Nhìn lại 2 biểu tượng trong thế giới di động: Nokia và Apple
(GenK.vn) - Dù thời kỳ hoàng kim của Nokia và Apple khá khác nhau nhưng cũng có những điểm chung đáng để chúng ta suy nghĩ.
Có thể nói, nhắc tới điện thoại di động, chắc chắn chúng ta phải nói tới Nokia. Sau một quá khứ hào hùng, với nhiều thăng trầm, Nokia luôn được coi là một ông lớn trong làng di động, không chỉ trong thời kỳ “tiền smartphone” như trước đây, mà kể cả thời đại ngày nay, khi mà smartphone đang trở thành lựa chọn tất yếu của người dùng.
Trong khi đó, iPhone của Apple lại là cái tên không thể thiếu khi người ta nói đến smartphone. Với những sáng tạo đột phá và nền tảng công nghệ vững chắc, Apple chính là 1 trong những thương hiệu hàng đầu trong thế giới di động hiện nay.
Vậy đâu là sự khác biệt giữa 2 thương hiệu lớn này, đâu là những thế mạnh làm nên thành công của Nokia và Apple?
Nokia: Tượng đài trong thế giới di động
Trong quá khứ, Nokia từng là một công ty có khả năng chuyển đổi kinh doanh rất nhạy bén và nhanh chóng. Khởi đầu từ mảng bột gỗ, sau đó mua lại doanh nghiệp cao su để sản xuất lốp, và kế tiếp là đầu tư vào cáp điện để rồi bắt đầu đặt chân vào mảng điện tử và viễn thông. Khi ngành viễn thông di động bùng nổ vào những năm thập kỷ 90, Nokia đã bán toàn bộ các doanh nghiệp khác, chỉ tập trung cho mảng thiết bị di động cầm tay và mạng để rồi trở thành 1 trong những hãng sản xuất di động lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, thành công nhanh chóng lại đem lại một kết thúc không sáng sủa cho Nokia, khi phải bán mảng thiết bị và dịch vụ (Nokia Devices & Business) cho Microsoft với giá 5,44 tỷ EUR (tương đương 7,74 tỷ USD). Đó cũng là sự chủ quan của Nokia khi phát triển quá lớn, quá nhanh, nhưng quản lý thì vô cùng sai lầm trên thành công quá sớm.
Apple: Biểu tượng của sự sáng tạo
Apple đã nắm bắt đúng thời cơ khi cho ra mắt iPhone. Công nghệ của iPhone đã thay đổi hoàn toàn lĩnh vực thiết bị di động cầm tay. Ngoài ra, iPhone cũng là 1 điểm nhấn rất quan trọng trong bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào của Apple, nhất là trong mảng công nghệ cao. Thêm vào đó, Apple cũng chính là hãng sản xuất đại diện cho sự sáng tạo và đón đầu xu hướng cho thế giới smartphone hiện nay.
Không chỉ iPhone, mà còn là màn hình cảm ứng của nó nữa, đã trở thành một món hàng thời trang rất “hot” trên toàn thế giới. Apple cũng khai sáng ra một hệ sinh thái mới (iOS) với các ứng dụng phải tiền trên chợ ứng dụng App Store. Đến khi Android của Google “cất cánh” vào năm 2009, nó càng chứng tỏ một điều rằng, các nhà sản xuất thiết bị di động cầm tay đã mất đi ưu thế trên hệ điều hành mà doanh thu mang lại chính là từ các ứng dụng trả tiền.
Điểm chung: Sự bảo thủ
Nói đến đây, chắc hẳn bạn đọc đều nghĩ tới hệ điều hành huyền thoại Symbian của Nokia. Ở thời kỳ hoàng kim của mình, hệ điều hành Symbian được đánh giá là khá thân thiện, dễ tùy biến và nhiều ứng dụng. Thế mạnh của hệ điều hành Symbian là giao diện đơn giản, dễ sử dụng cho bất kỳ ai lần đầu tiếp cận, không đòi hỏi cấu hình phần cứng cao, nhiều ứng dụng đáng giá và cộng đồng người dùng đông đảo. Tuy nhiên, do sự bảo thủ và cứng nhắc trong việc gắn phiên bản hệ điều hành với các thiết bị vĩnh viễn, Symbian đã bị xóa sổ và thay thế bởi iOS và Android như hiện nay.
Trái ngược với Nokia, Apple lại cho thấy sự bảo thủ trong khâu thiết kế và minh chứng rõ rệt nhất chính là loạt sản phẩm iPhone và iPad đã ra mắt từ trước tới nay. Ngoài việc đưa ra 1 số chi tiết mới trên iPhone hay iPad thì Apple vẫn luôn tuân theo 1 quy luật thiết kế nhất định nhằm giữ lại những bản sắc của riêng Quả Táo. Nhiều người cho rằng iPhone ngày nay đã quá đẹp rồi, không cần thiết phải thay đổi trong khi 1 số lại thấy khá nhàm chán. Trong nhiều trường hợp, sự bảo thủ là cần thiết, tuy nhiên, nếu không nhanh chóng cải tiến và tích hợp các thiết kế mới, Apple có thể sẽ dẫm lên vết xe đổ của Nokia trước kia.
Chiến lược kinh doanh
Từ năm 2007, người ta đã không còn phân biệt thành các ngành viễn thông, điện tử tiêu dùng hay máy tính nữa. Mà thay vào đó, chỉ có một ngành công nghiệp duy nhất, đó là công nghệ số. Apple đã vươn lên đúng lúc khi mang đến cho người dùng phần cứng và phần mềm cùng một thời điểm. Nếu như Apple không từ bỏ mảng kinh doanh PC đã thua lỗ từ năm 2000, thì không bao giờ iPhone, iPod, iTunes, iPad…sẽ có mặt trên thế giới này.
Trong thời kỳ hoàng kim của mình, Nokia chiếm tới hơn 50% thị phần điện thoại di động trên toàn cầu vào năm 2007. Nokia đã trở nên kiêu ngạo và phản ứng quá chậm chạp trước sự thay đổi của thế giới xung quanh. Nokia đang từ vị trí thống trị ngành công nghiệp điện thoại di động đã phải tụt dốc không phanh, để rồi hiện tại đang trong giai đoạn khó khăn nhất của quá trình tái cơ cấu bộ máy. Câu chuyện về Nokia là một bài học kinh doanh về sự tăng trưởng nhanh nhưng rủi ro lớn trong lĩnh vực công nghệ.
Dòng sản phẩm chủ đạo
Có thể nói, điểm ấn tượng nhất của Nokia đó là đã thành công trong việc chuyển sang sản xuất các mẫu điện thoại giá rẻ trong khi vẫn duy trì được tỷ suất lợi nhuận cao. Từ những chiếc điện thoại 750 USD kiểu cách, cho tới những chiếc điện thoại cơ bản giá chỉ 45 USD với màn hình đen trắng, Nokia đã làm bão hòa thị trường điện thoại di động theo cách mà bất kỳ 1 đối thủ cạnh tranh nào tại thời điểm đó cũng không thể bắt chước nổi. Chuỗi sản phẩm đáng nể bao gồm khoảng 100 mẫu của Nokia chỉ là một trong số nhiều lý do tại sao hơn 1/3 số điện thoại di động trên thế giới hiện nay có xuất xứ từ Phần Lan.
Khác với Nokia, Apple không có bất kỳ dòng sản phẩm chủ đạo nào mà đầu tư và kinh doanh cùng lúc khá nhiều loại sản phẩm như smartphone, máy tính bảng, máy nghe nhạc hay cả PC. Tuy nhiên, với mảng di động, Apple chỉ tập trung cho ra mắt 2-3 chiếc iPhone mỗi năm. Ngoài ra, phân khúc thị trường mà Táo Khuyết nhắm tới chính là các smartphone cao cấp, nơi sinh lời cao hơn cả. Thay vì dồn lực cho nhiều sản phẩm cùng lúc, Apple chọn cách tập trung cho số ít iPhone ra mắt. Và thực sự, điều này đã giúp Quả Táo thành công trong nhiều năm liền, minh chứng là doanh số iPhone ngày càng tăng lên 1 cách chóng mặt.
Tạm kết
Dù không còn tồn tại như 1 hãng sản xuất độc lập nhưng với thương hiệu từng thống trị thị trường di động thế giới, việc Nokia phải bán bộ phận thiết bị và dịch vụ cho Microsoft để lại không ít tiếc nuối và cả những lo lắng cho người dùng. Mặc cho những năm gần đây, Nokia không được xem là nhân vật chính trong lĩnh vực thiết bị di động, nhưng những chiếc điện thoại họ từng làm ra vẫn được xem là biểu tượng cho cả 1 ngành công nghiệp.
Đối với Apple, giờ đây thành công không còn là 1 thứ quá xa xỉ, có lẽ Quả Táo nên tập trung vào việc giữ vững và phát huy thế mạnh hiện nay. Nếu không muốn xa lầy như Nokia trước đây, Apple nên thôi việc tiếp tục hút máu người dùng mà hướng tới những giá trị đích thực của smartphone. Có như vậy, cho dù lụi tàn hoặc thất bại trong tương lai, người ta vẫn sẽ nhắc tới iPhone hay Apple - 1 tượng đài sáng tạo trong làng di động thế giới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"