Nhờ chàng trai trẻ 25 tuổi phát hiện ra công tắc đến chuyên gia còn không biết, sứ mệnh Apollo 12 của NASA mới không biến thành thảm kịch
Tiếp nối thành công đưa con người lên mặt trăng với phi hành đoàn Apollo 11, chỉ vài tháng sau, NASA lại chuẩn bị đưa con người lên mặt trăng một lần nữa. Nhưng suýt chút nữa, nhiệm vụ này đã trở thành một thảm họa.
Tháng 11 năm 1969, chỉ 4 tháng sau khi con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, NASA đã sẵn sàng để thực hiện điều đó một lần nữa. Sau thành công của nhiệm vụ Apollo 11, cơ quan này đặt ra còn nhiều toan tính hơn với Apollo 12, với dự định đổ bộ xuống khu vực Đại dương Bão tố (Oceanus Procellarum - vùng tối bề mặt, còn gọi là biển Mặt Trăng, lớn nhất trên Mặt Trăng, diện tích khoảng 4.000.000 km2).
Phi hành đoàn Apollo 12. Ảnh: NASA
Không như Neil Armstrong đã buộc phải hạ cánh quá điểm dự định bởi có quá nhiều đá sỏi trên bề mặt, Pete Conrad, chỉ huy phi hành đoàn Apollo 12, đặt mục tiêu hạ cánh thật chính xác: trong bán kính có thể đi bộ tới tàu thăm dò không người lái Surveyor. Conrad và Al Bean, phi hành gia phụ trách bộ phận đổ bộ, sau đó sẽ dành nhiều thời gian hơn (Apollo 11) trên bề mặt Mặt Trăng với 2 lần ra ngoài khảo sát; hơn thế nữa, họ dự định sẽ truyền về Trái Đất những hình ảnh có màu đầu tiên từ Mặt Trăng.
Vào ngày 14 tháng 11, tại bãi phóng tên lửa Mũi Canaveral, Conrad, Bean và phi công chịu trách nhiệm bộ phận điều khiển Dick Gordon đã sẵn sàng trong khoang lái đặt bên trên tên lửa Saturn 5 với chiều cao 111 mét. Trong khi đó, ở trung tâm chỉ huy đặt tại Houston, Texas, chỉ đạo bay Gerry Griffin, lần đầu tiên chỉ huy một nhiệm vụ phóng tên lửa, cũng đang dành hết sự tập trung vào bảng điều khiển.
Tại bãi phóng, bầu trời vẫn còn âm u và nền đất còn ẩm ướt từ những cơn bão vừa đi qua khu vực này. Tổng thống Mỹ đương thời Richard Nixon đang ngồi trên khán đài VIP để theo dõi từ xa. Phi hành đoàn đã vào vị trí, mọi tín hiệu hệ thống đều đang bật đèn xanh, tên lửa đã sẵn sàng để được phóng vào không gian, hướng tới Mặt Trăng xa xôi.
Lúc 11 giờ 22 phút, quả tên lửa màu trắng khổng lồ từ từ rời khỏi bệ phóng, và dần tăng tốc, tiến vào giữa những đám mây. “Em này thực sự đi được đấy. Cất cánh phải đáng yêu thế này chứ.” - Conrad hét lên phấn khích. Trong khi đó, tháp phóng bắt đầu được chuyển đi trên mặt đất, và Houston bắt đầu nắm quyền điều khiển. Nhưng chỉ 36 giây từ lúc rời mặt đất, Conrad nhìn thấy ánh sáng từ đèn cảnh báo: mọi khoang chứa nhiên liệu cung cấp năng lượng cho tàu vũ trụ đều không hoạt động, và toàn bộ bảng đèn hiệu báo động rực sáng.
Tên lửa Saturn 5. Ảnh: NASA.
Conrad kêu lên: “Cái quái gì vậy!”. Chỉ vài giây sau, hệ thống điều hướng của tàu dừng hoạt động, gần như toàn bộ hệ thống điện trên tàu không gian không phải hồi. Conrad lập tức báo cáo tới trung tâm chỉ huy nhiệm vụ: “Rồi, mọi người, chúng tôi vừa mất nền tảng hệ thống. Tất tần tật mọi thứ không hoạt động”. Trong tình trạng cả phi hành đoàn và tàu không gian có thể gặp nguy hiểm cực độ, trung tâm chỉ huy cần phải phản ứng thật nhanh.
Griffin sau này chia sẻ: “Ban đầu chúng tôi không biết điều gì đã xảy ra.”. Sau nhiệm vụ ông mới được biết, tên lửa đã bị sét đánh trúng, không chỉ 1 mà tận 2 lần. Ông giải thích: “Lần sét đánh này có thể nói là do chính chúng tôi tạo ra. Dòng chất thải cực kì nóng từ các ống xả trên tên lửa Saturn 5 đã bị ion hóa, biến thành một dây nối đất”. Do đó, tên lửa và dòng vật chất nó xả ra đã trở thành một cột thu lôi khổng lồ, nằm ngay giữa những đám mây tĩnh điện và Trái Đất bên dưới.
Dù cho tàu không gian có vẻ đang gặp vấn đề nghiêm trọng, nhưng tên lửa bên dưới vẫn tiếp tục hoạt động đúng theo phương hướng định trước nhờ vào thiết kế đặt máy tính điều hướng của chiếc Saturn 5. Các bộ phận của nó được sắp xếp trong một vòng xung quanh phần trên của tên lửa, không bị ảnh hưởng bởi 2 lần sét đánh trúng.
Tình hình khẩn cấp yêu cầu trung tâm điều khiển mặt đất cần ngay lập tức đưa chỉ đạo. Griffin kể: “Tôi đã nghĩ rằng chúng tôi phải hủy nhiệm vụ này thôi. Nhưng tôi thấy trên màn hình và nhận ra chúng tôi chưa hề đi sai đường.”
“Rồi sau đó, một cậu trai trẻ đến từ một trường Đại học nhỏ ở Oklahoma tên là John Aaron, hồi đó khoảng 25 tuổi thì phải, đã hành động,” - Griffin kể tiếp. “Cậu ấy nói: ‘Bảo ông ấy thử chuyển SCE sang Aux’ - cá nhân tôi chưa từng biết về công tắc này nên tôi hỏi lại: ‘Gì cơ?’”. Aaron tiếp tục lặp lại chỉ dẫn. Griffin quay sang người Capcom (capsule communicator - liên lạc viên với phi thuyền), Jerry Carr.
“Thế là, tôi bảo anh ta truyền đạt nguyên văn. ‘Thử chuyển SCE sang Aux’ và Carr cũng hỏi lại ‘Cái gì vậy?’ … Đến lúc này, Aaron phải bảo ‘Thử chuyển SCE sang Phụ trợ (Auxiliary)’, và đó là thông điệp mà Carr đã truyền tới phi hành đoàn.”. Nhưng chỉ huy Conrad cũng chưa từng nghe tới công tắc này. “Thử chuyển FCE sang phụ trợ á?” - ông nói với mặt đất (âm S và âm F trong tiếng Anh rất dễ nhầm lẫn), và rồi hỏi những người khác trong phi thuyền: “Nó là cái quái gì vậy?”.
May thay, Bean lại biết công tắc này - nó nằm ở ngay trước mặt ông. SCE là viết tắt của Signal Conditioning Equipment (tạm dịch: Thiết bị Biến đổi Tín hiệu), hệ thống này có nhiệm vụ xử lý dữ liệu từ các cảm biến đặt trên phi thuyền để truyền về mặt đất.
Các hệ thống trên phi thuyền bắt đầu hoạt động trở lại. Phi hành đoàn khởi động lại các hệ thống điện, và mọi người đều thở phào nhẹ nhõm. Griffin sau này chia sẻ: “Tôi đã nghe lại những cuộn băng ghi âm lại giọng mình lúc làm điều hành bay, và tôi nhận ra giọng mình lúc đó lên cao hơn 1 quãng tám và rồi mới bình tĩnh lại một chút, về lại giọng bình thường”. Chính phi hành gia Gordon cũng phải thốt lên trong phi thuyền: “Lạy chúa toàn năng. Phải thế chứ lại!”.
Phi hành đoàn Apollo 12 đã hạ cánh xuống gần nhất có thể so với điểm dự kiến. Ảnh: NASA.
Griffin kể tiếp: “Chúng tôi tiến vào quỹ đạo, sửa mọi thứ lên, kiểm tra mọi thứ có thể. Mọi thứ có vẻ đều ổn nên tôi nói : ’Lên Mặt Trăng thôi nào.’”. 4 ngày sau đó, Conrad và Bean hạ cánh xuống gần tàu khảo sát Surveyor 3 trên mặt Mặt Trăng, chỉ cách điểm dự kiến tính bằng mét.
“Hạ cánh đẹp đấy anh bạn,” - Bean nói (với Conrad) khi họ đang thực hiện kiểm tra hậu hạ cánh. Conrad hồ hởi chia sẻ công lao với Houston: “Nhắm chuẩn tuyệt vời đấy mọi người! Cho các bạn biết này, thứ đó (Surveyor 3) ở ngay dưới chúng tôi, giữa điểm hạ cánh. Thật đẹp làm sao!”. Ông nói tiếp: “Tôi háo hức được ra ngoài quá.”
Thành công của sứ mệnh Apollo 11 đã dấy lên nhiều lo ngại về việc công chúng Mỹ sẽ không còn quan tâm tới việc đưa con người lên Mặt Trăng. Mà nguồn tiền của chương trình Apollo lại đến từ người dân Mỹ, thế nên NASA đã kì vọng gây sự chú ý của họ bằng những hình ảnh màu đầu tiên từ Mặt Trăng được trực tiếp trên truyền hình.
“Sự chú ý của công chúng Hoa Kỳ khi đó ít hơn so với sứ mệnh Apollo 11 hồi mùa hè.”, Teasal Muir-Harmony, Người phụ trách về chương trình Apollo tại Bảo tàng Hàng không Vũ Trụ Smithsonian ở Washington DC, chia sẻ. “Nhưng mọi người trên thế giới vẫn hướng nhiều sự quan tâm, hứng thú với nhiệm vụ Apollo 12”.
Những đài truyền hình Mỹ như CBS hay NBC đều truyền hình trực tiếp sự kiện này. Ở thời đại chưa có truyền hình cáp hay vệ tinh, điều này đồng nghĩa với việc có hàng chục triệu người sẽ theo dõi. Nhưng lạ thay, dù TV là ưu tiên trong chiến lược quan hệ công chúng của NASA, các phi hành gia dường như không được huấn luyện nhiều về cách điều chỉnh máy quay.
Trên đường Conrad trèo thang xuống, chuẩn bị tiếp cận bề mặt Mặt Trăng, ông kéo một tay nắm để mở cửa khoang chứa thiết bị ở phía ngoài tàu đổ bộ. Máy quay phim được xếp bên trong, và ngay khi cánh cửa mở ra, khán giả truyền hình được thấy những hình ảnh màu đầu tiên: đôi chân của Conrad mờ mờ trên màn hình TV.
Al Bean chuẩn bị đổ bộ Mặt Trăng. Ảnh: NASA.
Nhân viên Capcom ở Houston, Ed Gibson phải nhắc: “Anh đang xuất hiện trong hình đấy Pete!”. Người thứ ba từng đặt chân lên Mặt Trăng - một người hơi thấp - đang chuẩn bị thực hiện bước nhảy khổng lồ của đời mình. Ông nói trên truyền hình: “Ối chà! Có thể với Neil (Armstrong) đó là một bước nhỏ, nhưng với tôi là cả bước dài đấy.”.
Vài phút sau, Bean cũng xuống dưới bề mặt Mặt Trăng với Conrad. Sau đó cả hai người dành vài phút để thích nghi với môi trường lạ, và cùng lúc đó ngạc nhiên nhận ra họ đang ở gần mục tiêu ban đầu đến như thế nào.
Bean lấy chiếc máy quay, cỡ khoảng một hộp đựng giày, ra khoang thiết bị để gắn lên một chân máy, giúp khán giả truyền hình có thể theo dõi phi hành đoàn thực hiện chuyến đi bộ trên Mặt Trăng. Nhưng trong lúc Bean đang điều chỉnh máy quay, ông đã vô tình xoay nó về hướng Mặt Trời. Phần lớn khung hình chuyển thành màu đen, với một vệt trắng sáng mờ ở phía trên cùng.
Sau đó, mặc cho mọi nỗ lực của các phi hành gia cũng như các kỹ thuật viên tại trung tâm chỉ huy, hình ảnh cũng không được phục hồi dù có được điều chỉnh thế nào. Có vẻ như những cảm biến hình ảnh đã bị hư hỏng ở mức không thể sửa chữa được. May thay, các nhà đài khi đó lại có kế hoạch dự phòng. Trong khi tiếp tục truyền tải âm thanh từ các phi hành gia, đài CBS chuyển phần hình sang một trường quay, nơi có 2 diễn viên mặc bộ đồ phi hành để mô phỏng lại chuyến thám hiểm Mặt Trăng.
Đài NBC thì lại chọn một phương án khác. Nghệ sĩ điều khiển rối Bil Baird được giao nhiệm vụ làm các con rối phi hành gia. Baird đã điều khiển các con rối từ một cửa sổ phía trên một sân khấu mô phỏng cảnh trên Mặt Trăng. Dù nhà đài đã chạy dòng chữ “mô phỏng” (simulation) trên màn hình, chính Baird có lần đã nói rằng, nhiều khán giả chưa bao giờ nhận ra đó không phải cảnh thật.
Sự việc hỏng máy quay của nhiệm vụ Apollo 12, kết hợp với những phương án kỳ quặc để ứng phó từ các nhà đài, sau này đã sản sinh ra nhiều thuyết âm mưu rằng loài người chưa từng thực sự đặt chân lên Mặt Trăng. Nhưng chính NASA lại ngay lập tức chịu ảnh hưởng về quan hệ công chúng. Xem các diễn viên hay những con rối lang thang quanh một trường quay, vờ như đang ở trên Mặt Trăng, rõ ràng không thể tạo ra hứng thú với khán giả truyền hình. Và sự quan tâm của công chúng dịch chuyển sang những sự kiện quốc tế khác.
Ông Muir-Harmony cho biết: “Apollo 12 không phải là tựa đề duy nhất chiếm các mặt báo khi đó. Nhiệm vụ này diễn ra ngay khoảng thời điểm những tin tức chiến tranh đang nóng”.
Nếu chỉ nhìn từ góc độ khoa học kỹ thuật, Apollo 12 là một nhiệm vụ gần như hoàn hảo. Với pha hạ cánh chính xác, rồi sau đó là 2 lần đi bộ khảo sát trên Mặt Trăng, các phi hành gia đã thực hiện hàng tá thí nghiệm, cũng như triển khai lắp đặt các trang bị mà đến gần một thập kỷ sau vẫn tiếp tục gửi dữ liệu về Trái Đất. Dù vậy, các nhà đài lại lấy lý do làm hỏng máy quay để không phát trực tiếp đầy đủ các nhiệm vụ sau đó nữa. Ở ngay nhiệm vụ Apollo 13 chỉ sau đó gần nửa năm, không nhà đài nào truyền hình trực tiếp quá trình tới Mặt Trăng của phi hành đoàn. Nhưng cũng thật trớ trêu, bởi đã có thảm họa kịch tính có thể xảy ra ở nhiệm vụ Apollo 13, và chắc chắn sẽ thu hút đông đảo khán giả theo dõi, hơn là việc đặt chân lên Mặt Trăng lần nữa.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"