Nhiều ứng dụng lừa đảo bất ngờ bị sập

    Trường Thịnh - Thái Phương,  

    Liên quan đến việc các đối tượng mạo danh Công ty TNHH Du lịch Việt Nam Easy Tour mời gọi nhiều người đầu tư vào ứng dụng (app) Easy Tour VN để sinh lời cao

    Chiều 3-1, một số người bỏ tiền vào app này phản ánh cả app và website có tên app-easytour-vietnam.com đều đã bị sập, hàng loạt hội nhóm trên Zalo liên quan đến Easy Tour cũng bị xóa sổ.

    Hàng trăm người đã bỏ tiền vào nền tảng này hết sức hoang mang, không biết cách nào để lấy lại số tiền của mình. Một người tên Thanh Quý cho biết đã cố thử rút 120 triệu đồng nhưng vẫn không thể lấy lại được. "Đó là khoản tiền mà tôi để dành hơn 2 năm qua, cả app và website không vào được, làm cách nào để lấy lại bây giờ" - chị Quý buồn bã.

    Nhiều ứng dụng lừa đảo bất ngờ bị sập- Ảnh 1.

    Website app-easytour-vietnam.com bị sập và các hội nhóm liên quan mất bóng. (Ảnh chụp màn hình)

    Một người dùng Zalo khác tên Nguyễn Quyên cho hay đã đầu tư 45 triệu đồng theo giới thiệu của người quen, giờ người này cũng đã biến mất khiến chị đứng ngồi không yên. "Khi thấy thông tin app bị sập trên nhóm Zalo, tôi lập tức liên hệ với người đó để yêu cầu rút tiền ra. Lúc đầu, họ nói vẫn bình thường nhưng 10 phút sau nhóm đầu tư cũng bị giải tán. Tôi hoảng loạn gọi lại nhưng người quen đó đã khóa máy" - chị Quyên cho biết.

    Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Công ty TNHH Du lịch Việt Nam Easy Tour, bà Trịnh Nguyễn Lan Nhi, khẳng định công ty không kêu gọi đầu tư mà chỉ bán tour du lịch, cung cấp dịch vụ chơi golf, booking khách sạn... cho khách Hàn Quốc đến Việt Nam.

    Trước đó, một app đa cấp VN-Temu huy động vốn của nhà đầu tư rồi bị sập vào cuối tháng 12-2023. Đến chiều 3-1, các nạn nhân ở nhiều địa phương vẫn tiếp tục liên hệ với cơ quan công an tỉnh, thành phố để tố cáo. Chị Thanh (ngụ TP HCM) bị mất hơn 300 triệu đồng cho hay đã tới Văn phòng phía Nam của Bộ Công an (trụ sở tại TP HCM) để làm đơn tố cáo nhóm sáng lập app VN-Temu.

    Cùng với chị Thanh, nhiều nhà đầu tư khác cũng lập các nhóm, group trên Zalo, Facebook rủ nhau tố cáo app này. Như Báo Người Lao Động đã thông tin, VN-Temu mạo danh thương hiệu thương mại điện tử xuyên biên giới để mời người chơi tham gia cung ứng hàng hóa ủy thác kinh doanh.

    Thủ đoạn lừa đảo theo mô hình đa cấp, tức người tham gia đăng ký tài khoản, mua "dự trữ hàng" và mời càng nhiều nhà đầu tư vào đội, nhóm, sẽ càng được thưởng lãi suất, hoa hồng cao, quà tặng giá trị… Đến khi số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng, app bất ngờ bị sập từ ngày 30-12-2023 tới nay, tất cả nạn nhân đều không thể đăng nhập, liên hệ với chủ app hoặc rút tiền.

    Đáng nói, ngay sau khi app VN-Temu bị sập, nhiều nạn nhân tiếp tục được những đối tượng khác mời gọi, dụ dỗ vào các app đầu tư tương tự để "lấy lại vốn".


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ