Nhân tin đồn Galaxy S10E có màu vàng chuối: màu sắc điện thoại liệu có phải là một yếu tố quan trọng
Nếu màu sắc là thứ vụn vặt, tại sao người ta lại tốn công nghĩ ra những cái tên hoành tráng như Jet Black, Phantom Blue và Pearl White, thay vì gọi đơn giản là đen, xanh dương, và trắng?
Khi một hình ảnh rò rỉ về chiếc điện thoại Galaxy S10E màu vàng Canary Yellow được đồn đoán từ lâu xuất hiện trên mạng, cả Internet lập tức nổi lên cơn sốt màu vàng. Điều tương tự cũng diễn ra với chiếc Huawei P20 Pro màu Twilight (hồng - xanh dương - tím), chiếc Oppo Find X với viền màu mờ tối, và chiếc OnePlus 6T màu tím Thunder Purple. Mọi số liệu về doanh số lẫn các chuyên gia kinh doanh đều nói rằng màu sắc là thứ cuối cùng bạn nghĩ đến khi chuẩn bị mua điện thoại - bạn quan tâm nhiều hơn đến camera, pin, và màn hình. Nhưng các nhà thiết kế sản phẩm hay các chuyên gia marketing sẽ nói điều ngược lại, rằng màu sắc và chất lượng cũng quan trọng không kém.
Cứ thử nghĩ mà xem, nếu màu sắc là thứ vụn vặt, tại sao người ta lại tốn công nghĩ ra những cái tên hoành tráng như Jet Black, Phantom Blue và Pearl White, thay vì gọi đơn giản là đen, xanh dương, và trắng? Thậm chí là, tại sao người ta lại phải nghĩ ra một chiếc điện thoại màu trắng chứ? Cứ làm màu đen cho khỏe?
"Màu sắc luôn là một yếu tố thị giác rất quan trọng. Đó là thứ người ta chú ý ngay lập tức" - Barbara Khan, giáo sư marketing tại Trường Wharton nói.
OnePlus 6T màu tím Thunder Purple
Tính bắt mắt là rất quan trọng khi bạn muốn bán bất kỳ sản phẩm nào. Đó là thứ giúp người ta chú ý đến một sản phẩm. Nhưng một chiếc điện thoại đầy màu sắc còn thể hiện tính cách bản thân và mang những ý nghĩa nhất định nữa.
"Màu sắc mang lại niềm vui trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta khao khát những thứ mới, chứ không chỉ là những chiếc hộp đen, bóng loáng" - Isabelle Olsson, trưởng nhóm thiết kế Pixel 3 màu hồng Not-Pink do biết.
Apple là một ví dụ về triết lý này. Trong nhiều năm qua, những màu "đặc biệt" nhất của iPhone luôn là trắng, vàng, vàng hồng, và đen bóng - đều là những tông màu khá trung tính. Chỉ những mẫu iPhone XR và iPhone 5C mới có màu xanh dương đậm, vàng, và đỏ san hô để phân biệt với những mẫu iPhone cao cấp hơn. Một ngoại lệ mà ai cũng biết: chiếc iPhone phiên bản đặc biệt màu đỏ, được Apple sản xuất để ủng hộ quỹ từ thiện Product RED.
Cầm trên tay một chiếc điện thoại với màu sáng đôi lúc nói lên một số điều về chính bản thân bạn. "Nó khiến điện thoại của bạn độc đáo hơn nhiều, và giúp cá nhân hóa chiếc điện thoại. Thêm một lý do khác biệt để mua máy" - Khan nói. Nó còn chứng minh với mọi người rằng bạn đang đi theo xu hướng mới nhất.
Nổi bật giữa đám đông
Chiếc Huawei Mate 20 Pro màu gradient
Giúp bạn thể hiện bản thân là một chuyện, nhưng màu sắc còn mang lại lợi thế cạnh tranh cho một chiếc điện thoại. Các mẫu máy P20 Pro, Mate 20 Pro của Huawei và View 20 của Honor đều có các bản mặt lưng màu gradient cùng họa tiết khắc chìm "thu hút từ ánh nhìn đầu tiên", tách biệt thương hiệu của họ với các đối thủ.
"Chúng tôi gặp phải nhiều bất lợi vì không phải là một thương hiệu nổi tiếng với người tiêu dùng so với các đối thủ khác, vốn lớn hơn và được nhận diện tốt hơn trong ngành công nghiệp" - Joonsuh Kim, Giám đốc thiết kế của mảng tiêu dùng của Huawei cho biết.
Ông đang nhắc đến Samsung, hãng sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Nhưng Huawei cũng đâu phải một startup nhỏ lẻ nào đó? Năm ngoái, họ đã vượt mặt Apple để trở thành thương hiệu điện thoại lớn thứ 2 thế giới, và dự định sẽ lật đổ ngai vàng của Samsung vào năm 2020. Dù Samsung thừa nhận doanh số chững lại trong năm 2018 (Apple cũng vậy), Huawei lại công bố thị phần của họ đang tăng lên: họ đã bán được 200 triệu máy tính đến cuối năm 2018. Có vẻ như những khoản đầu tư khổng lồ của họ vào thị trường điện thoại đã được đền đáp.
Về phía Samsung, hãng điện tử Hàn Quốc bán điện thoại với đủ loại màu sắc, miễn nằm trong bảng màu cầu vồng, mà ví dụ gần đây nhất chính là chiếc Galaxy Note 9 màu xanh dương đậm đi kèm bút stylus màu vàng tươi. Quả là chói mắt!
Tại Trung Quốc, Huawei cũng bắt đầu sử dụng nhiều màu sắc hơn nhằm thu hút sự chú ý của người dùng nữ giới và thanh niên trẻ tuổi. "Chúng tôi cần đảm bảo các màu sắc của mình dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng nữ giới và cả một bộ phận thanh niên trẻ tuổi nữa" - ông nói, cho biết thêm rằng Huawei muốn trở thành sự lựa chọn trong mắt những người tiêu dùng đam mê thời trang - một điều mà một chiếc điện thoại màu đen bình thường không thể làm được.
Chẳng phải chúng ta rốt cuộc cũng sắm ốp cho điện thoại sao?
Đọc đến đây, hẳn bạn sẽ nói ngay: "Ai quan tâm? Rồi cũng bỏ vào ốp thôi". Không sai, và bạn thực sự nên sắm ốp và dán màn hình để bảo vệ điện thoại, ngay cả khi bạn làm việc đó để đảm bảo giá trị bán lại hoặc trao đổi của máy. Nhưng trong quá trình đưa ra quyết định, logic đó có lẽ không quan trọng như bạn nghĩ.
"Mọi người muốn bảo vệ những chiếc điện thoại quý giá của họ" - Kim, trước đây là thiết kế sản phẩm của Samsung, nay làm việc cho Huawei, nói - "Nhưng khi họ đưa ra quyết định mua sắm, chúng tôi thực sự cần phải đưa ra một sản phẩm có sức lôi cuốn", và theo Kim, thay đổi qua lại giữa các ốp lưng cũng là một cách để biểu đạt phong cách.
Có lẽ màu sắc điện thoại cũng giống như đồ lót hàng hiệu vậy: cần gì phải ai thấy, miễn bạn biết bạn đang mặc là được!
Màu đen nhàm chán, nhưng bán tốt
Dù những chiếc điện thoại màu sắc sặc sỡ trông bắt mắt, nhưng trên thực tế chúng không bao giờ bán tốt như màu đen, trắng và xám. Kim biết điều đó, thừa nhận rằng màu Twilight (màu gradien xanh dương - hồng - tím) của P20 Pro không thể qua mặt được màu đen. "Màu Twilight rất phổ biến. Nhưng...xét đến cùng, màu trung tính thực sự bán được nhiều hơn".
Google cũng biết điều này, đó là lý do tại sao màu hồng Not-Pink của Pixel 3 có xu hướng giống màu beige hơn là màu hồng của kẹo cao su hay hoa hoòng.
"Chúng tôi muốn đảm bảo có thứ gì đó cổ điển và bảo thu một chút, một thứ sáng sủa và tươi mới, và Not-Pink hơi nổi bật nhưng vẫn trung tính" - Olsson nói, nhấn mạnh rằng nhóm thiết kế của Apple đã phát triển màu này trong 2 năm rưỡi, trì hoãn nhiều lần vì cho rằng cả thế giới chưa sẵn sàng đón nhận cho đến thời điểm này.
"Điều tuyệt vời về màu Not-Pink là nó có sức hút cụ thể, nhưng không nhắm vào một giới tính cụ thể nào" - Olsson nói.
Pixel 3 màu hồng Not-Pink
Dấu hiệu chững lại của công nghệ?
Có một lý do khác khiến các thương hiệu smartphone muốn sử dụng màu sắc sặc sỡ thay vì màu trung tính. Điện thoại ngày nay không nhanh hỏng như các nhà sản xuất mong muốn, và vì vậy khách hàng giữ máy lại lâu hơn. Công nghệ đã chững lại, khiến người tiêu dùng có ít lý do để nâng cấp hơn.
Ở thời điểm này, chiến lược marketing kinh điển đối với bất kỳ ngành công nghiệp nào chính là thay đổi bảng màu mỗi năm để dụ dỗ bạn mua những màu sắc "phải có" hoặc chấp nhận mình là người "lỗi thời".
"Nếu bạn không cải tiến đáng kể công nghệ, bạn sẽ phải chuyển hướng sang thiết kế và thẩm mỹ" - Khan nói, chỉ ra điều tương tự đã diễn ra với điện thoại có dây vào những năm 1980, lôi kéo lũ trẻ với những chiếc điện thoại phong cách công chúa, màu neon, và màu đục mờ. Công nghệ không thay đổi là bao, nhưng cách đóng gói thì khác.
Mọi thứ trong năm 2019 có sự khác biệt. Samsung sắp công bố chiếc điện thoại màn hình gập đầu tiên vào ngày mai, kéo theo cuộc đua thiết kế điện thoại màn hình gập từ các đối thủ như Huawei, LG và Xiaomi. Điện thoại có kết nối 5G cũng sẽ bắt đầu xuất hiện tại MWC cuối tháng này. Và các điện thoại với 3 hay nhiều camera sau hơn cũng sẽ bùng nổ, khuấy động thị trường đang cực kỳ nhàm chán với những tính năng như trêu ngươi người dùng, dù chúng có thành công hay không.
Liệu màu sắc có tiếp tục đóng vai trò chủ đạo đối với các thiết bị phổ biến? Liệu những chiếc điện thoại màn hình gập tuyệt vời như Galaxy X/F/Fold sẽ chỉ có màu đen? Dù điều gì diễn ra, chúng ta có thể đảm bảo rằng các nhà sản xuất điện thoại sẽ không ngừng tìm những lợi thế cạnh tranh dưới mọi hình thức có thể.
"Chúng tôi luôn muốn là người tiên phong trong ngành công nghiệp. Chúng tôi cần tiến đến những cái mới. Chúng tôi sẽ không đứng mãi ở nơi mình đang đứng lúc này" - Kim nói.
Tham khảo: CNET
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"
Không chỉ là một mô hình AI mới, sự ra đời của Gemini 2.0 còn được Google xem như là cột mốc chuyển giao sang thời đại của các "tác nhân AI".
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI