Nhìn lại dòng điện thoại hoài cổ này để thấy người Nhật đã suy nghĩ khác biệt như thế nào trong thiết kế
Chúng ta cần những người như nhà thiết kế Naoto Fukasawa để có thể thổi sức sống vào thiết kế của những chiếc smartphone đã quá nhàm chán hiện nay.
Mới đây trang tin The Verge đã ra mắt một loạt bài với tiêu đề Tokyo Thrift, được viết bởi biên tập viên tin tức Châu Á Sam Byford. Đây là loạt bài viết rất thú vị về lịch sử, thiết kế và văn hóa của những thiết bị điện tử có xuất xứ từ Nhật Bản.
Trong số lần này, Tokyo Thrift giới thiệu tới độc giả một dòng điện thoại vô cùng độc đáo được thiết kế bởi Naoto Fukasawa. Ông là một trong những nhà thiết kế nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất trong ngành công nghệ tại Nhật Bản.
Thiết kế của người Nhật
Nhắc tới Fukasawa là rất nhiều người Nhật Bản nhớ tới những thiết bị vô cùng độc đáo, như chiếc máy nghe nhạc CD gắn tường hay dự án ±0 rất nổi tiếng. Ông cũng là người muốn thoát khỏi những xu hướng của đám đông để tìm ra con đường của riêng mình.
Đó là vào những năm 2000, khi mà thị trường Nhật Bản dậy sóng bởi những chiếc điện thoại nắp gập. Fukasawa lại lựa chọn cho mình một chiếc điện thoại cổ điển dạng thanh, nhưng ông đã khiến cho những “cục gạch” này trở nên vô cùng đẹp đẽ và quyến rũ để đánh bật mọi chiếc điện thoại nắp gập khác.
“Tôi đã thiết kế dòng điện thoại này vào năm 2000, năm mà thị trường điện thoại di động bắt đầu phát triển mạnh mẽ đến mức ai cũng có một chiếc điện thoại của riêng mình”, ông Fukasawa chia sẻ “Các nhà sản xuất, chuyên gia và người tiêu dùng đều cho rằng thiết kế điện thoại di động sẽ thay đổi và không còn dạng thanh truyền thống như trước đây. Thay vào đó điện thoại vỏ sò sẽ lên ngôi”.
Thế nhưng dòng sản phẩm Infobar do Naoto Fukasawa thiết kế đã chứng minh rằng những nhận định đó là không đúng. Điện thoại di động truyền thống, hay như chúng ta vẫn gọi là cục gạch, vẫn có chỗ đứng và tràn đầy sức sống.
Chiếc điện thoại “cục gạch” nhiều màu sắc và sức sống
Chiếc điện thoại đầu tiên thuộc dòng Infobar có thiết kế rất truyền thống và giống với những chiếc featurephone cơ bản. Thế nhưng nhà thiết kế Fukasawa đã không quên thổi vào một sức sống mới cho chiếc điện thoại này.
Fukasawa đã tạo ra một chiếc điện thoại với sự kết hợp màu sắc bắt mắt và rất thu hút, sự hòa quện giữa hai màu sắc cơ bản. Mà theo cảm nhận của biên tập viên Sam Byford thì đó là chiếc điện thoại di động đẹp nhất từ trước đến nay.
Cái tên Inforbar được đặt cũng có chủ ý của Fukasawa. Đó là tầm nhìn xa trông rộng của ông, khi mà điện thoại di động sẽ không chỉ là một thiết bị nghe gọi cơ bản. Thay vào đó, chiếc điện thoại này sẽ đi tiên phong với nhiều tính năng “thông minh” hơn.
Nhà thiết kế người Nhật Bản cho biết: “Chức năng nghe gọi sẽ chỉ là một trong rất nhiều chức năng khác của thiết bị di động. Nó sẽ có cả email, truy cập internet, tải nhạc và các tính năng chụp ảnh kỹ thuật số. Chính vì vậy mà cái tên Infobar có thể nói lên tất cả, nó không chỉ là một chiếc điện thoại mà còn là thiết bị chứa mọi thông tin”.
Mở đầu cho một dòng sản phẩm mới mang thương hiệu Nhật Bản
Mặc dù chiếc điện thoại đầu tiên thuộc dòng sản phẩm Inforbar không làm được gì nhiều trước cơn sóng quá lớn của những chiếc điện thoại nắp gập, vào năm 2000 tại Nhật. Thế nhưng nó vẫn là một hit lớn của hãng điện thoại KDDI, mà nhà thiết kế Naoto Fukasawa đã hợp tác.
Để rồi 3 năm sau, họ tiếp tục cho ra mắt chiếc điện thoại Inforbar 2 với nhiều cải tiến về thiết kế lẫn tính năng. Mà theo như nhà thiết kế Fukasawa mô tả: “Nó giống như một thanh kẹo ngọt mềm mại, tan chảy ngay trong miệng của bạn”.
Thiết kế của Inforbar 2 đã được cải tiến với các góc cạnh được bo tròn, khiến cho nó trở nên mềm mại hơn và cũng giúp thoải mái hơn khi cầm trên tay. Đây thực sự là một chiếc điện thoại “cục gạch” quyến rũ vào năm 2003. Một chiếc điện thoại mà sẽ khiến bạn phải ngoái đầu nhìn lại khi đến Nhật Bản.
Và chiếc smartphone Android cũng không kém sự khác biệt
Không quá ngạc nhiên khi chiếc điện thoại thứ 3 thuộc dòng sản phẩm Infobar là một chiếc smartphone, bởi cơn lốc xu hướng này là quá lớn và nó càn quét mọi thị trường trên thế giới. Chiếc smartphone A01 chạy Android đã được ra đời vào năm 2011, tuy nhiên thiết kế với 3 phím cứng khổng lồ của nó thực sự gây thất vọng.
Màn hình cảm ứng 3,7 inch với thiết kế vẫn cố gắng kế thừa những người tiền nhiệm của mình. Thế nhưng chiếc smartphone này vẫn chưa thể được coi là kẻ kế thừa xứng đáng của những chiếc điện thoại cục gạch trước đây thuộc dòng Inforbar.
A01 cũng không phải là chiếc smartphone Android mà tôi muốn nhắc đến, mà chiếc smartphone tôi muốn nói đến chính là C01. Đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa một featurephone và một chiếc smartphone Android, một kẻ kế thừa xứng đáng.
Ở C01, người ta mới thấy được ngôn ngữ thiết kế của Fukasawa. Chiếc smartphone này chỉ có màn hình cảm ứng 3,2 inch, nhưng phía dưới là cụm phím cứng với thiết kế màu sắc đan xen quen thuộc.
“Hãy tạo ra sự khác biệt và thoải mái”
Thiết kế trong ngành công nghiệp điện thoại di động không giống với sáng tạo nghệ thuật, các thiết kế dễ dàng bị dập khuôn nhau vì một xu hướng đã được xác định. Như trong năm 2000 là những chiếc điện thoại nắp gập, hay sau đó là những chiếc smartphone có thiết kế 10 cái như 1.
Chính vì vậy mà chúng ta sẽ luôn cần tới những con người như Naoto Fukasawa, nhưng người dám đi ngược lại những cơn sóng đó để tạo ra được sự khác biệt. Nhưng những sự khác biệt đó phải đem lại sự thoải mái cho người sử dụng.
Tham khảo: The verge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming