Một nhóm học sinh lớp lớp 11 trường THPT An Lạc Thôn (Sóc Trăng) đã sáng chế ra sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học từ cây cúc dại và cây thuốc cá, giúp tiêu diệt đến 90% các loại sâu hại rau màu.
Tìm được nguyên liệu trừ sâu mới từ… cây dại
Sinh sống ở địa phương thuần nông nghiệp, Lê Song Hồ nhận thấy gia đình và người dân địa phương đã bỏ không ít thời gian và chi phí cho việc phòng trừ sâu hại cây trồng. Phần lớn, người dân sử dụng chất hóa học để tiêu diệt sâu hại, nhưng khi sử dụng làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.
Tìm hiểu tài liệu các công trình nghiên cứu khoa học trên internet, Hồ thấy rằng, hiện hay có rất nhiều loại thuốc trừ sâu sinh học đang bày bán trên thị trường, nhưng đa số sử dụng các virut, vi khuẩn, nấm côn trùng, tuyến trùng có ích,…. nên phần lớn giá thành cao (từ 20.000 – 70.000 đồng cho túi thuốc 15 gram).
Một số nơi (tiêu biểu như tỉnh Phú Thọ), người dân có thể chế tạo ra các loại thuốc trừ sâu từ các loại cây dùng làm gia vị trong gia đình như: tỏi, ớt, gừng,… nhưng các sản phẩm này chỉ có tác dụng xua đuổi.
Xuất phát từ thực tiễn trên, nhiều nhà sản xuất đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để tạo ra một sản phẩm trừ sâu sinh học đơn giản, dễ làm từ các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên nhưng đạt hiệu quả cao, thân thiện với môi trường?
Cũng mang trăn trở này, nhóm đã hành khảo sát tình trạng sâu bệnh ở từng loại rau và mức độ ảnh hưởng của sâu hại tại 30 hộ trồng rau, tìm hiểu và phân tích thực trạng sử dụng thuốc trừ sâu ở địa phương, qua đó tiến hành thí nghiệm trích lấy các chất Pyrethrin từ cây cúc dại.
Có hai loại Pyrethrin là Pyrethrin I: C21H28O3 và Pyrethrin II: C22H28O5. Các pyrethrin là các chất có độc tố thần kinh và chúng tấn công hệ thần kinh của các loài sâu bọ. Khi ở lượng không đủ gây tử vong cho sâu bọ, chúng vẫn có tác dụng xua đuổi côn trùng.
Đối với con người, cúc dại có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu, chống ho. Dân gian dùng rễ sắc uống hoặc tán bột uống trị sốt, ho, kinh nguyệt nhiều.
Hai học sinh Lê Song Hồ và Nguyễn Thị Yến Bình đang thí nghiệm tách chiết các chất từ cây cúc dại và cây thuốc cá. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Song song, nhóm cũng trích lấy chất Rotenon (hay tubôtxin, derrin) từ cây thuốc cá. Rotenon: C23H22O6 cực độc với cá và độc với côn trùng, nhưng đối với người hay các động vật máu nóng lại không có tác dụng gây độc.
Từ những hợp chất trên, nhóm đã tạo nên thuốc trừ sâu sinh học và được áp dụng vào thực tiễn ở địa phương.
Tiêu diệt đến 90% các loại sâu hại
Theo Nguyễn Thị Yến Bình, thành viên nhóm nghiên cứu, khó khăn lớn nhất mà nhóm gặp phải đó là không biết cách tách chiết hiệu quả 2 chất này trong cây. Nhóm đã nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn của thầy Nguyễn Ngọc Hải (giáo viên trường) để thực hiện công đoạn.
Để tạo ra hợp chất thuốc trừ sâu sinh học, nhóm đã xay nhuyễn cây cúc dại và rễ cây thuốc cá cùng nước cồn thành một hỗn hợp. Đem hỗn hợp này chưng cất qua hệ thống sinh hàn để được hỗn hợp thành phẩm.
Việc trích lấy sản phẩm từ cây thuốc cá được nhóm đập dập cho vào nước (tỉ lệ 1kg thuốc cá sẽ kết hợp với 2 lít nước), sau đó, tiến hành lọc lấy dung dịch.
Hai loại dung dịch sau khi tách chiết xong sẽ được hòa trộn theo tỉ lệ nhất định, tạo thành hỗn hợp thuốc trừ sâu sinh học.
Sau khi có được hỗn hợp, nhóm thử nghiệm trên rau muống và rau dền tại vườn rau của ông Huỳnh Văn Chiêm, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách nhằm xác định số lượng sâu chết so với luống rau không sử dụng thuốc.
“Sau 2 tuần sử dụng tưới hỗn hợp thuốc trừ sâu sinh học, kết quả tỉ lệ sâu hại trên vườn rau của tôi không còn hoặc còn chút ít. Điều này rất hiệu quả bởi vì trước kia tôi phải phun thuốc hóa học rất nhiều lần, tốn nhiều chi phí”, ông Chiêm nói.
Dung dịch thuốc trừ sâu sinh học sau khi tách chiết xong. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Sản phẩm tạo ra bước đầu đã có những ưu điểm đáng kể: Có khả năng tiêu diệt trên 90% sâu tơ hại rau màu (rau muống và rau dền),
“Nguyên liệu từ các cây dại có sẵn trong tự nhiên nên giá thành rẻ, là tiền đề thuận lợi để ứng dụng vào thực tế”- thầy Nguyễn Ngọc Hải, giáo viên hướng dẫn đề tài nhóm nói.
Sản phẩm này có thể thay thế các sản phẩm hiện có được sử dụng từ các nguyên liệu phức tạp như virut, vi khuẩn, nấm côn trùng,… hay các loại thực vật sử dụng làm gia vị trong gia đình như tỏi, ớt, gừng,…
Nhóm hy vọng trong thời gian tiếp theo, sản phẩm nghiên cứu ngày càng hoàn thiện hơn và sớm đưa vào sử dụng rộng rãi trong các nông hộ.
Thuốc trừ sâu sinh học của nhóm Lê Song Hồ đã dành được giải Ba Giải thưởng tháng (online- đợt 1) & giải Khuyến khích Giải thưởng Năm (offline) của Cuộc Thi Sáng kiến Cộng đồng năm 2016 do Tạp chí Khám phá phối hợp với Phòng Quản lý Khoa học Công nghệ Cơ Sở (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"