Nhân lực không đông hơn Ấn Độ, không rẻ hơn Indonesia, không giỏi hơn các nước khác, tại sao Samsung vẫn chọn Việt Nam?

    PV,  

    Một lãnh đạo Samsung nói: Nguyên nhân chính xét về tổng thể thì Việt Nam là quốc gia có ưu thế cạnh tranh hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực.

    Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Samsung Eletronics Việt Nam với mục tiêu hoạt động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện, điện tử và viễn thông công nghệ cao.

    Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD (tương đương 6.700 tỷ đồng). Dự án nằm trong khu chức năng đô thị Nam đường vành đai 3, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

    Tại diễn đàn CEO diễn ra chiều 1/4 tại Hà Nội, trả lời câu hỏi đâu là lý do khiến Samsung quyết định đầu tư 300 triệu USD xây dựng Trung tâm R&D tại Việt Nam?

    Một lãnh đạo Samsung nói: Nguyên nhân chính xét về tổng thể thì Việt Nam là quốc gia có ưu thế cạnh tranh hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực. Do đó Samsung đã quyết định đầu tư xây dựng trung tâm tại Hà Nội.

    Vị này kể rằng, trong các cuộc gặp gỡ, giao lưu với giáo viên ở các trường đại học Việt Nam, nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng là do nhân công Việt Nam giá rẻ, nguồn lao động dồi dào là lý do Samsung quyết định đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ở Việt Nam?

    "Yếu tố nguồn lao động giá rẻ và dồi dào là một trong những yếu tố quan trọng nhưng đối với Samsung thì đó không phải là quan trọng nhất khiến Samsung đầu tư vào Việt Nam.

    Việt Nam cũng không phải là quốc gia có nguồn lao động dồi dào, nếu so với Ấn Độ thì nguồn lao động của họ còn dồi dào hơn nhiều; Chi phí nhân công của Indonesia cũng rẻ hơn Việt Nam; trình độ nhân lực của Việt Nam cũng không cao hơn các quốc gia khác, không có gì khác biệt...", vị này khẳng định.

    Vậy "về tổng thể" mà lãnh đạo Samsung nhắc tới ở đây là gì?

    Có thể hiểu đơn giản đó là những yếu tố kể trên kết hợp lại, cộng với những "biệt đãi" mà Chính phủ Việt Nam dành cho Samsung.

    Dự án này được Chính phủ miễn tiền thuê đất trong vòng 50 năm kể từ ngày được bàn giao đất. Số tiền Samsung tiết kiệm được nhờ miễn tiền thuê đất.

    Chưa kể thêm 11 ưu đãi còn lại Samsung vẫn đang chờ Chính phủ xem xét và phê duyệt. Trong đó, có nhiều tham vọng của Samsung đã được UBND Tp. Hà Nội tán thành, trên quan điểm sẽ hỗ trợ các khoản tiền dành cho giải phóng chi phí mặt bằng...

    Liên quan đến vấn đề này, cũng tại hội thảo, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen ông Lê Phước Vũ đặt câu hỏi cho lãnh đạo Samsung: Samsung đã mang lại cho chúng tôi cơ hội đầu tư lớn, tạo công ăn việc làm, kim ngạch xuất nhập khẩu và ngân sách nhưng các bạn hưởng ưu đãi khá cao.

    "Điều này tốt nhưng không biết Samsung đã tạo ra bao nhiêu doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp phụ trợ cung cấp phụ kiện cho các sản phẩm của Samsung?", ông Vũ đặt câu hỏi.

    Ông Vũ cũng cho biết nhiều doanh nghiệp, Tập đoàn Nhật Bản đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam trong khi doanh nghiệp cung cấp linh, phụ kiện vẫn là doanh nghiệp Nhật Bản, Đài Loan.

    "Có bao nhiêu phần trăm tỷ lệ nguyên liệu thành phẩm được doanh nghiệp Việt Nam cung ứng? Cuối cùng thì DN Việt Nam được lợi gì?”, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen đặt câu hỏi.

    Theo Trí thức trẻ/CafeBiz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ