Những cuốn sách y thuật thời Trung Cổ có thể nắm giữ bí mật về một loại kháng sinh mới

    zknight,  

    Một lời giải cho cuộc khủng hoảng kháng kháng sinh hiện nay có thể được tìm thấy từ thời Trung Cổ.

    Thời kỳ Trung Cổ ở Châu Âu, kéo dài từ thế kỷ V tới XV, được gọi là một “thời kỳ tăm tối”. Nó được ví như màn đêm, mà ở đó sự ngu dốt và mê tín lên ngôi, lời nói của những thế lực tôn giáo vượt qua lí trí và phạm trù khoa học.

    Không ít những y thuật của Châu Âu thời kỳ này nhuốm màu mê tín dị đoan và tàn độc. Thế nhưng, một nhóm các nhà khoa học tin rằng: Đâu đó trong thời Trung Cổ ở Châu Âu vẫn tồn tại một nền y học dựa trên khoa học.

    Họ đang cố gắng gạn đục khơi trong, để tìm xem những y sĩ Châu Âu thời kỳ này sử dụng phương thuốc gì cho điều trị nhiễm khuẩn. Công việc có thể cho chúng ta hi vọng về một loại kháng sinh mới, tương tự như Giải Nobel năm 2015 của một nhà khoa học Trung Quốc, ghi nhận việc bà tìm ra thuốc trị sốt rét từ một tài liệu Đông Y 1.600 năm tuổi.

     Những cuốn sách thời Trung Cổ có thể nắm giữ bí mật về các loại kháng sinh mới

    Những cuốn sách thời Trung Cổ có thể nắm giữ bí mật về các loại kháng sinh mới

    Trong bối cảnh hiện nay, nhiều khi chúng ta đã không còn bất kể loại kháng sinh nào để điều trị cho những bệnh nhân nhiễm khuẩn kháng tất cả các loại thuốc. Việc tìm ra một hay nhiều loại kháng sinh mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi là nhiệm vụ vô cùng cấp bách.

    Ước tính, kháng kháng sinh đang giết chết khoảng 700.000 người mỗi năm trên thế giới. Nếu tình hình không được cải thiện, con số có thể tăng tới 10 triệu người vào năm 2050.

    Trong khi nghiên cứu hiện đại vẫn bế tắc trong việc tìm ra các loại thuốc kháng sinh mới, dự án Ancienbiotics của một nhóm các nhà khoa học Châu Âu lại chọn một con đường khác.

    Ancienbiotics tập hợp một nhóm các nhà Trung Cổ học, vi sinh vật học, các nhà nghiên cứu ký sinh trùng, dược sĩ và khoa học dữ liệu đến từ nhiều trường đại học tại nhiều quốc gia khác nhau. Họ cùng có chung một ý tưởng rằng: Một lời giải cho cuộc khủng hoảng kháng kháng sinh hiện nay có thể được tìm thấy trong lịch sử y tế thời Trung Cổ.

    Trong khi quá khứ đã qua không thể quay ngược lại, Ancienbiotics sử dụng công nghệ hiện đại để tìm hiểu trở ngược thời gian, trên những tài liệu và dấu tích còn sót lại của quá khứ. Câu hỏi được đặt ra là: Trước khi nền y học hiện đại phát triển, các bác sĩ và nhà y thuật thời Trung Cổ đã sử dụng thứ gì để điều trị nhiễm khuẩn? Và liệu phương pháp của họ có thực sự hiệu quả?

    Với hướng đi khả thi đó, Ancienbiotics đang thu thập tài liệu để tái dựng lại một cơ sở dữ liệu về pha chế y thuật thời Trung Cổ ở Châu Âu. Bằng cách vén lên những tấm màn bí mật này, họ có thể cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho nghiên cứu y học hiện đại. Những vật liệu và chất gì đã được sử dụng để điều trị nhiễm trùng trong quá khứ?

    Thuốc mỡ trị siêu vi khuẩn từ 1000 năm trước

     Balds Leechbook, tài liệu ghi nhận một công thức điều trị nhiễm khuẩn có mặt từ thế kỷ IX

    Bald's Leechbook, tài liệu ghi nhận một công thức điều trị nhiễm khuẩn có mặt từ thế kỷ IX

    Năm 2015, Ancienbiotics xuất bản nghiên cứu dựa trên một y văn có niên đại từ thế kỷ thứ IX: “Bald's Leechbook” được viết bằng tiếng Anh cổ, và đã tồn tại hơn một thiên niên kỷ.

    Trong đó, họ phát hiện ra các nhà y thuật thời trung đại đã sử dụng một loại thuốc mỡ tra mắt, để điều trị căn bệnh được gọi là “wen” trong tiếng Anh cổ. Hiểu đơn giản, nó có thể là một nhiễm trùng mi mắt. Ở thời hiện tại, nhiễm trùng này gây ra bởi vi khuẩn Staphylococcus aureus.

    Staphylococcus aureus (hay còn gọi là MRSA) có mặt trong danh sách 12 loại vi khuẩn kháng kháng sinh hàng đầu, được công bố bởi WHO hồi tháng 2. MRSA là nguyên nhân của nhiều bệnh nhiễm trùng nặng và mạn tính, bao gồm nhiễm trùng vết mổ hậu phẫu, nhiễm trùng máu và viêm phổi.

    Thuốc mỡ mà các nhà y thuật thế kỷ thứ IX dùng để điều trị nhiễm trùng mi mắt là một hỗn hợp gồm: rượu, tỏi, một loài Allium (thực vật thuộc chi hành như hành tây) và mật bò. Công thức của nó ghi trong cuốn “Bald's Leechbook” nói rằng:

    Sau khi các thành phần được hòa trộn với nhau, nó phải được giữ trong một chiếc lọ làm bằng đồng thau suốt 9 đêm.

    Pha chế lại công thức này, các nhà khoa học tìm thấy hỗn hợp thu được đúng là có tác dụng với MRSA. Trong mô hình đĩa thí nghiệm, nó phá hủy màng sinh học của vi khuẩn – một ma trận chất nhày chứa dinh dưỡng được coi là tổng hành dinh của chúng.

    Trong mô hình chuột có vết thương nhiễm trùng MRSA, vi khuẩn cũng bị giết chết bởi phương thuốc tồn tại từ thế kỷ thứ IX.

     Các thành phần trong công thức được pha chế lại ở thời điểm hiện tại

    Các thành phần trong công thức được pha chế lại ở thời điểm hiện tại

    Thuốc trị sốt rét từ thời Tấn của Trung Quốc

    Trong khi y học cổ đại tại Châu Á, hay nhiều vùng miền khác trên thế giới khá được quan tâm, chưa có nhiều nhà khoa học đào sâu lại y thuật Châu Âu trong khoảng thời gian tương tự.

    Điều mà mọi người suy nghĩ về cụm từ này ở Châu Âu: “Trung Cổ” mang dáng dấp của một thời kỳ tàn bạo, độc ác, vô minh và trái ngược với hiện đại.

    Thế nhưng, cùng thời điểm mà Ancienbiotics thực hiện nghiên cứu về thuốc mỡ tra mắt, Tu Youyou, một nhà khoa học Trung Quốc đã được trao giải Nobel Sinh lý học và Y khoa cho phát hiện loại thuốc giúp điều trị sốt rét.

    Điều đặc biệt hơn nữa, Youyou là một nữ nhà khoa học hơn 80 tuổi. Từ những thập niên 60-70, bà bắt đầu dành thời gian tìm kiếm lại hơn 2.000 công thức pha chế thảo dược từ y văn cổ của Trung Quốc.

    Loại thuốc sốt rét mà bà tìm ra, xuất phát từ cây thanh hoa hoa vàng và từng được ghi trong một cuốn sách y thuật của Cát Hồng, một thầy thuốc thời nhà Tấn, cách chúng ta 1600 năm trước.

    Khi nhìn sang phía công việc của các nhà khoa học Trung Quốc, nhóm nghiên cứu Ancienbiotics tự hỏi: Liệu có một “thần dược” nào khác dùng để chữa trị nhiễm khuẩn mà vẫn chưa được tìm ra trong các tài liệu y thuật Châu Âu thời Trung Cổ?

    Chắc chắn, kỹ thuật Trung Cổ là không hiện đại. Và những tài liệu sẽ ghi lại lẫn lộn các phương pháp điều trị man rợ, cũng như mê tín dị đoan mà chúng ta không hề muốn lặp lại hiện nay.

    Thế nhưng, nghiên cứu của Ancienbiotics đã gạn đục khơi trong để chứng minh: các nhà y thuật Trung Cổ Châu Âu cũng có sử dụng phương pháp luận trong điều chế thuốc và trị bệnh. Họ cũng có những quan sát và thử nghiệm được lưu truyền nhiều đời, giống như tại Trung Quốc.

     Nữ khoa học gia Tu Youyou đã khám phá ra thuốc trị sốt rét từ một tài liệu thời Tấn của Trung Quốc

    Nữ khoa học gia Tu Youyou đã khám phá ra thuốc trị sốt rét từ một tài liệu thời Tấn của Trung Quốc

    Các nhà khoa học Châu Âu và y văn thời Trung Cổ

    Là một thành viên của nhóm Ancienbiotics, Tiến sĩ Erin Connelly tại Đại học Nottingham từng làm luận án của mình với “Lylye of Medicynes”, một tài liệu y thuật viết bằng tiếng Anh Trung Cổ có niên đại từ thế kỷ 15.

    Bản thân Lylye of Medicynes lại là một bản dịch lại từ tài liệu gốc có tên là “Lilium medicinae”, viết bằng tiếng Latin. Cuốn sách được Bernard of Gordon, một nhà y thuật nổi tiếng ở Châu Âu viết và hoàn thiện năm 1305.

    Lilium medicinae là một tài liệu có giá trị tham khảo y học cực kỳ tốt. Bởi vậy, nó vẫn được dịch lại và in liên tục trong nhiều thế kỷ, ít nhất là đến cuối thế kỷ XVII.

    Trong bản dịch tiếng Anh của nó, Lylye of Medicynes chứa tổng cộng 360 công thức pha chế thuốc, với đơn kê rõ ràng bằng chữ. Nó cũng liệt kê ra hàng ngàn thành phần dược liệu khác nhau.

    Công việc của Tiến sĩ Erin Connelly là so sánh Lylye of Medicynes với 4 bản sao tiếng Latin của nó còn được lưu trữ.

    Sau đó, cô phải chỉnh sửa phiên bản tiếng Anh cổ của nó thành một bản hiện đại, sao cho người ngày nay có thể đọc và hiểu được. Bản dịch gốc của Lylye of Medicynes dài khoảng 245 trang, nhưng sau khi xử lý nó thành ngôn ngữ hiện đại, số trang đội lên tới 600.

    Tiến sĩ Connelly cũng đã nạp những cái tên thành phần dược liệu được ghi bằng tiếng Anh cổ vào cơ sở dữ liệu nhóm xây dựng. Cùng với đó, không quên là tên gọi tương tự của chúng bằng ngôn ngữ hiện đại, so sánh và đối chiếu với nhiều tài liệu khoa học cập nhật, ở đó, nhiều khi các nhà khoa học đã đặt lại têb cho các loài thảo dược.

    Sau đó, Connelly phải xếp chúng trở lại các công thứ điều chế và bệnh tật trong cuốn sách. Công việc rất tốn thời gian, với nhiều nguồn tài liệu phải xác minh.

    Nhưng với cơ sở dữ liệu thành lập được, cô cùng nhóm nghiên cứu hy vọng họ sẽ tìm ra được những thành phần xuất hiện liên tục trong y văn Trung Cổ, thứ mà sẽ mở ra tiềm năng cho một loại thuốc điều trị nhiễm trùng.

     Tiến sĩ Erin Connelly và tài liệu “Lylye of Medicynes”

    Tiến sĩ Erin Connelly và tài liệu “Lylye of Medicynes”

    Hiện tại, có khoảng 360 công thức điều chế đã được xác định là đơn thuốc góp mặt trong cơ sở dữ liệu của Ancienbiotics. Họ đã hoàn tất giai đoạn chứng minh sự khả thi của nghiên cứu. Công việc tiếp theo lúc này là mở rộng cơ sở dữ liệu này với các công thức khác, có thể không phải là đơn điều trị.

    Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các công thức điều chế thuốc liên quan đến dấu hiệu nhiễm khuẩn”, tiến sĩ Connelly cho biết. “Bằng cách kiểm tra mối quan hệ mạnh mẽ giữa các thành phần dược liệu, chúng tôi hy vọng sẽ tìm ra được các công thức điều chế thời Trung Cổ, kết hợp nhiều thành phần kháng khuẩn với nhau”.

    Cơ sở dữ liệu mà Ancienbiotics đang xây dựng có thể đưa đến những công thức điều chế thuốc mới, mà sẽ được thử nghiệm trong các phòng thí nghiệm hiện đại.

    Công việc xác nhận lại hiệu ứng điều trị nhiễm trùng của các dược liệu thời Trung Cổ. Và với nhiều kỹ thuật phân tử hiện đại này nay, nó sẽ rất có ích khi chúng ta muốn tìm kiếm một loại kháng sinh mới cho thời hiện đại.

    Biết đâu, lời giải cho cơn ác mộng kháng kháng sinh đang diễn ra trên toàn thế giới ngày hôm nay, lại có thể đến từ một dòng chữ Latin từ thế kỷ XIII, và sẽ sớm được Ancienbiotics khám phá trong một tương lai gần.

    Tham khảo Theconversation

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày