Nhà máy dệt Nam Định ngày trước từng là một biểu tượng của ngành Dệt may cả nước. Đến mức, hình ảnh những cô công nhân bên dây chuyền dệt đã được chọn để in trên tờ tiền 2.000 đồng.
- Nghiên cứu mới cho thấy tất cả những người mắt xanh trên hành tinh của chúng ta có chung một tổ tiên duy nhất!
- Nghề lập kế hoạch du lịch cho giới siêu giàu: Chi phí mỗi chuyến đi có thể cả triệu USD, chỉ đến các địa điểm sang chảnh và độc quyền
- 7 bí ẩn về khoa học dinh dưỡng của món ăn vặt không thể thiếu trong mùa đông
- Những bức ảnh hiếm về cuộc tuyển chọn diễn viên mèo của Hollywood năm 1961
Thời kỳ hoàng kim
Ngược dòng lịch sử, Nhà máy Dệt Nam Định tiền thân là một cơ sở nghiên cứu về tơ lụa, do Toàn quyền Đông Dương De Lanessan lập ra từ cuối thế kỷ XIX. Năm 1900, một số tư bản Pháp trong Công ty bông vải sợi Bắc Kỳ, đứng đầu là Dupré, hùn vốn với một tư sản người Hoa là Bá Chính Hội cùng tổ chức sản xuất, kinh doanh…
Dưới thời Pháp thuộc, Nhà máy dệt Nam Định được biết đến là nhà máy lớn nhất Đông Dương. Vào năm 1924, số công nhân của Nhà máy đã lên tới 6.000 người. Đến năm 1929, Nhà máy đã có quy mô 135 máy dệt. Năm 1939, nhà máy phát triển lên với quy mô 3 nhà sợi, 3 nhà dệt, 1 xưởng nhuộm, 1 xưởng chăn, 1 xưởng cơ khí, 1 xưởng động lực...
Tổng công ty Cổ phần Dệt May Nam Định tiền thân là Nhà máy Sợi Nam Định, được thành lập năm 1889, tới năm 1954 được Nhà nước tiếp quản và đổi tên thành Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định.
Đến tháng 6/1995 được đổi tên thành Công ty Dệt Nam Định, tháng 7/2005 được đổi tên thành Công ty TNHH Nhà nước MTV Dệt Nam Định, là doanh nghiệp hạch toán độc lập trực thuộc Tổng công ty Dệt May Việt Nam (VINATEX), nay là Tập đoàn Dệt May Việt Nam.
Đến ngày 1/1/2008, Công ty đã chính thức chuyển sang hoạt động công ty cổ phần, có tên là Tổng công ty Cổ Phần Dệt May Nam Định.
Giai đoạn những năm 1980-1990, vải lụa Nam Định - sản phẩm chủ lực của Nhà máy - là một thương hiệu nổi tiếng. Đây cũng là thời kỳ phát triển mạnh của nhà máy, đời sống của cán bộ, công nhân ở đây hơn hẳn mặt bằng trung bình ở địa phương cũng như trong cả nước.
Ông Nguyễn Văn Miêng - Tổng giám đốc Dệt May Nam Định, trong một bài báo của VnExpress cho biết, giai đoạn đỉnh cao của nhà máy Dệt là những năm sau thống nhất đất nước. Khi đó, Dệt Nam Định có hơn 18.000 cán bộ công nhân viên, tương đương 10% dân số thành phố. Số cán bộ nhân viên thời đó còn gấp 3,5 lần hiện tại (năm 2016).
"Là một phần không thể thiếu của kinh tế Nam Định, mỗi khi đến ngày phát lương của nhà máy là mặt bằng giá cả thành phố biến động, do người dân đổ xô đi mua bán", VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Văn Miêng.
"Biểu tượng của thành phố" di rời khỏi nội đô
Từ khoảng những năm 2003 trở đi, Dệt May Nam Định dần đánh mất hào quang quá khứ. Một trong những lý do có thể kể đến cho những khó khăn mà Dệt May Nam Định gặp phải trong giai đoạn này là việc nhà máy phải di rời khỏi nội đô.
Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 64 về kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường, và nhà máy dệt Nam Định nằm trong diện gây ô nhiễm cần xử lý.
Theo đó, nhằm thực hiện chủ trương này, sẽ được di chuyển đến khu công nghiệp Hòa Xá (xã Mỹ Xá, TP Nam Định) nơi xa dân cư để tránh gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh.
Theo quy hoạch chung phát triển thành phố Nam Định, toàn bộ diện tích khu vực sau khi di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất ra khu công nghiệp sẽ được đầu tư xây dựng thành Khu đô thị Dệt may Nam Định, thiết lập nên trung tâm hành chính mới của thành phố với khu trung tâm thương mại, dịch vụ, chung cư cao tầng tạo nên một khu đô thị “cốt lõi” hiện đại của thành phố trong tương lai.
Tổng diện tích quy hoạch là 24,81 ha do Công ty CP Phát triển đô thị Dệt may Nam Định (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) làm chủ đầu tư, với tổng mức kinh phí dự kiến 412 tỷ đồng.
Trong lộ trình thực hiện di dời, sẽ giữ lại toàn bộ các di tích lịch sử, văn hóa có ý nghĩa với ngành dệt Nam Định như: Cây bàng lịch sử - nơi ghi dấu phong trào đấu tranh của công nhân nhà máy, bảo tàng dệt may nơi có khu nhà truyền thống mà Bác Hồ từng nghỉ ngơi khi ba lần về thăm. Bảo tàng cũng trưng bày những hình ảnh tư liệu và các loại máy móc thiết bị để phục vụ thăm quan.
Số lao động ngày nay chưa bằng 1/3 thời đỉnh cao
Tổng công ty Cổ Phần Dệt May Nam Định hiện nay có 4 công ty con được hợp nhất báo cáo tài chính, sản xuất sợi, vải dệt, may quần áo, khăn, chăn,...
Theo báo cáo thường niên của công ty, cuối năm 2021, công ty mẹ có 1.069 lao động, hợp nhất có 1.695 lao động. Trong khi vào năm 1924, số công nhân của Nhà máy đã lên tới 6.000 người.
Thu nhập bình quân của nhân viên công ty năm 2021 là 7,66 triệu đồng. Với mức độ thu nhập này, Dệt may Nam Định của ngày nay có trả lương cũng không còn khả năng khiến mặt bằng giá cả thành phố biến động.
Tổng tài sản của công ty tại thời điểm BCTC gần nhất (30/06/2022) là 1.254 tỷ đồng, trong đó cơ cấu tài sản tương đối cân bằng, tài sản ngắn hạn chiếm 47% tổng tài sản.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty là 2,75 lần, cho thấy tài sản đang được tài trợ chủ yếu bởi nợ phải trả. Trong đó, dư nợ vay của công ty lên tới 707 tỷ đồng, bao gồm 377 tỷ đồng vay ngắn hạn và 330 tỷ đồng vay nợ trung dài hạn.
Với mức doanh thu thường xuyên trên 700 tỷ đồng/năm, từ 2018 là trên 1.000 tỷ đồng/năm nhưng lợi nhuận của công ty lại rất khiêm tốn và không ổn định trong những năm trở lại đây. Năm 2019, công ty lỗ hơn 10 tỷ và năm 2020 lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt 1,5 tỷ đồng.
Năm 2019 không phải là năm thành công với các doanh nghiệp trong ngành dệt may khi nhìn tổng thể, kim ngạch xuất khẩu của cả ngành chỉ đạt 97,5% so với kế hoạch, tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với năm 2018.
Nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả thực hiện của toàn ngành dệt may 2019 là sự biến động lớn của thị trường. Cụ thể, tổng nhu cầu dệt may thế giới 2019 giảm mạnh so với năm 2018; đơn hàng nhỏ tăng, thời hạn giao hàng rút ngắn, cạnh tranh mạnh về giá bán, biến động giá nguyên liệu xơ sợi khó lường; thị trường xuất khẩu sợi chính (Trung Quốc) bị thu hẹp; cạnh tranh gay gắt với hàng nhập lậu, hàng giả, sự có mặt của các thương hiệu nước ngoài ....
Bên cạnh đó do những hạn chế vốn có từ nền kinh tế trong nước như chi phí đầu vào cao, năng lực cạnh tranh thấp, kiểm soát thị trường... và của bản thân các doanh nghiệp như khả năng dự báo, khai thác năng lực hiện có... cũng làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh chung của ngành, trong đó có Dệt May Nam Định.
Sang năm 2021, tình hình kinh doanh của Dệt May Nam Định đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn. Đây là năm mà công ty đạt doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.
Cụ thể, doanh thu hợp nhất của công ty đạt 1.451 tỷ đồng, hoàn thành 128% kế hoạch và tăng trưởng 29% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2021 của công ty đạt 84 tỷ đồng, tăng tới gần 56 lần so với năm 2021.
Nửa đầu năm 2022, Dệt May Nam Định cũng đang cho thấy những dấu hiệu tích cực khi doanh thu đạt 643 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 57 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 91% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời