Nhìn thấu bản chất: Vì sao Xiaomi nói "không có công nghệ nào đáng giá 700 USD chứ đừng nói tới 1000 USD"?
Google, Apple, Huawei và Samsung đều đang chạy nước rút trong một cuộc chiến cực kỳ khó nhằn - một cuộc chiến mà không phải cứ bỏ tiền ra mua linh kiện là sở hữu được thế mạnh. Đòn chống đỡ duy nhất của Xiaomi: lên tiếng.
Cũng giống như mọi năm, lễ ra mắt iPhone không chỉ là dịp cho các fan iPhone được chiêm ngưỡng giấc mơ mới của họ mà còn là dịp để các thương hiệu Trung Quốc "chọc ngoáy" Apple. Không mấy bất ngờ, năm nay Xiaomi và Huawei đã lên tiếng đá đểu bộ 3 iPhone mới, trong đó Xiaomi thậm chí còn hung hãn hơn: "đá" Apple cả trước lẫn sau sự kiện.
Chủ đề công kích của Xiaomi: mức giá nghìn đô của Apple. Trước sự kiện một tuần, Xiaomi nói: "Không có công nghệ nào khiến Xiaomi phải bán giá smartphone đến nghìn đô". Sau sự kiện, Xiaomi nói: Có 1000 USD, mua ngay 3 chiếc Pocophone. Hoặc, cùng tiền với một trong số 3 chiếc iPhone mới ra, hãy mua ngay một vài combo sản phẩm của Xiaomi.
Combo "xỉa xói" của Xiaomi dành cho những chiếc iPhone mới nhất.
Vậy thì, tại sao lại vẫn có hàng triệu người bỏ ra 1.000 USD mua iPhone X thay vì mua Xiaomi? Doanh số iPhone X đã cán mốc 60 triệu sau 11 tháng, ngang với doanh số của toàn bộ các sản phẩm smartphone Xiaomi bán trong cùng thời gian đó, dù với mức giá rẻ mạt có khi chỉ bằng 1/5 iPhone X. Không lẽ 60 triệu người đó đều không biết cách tiêu tiền - như các Mi fan vẫn thường chê bai trong hội nhóm?
Câu trả lời nằm sau 2 chữ "sáng tạo".
Snapdragon 845 và mặt lưng trong suốt
Hãy cùng nhìn vào mẫu đầu bảng của Xiaomi năm nay: Mi 8 EE. Những thế mạnh được Xiaomi quảng bá bao gồm Snapdragon 845, màn hình AMOLED Full HD , camera kép 12MP và mặt lưng trong suốt để lộ "linh kiện".
Chiếc Xiaomi đắt tiền (550 USD) này có điểm gì mới lạ? Nói đúng hơn, chiếc smartphone này có điểm gì độc đáo, của riêng Xiaomi sáng tạo ra?
Có bất cứ thứ gì là của Xiaomi tự sáng tạo ra, là của riêng Xiaomi không?
Câu trả lời là "không". Đến cả ý tưởng "tai thỏ" cũng là từ Apple, đến cả mặt lưng trong suốt cũng là do HTC nghĩ ra. Toàn bộ những gì Xiaomi khoe ra chỉ là những linh kiện mà hãng này không phải bỏ tiền của nghiên cứu, sáng tạo.
Nói cách khác, bất kỳ một chiếc Mi phone nào về bản chất cũng chỉ là những linh kiện mà Xiaomi có thể dễ dàng mua từ các nhà cung ứng với mức giá rẻ hơn rất nhiều so với giá bán. Khi ngay cả chiếc Galaxy S9 với cấu hình cao cấp hơn (đặc biệt mà màn hình, phần đắt đỏ nhất) vẫn chỉ có chi phí linh kiện nằm ở mức giá 375.8 USD, Xiaomi vẫn có thể bán "phá giá" cấu hình cao mà vẫn có lãi – hoặc chỉ lỗ ít sau khi đã cộng thêm chi phí marketing và phân phối.
Vì sao Apple, Samsung và Huawei lại đắt đỏ
Ấy thế mà, dựa vào sự nghèo nàn sáng tạo của mình, Xiaomi mới chuyển sang công kích các hãng smartphone cao cấp, mà đại diện là Apple. Xiaomi nói chẳng có công nghệ nào đáng giá 1000 USD, bởi tự Xiaomi không thể tạo ra những công nghệ đáng giá nghìn đô.
Những kẻ đang làm chủ phân khúc cao cấp hiển nhiên thì không bao giờ khẳng định như vậy. Cả Apple, Google, Samsung và Huawei hiện đều đang nghiên cứu chế tạo chip riêng của mình, bao gồm các bộ neural engine để thực hiện các thuật toán AI tân tiến hơn. Smartphone của Google và Apple đã có thể dùng thuật toán để biến ảnh chụp từ cảm biến/ống kính đơn thành ảnh bokeh "như thật".
Không có công nghệ nào đáng giá nghìn đô, vậy màn hình OLED "không cằm" hay neural engine để chạy thuật toán AI của Xiaomi ở đâu?
Đến cả Huawei cũng là một trong những tên tuổi tiên phong cho ống kính kép và hiện tại cũng rất đầu tư vào AI. Trong khi AI trên smartphone Huawei chưa thể sánh được với Google và Apple về mức độ tân tiến, ít nhất hãng này cũng đang là một trong số rất ít các tên tuổi có thiết kế chip riêng để phục vụ cho nhu cầu AI trong tương lai.
Samsung thì tự bỏ công sức để nghiên cứu trợ lý ảo riêng, nền tảng thanh toán riêng, trải nghiệm desktop riêng (DeX) và bút cảm ứng "độc tôn". Chưa kể, gần như đi suốt lịch sử của chiếc smartphone hiện đại, Samsung còn là thế lực duy nhất tạo ra các bước tiến về màn hình: màn hình AMOLED cỡ lớn, màn hình vát cạnh và sắp tới là màn hình gập.
Nếu bỏ thời gian tìm hiểu, bạn sẽ thấy số tiền dành cho nghiên cứu, phát triển những cái mới của các hãng nói trên lên đến hàng chục tỷ USD. Và đó cũng chính là lý do sản phẩm của họ phải bán với giá cao, mới có thể bù đắp cho chi phí nghiên cứu khổng lồ như vậy.
Còn Xiaomi thì sao?
Tự tin khẳng định "Không có công nghệ đáng giá 700 USD", cùng lúc ra mắt smartphone đặt tên là "Note" mà chẳng có lấy cây bút stylus...
Đặt vào phép so sánh với tất cả các thế lực trong phân khúc cao cấp, "Hạt Gạo Nhỏ" không có gì cả (ngoại trừ những "sáng tạo" bị... cười chê như đem camera trước đặt dưới màn hình hay tấm nhựa dán dưới lưng Mi 8 EE). Xiaomi chưa bao giờ thuộc cùng một đẳng cấp với Apple, Google, Samsung và Huawei: chưa bao giờ smartphone Mi có một chút sáng tạo riêng, đặc biệt là về các công nghệ khó nhằn như chip và AI.
Đó là câu chuyện không chỉ của riêng Mi 8: suốt cả lịch sử, Xiaomi chưa bao giờ tốn chi phí R&D để đi tìm cái mới, hay đi tìm các trải nghiệm công nghệ hoàn hảo như 4 gã lớn kia. Xét trên chi phí R&D, Xiaomi chỉ bằng một phần rất nhỏ, có khi chỉ 2,3% nếu so với những ông lớn thực sự làng công nghệ.
Bởi thế, Xiaomi có thể bán smartphone giá rẻ, và thực tế là nếu Xiaomi bán smartphone có giá trên 700 USD, sẽ chẳng có ai mua cả. Tuyên bố xanh rờn rằng chưa có công nghệ nào đáng giá 700 USD thực chất là một phép chống chế, bởi Xiaomi không thể tạo ra một chiếc smartphone 700 USD nếu cứ kinh doanh như hiện tại: lắp ráp linh kiện, bán phá giá, chạy theo đối thủ (đặc biệt là Apple) và chẳng biết khoe gì ngoài... giá rẻ.
Học tai thỏ rất dễ, học bố cục cảm biến camera cũng dễ luôn...
Nhìn về tương lai, đó sẽ là một vấn đề vô cùng nan giải. Thị trường đã bão hòa và sẽ chuyển sang cuộc chơi nâng cấp; người dùng sẽ ngày một chi trả nhiều hơn và cũng khó tính hơn. Việc Apple, Google, Samsung và Huawei đầu tư mạnh vào các con chip và thuật toán AI là bởi, đây đều là các công nghệ rất khó "học hỏi". Xiaomi hay các hãng "chiếu dưới" như OPPO và Vivo có thể dễ dàng mua chip Snapdragon từ Qualcomm, mua tấm màn OLED từ Samsung hay mua cảm biến camera từ Sony, nhưng không phải muốn mà có thể ngay lập tức tạo ra thuật toán AI ở tầm vóc Google.
Sẽ phải mất rất lâu smartphone Xiaomi mới có ảnh selfie bokeh "chuẩn" như Google. Cùng lúc, Tiểu Mễ sẽ tìm đủ mọi cách nhập nhằng để ám chỉ rằng công nghệ của Xiaomi ngang tầm với công nghệ Pixel, Galaxy hay iPhone...
Miếng nhựa dưới lưng sẽ không thể đưa Mi phone lên tầm giá 700 USD.
Nhưng người dùng thì cũng ngày một hiểu biết hơn. Bởi vậy mà iPhone vẫn bán ra ở mức giá cao ngất ngưởng, Galaxy Note dù đắt đỏ nhưng vẫn là số 1 Android, Google dù chân ướt chân ráo đặt chân vào phần cứng nhưng vẫn đạt doanh số hàng triệu máy... Nhu cầu thị trường dành cho những công nghệ đắt đỏ luôn tồn tại. Đó chính là lý do Apple, Samsung... vẫn có thể thu về hàng tỷ USD.
Công bằng mà nói, sản phẩm của Xiaomi thực sự chất lượng và họ có thể bán với giá rẻ, người tiêu dùng thích điều đó. Nhưng nếu chỉ dừng ở đó thôi, lặng lẽ và phục vụ người dùng, có lẽ Xiaomi sẽ nhận được cảm tình nhiều hơn là cứ khiêu khích các ông lớn ở khía cạnh giá như vậy. Bất kỳ ai hiểu về công nghệ cũng biết rằng vì sao Samsung, Apple bán giá cao vẫn "đắt như tôm tươi", hơn cả Xiaomi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI