Nhìn lại cả chục "phốt lớn" của Facebook 2 năm qua: Thế này mà Mark Zuckerberg không điên đầu cũng lạ

    CN, Theo Trí Thức Trẻ 

    Đây mới chỉ là những vụ việc đáng chú ý nhất, chưa kể những sự tình lẻ tẻ ít khi lộ diện về Facebook.

    Facebook tuy là thương hiệu công nghệ quyền lực hàng đầu thế giới, nổi bật với việc nắm trong tay những mạng xã hội cuốn hút tâm trí của hàng tỷ người dùng. Thế nhưng, họ cũng là tên tuổi "nóng" nhất trong 2 năm trở lại đây với hàng loạt các scandal rồng rắn không có hồi kết, gây chấn động dư luận toàn thế giới. Từ lớn đến nhỏ, từ quốc tế cho tới khu vực vùng miền, đâu đâu cũng có những dấu tích vi phạm và lời tố cáo hướng đến đội ngũ đằng sau Mark Zuckerberg. Và tất nhiên chẳng ai biết chắc được trong tương lai, Facebook có còn thoát khỏi số phận sao quả tạ hay tiếp tục đi vào vết xe đổ trước đó...

    Sau đây là cái nhìn toàn cảnh nhất về Facebook trong khoảng thời gian đen tối đó tính tới nay, tạm khép lại thời kỳ danh tiếng tụt thấp chưa từng có trong lịch sử.

    17/3/2018: Cambridge Analytica và cú nổ vang trời khiến cả thế giới bàng hoàng

    Sự kiện xảy ra vào ngày này không khác gì một vụ nổ lớn tàn phá thảm hại danh tiếng của Facebook, khiến họ rơi vào một khoảng thời gian khủng hoảng nhất từ trước tới nay. Cambridge Analytica là một công ty phụ trách quá trình hỗ trợ thông tin vận động bầu cử cho các ứng viên chính trị, bị cáo buộc sở hữu trái phép dữ liệu cá nhân về hơn 50 triệu người dùng Facebook mà chưa có sự cho phép từ họ. Điều quan trọng hơn nằm ở việc Facebook đã được chứng minh có biết về hành động này từ 2 năm trước đó, nhưng lại không hề công khai cũng như đưa chuyện này vào vòng minh bạch, lấy lại quyền lợi cho người dùng của mình.

    Nhìn lại cả chục phốt lớn của Facebook 2 năm qua: Thế này mà Mark Zuckerberg không điên đầu cũng lạ - Ảnh 1.

    Giá trị thị trường của Facebook đã giảm 120 tỷ USD chỉ trong 1 ngày duy nhất. Cái tên Facebook cũng xuất hiện trên gần như mọi trang nhất và đưa vào tâm điểm hàng đầu của thế giới, khiến hàng triệu người dùng mất niềm tin vào dịch vụ của họ. Chính quan điểm "phát triển bằng mọi giá" bất chấp sự công minh trong quyền lợi của khách hàng đã khiến Facebook phải trả giá trong việc này. Đây cũng là ngọn nguồn khiến dư luận ngày một chú ý và săm soi nhiều hơn tới Facebook trong mọi đường đi nước bước sau này.

    21/3/2018: Nhà sáng lập WhatsApp hưởng ứng phong trào "xóa Facebook"

    Ngay sau khi vụ việc vỡ lở, một phong trào kêu gọi tẩy chay "xóa Facebook" với hashtag #deleteFacebook đã ngay lập tức được nhiều người chia sẻ. Một đồn mười, mười đồn trăm, nhưng bất ngờ nhất là việc Brian Acton - đồng sáng lập ứng dụng WhatsApp - cũng công khai đồng ý tham gia phong trào này.

    Được biết, WhatsApp đã được Facebook mua lại và sở hữu hoàn toàn vào năm 2014, khi đó Acton vẫn tiếp tục làm việc và nắm giữ vị trí cấp cao tại đây. Tuy vậy, cuối năm 2017, Acton đã rời bỏ công ty đã rời vị trí lãnh đạo của mình tại WhatsApp vì không đồng ý chính sách yêu cầu kinh doanh của Facebook. Do đó, không khó hiểu khi ông lại phản pháo mạnh mẽ như vậy, hòa chung vào làn sóng #deleteFacebook được tạo ra.

    4/4/2018: Con số thật sự được hé lộ

    Giây phút đầu tiên mọi chuyện vỡ lở, hơn 50 triệu là số người dùng được cho là nạn nhân bị làm rò rỉ thông tin cá nhân từ Facebook cho Cambridge Analytica. Thế nhưng, quá trình điều tra lại kết luận một mức lớn hơn nhiều: 87 triệu người. Ừ thì... cũng chỉ lớn hơn số cũ tầm gần 40 triệu người thôi ý mà!

    10/11/4/2018: Mark Zuckerberg đi điều trần

    Đây có lẽ là 2 ngày đáng nhớ nhất cuộc đời Mark Zuckerberg tính từ lúc thành lập và điều hành Facebook tới giờ. Anh đã phải tới trước các thành viên Nghị viện và Quốc hội Mỹ để đối chất và trả lời toàn bộ câu hỏi một cách công khai, minh bạch theo sau scandal lịch sử của mình. Buổi điều trần diễn ra khá hòa nhã và tốt đẹp, phần lớn thông tin thực ra đã được tổng hợp thông qua cuộc điều tra của cơ quan chức năng, còn đây chỉ là một dịp để các Nghị sỹ lên tiếng vọc vạch nhiều hơn về khái niệm mạng xã hội trong cuộc sống ngày nay.

    Nhìn lại cả chục phốt lớn của Facebook 2 năm qua: Thế này mà Mark Zuckerberg không điên đầu cũng lạ - Ảnh 2.

    3/6/2018: Lộ tẩy chứng cứ tuồn dữ liệu người dùng cho thương hiệu khác

    Theo điều tra của Times, Facebook lại tiếp tục bị cáo buộc cố tình trao đổi dữ liệu cá nhân của người dùng cho những thương hiệu công nghệ và sản xuất thiết bị di động, phục vụ quảng cáo và nhiều mục đích khác. Rất nhiều những cái tên quen thuộc nằm trong danh sách đối tác của Facebook, chẳng hạn như Amazon, Apple, Microsoft...

    11/7/2018: Scandal đầu tiên bị lục lại, xét xử tội danh tương xứng

    Anh Quốc đã cho thấy mình không phải một quốc gia dễ bỏ qua khi tuyên bố Facebook đã vi phạm trắng trợn luật phát của họ vì lừa đối hàng chục triệu người dùng. Một án phạt 500.000 Bảng Anh đã được công bố dành cho Facebook.

    28/9/2018: Lỗ hổng "View As" giúp hacker thoải mái xâm nhập dữ liệu người dùng

    Lại thêm một tiếng xấu không đáng có dành cho Facebook khi tiếp tục thừa nhận có 30 triệu người dùng bị ảnh vì sự cố này. Tính năng "View As" trong cài đặt chung - vốn cho phép bạn có thể tự xem lại trang cá nhân của bản thân dưới góc nhìn của người khác - lại là khởi nguồn cho một lỗ hổng để hacker xâm nhập cũng như ăn cắp các dữ liệu liên quan. Dù đa nhanh chóng sửa đổi nhưng bấy nhiêu đó là chưa đủ để Facebook nhận được sự cảm thông từ dư luận.

    14/3/2019: 2 lãnh đạo lớn rời Facebook

    Chris Daniel - giữ chức dẫn dắt mảng ứng dụng WhatsApp thuộc sở hữu của Facebook - cùng Chris Cox - quản lý News Feed và thắt chặt an ninh chống tin giả mạo - đã quyết định từ chức sau những scandal lớn nhỏ. Nhiều ý kiến cho rằng họ cảm thấy bất bình với những đường lối và định hướng kinh doanh đặt ra bởi những người cấp cao nhất.

    Nhìn lại cả chục phốt lớn của Facebook 2 năm qua: Thế này mà Mark Zuckerberg không điên đầu cũng lạ - Ảnh 3.

    Chris Cox.

    21/3/2019: Lộ thông tin mật khẩu Instagram

    Hàng chục nghìn người dùng đã trở thành nạn nhân của một sự cố lộ mật khẩu Instagram. Tuy nhiên, Facebook khẳng định mọi thông tin chỉ bị phát tán trong mạng nội bộ Facebook, tức không ai ngoài Facebook thấy được những mật khẩu này. Không biết đây là tin vui hay buồn nữa...

    9/5/2019: Đồng sáng lập Facebook phản đối lãnh đạo

    Chris Hughes - một trong những người có công sáng lập Facebook cùng Mark Zuckerberg những ngày tháng đầu tiên - đã thẳng thừng ủng hộ quan điểm hạ bệ Mark Zuckerberg trên cương vị lãnh đạo hiện tại. Anh cho rằng tham vọng phát triển công ty về lợi nhuận của Mark đã khiến mọi việc tệ hơn không ngừng, bất chấp những vi phạm quyền lợi của người dùng.

    12/7/2019: Án phạt 5 tỷ USD

    Đây là ngày chứng kiến án phạt cao nhất chưa có tiền lệ từ Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ dành cho một doanh nghiệp. Và ai mà biết sẽ còn có những quả tạ nào sẵn sàng giáng xuống đầu Facebook trong tương lai nữa?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ