"Nhà trọ quan tài" giữa thời dịch bệnh: Bóc trần sự bất công trong xã hội và nỗi lòng không phải ai cũng thấu
Với những người nghèo, thất nghiệp phải sống trong "nhà trọ quan tài" hay còn được biết đến với cái tên là "nhà lồng", cuộc sống của họ nay càng trở nên khó khăn hơn giữa dịch Covid-19.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, Lum Chai thường ra công viên hay đi uống bia cùng bạn bè mỗi tối để thoát khỏi không gian sống chật chội. Hiện giờ, các hàng quán đã đóng cửa gần hết, người đàn ông 45 tuổi tại Hong Kong chỉ biết lang thang một mình trên đường phố để giết thời gian và tránh xa hàng xóm xung quanh.
Việc thực hiện giãn cách xã hội, ở yên trong nhà giữa thời điểm dịch bệnh này là điều thật khó đối với ông Lum. Ông sống bên trong "nhà lồng" ở Hong Kong, nơi không gian được chia nhỏ cho mỗi người vừa đủ kê chiếc giường và một số quần áo. Hàng xóm kế cận chỉ cách vài bước chân, sống trong cùng một phòng.
"Nhà trọ quan tài" hay "nhà lồng" thường rộng không quá 9m2, nó chỉ nhỉnh hơn hầu hết các nhà tù trong thành phố khoảng 2m2. Phòng tắm và nhà vệ sinh chủ yếu được dùng chung và thường không có nhà bếp. Các phòng được ngăn cách bởi các "bức tường" tạm bợ hoặc di động.
Ông Lum hiện tại đang thất nghiệp và mỗi tháng ông sẽ phải trả 1800 đô Hong Kong (HKD) (hơn 5,3 triệu đồng), cho căn hộ chật chội được chia cho 10 người. Tình cảnh của ông Lum quả thực rất khó khăn nhưng trường hợp như ông không phải là hiếm ở Hong Kong.
Một người đàn ông co quắp trong không gian chật hẹp của "nhà trọ quan tài".
Ông Lum Chai, 45 tuổi.
9 trên 10 người tại Hong Kong đang sống trong những căn hộ dưới 7m2 và phải trả tiền thuê ở mức cao bậc nhất thế giới. Theo Công ty đầu tư bất động sản CBRE, chi phí trung bình của một ngôi nhà là hơn 1,2 triệu USD (28 tỷ đồng) vào năm ngoái.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều khu vực công cộng đã bị đóng cửa, Thư viện ngừng hoạt động, máy tập trong công viên (văn hóa thường thấy ở các nước Á Đông) bị niêm phong, các nhà hàng và quán bar cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tất cả đều bị cấm tụ tập ở nơi công cộng, số lượng không quá 4 người.
Từ khi virus lây lan hồi tháng 1, Hong Kong ghi nhận ít hơn 1.050 ca nhiễm và chỉ mới có 4 trường hợp tử vong. Do đó, người dân đa phần đều ủng hộ quyết định giãn cách xã hội để phòng tránh sự lây nhiễm của dịch bệnh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa cuộc sống của họ sẽ trở nên dễ thở hơn.
"Tôi rất cô đơn. Bầu không khí trên đường phố không giống trước kia. Rất ít người ngồi trong công viên, trẻ em không còn nô đùa và người già không chơi cầu lông nữa", ông Lum nói.
Bóc trần xã hội phân hóa giàu - nghèo
Hong Kong từ lâu đã nổi danh là một trung tâm tài chính hết sức thịnh vượng, với những cư dân giàu có sống tại các tòa nhà chọc trời đắt đỏ. Lối sống hào nhoáng đó là có thật nhưng vẫn là chưa đủ, Hong Kong trên thực tế cũng là nơi có sự chênh lệch giàu nghèo lớn nhất thế giới, khi cứ 5 người lại có 1 người sống trong cảnh nghèo túng.
Giá bất động sản tăng phi mã là một trong những vấn đề làm cuộc sống của người nghèo trở nên khốn đốn hơn. Kể từ khi Covid-19 xuất hiện, sự chênh lệch giàu - nghèo ấy lại càng nổi bật hơn. Người nghèo chỉ có thể trú ẩn trong những căn "nhà lồng" chật chội, những "nhà trọ quan tài" đầy bí bách.
Cheung Lai Hung và Chan Yuk Kuen là hai người phụ nữ gần 60 tuổi nay đã về hưu. Họ cho biết kể từ khi đại dịch xảy ra, mỗi ngày thời gian ở lại căn hộ rộng chưa đầy 9m2 của họ tăng thêm 10 tiếng đồng hồ. Cả hai giết thời gian bằng cách xem tivi, nghe nhạc hoặc ngủ trưa.
"Chúng tôi sợ hãi tình cảnh hiện tại", Cheung nói.
Cheung Lai Hung (trái) và Chan Yuk Kuen (phải) chỉ biết đóng cửa phòng hết xem tivi lại ngủ cho qua ngày giữa đại dịch.
Có một yếu tố khác buộc nhiều người phải ở nhà: Đó chính là vấn đề tài chính. Jeff Rotmeyer - người sáng lập tổ chức từ thiện Impact HK chuyên hỗ trợ người nghèo - cho biết nhiều người tìm kiếm sự giúp đỡ từ tổ chức gần đây. Họ là những người bị cắt giảm giờ làm, hoặc tệ hơn là mất việc.
"Một số bị đuổi khỏi nhà trọ vì không thể trả tiền thuê nữa. Tôi không nghĩ mọi người hiểu tình cảnh như ở bờ vực thảm họa của những người sống trong căn hộ không quá 9m2". Rotmeyer nói.
"Mất việc và không được hỗ trợ kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng vô gia cư. Các chủ nhà không do dự việc đổi ổ khóa và thẳng tay đuổi người thuê ra khỏi phòng nếu họ không trả chỉ 1 tháng tiền thuê nhà", ông nói thêm.
Khó khăn chất chồng giữa đại dịch
Một ngày đầu tháng 4, Lum Chai nằm trong số 100 người xếp hàng chờ nhận bữa ăn miễn phí từ Impact HK ở khu phố Tak Kok Tsui, phía tây Mong Kok và Sham Shui Po - 2 trong số thành phố nghèo và đông dân nhất của Hong Kong.
Ông Jeff Rotmeyer cho hay dòng người chờ đợi dài hơn bình thường, bao gồm những người như ông Lum, có cả người già đã về hưu và những người mới thất nghiệp. Nhu cầu nhận bữa ăn miễn phí lấn át mong muốn tuân thủ giãn cách xã hội, khi mọi người chen lấn trong hàng dài.
“Sự hoảng loạn và sợ hãi có thể thấy ở mỗi người đứng đây. Bởi sự thật là nếu không lấy được đồ ăn ở chỗ chúng tôi, họ sẽ phải nhịn đói. Chúng tôi cố gắng đảm bảo việc giãn cách xã hội cho các cá nhân khi xếp hàng, nhưng điều đó thật khó khăn”, Rotmeyer nói.
Khi được hỏi về khó khăn trong việc duy trì khoảng cách thích hợp với người khác khi sống trong không gian chật chội như "nhà lồng", "nhà quan tài", một số cư dân nhún vai, nói rằng họ chỉ biết đóng cửa.
Dòng người chờ nhận bữa ăn từ thiện của Impact HK hôm 7/4.
Tại Hong Kong, nhà chức trách công bố gói cứu trợ trị giá 37 tỉ USD để giải tỏa gánh nặng cho nền kinh tế, bao gồm gỡ thuế, hỗ trợ phí thuê cho người thu nhập thấp trong các nhà ở công cộng, tặng 10.000 đô la Hong Kong (khoảng 30 triệu đồng) cho công dân từ 18 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, tác động đến tâm lý từ việc tự cô lập trong không gian chật chội và tổn thương về tinh thần khi giãn cách xã hội lại không được đề cập tới và được quan tâm đúng mực.
"Thực sự là thách thức khi thực hiện giãn cách xã hội ở một thành phố đông dân và sôi động như Hong Kong", người phát ngôn của chính phủ cho biết trong một tuyên bố và nói thêm rằng nhiều người vẫn tụ tập ở các công viên trong thành phố.
Đối với Lum, đối phó với sự cô đơn và nỗi sợ hãi giữa mùa dịch càng trở nên khó khăn khi ông không còn trò chuyện với gia đình mình nữa. Vào lúc này, ông thường ngồi một mình, giết thời gian bằng bia rượu. Dẫu vậy, nó cũng chẳng khiến tâm trạng của ông tốt hơn.
"Thật cô đơn. Tôi uống vài chai bia sau đó về nhà và ngủ. Tôi hy vọng virus sớm bị tiêu diệt và Hong Kong sẽ bận rộn trở lại. Một thành phố sôi động", Lum nói.
Giữa đại dịch, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming