Những "cao thủ phần cứng" đã rời bỏ "bang phái Apple" giờ đang ở đâu?
Ngoại trừ nhà thiết kế Jonathan Ive, phần lớn các nhà lãnh đạo phụ trách các mảng phần cứng của Apple đều đã từ bỏ Apple và trở thành các nhân vật có vai trò quan trọng tại Thung lũng Silicon.
Steve Wozniak – Nhà sáng lập Apple
Câu chuyện về 2 nhà sáng lập của Apple đã được kể đi kể lại rất nhiều lần, nhưng quả thật nếu không có Steve Woz thì cũng chẳng có máy tính Apple II cho Steve Jobs kiếm bộn tiền và cũng sẽ chẳng có iPod, iPhone và iPad của ngày hôm nay.
Lý do là bởi Steve Jobs của năm 1976 chỉ giỏi ý tưởng và kinh doanh nhưng lại “mù” công nghệ. Trái ngược lại, Steve Woz luôn là một học sinh thiên tài và đến thời điểm gặp Steve Jobs vẫn đang làm việc cho HP, một trong những công ty hi-tech nhất ở thời điểm đó. Toàn bộ phần cứng, phần mềm của chiếc máy tính đầu tiên gắn mác Táo được Steve Wozniak sáng tạo trong khoảng thời gian rảnh rỗi, trong khi Steve Jobs chỉ nghĩ ra cái tên “Apple” và lên các ý tưởng marketing, cùng lúc bắt đầu học về cách thiết kế sản phẩm.
Đây là câu chuyện về tình bạn tan vỡ trên hành trình đến tỷ đô.
Sản phẩm làm nên tên tuổi của Apple, chiếc máy tính Apple II cũng là tác phẩm có công lớn của Steve Woz. Là chiếc máy tính đánh dấu sự trưởng thành của Apple về công nghệ, Apple II mang lại cho bộ đôi Steve hàng triệu USD nhưng cũng đánh dấu thời điểm mối quan hệ giữa Jobs và Wozniak bắt đầu rạn nứt. Khi Apple vươn tới tầm cỡ 1000 nhân lực, Steve Jobs và Steve Wozniak bắt đầu bị những “doanh nhân” điều hành Apple loại khỏi bộ máy quyền lực tại công ty do chính họ tạo ra. Sau một tai nạn máy bay buộc ông phải uy nghĩ lại về cuộc sống, Steve Wozniak rời bỏ Apple lần đầu tiên.
Đến năm 1982, Woz trở lại bộ phận Apple II (sau thất bại của Apple III, "Apple II" được tiếp tục phát triển thành 1 dòng sản phẩm thay vì chỉ là một thế hệ máy tính duy nhất). Bộ phận này lúc đó đang phát triển LISA, chiếc máy tính Apple đầu tiên có giao diện trực quan GUI. Steve Jobs lúc đầu cũng lãnh đạo nhóm LISA nhưng lại bị loại bỏ vì những đấu đá nội bộ đã lên tới đỉnh điểm tại Apple (LISA cũng là tên của con gái Jobs). LISA ra mắt dưới bàn tay săn sóc của Steve Woz và thất bại thảm hại vì có giá quá cao. Ngược lại, Steve Jobs đưa tầm nhìn GUI của mình lên chiếc Macintosh giá rẻ và đạt thành công khổng lồ với lợi nhuận biên có lúc lên tới... 55%.
Cũng chính bởi thành công này mà Steve Jobs ngày một coi thường Apple II, vốn là sản phẩm để đời của Steve Wozniak. Mối quan hệ giữa bộ đôi Steve tan vỡ, và đến tháng 2/1985, Steve Woz không chỉ rời Apple mà còn bán đi gần như toàn bộ cổ phần của mình tại đây.
Sau khi rời Apple, Steve Woz không đạt được thành công nào trong kinh doanh nhưng lại trở thành một nhà diễn thuyết được nể phục tại Thung lũng Silicon. Dẫu sao, vai trò đặc biệt quan trọng của ông tại Apple những năm đầu cũng nói lên một sự thật quan trọng: bất chấp sự thật rằng tên tuổi của Steve Jobs luôn gắn với thành công của Apple, nhà sáng lập này thường chỉ đóng góp phần... nhỏ cho những thiết bị phần cứng lừng danh của Táo.
Tony Fadell – Phó chủ tịch quản lý mảng iPod của Apple
Cuộc hồi sinh thần kỳ của Apple dưới triều đại thứ 2 của Steve Jobs bắt đầu từ chiếc iMac do Jonathan Ive đóng vai trò kiến tạo, nhưng chắc chắn sản phẩm được nhiều người ghi nhớ đầu tiên khi nói về “Apple mới” là iPod.
Cha đẻ của iPod là Tony Fadell.
Ngay từ năm 1999, Tony Fadell đã nghĩ ra ý tưởng máy nghe nhạc mp3 sử dụng ổ cứng cỡ nhỏ. Nỗ lực đầu tiên của Fadell nhằm hiện thực hóa ý tưởng này đã thất bại một cách khá thảm hại khi startup Fuse của không “sống” nổi tới đợt gây vốn thứ 2. Khi về làm việc cho RealNetworks, Fadell cũng không thể thuyết phục các ông chủ mới rằng máy nghe nhạc mp3 là một sản phẩm có tiềm năng doanh thu. Đúng 6 tuần sau, Fadell bỏ Real và trở thành một nhân viên thời vụ của Apple.
Tại đây, Fadell đã tạo ra bản vẽ ý tưởng cũng như thiết kế mẫu đầu tiên của iPod. Ông chính thức trở thành “người Apple” vào năm 2001, chỉ vài tháng trước khi iPod ra mắt và thay đổi vận mệnh của Táo. Tháng 3/2006, Fadell được thăng chức để trở thành Phó chủ tịch phụ trách mảng iPod, chỉ đứng dưới Steve Jobs và ngang hàng với cả Jony Ive lẫn Tim Cook về quyền hạn. Đáng tiếc, những bất đồng nảy sinh trong khâu thiết kế chiếc iPhone đã khiến Fadell để mất vị thế. Tháng 11/2008, Fadell rời khỏi Apple.
Đến năm 2010, Fadell nảy sinh ra một ý tưởng hoàn toàn mới lạ: máy đo nhiệt độ phòng có kết nối Internet, biết học thói quen của người dùng để phục vụ tốt nhất cho cuộc sống của họ. Sau đó, “cha đẻ iPod” đã thành lập một công ty mới có tên Nest Labs để hoàn thiện ý tưởng này thành Nest Learning Thermostat. Thành công khổng lồ của chiếc nhiệt kế thông minh này (doanh số 40.000 máy/tháng) là cơ sở để Google mua lại Nest Labs với giá 3,2 tỷ USD vào năm 2014.
Đáng tiếc, hành trình của Fadell tại Google không mấy êm ả với doanh thu đáng thất vọng cùng một loạt các rắc rối nảy sinh khi thâu tóm Dropcam và Revolvr. Đến ngày 4/6 vừa qua, Fadell phải từ bỏ ghế nóng tại Nest. Hiện tại, ông vẫn được nhà sáng lập Google Larry Page giữ lại ở vai trò cố vấn cấp cao.
Jon Rubinstein – Phó chủ tịch Kỹ thuật Phần cứng, Phó chủ tịch quản lý Bộ phận iPod
Fadell có vai trò sống còn đối với chiếc máy nghe nhạc thay đổi vận mệnh của Táo, nhưng phải mất tới 7 năm mới được Steve Jobs cất nhắc lên nắm quyền lãnh đạo tại bộ phận iPod. Lý do là bởi người tiền nhiệm của Fadell cũng là một nhà lãnh đạo có vai trò quá đỗi quan trọng với Apple.
Đó là Jon Rubinstein, một trong những thành viên đầu tiên được Steve Jobs chiêu mộ khi trở về Apple vào năm 1997. Cùng với Jobs, Rubinstein đã cắt bỏ gần như hoàn toàn danh mục sản phẩm kém ấn tượng của Táo, tái cơ cấu để các đội phát triển phần cứng của Apple đỡ “dẫm chân” nhau và quan trọng nhất là góp phần phát triển sản phẩm đã hồi sinh Apple: iMac 1998. Chính nhà lãnh đạo này đã thành lập và lãnh đạo đội ngũ trực tiếp phát triển chiếc iMac huyền thoại trong vỏn vẹn 11 tháng để “cứu sống” Apple. Không dừng lại ở đây, quyết định “khai tử” ổ đĩa mềm trên iMac do Rubinstein đặt ra đã góp phần giúp cho tiêu chuẩn USB trở thành tiêu chuẩn chung của cả ngành hi-tech như hiện nay.
Đóng góp tiếp theo của Rubinstein tới Apple là chiếc iPod: nếu như Fadell là cha đẻ iPod thì Rubinstein chắc chắn phải là cha nuôi. Chính nhà lãnh đạo này là người đã tìm ra giải pháp ổ cứng để tích hợp vào chiếc iPod đầu tiên, hiện thực hóa ý tưởng vốn bất khả thi của Fadell và Steve Jobs. Hiểu biết của Rubinstein về chuỗi cung ứng cùng các mối quan hệ của ông với giới OEM đóng vai trò đặc biệt quan trọng để biến lớp vỏ tuyệt đẹp của iPod trở thành hiện thực.
Đáng tiếc, Rubinstein cũng rời Apple. Steve Jobs vẫn nuối tiếc và giận dữ về sự ra đi này tới mức cắt đứt toàn bộ liên lạc với Rubinstein cho tới tận cuối đời.
Lý do là sau khi rời Apple để gia nhập nhà sản xuất smartphone Palm, Rubinstein đã tạo ra chiếc smartphone duy nhất có khả năng cạnh tranh trực tiếp với iPhone trong năm 2009: Palm Pre. Là chiếc smartphone thành công nhất trong lịch sử của nhà mạng Sprint, Palm Pre có trái tim là hệ điều hành webOS thông minh bậc nhất thế giới. Rất nhiều tính năng của webOS sau này đã bị sao chép lên iPhone OS/iOS và Android, ví dụ như giao diện thẻ hoặc cập nhật OTA. 4 ngày sau khi Palm Pre ra mắt và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt trên toàn cầu, Rubinstein trở thành CEO của Palm.
Đáng tiếc rằng thành công của Palm Pre không đủ để hồi sinh Palm, và chỉ 1 năm sau đó công ty này bị bán cho HP với giá 1,2 tỷ USD. Một loạt các quyết định sai lầm của HP đã giết chết cả Palm lẫn webOS, khiến thế giới mất đi một lựa chọn hệ điều hành di động ngang tầm iOS và Android.
Năm 2012, Jon Rubinstein rời HP khi hợp đồng hết thời hạn. Hiện tại, vị “Podfather” đang góp mặt trong ban quản trị của Qualcomm và Amazon.com.
Mark Papermaster – Phó chủ tịch Kỹ thuật Phần cứng
Phải mất tới vài tháng sau khi Fadell ra đi, Apple mới chiêu mộ được Papermaster. Trước khi đến đầu quân cho Apple, Papermaster từng có 26 năm làm việc tại IBM và hiểu biết cực kỳ sâu rộng về lĩnh vực chip xử lý cũng như... tất cả các bí mật quan trọng của IBM. Kết quả là khi chuyển sang Apple, Papermaster bị IBM lôi ra tòa với áo buộc vi phạm thỏa thuận không gây hại cho công ty cũ khi chuyển sang các đối thủ cạnh tranh.
Vụ kiện này sau đó đã được dàn xếp, nhưng đáng tiếc huyền thoại vi xử lý của IBM cũng không thể hòa nhập được với văn hóa sáng tạo của Apple. Một bài viết của WSJ nói về sự kiện ra đi của Papermaster vào năm 2010 khẳng định “Papermaster không có được kiểu suy nghĩ sáng tạo mà Apple đòi hỏi và cũng không quen với văn hóa doanh nghiệp của Táo, nơi ngay cả các lãnh đạo cấp cao cũng phải chú ý tới những chi tiết nhỏ nhặt nhất nằm trong phạm vi trách nhiệm của họ, phải trực tiếp thực hiện nhiều nhiệm vụ thay vì giao phó cho người khác”.
“Chi tiết nhỏ nhặt” dẫn tới thất bại của Papermaster tại Apple là nút phần anten được tích hợp vào dải kim loại viền quanh chiếc iPhone 4. Cách thiết kế này khiến cho iPhone 4 dễ bị mất sóng khi tay người dùng tiếp xúc với đáy điện thoại; Steve Jobs phải muối mặt thanh minh “người dùng cầm sai cách!” và cuối cùng là phải tặng miễn phí ốp lưng cho người dùng. Chỉ ít lâu sau khi trở lại từ đợt điều trị ung thư đầu tiên, nhà sáng lập của Apple đã thẳng tay loại bỏ Papermaster.
May mắn là 26 năm lừng lẫy của vị phó chủ tịch cũ của IBM sẽ không vì 2 năm thảm bại tại Apple mà tan biến. Sau khi rời Apple, ông chọn Cisco làm điểm dừng chân trong vòng 1 năm ở vị trí phó chủ tịch phụ trách bộ phận kỹ thuật. Đến năm 2011, Papermaster được AMD lựa chọn làm giám đốc công nghệ (CTO) và phó chủ tịch cao cấp, vị trí mà ông vẫn còn nắm giữ đến tận ngày hôm nay.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming