Nhật Bản: đến việc rơi nước mắt cũng cần có giáo viên hướng dẫn, chỉ mong được khóc để bớt muộn phiền

    Đ.L, Theo Helino 

    Theo 1 nghiên cứu quốc tế với những người tham gia từ 37 quốc gia khác nhau, kết quả cho thấy người Nhật ít khóc nhất trên thế giới...

    Khi còn bé, chúng ta dễ khóc khi gặp tổn thương về thể chất, tinh thần nhưng cũng rất nhanh chóng hồi phục. Càng lớn lên, xã hội càng đánh giá thấp việc "mít ướt, khóc nhè", nhất là ở một xã hội phát triển cao và có nhiều áp lực như Nhật Bản.

    Theo 1 nghiên cứu quốc tế với người tham gia từ 37 quốc gia khác nhau, kết quả cho thấy người Nhật ít khóc nhất trên thế giới (trong khi đó, đứng đầu về số lần khóc lại là người Mỹ).

    Một nhà tâm lí học Nhật Bản cũng từng nói trên tờ báo Chunichi Shimbun rằng: "Che giấu nỗi buồn và sự tức giận là một đặc trưng của văn hóa Nhật Bản ". Kết quả là, người trưởng thành rất ít khóc nhưng lại chất chứa nhiều tâm sự và bị stress nặng nề!

    Trước tình hình đó, mấy năm gần đây, nhiều công ty và trường học ở Nhật Bản muốn mọi người hãy... "cứ khóc đi, khóc đi đừng ngại ngùng"! Người Nhật nhận ra rằng, khóc là cách để trút bỏ stress và cải thiện sức khỏe tinh thần.

    Theo 1 bác sĩ tâm lí, những giọt nước mắt - dù buồn hay vui - đều giúp ích cho hệ thần kinh giao cảm, và nhờ vậy, con người như được trút bớt gánh nặng trong lòng. "Khóc là cách phòng vệ trước tình trạng stress dồn nén", giáo sư Junko Umihara từ trường Y dược Nippon cho biết.

    Không dừng lại ở đó, khoảng 5-6 năm gần đây, một nghề nghiệp mới đã xuất hiện: giáo viên dạy khóc (namida sensei). Thầy Hidefumi Yoshida, 43 tuổi là một giáo viên như thế. Trước đó, ông từng có kinh nghiệm dạy học ở trường cấp ba.

    Trong 1 lớp "học khóc", thầy Yoshida sẽ cho mọi người xem các đoạn clip, hoạt hình, phim... có nội dung cảm động. Ví dụ đoạn quảng cáo bảo hiểm của Thái Lan mang tựa đề "Sự im lặng của tình yêu", nói về cô gái trẻ và người cha khiếm thính. Tiếp theo là đoạn phim tưởng nhớ thú cưng đã qua đời...

    Rất nhiều người đã nức nở khi đến "lớp học khóc" - điều mà họ không làm được ở nhà. Hay nói chính xác hơn, trước giờ họ vẫn quen với việc im lặng, cô độc mà gặm nhấm nỗi buồn!

    Nhật Bản: đến việc rơi nước mắt cũng cần có giáo viên hướng dẫn, chỉ mong được khóc để bớt muộn phiền - Ảnh 1.

    Các học viên đã phản hồi đầy tích cực. Ryohei Tsuda, 17 tuổi cho biết: "Tôi nghĩ rằng mình không nên kìm nén mọi thứ quá lâu, đôi khi chỉ cần được khóc thôi".

    "Sẽ là 1 điều tốt để được khóc và giảm stress", Naito Sugimoto, 17 tuổi nói.

    "Lớp học ở đây không giống với việc đóng cửa lại trong phòng và khóc 1 mình. Tôi không hề cảm thấy tồi tệ hay mệt mỏi khi đã khóc xong", một phụ nữ 23 tuổi cho biết.

    Bên cạnh các "lớp học khóc", giới chức Nhật Bản còn có vài biện pháp khác để giảm bớt stress ở công sở, trường học. Năm 2014, khoa Y trường ĐH Toho đã kết hợp với thầy Yoshida để thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về sức khỏe tinh thần. Năm 2015, Nhật Bản giới thiệu chương trình đánh giá mức độ stress tại nhiều công ty.

    Trong khi đó, những giáo viên dạy khóc như thầy Yoshida thì nhận được vô vàn lời mời từ cơ quan, trường học để đến và chia sẻ bớt muộn phiền với mọi người.

    Đến nay, sau 5-6 năm "hành nghề", thầy Yoshida kết luận rằng: "Quả thật khóc sẽ có ích để giảm stress hơn so với cười hay ngủ. Nếu bạn được khóc mỗi tuần 1 lần, bạn sẽ giảm xuống đáng kể nguy cơ mắc bệnh tâm lí".

    Nhật Bản: đến việc rơi nước mắt cũng cần có giáo viên hướng dẫn, chỉ mong được khóc để bớt muộn phiền - Ảnh 2.

    Người Nhật nổi tiếng với văn hóa và cách suy nghĩ, làm việc rất khác biệt, thậm chí kì quặc. Nhưng đôi khi tìm hiểu kĩ, chúng ta lại càng bất ngờ hơn vì những ý nghĩa nhân văn đằng sau đó.

    Hiện tại, stress không phải là vấn đề riêng của bất kì quốc gia hay bất kì ai. Bạn có thể không cần đến Nhật để tham gia vào "lớp học khóc", nhưng hy vọng bạn đã biết thêm một vài điều có ích để đối phó với stress trong xã hội hiện đại.

    (Theo Japan Times)

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ