng thì họ có nhiều cơ hội hơn để triển khai các dịch vụ kinh doanh mới. Về chính phủ thì 4G có thể đóng góp rất lớn vào sự phát triển GDP của đất nước và nó cũng tạo ra thêm công ăn việc làm cho người dân, góp phần đảm bảo kiinh tế. 4G sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo khảo sát của GSMA thì mật độ di động của Việt Nam đứng đầu trong tất cả các quốc gia đang phát triển ở châu Á. Và một khi số lượng người dùng lớn như vậy thì nghĩa là sẽ có rất nhiều người sử dụng dịch vụ này, để truy cập Internet và nhiều nội dung khác nhau. Họ ngày càng có nhu cầu với các dịch vụ đòi hỏi thông lượng lớn và đó chính là thời điểm thích hợp để lên LTE. LTE sẽ giúp các quốc gia sử dụng tài nguyên tần số của mình một cách hiệu quả hơn. Như vậy, đã đến lúc để Việt Nam triển khai 4G.
Quyết định triển khai LTE không chỉ dựa trên lợi ích đầu tư của các nhà mạng hay các tiêu chí phát triển của mỗi quốc gia mà còn cần tham khảo thêm rất nhiều tham số khác. Ví dụ như về thiết bị, trên thị trường hiện nay có rất nhiều thiết bị có khả năng hỗ trợ LTE thì đương nhiên người dùng cũng sẽ đòi hỏi nhà mạng phải có LTE để người ta tận hưởng những dịch vụ tốt hơn. Nhà mạng nào nhanh tay nắm bắt và đáp ứng nhu cầu này sẽ có ưu thế khi triển khai 4G. Thứ hai là cơ hội sáng tạo cho nhà mạng, bởi vì với LTE thì không tính giá theo bit thông tin nữa nên các nhà mạng sẽ phải tìm ra các dịch vụ mới hấp dẫn.
Ông có đưa ra khuyến nghị Việt Nam nên triển khai LTE cần triển khai 4 giai đoạn. Vậy từng bước cụ thể sẽ như thế nào?
Bước một là bước chuẩn bị thì chúng ta phải xem xét chuẩn bị nguồn nhân lực, chuẩn bị nội dung, chuẩn bị mạng để xem xét sự tương thích giữa 2G, 3G, 4G. Bước này cần có sự tham gia của nhà mạng, cơ quan nhà nước và các đơn vị cung cấp dịch vụ.
Bước thứ 2 sẽ là triển khai vùng phủ sóng. Theo quy định của 3GPP thì nó sẽ phủ sóng cả các vùng hot spot, Wi-Fi nữa và nhiều người cho rằng nó sẽ không có đất sống. Nhưng thực ra LTE là công nghệ di động, Wi-Fi là công nghệ tĩnh, nó vẫn có những ưu thế của nó. Chẳng hạn , LTE vẫn cho phép truy cập khi đang di chuyển ở tốc độ lên tới hơn 300 km/h mà không bị rớt đường truyền và rồi còn hỗ trợ chuyển vùng. Wi-Fi thì không hỗ trợ được điều đó. Bước thứ 2, với các quốc gia đang phát triển có thể đặt mục tiêu năm đầu phủ sóng 20-30% dân số, năm thứ 2 sẽ tăng lên. Các quốc gia phát triển có thể năm đầu phủ 60%, năm thứ 2 phủ 90% nhưng với các quốc gia đang phát triển thì có thể phải đi chậm hơn.
Khi đã đủ 70% dân số, nghĩa là lượng khách hàng đủ lớn thì chúng ta sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ bằng cách gộp các sóng mang nhỏ thành sóng mang lớn để tăng tốc độ lên 300 Mbps., hay triển khai LTE Advanced để nâng cao chất lượng phủ sóng trong nhà.
Ở giai đoạn 3 khi có nhiều nhà mạng cung cấp LTE thì nhà mạng sẽ phải cạnh tranh và nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu hóa cơ sở hạ tầng, mạng truy cập, trạm gốc để đạt tốc độ thông lượng.
Ở giai đoạn thứ 4 khi đã triển khai được 5-6 năm thì giá sẽ bắt đầu cạnh tranh hơn thì các nhà mạng sẽ phải tính toán chi phí cho từng bit.
Theo ông, khi nhà mạng triển khai 4G thì mô hình kinh doanh của họ có thay đổi nhiều hay không, ví dụ như sẽ miễn phí SMS và thoại và chỉ thu phí dịch vụ giá trị gia tăng và cước dữ liệu?
Đúng vậy. Tại Nhật Bản cũng đang xây dựng những mô hình kinh doanh miễn phí thoại và SMS, chỉ tính phí dữ liệu. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh sẽ thay đổi như thế nào còn do áp lực cạnh tranh từ thị trường nữa. Nếu chúng ta là nhà cung cấp dịch vụ duy nhất trên thị trường thì không việc gì phải miễn phí những dịch vụ thoại và SMS, nhưng khi có cạnh tranh thì sẽ phải tìm ra sự khác biệt để thu hút khách hàng. Tôi cho rằng nhà mạng sẽ đi theo mô hình OTT, nghĩa là SMS và thoại miễn phí khi triển khai dịch vụ 4G. Hiện chưa thể khẳng định được Việt Nam đã đủ độ chín để theo mô hình kinh doanh này chưa, nhưng về lâu dài nhà mạng có lẽ sẽ đi theo mô hình như vậy.
Ở Việt Nam khi triển khai 3G thì VNPT và Viettel làm theo 2 cách khác nhau. Viettel triển khai rộng khắp đất nước ngay từ đầu còn VNPT làm từng bước. Liệu 4G có thể theo cách của Viettel đã làm với 3G?
Từ phía quan sát bên ngoài khi triển khai 3G, Viettel không phải chịu áp lực lắm về doanh thu lợi nhuận. Tất nhiên về phía thuê bao thì điều đó rất thích nhưng với những doanh nghiệp phải tính đến doanh thu lợi nhuận. Ví dụ như VNPT, VinaPhone hay MobiFone, thì họ tập trung những vùng có khách hàng thực sự sử dụng dịch vụ trước rồi mới mở rộng sau. Viettel là một trường hợp đặc biệt trong việc triển khai 3G vì hầu hết các nhà mạng trên thế giới triển khai 3G giống VNPT nhiều hơn. Từ việc triển khai mạng thì có thể Viettel có chủ ý nhất định. Người ta muốn khẳng định thương hiệu của Viettel là nhà mạng phủ sóng toàn quốc, đấy là một chiến lược marketing. Ngược lại với Viettel, các nhà mạng khác phải nắm bắt và tìm ra các phần thị trường có khách hàng thực sự để triển khai. LTE còn phức tạp hơn 3G, đó là mạng công nghệ đa lớp kết hợp giữa 2G, 3G và 4G. Thế nên cũng phải cân nhắc đến hiệu quả đầu tư. Hiện chưa thể chắc được Viettel có triển khai 4G lặp lại như 3G hay không.
Một số mạng di động vẫn đặt chiến lược sẽ đầu tư mở rộng vùng phủ 3G trong một đến hai năm tới. Như vậy, đây cũng có thể là thời điểm triển khai 4G. Liệu có một mô hình nào để lên 4G mà không cần 3G không?
Mô hình tốt nhất vẫn là kết hợp LTE với các công nghệ cũ, 2G, 3G để mà triển khai. Nếu muốn đi trực tiếp từ 2G lên 4G thì về mặt kỹ thuật chẳng có vấn đề gì cả nhưng có vấn đề ở mặt người dùng. Ví dụ có người đang mua điện thoại 3G mà chúng ta lên thẳng 4G thì khách hàng đó sẽ bị bỏ rơi. Trừ khi chúng ta đưa ra mô hình kinh doanh là hãy đổi điện thoại 3G của các anh các chị, tôi sẽ đổi điện thoại LTE miễn phí thì còn hiệu quả, chứ nếu không chúng ta sẽ mất lượng khách hàng khá lớn.
Xin cảm ơn ông!
Theo ICTnews.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android