Thâu tóm không thành công, Facebook quay sang sao chép những gì tốt nhất của Snapchat.
Facebook vừa cho ra mắt một số tính năng mới cho nền tảng Messenger, một trong số đó là “Messenger Codes”. Messenger Codes chỉ là một loạt các dấu chấm và gạch ngang bao quanh ảnh hồ sơ của bạn. Khi ai đó quét ảnh ai đó bằng camera trên máy của họ, ứng dụng này sẽ đoán rằng họ muốn thêm ai vào đó vào danh bạ. Đây là một tính năng chẳng xa lạ gì với người dùng Snapchat và chỉ là một trong số rất nhiều tính năng mà Facebook đã sao chép từ Snapchat.
Facebook đã cố gắng rất nhiều nhằm đánh sập hoặc thâu tóm Snapchat nhưng đều thất bại. Dưới đây là lịch sử những lần Facebook cạnh tranh với Snapchat, từ những nỗ lực ban đầu nhằm đè bẹp nó tới lúc ngậm ngùi sao chép tính năng trong thời gian gần đây.
Poke, ngày 21/12/2012
Hơn một năm sau khi Snapchat ra mắt Facebook mới khai hỏa phát súng nhắm nhằm hạ gục đối thủ cạnh tranh tiềm năng này. Zuckerberg trình làng Poke, thực ra là bản sao của Snapchat, với đặc trưng là những tin nhắn, hình ảnh và video người dùng chia sẻ với nhau trên ứng dụng sẽ tự xóa sau một thời gian.
Poke đã thất bại một phần vì không có tính năng độc đáo và một phần khác là vì nó có liên quan tới Facebook. Rất ít người tin rằng hình ảnh mà họ muốn biến mất sẽ được Facebook xóa đi.
Mark Zukerberg cho rằng Poke là một trò đùa và nó được xây dựng trong một cuộc thi hackathon, một khoảng thời gian rất ngắn. Dẫu vậy, Zuckerberg sẽ chẳng ngại gì mà không nói khác đi nếu Poke phát triển mạnh, đẩy Snapchat vào đường cùng trước khi nó có thể thành công như ngày không nay.
Đề nghị 3 tỷ USD bị Snapchat từ chối, tháng 11/2013
Đây là sự kiện đánh dấu việc Facebook bị Snapchat bỏ lại phía sau. Snapchat đã từ chối đề nghị mua lại trị giá 3 tỷ USD của Facebook để đảm bảo rằng họ sẽ vượt trội hơn gã khổng lồ mạng xã hội trong nhiều năm tiếp theo.
Slingshot, ngày 17/6/2014
Nỗ lực thứ hai, tốt hơn rất nhiều, của Facebook nhằm hạ gục Snapchat là ra mắt ứng dụng Slingshot. Tương tự Poke, về mặt tính năng Slingshot khá giống Snapchat khi nó tự hủy ảnh và video mà người dùng gửi cho nhau sau khi người dùng đã xem. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt rất quan trọng. Bạn phải trả lời người gửi mới có thể xem nội dung vừa nhận được.
Nó là một tùy chỉnh khá thú vị dựa trên công thức của Snapchat, đảm bảo rằng người dùng sẽ không ngừng gửi tin nhắn cho nhau.
Nhưng chỉ sau ba tháng, Facebook đã loại bỏ việc bắt buộc phải trả lời trên Slingshot khiến ứng dụng này biến thành một bản sao của Snapchat.
Slingshot tồn tại trên App Store thêm một năm trước khi bị xóa cùng với các ứng dụng thất bại khác của Facebook.
Trạng thái tự hủy, tháng 9/2014
Sau Slingshot, Facebook đã ngừng sao chép trực tiếp Snapchat mà thay vào đó là áp dụng những tính năng tốt nhất của Snapchat vào các sản phẩm của hãng. Trên phiên bản web, Facebook bắt đầu thử nghiệm tính năng cho phép người dùng thiết lập "hạn sử dụng" cho trạng thái, khi hết hạn - sau vài ngày hoặc vài giờ, trạng thái sẽ tự động xóa.
Tuy nhiên tính năng này chỉ được thử nghiệm trong phạm vi hẹp chứ không được tung ra cho mọi người dùng.
Chỉnh sửa ảnh kinh dị, 6/10/2015
Trong thế giới chỉnh sửa ảnh của Snapchat, bạn không thể dùng từ "đẹp" hay "có tâm" bởi chúng gây nghiện bằng những hiệu ứng sửa ảnh kỳ quái, dị thường. Facebook đã sao chép tất cả các tính năng chỉnh sửa ảnh chính của Snapchat nhưng theo một cách ít kỳ quái hơn. Bạn có thể vuốt qua để chọn bộ lọc, đặt chữ và emoji và chọn màu bằng thanh chọn cầu vồng.
Tin nhắn tự hủy, tháng 11/2015
BuzzFeed News đưa tin rằng Facebook đang thử nghiệm tính năng tự hủy tin nhắn trong Messenger. Ảnh, video và tin nhắn sẽ tự xóa trong vòng một giờ sau khi gửi, một tính năng mà Snapchat có từ khi nó trình làng. Có thể tính năng này vẫn đang được thử nghiệm, chưa rõ Facebook có ý định tung nó ra thị trường hay không.
Bộ lọc thay đổi khuôn mặt, 9/3/2016
Bộ lọc ảnh hoạt hình thay đổi khuôn mặt vui nhộn của Snapchat đã tạo ra một cơn sốt. Ngay lập tức, Facebook không thể ngồi yên, thâu tóm một hãng phát triển ứng dụng bộ lọc hoạt hình thay đổi hình dạng có tên MSQRD. Hiện ứng dụng này vẫn đang có sẵn trên kho ứng dụng iOS và Android.
Chưa rõ Facebook sẽ sử dụng MSQRD như thế nào nhưng bạn đừng ngạc nhiên nếu sau này thấy các bộ lọc hình ảnh của MSQRD trên ứng dụng nhắn tin Messenger của Facebook.
Messenger Codes, ngày 7/4/2016
Facebook Messenger vừa được cập nhật thêm một vài cách bắt đầu một cuộc trò chuyện mới với người khác. Một trong số những cách này rất quen thuộc với người dùng Snapchat. Facebook giới thiệu tính năng này là “Messenger Codes”, một loạt các dấu chấm và gạch ngang bao quanh ảnh hồ sơ của bạn. Khi ai đó quét Messenger Codes của bạn bằng camera trên máy họ, ứng dụng sẽ thêm bạn vào danh bạ. Không khác lắm so với tính năng Snapcodes của Snapchat.
Sẽ là không công bằng khi buộc tội Facebook chỉ biết sao chép bởi hãng này vẫn có những tính năng sáng tạo của riêng họ. Thậm chí, tuyên bố tung ra một chatbot của Facebook Messenger đã trở thành một báo động với cả ngành công nghiệp. Microsoft đã ngay lập tức phải tập trung vào chatbot, cả Line và Kik cũng phải tham gia ngay vào lĩnh vực chat bot.
Facebook có rất nhiều mảng phát triển mạnh nên để tồn tại nó không cần phải bóp ngẹt Snapchat. Nhưng chừng nào Snapchat còn phổ biến và chừng nào nhóm Snapchat vẫn tiếp tục trình làng những tính năng hấp dẫn và kỳ lạ, chúng ta còn thấy Facebook và những hãng khác cố gắng sao chép, áp dụng những gì độc đáo của Snapchat vào sản phẩm của họ.
Tham khảo TheVerge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI