Nhân vật mới được bổ nhiệm của Lầu Năm Góc có lý do để khiến Facebook, Microsoft, Amazon lo ngại

    Nguyễn Hải,  

    Bởi vì đó là một gương mặt rất lạ mà quen: Eric Schmidt.

    Hôm thứ Tư vừa qua, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Ashton Carton vừa bổ nhiệm ông Eric Schmidt trở thành người đứng đầu Hội đồng tư vấn cải tiến Quốc phòng. Hội đồng này sẽ giúp Lầu Năm Góc theo kịp với các ý tưởng mới nhất của thung lũng Silicon và áp dụng chúng vào Bộ Quốc Phòng.

    Hội đồng của ông sẽ giải quyết các vấn đề về cách công nghệ hóa Bộ Quốc Phòng cũng như mang lại những giải pháp nhanh chóng cho các vấn đề của họ. Tuy nhiên nhóm của Schmidt sẽ không được quyền truy cập vào những thông tin liên quan đến các chiến dịch quân sự.

    Nếu các bạn vẫn còn nhớ, Eric Schmidt hiện đang là Chủ tịch của tập đoàn Alphabet, công ty mẹ của Google, và bản thân ông trước đây từng là CEO của Google trong những năm đầu hoạt động. Dễ thấy đây sẽ là một lợi thế "đi đêm" cực lớn cho Google khi “người nhà” của mình lại có chân ở một trong những cơ quan quyền lực nhất thế giới.

     Ông Eric Schmidt.

    Ông Eric Schmidt.

    Nhưng Schmidt có thể giúp Bộ Quốc Phòng Mỹ tiếp cận với những công nghệ gì? Một công cụ tìm kiếm với lượng người dùng lớn nhất thế giới để dò tìm những tên khủng bố chăng? Rất có thể. Hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới để thống nhất thông tin liên lạc cho khoảng 1,5 triệu binh lính và sĩ quan chăng ? Một khả năng đáng cân nhắc. Thực tế hơn một chút đi, bạn sẽ thấy Google có những điều khác còn hơn cả một công cụ tìm kiếm và một hệ điều hành di động.

    Alphabet, nơi ông Schmidt đang làm chủ tịch, ngoài hai con gà đẻ trứng vàng trên, cũng đang theo đuổi vô số các dự án đầy tham vọng khác. Nổi bật trong số đó là các dự án như ô tô tự lái, thiết bị IoT, máy bay không người lái, robot thông minh, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo… cũng như các dự án nghiên cứu về con người khác. Hầu hết những dự án đó đều có tiềm năng ứng dụng to lớn trên chiến trường. Một chiếc máy bay vận tải thông minh có thể chở đồ tiếp tế cho binh sĩ ngoài chiến trường mà không cần người lái với tốc độ cao. Khinh khí cầu hay máy bay không người lái cũng có thể phủ sóng Internet tốc độ cao đến các binh lính trên thực địa cũng như dữ liệu điều khiến cho các thiết bị tại đó.

    Trong khi đó, Lầu Năm Góc cũng có DARPA (Cơ quan các dự án phòng thủ tiên tiến), cơ quan có nhiều dự án tương đồng với các công ty con của Alphabet, nhưng tiến triển khá chậm chạp. Do vậy việc ông Eric Schmidt trở thành người đứng đầu một cơ quan tư vấn về công nghệ cho Bộ Quốc Phòng sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Lầu Năm Góc sẽ có thêm những bộ não hàng đầu, cũng như tiến bộ công nghệ cho các công trình nghiên cứu này. Còn Alphabet sẽ có thêm không chỉ ngân sách hỗ trợ cho mình, mà còn khả năng ứng trong thực tế cho những dự án đầy tham vọng đó.

    Rõ ràng, đồng thời với việc mang lại lợi thế cho Alphabet để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu các dự án này, đây cũng là mối nguy cho các đối thủ của họ. Dưới đây là một số tác động có thể có đến những đối thủ này của Alphabet, ít nhất với những dự án mà cả hai có chung dự định.

    Máy bay vận tải không người lái

    Thiết bị đầy tham vọng này, không chỉ có Google X nghiên cứu, mà còn có ông trùm về thương mại điện tử, Amazon. Tuy nhiên, những quy định về cấp phép của FAA đã cản trở không cho dịch vụ này của Amazon đi vào vận hành. Một thiết bị thông minh dựa trên việc học hỏi các kinh nghiệm từ thực tế như máy bay không người lái hay xe tự hành, liệu có còn thông minh nữa khi nó không được lao ra đường và tự học từ đó.

    Bạn có thể thấy tiếc cho Amazon, nhưng Alphabet thì không. Project Wing của Google vốn đã được FAA cấp phép để thử nghiệm trong thực tế. Nay nếu được sự hỗ trợ của DARPA và Bộ Quốc Phòng Mỹ, Project Wing của Alphabet sẽ như hổ thêm cánh, với sự bổ sung về ngân sách và công nghệ. Không những vậy, những sản phẩm khi ra mắt sẽ nhanh chóng được ứng dụng, giúp thu thập thêm dữ liệu từ các tình huống trong thực tế, và ngày càng trở nên thông minh hơn, (bản thân DARPA cũng có dự án VTOL X-Plane, máy bay vận tải không người lái có thể đạt tốc độ đến 600-700 km/h)

    Ô tô tự lái

    Được xem như một nền tảng điện toán mới của thế giới, khi ý tưởng xe tự lái đang thu hút những người khổng lồ về công nghệ chạy đua trong lĩnh vực này, và DARPA cũng không ngoại lệ. Nhưng thay vì trực tiếp đầu tư, DARPA lại đứng ra tổ chức cuộc đua xe tự lái mang tên Grand Challenge, để nhiều bên có thể cùng cạnh tranh nhau và chọn ra người chiến thắng.

    Nếu có thể kết hợp cùng DARPA, Google X sẽ không còn đơn độc trong công cuộc nghiên cứu công nghệ này nữa. Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong dự án nghiên cứu của mình, nhưng với sự trợ giúp của DARPA, Google X có thể tiếp cận được với tiến bộ của những đơn vị khác, thúc đẩy dự án của mình tiến nhanh hơn so với các đối thủ khác. Tesla, Uber và những tay đua khác nên dè chừng với điều này.

    Thực tế ảo tăng cường

    Một trong những yếu tố tăng cường sức chiến đấu của quân đội là công tác đào tạo. Các thiết bị hiện đại là vô dụng nếu các binh sĩ trở nên hoảng loạn, hoặc mất khả năng phán đoán khi rơi vào các tình huống bom rơi đạn nổ ngoài đời thực. Giải pháp tiết kiệm chi phí cho những buổi huấn luyện lái xe tăng, trực thăng, hay định hướng không kích và pháo kích, chính là công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR).

    Nhưng Microsoft, với Hololens, thiết bị thực tế tăng cường đình đám trên thế giới, có thể không vội vui mừng. Magic Leap, startup về công nghệ AR, được đồn đại còn ưu việt hơn hẳn so với Hololens. Đến nay, startup bí ẩn này đã nhận được ít nhất 500 triệu USD đầu tư từ Alphabet trong tổng số vốn đầu tư lên đến 4,5 tỷ USD. Với tổng cộng khoảng gần 3 triệu binh lính cả thường trực và dự bị, chắc chắn nhu cầu đào tạo bằng công nghệ cao này của bộ quốc phòng Mỹ hàng năm là không nhỏ.

    Thiết bị đeo thông minh.

    Tháng Tám – 2015, Apple đã gia nhập với một nhóm khoảng 160 công ty và tổ chức nghiên cứu khác trong dự án nghiên cứu chế tạo thiết bị đeo thông minh cho Quân đội Mỹ, với mục đích theo dõi các chỉ số của binh sĩ cũng như tình trạng của máy bay, tàu chiến mà họ đang ở trên.

    Tuy nhiên, dự án này có nhiều điểm tương đồng với một dự án tương tự của DARPA và Alphabet. Hiện cả DARPA và Alphabet đều có các dự án nghiên cứu kính áp tròng thông minh. Trong khi, dự án của công ty Verily (công ty thuộc Alphabet, phụ trách dự án này) hướng đến việc thu thập dữ liệu sinh học của người dùng, thì dự án của DARPA còn nhằm cung cấp dữ liệu trinh sát theo thời gian thực cho binh lính.

    Thiết bị phủ sóng Internet

    Trong một trận chiến với sự tham gia nhiều thiết bị công nghệ cao như trên, việc mang internet tốc độ cao và bảo mật, để đảm bảo thông tin liên lạc trong chiến đấu là tối cần thiết. Tại chiến trường Iraq, việc truy cập internet của binh sĩ được truyền qua vệ tinh, nhưng với chi phí rất đắt đỏ và chủ yếu chỉ ở tại các căn cứ quân sự.

    Trong khi đó, cả Facebook và Alphabet đều đang chạy đua cho việc phủ sóng Internet đến toàn cầu, không chỉ những khu vực đông dân cư mà còn cả những vùng hẻo lánh, ít người sinh sống. Điều đó cũng đồng nghĩa với khả năng mang Internet không dây đến cho mọi binh sĩ trên chiến trường, và lợi thế có lẽ đang nghiêng về phía Alphabet (hay Google).

    Khả năng "đi đêm"

    Dù rằng Hội đồng tư vấn này không phải chỉ mình ông Eric Schmidt mà còn rất nhiều những chuyên gia và nhà nghiên cứu khác, nhưng với mối quan hệ chặt chẽ của ông với Alphabet, một trong các tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, những người khổng lồ về công nghệ của thế giới nên đề phòng. Vì các công nghệ mới mà họ theo đuổi, không chỉ có những ứng dụng trên chiến trường, mà còn có tiềm năng vô cùng lớn trên thị trường.

    Dù sao, đây chắc chắn là một tin không vui với Mark Zuckerberg, Satya Nadella hay Jeff Bezos.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ