Nói Apple sẽ chết vì không phát triển được AI thì thiệt thòi cho... Google quá!
Nói Apple phải hoảng sợ vì thua cuộc trong cuộc đua AI cũng giống như nói Google phải hoảng sợ vì NVIDIA vừa ra mắt card màn hình mới, siêu mạnh và siêu rẻ.
Tình cảnh của Apple vào lúc này đang thảm hại hơn bao giờ hết. Công ty của Tim Cook kết thúc quý tài chính đầu năm với mức sụt giảm doanh thu lên tới 2 chữ số. Cách đây chỉ vài tuần lễ, cổ phiếu Apple sụt giá mạnh tới mức Google vươn lên trở thành công ty có trị giá vốn hóa số 1 thế giới. Kịch bản tồi tệ này xảy ra khi Apple đã tung ra 2 sản phẩm mang tính thay đổi chiến lược: chiếc iPad Pro dành cho người dùng doanh nghiệp và chiếc iPhone SE dành cho người dùng thiếu kinh phí.
Đến tuần này, thêm một miếng đòn đau nữa được nhắm vào Apple: cựu lãnh đạo bộ phận kỹ thuật của mạng xã hội Tumblr và cũng là sáng lập viên của Instapaper, Marco Arment đăng tải một bài viết khẳng định Apple sẽ sớm chết như BlackBerry. Bài viết này có đoạn:
"Không có bất kỳ sáng kiến mới, không có sự thay đổi ở người quản lý để tìm ra hướng đi mới, không có bất kỳ thương vụ nào để có thể cứu vãn được BlackBerry vào thời điểm Apple ra mắt chiếc iPhone đầu tiên năm 2007...
Ngày hôm nay, Facebook, Google và Amazon đang đặt cược rất lớn vào công nghệ AI, nhận diện giọng nói và trợ lý ảo ở khắp mọi nơi. Đó là một đặt cược lớn và nếu họ thành công, tôi sẽ rất lo ngại cho Apple".
Ngay sau đó, một loạt các bài báo "ăn theo" được đăng tải để dự đoán về tương lai u ám của Apple. Ngay đến cả cây viết công nghệ kỳ cựu Walt Mossberg ngày thứ năm vừa qua cũng bày tỏ sự thất vọng về trợ lý ảo của Apple (Siri) và dùng điều đó làm căn cứ để khẳng định Apple khó có thể chiến thắng "cuộc chiến công nghệ tiếp theo".
Đây là một phép so sánh sai lầm và đặc biệt nông cạn.
AI là phần cứng hay phần mềm?
Hãy nhìn lại phép so sánh Apple với BlackBerry. Dâu Đen (và cả Palm, Nokia, Motorola) "chết" vì sản phẩm chính của họ lần lượt bị iPhone và những chiếc smartphone Android thay thế. Khi smartphone màn hình cảm ứng lớn ra đời, không một ai muốn ở lại với điện thoại "ngu" nữa. Danh sách nạn nhân của iPhone không chỉ bao gồm smartphone bàn phím vật lý của BlackBerry mà còn bao gồm smartphone điện dung stylus chạy Windows Mobile của Sony Ericsson, điện thoại thanh kẹo của Nokia, điện thoại gập của Motorola và nhiều chủng loại điện thoại di động khác.
Nhưng smartphone và điện thoại thanh kẹo cũng đều là phần cứng. BlackBerry, HP/Palm, Nokia, Motorola đều là các công ty sống bằng phần cứng bán tới người tiêu dùng. Lĩnh vực mà Arment cùng Mossberg bày tỏ quan ngại là AI và đám mây - vốn thuộc về lĩnh vực phần mềm/dịch vụ mạng. Thứ mà các công ty cần đầu tư để phát triển AI và đám mây là những thuật toán cao siêu và những trung tâm dữ liệu khổng lồ chứ không phải là các thiết bị nằm trên tay người dùng.
Nói Apple cần phải lo về AI có khác gì nói Google phải lo vì doanh số Nexus quá lẹt đẹt so với iPhone?
Vậy tại sao lại so sánh Apple với Facebook, Google và Amazon - vốn là 3 công ty chủ yếu chuyên về phần mềm/dịch vụ mạng? So sánh vậy đâu có khác gì nói vì Google và Microsoft đầy thất bại phần cứng nên sẽ chết vì card màn hình của NVIDIA, tủ lạnh Wi-Fi của Samsung hay đầu phát TV của Amazon? Google đâu có cần lo lắng về doanh số nhỏ bé của smartphone Nexus; Apple cũng đâu có thu phí từ Mac OS X, iWork và Siri. Thế thì tại sao Apple lại phải lo về AI?
Dĩ nhiên, khẳng định của Arment không phải là sai lệch hoàn toàn. Apple những năm sau khi Steve Jobs ra đời ngày một thu lợi nhuận và doanh thu "khủng" hơn trước nhưng cũng ngày một trì trệ hơn. 5 năm qua, Apple chưa ra mắt được một sản phẩm phần cứng nào thực sự mang tính thay đổi cục diện như iPod, iPhone và iPad cả. Ngay cả chiếc Apple Watch dù có nhiều điểm sáng tạo và trau chuốt với các đối thủ cạnh tranh nhưng cũng không thể trở thành một sản phẩm cách mạng.
Apple là phần cứng hay phần mềm?
Nhưng trên lĩnh vực phần cứng Apple vẫn chiếm vị thế thống trị, ít nhất là về lợi nhuận. Chiếc tablet có đi lên hay đi xuống thì Apple vẫn đứng đầu thị phần - mới gần đây, số liệu của IDC cho thấy Apple vẫn chiếm 1/4 thị trường, cao hơn Samsung hẳn 10% thị phần. Quan trọng hơn, chẳng một nhà sản xuất tablet nào mon men được lên phân khúc tablet cao cấp của iPad cả. Hãy thử hỏi những người xung quanh xem Samsung có chiếc tablet nào đấu lại được iPad. Hãy nhìn vào bảng giá tablet của Amazon và Xiaomi và cố tìm ra một sản phẩm có giá bằng một nửa iPad Pro.
Smartphone cũng vậy. Do bám chặt phân khúc cao cấp nên thị phần của Apple không thể cao bằng Samsung. Nhưng Apple lúc nào cũng chiếm tới 90% lợi nhuận của ngành sản xuất smartphone trong khi những hãng như Xiaomi, LG thì chẳng bao giờ có lãi còn Samsung, Huawei lãi bằng một phần nhỏ của Apple.
Cuối cùng là máy Mac. Cho đến tận năm ngoái, tức là khi thị trường PC đã lao dốc được vài năm, doanh số máy Mac vẫn tăng trưởng đều. Không cần nói thì bạn cũng biết biên lợi nhuận của MacBook cao hơn rất nhiều so với laptop/tablet Windows.
Sẽ là sai lầm nếu như khẳng định ứng dụng, AI, dịch vụ dữ liệu không có phần trong thành công phần cứng của Apple. Nhưng điểm khác biệt mấu chốt giữa iMessage, FaceTime, iCloud, iWork với các dịch vụ của Facebook, Google, Amazon và Microsoft là ở chỗ Apple không thu lời từ phần mềm/dịch vụ mạng. Ngoại trừ iCloud, các dịch vụ kể tên phía trên thực chất đều sẽ khiến Apple phải bỏ tiền duy trì nhưng lại chẳng đem lại một đồng doanh thu quảng cáo hay phí sử dụng nào cả. Và ngay cả doanh thu iCloud cũng chẳng thể bằng doanh thu Mac chứ chưa nói tới iPhone.
Nước sông chỉ hơi phạm nước giếng
Thành công ban đầu của Apple có phần đóng góp của... Google. Không có sự hiện diện của Google Search, YouTube và khả năng hỗ trợ mặc định Gmail trên iPhone OS thì chắc chắn smartphone, tablet của Táo không thể thành công như ngày nay. Và "ngày nay" Google vẫn trả cho Apple khoản phí thường niên lên tới 1 tỷ USD để giữ được vị trí mặc định trên Safari. Các ứng dụng chất lượng cao của Google vẫn có mặt đầy đủ trên iOS để đem lại doanh thu quảng cáo cho gã khổng lồ tìm kiếm, cùng lúc (vô tình) giúp cho trải nghiệm iOS hấp dẫn không kém gì Android nếu chỉ xét từ khía cạnh ứng dụng.
Vậy nên nói Apple sẽ chết nếu không thể chạy đua AI thì... thiệt thòi cho Google quá! Đầu tiên, bất luận bạn có thích thương hiệu Táo Cắn Dở hay không thì nhiều người vẫn sẽ chỉ mua phần cứng Apple. Chừng nào smartphone còn chưa bị thay thế thì iPhone vẫn sống, Apple vẫn sống. Còn tablet là còn iPad, còn PC là còn máy Mac. Hãy nhớ rằng 20 năm trước Apple sống nhờ iMac chứ không phải là iPod hay iPhone.
Chừng nào còn bán được phần cứng thì Apple còn làm ăn được với Google. Hai gã khổng lồ ấy vẫn đang chung sống êm đềm, kể cả khi có Android! Điều gì xảy ra khi Apple đại bại AI? Giả sử một ngày nào đó Siri trở nên quá trì trệ, quá "ngu" so với Cortana và Google Assistant thì Apple cũng chỉ cần... ra giá cho Microsoft và Google, ai muốn được đưa trợ lý ảo của mình lên iOS thì hãy trả cho Apple vài tỷ đô mỗi năm. Hiện tại, phần tìm kiếm trong Siri đã được bán cho Microsoft (Bing), thay thế cho vị trí cũ của Google. Đừng quên Safari cũng đang được bán cho Google. Đây là mối quan hệ kết hợp làm ăn, đôi bên cùng có lợi.
Chìa khóa bao giờ cũng chỉ có một
Nói tóm lại, trong thế giới công nghệ, nước sông chỉ hơi phạm vào nước giếng. Các công ty phần cứng và phần mềm/dịch vụ mạng có thể chung sống cùng nhau. Và bất cứ một thất bại hay thành công đình đám nào đều do phần cứng hoặc phần mềm đóng vai trò quyết định, lĩnh vực còn lại chỉ mang vai trò bổ trợ. Microsoft sụt dốc thê thảm sau khi smartphone bành trướng không phải là bởi thất bại của chiếc smartphone Kin hay bởi "mua hớ" Nokia, mà là bởi Windows Phone không thể cạnh tranh nổi cùng Android. Thất bại ở đây là thất bại phần mềm.
Hoặc, thành công của Amazon Echo không phải bởi đây là một chiếc loa chất lượng cao (thị trường đã tràn ngập loa di động được vài năm rồi), mà là bởi thiết bị này được trang bị một trợ lý ảo có khả năng chuyện trò như con người. Chìa khóa thành công của Echo không phải là phần cứng mà là AI đột phá sinh ra từ quá trình nghiên cứu thống kê lâu dài. Nhìn sâu hơn, trong suốt lịch sử kinh doanh, Amazon đã luôn bán phần cứng để thúc đẩy doanh số thương mại điện tử, dịch vụ đám mây và nội dung số.
Tesla cũng vậy. Xe tự lái là một công nghệ thú vị, nhưng nói đến Tesla đầu tiên là nói đến động cơ điện, nói đến "phần cứng". Không ai nói Tesla cạnh tranh khốc liệt với Google cả, dù rằng cả 2 đều đang phát triển xe tự lái.
Như bạn thấy đấy, thế giới công nghệ rất rộng lớn và nhập nhằng. Bạn không thể tách phần cứng ra khỏi phần mềm, nhưng ngược lại hãy nhìn kỹ và bạn sẽ thấy mỗi công ty đều chỉ lựa chọn 1 trong 2 yếu tố đó làm chìa khóa thành công. So sánh Apple với BlackBerry về độ trì trệ là đúng, nhưng hãy nhớ BlackBerry là công ty phần cứng chứ không phải phần mềm. Trong thời buổi khó khăn, Dâu Đen mang tham vọng dùng phần mềm làm chìa khóa để thoát chết - nhưng hãy nhìn xem nỗ lực đó đang đưa BlackBerry đến đâu.
Vậy nên, nói Apple sẽ chết vì tụt hậu trên một lĩnh vực phần mềm có phải là quá ngớ ngẩn hay không?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời