Những điều Huawei không dám nói ra khi công bố một quý 2 "rực rỡ"
Cũng như bất kỳ một ông lớn nào khác, Huawei biết chọn số để khoe. Nhưng khác với tất cả những ông lớn khác, Huawei đang là nạn nhân của một lệnh cấm chưa từng có tiền lệ.
Nếu chỉ dựa vào những gì Huawei công bố trong ngày hôm qua, chắc hẳn tất cả mọi người đều đã tin rằng lệnh cấm của Tổng thống Trump là vô nghĩa. Doanh thu quý 2 của Huawei tăng tới 23%, doanh số smartphone trong nửa đầu năm đạt 118 triệu đơn vị, tương ứng với mức tăng trưởng 24%. Phát biểu trước báo giới, chủ tịch Huawei kiên cường khẳng định: "Chúng tôi vẫn giữ vững lòng tin vào những gì tương lai mang tới".
Nhưng nhìn kỹ hơn thì, xem ra tương lai ấy lại không tươi sáng như Huawei đang cố thể hiện.
Mất đà tăng trưởng
Con số tăng trưởng 23% có thể rất ấn tượng, nhưng với Huawei thì không: trong quý 1, tốc độ tăng trưởng doanh thu của gã khổng lồ Trung Quốc thậm chí còn lên tới 39%. Rõ ràng, ông Trump đã chặn được đà tiến của Huawei.
Dù có P30, Nova 5 và Honor 20, Q2 của Huawei vẫn không tăng trưởng so với Q1.
Doanh số smartphone lại càng thể hiện rõ mối nguy Huawei đang phải đối mặt. Mọi năm, hãng smartphone số 1 Trung Quốc đã luôn đạt mức tăng 2 chữ số khi đi từ quý 1 sang quý 2. Đặc biệt, vào ngoái, nhờ vào sự bùng nổ của P20, Huawei đã chứng kiến doanh số quý 2 tăng tới 38% so với quý 1. Mức tăng trung bình từ quý đầu sang quý tiếp theo trong 5 năm vừa qua là 32,5%.
Năm nay, con số này là 0%. Và doanh số quý 2 đứng yên tại chỗ bất chấp việc một loạt smartphone quan trọng được tung ra thị trường. Dòng đầu bảng P30 Pro lên kệ ngày 26/3 và do đó sẽ có phần lớn doanh số được ghi nhận trong quý 2. Các series quan trọng như Nova 4 hay Honor 20 ra mắt và lên kệ trong tháng 4 hoặc tháng 5. Không vì ông Trump ra lệnh cấm, quý 2 lẽ ra đã phải chứng kiến doanh số Huawei/Honor tăng mạnh nhờ vào những lá bài chủ lực này.
Đồng hương phản đòn
Lệnh cấm của ông Trump không phải là chỉ mang đến những điều tồi tệ: căng thẳng thương mại càng "nóng", sự ủng hộ của người Trung Quốc càng gia tăng. Quý 2 vừa qua, thị trường nội địa đóng góp cho Huawei 62% doanh số. Trong năm 2018, tỷ trọng Huawei bán tại Trung Quốc chỉ vào khoảng 51%.
Lòng yêu nước đã giúp Huawei tăng doanh số. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi Xiaomi, OPPO và Vivo phản đòn?
Nhưng vấn đề là mọi trào lưu rồi cũng sẽ có hồi kết. Có ủng hộ Huawei đến mấy, chắc chắn ít người lại có thể mua tiếp Mate 30 sau khi đã bỏ tiền mua P30. Chưa kể, các hãng Trung Quốc khác cũng không ngồi yên chịu trận, không để Huawei "ăn" hết trái ngọt quê nhà: Xiaomi tuyên bố sẽ bỏ ra hàng tỷ NDT mở rộng chuỗi phân phối, OPPO nói sẽ ném tiền tấn vào R&D và Lenovo/Motorola đầu năm nay cũng tuyên bố đã "hồi sinh" thành công mảng smartphone.
Thị trường Trung Quốc cũng đã suy giảm nhiều năm liên tiếp. Cứ cho rằng Huawei có thể đánh bật được Apple, cái ao nội địa cũng chẳng thể lớn hơn được đáng kể (thị phần của Apple chỉ vỏn vẹn 6%). Các hãng Trung Quốc khác đánh càng mạnh, Huawei sẽ càng khốn đốn.
Sẽ còn tồi tệ hơn
Quý 3 sẽ chứng kiến Huawei bị thử thách thực sự. Cần nhớ rằng ông Trump ban bố lệnh cấm vào ngày 15/5, và khi đó các chuỗi bán lẻ có lẽ đã đặt hoặc nhập đủ hàng để bán hết tháng 5 hay thậm chí là cả tháng 6. Huawei được quyền ghi nhận khoản "doanh số" này. Nhưng sang đến quý 3 thì các chuỗi bán lẻ đều đã hiểu rõ về lệnh cấm, các đơn hàng quốc tế chắc chắn sẽ sụt giảm.
Những chiếc Mate không có ứng dụng Google sẽ là phép thử thực thụ đầu tiên dành cho Huawei.
Đáng lo hơn nữa, Huawei sẽ phải ra mắt smartphone khi không còn quyền hợp tác với Google. Không giống như P30 của ngày hôm nay, những chiếc Mate 30 hay bất kỳ một mẫu Nova/Honor nào của nửa sau 2018 đều sẽ không có Search, Gmail, YouTube hay Maps. Đến lúc ấy, người dùng và các chuỗi bán lẻ mới thực sự thấy tác hại khủng khiếp do lệnh cấm tháng 5 mang lại.
Dù sao thì đó cũng là chuyện của ngày mai. Còn bây giờ, Huawei đang cố tỏ ra vui vẻ và kiên cường.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"
Không chỉ là một mô hình AI mới, sự ra đời của Gemini 2.0 còn được Google xem như là cột mốc chuyển giao sang thời đại của các "tác nhân AI".
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI