Những gì chúng ta được dạy ở trường không phải lúc nào cũng đúng,
1. Kiến thức khoa học được dạy ở trường đều là chân lý?
Trước giờ đi học, chúng ta vẫn quen với những điều này:
- Khoa học được hình thành từ các sự kiện/sự việc thật (fact).
- Luôn tồn tại một câu trả lời đúng.
- Giáo viên (thường) luôn đúng.
Thế nhưng hầu hết những gì trường học vẫn dạy, không sớm thì muộn, cũng sẽ trở nên thiếu chính xác, lạc hậu hay thậm chí là sai lệch. Vấn đề chúng ta cần hiểu điều này: Sự thật (truth) không nên bị đánh đồng với khoa học.
Khoa học thực chất được thành lập ra trên nền tảng của sự không chắc chắn, thế nhưng các trường học thì luôn muốn dạy những thứ dựa trên sự chắc chắn, và đây chính là khi mọi thứ bắt đầu thiếu nhất quán.
Hầu hết những thứ chúng ta được học là các học thuyết (theory) đứng vững với các bằng chứng chứ không phải là chân lý hay những sự kiện, sự việc thực tế (fact).
Thực tế, mối quan tâm hàng đầu của khoa học không phải là những sự việc, hiện tượng thực đó mà là những giả thiết có thể đặt ra dựa trên chúng. Và khi sử dụng những sự kiện, hiện tượng đó để chứng minh cho các giả thiết, chúng ta đặt cho chúng cái tên mới là các “bằng chứng” khoa học.
Ví dụ điển hình là khi quan sát thấy một khoảng trống lớn nối liền với ống thần kinh và có tủy sống đi qua ở phần hông các hóa thạch khủng long, nhà cổ sinh vật học Othniel Charles Marsh đã suy luận rằng đây chính nơi chứa bộ não thứ hai (kiểm soát các hoạt động ở chân và đuôi) của loài bò sát khổng lồ này. Thế nhưng sau đó chúng ta đều biết chẳng con khủng long nào có 2 não cả, phần phình ra đó chỉ là một sự mở rộng của hệ thần kinh nhằm kiểm soát tốt hơn hoạt động của các chi. Việc quan sát và suy ra điều gì đó chỉ là một hoạt động đưa ra giả thiết dựa trên chứng cứ chứ không phải một hiện tượng thật. Những giả thiết này sẽ trở nên lỗi thời theo năm tháng, khi con người ta đưa ra được những giả thiết, bằng chứng mới thuyết phục hơn.
Vậy nên hiểu khoa học là gì? Khoa học là quá trình không ngừng phủ nhận những thứ trong thực tế, thu thập những bằng chứng có thể xác thực, nó liên quan nhiều hơn đến chủ nghĩa hoài nghi (không tin vào những gì vẫn được tai nghe mắt thấy) chứ không phải đức tin. Trong lịch sử, khoa học thường xuất phát từ những người luôn muốn thách thức những hiểu biết thường ngày của số đông chứ không phải những người luôn tin chắc (không nghi nghờ gì) những điều đó.
Nói như vậy để thấy rằng khoa học thực chất là một công cụ tư duy giúp các nhà tư tưởng sắp xếp lại những suy nghĩ – tưởng tượng của họ bằng những sự việc, hiện tượng thật. Khoa học là việc đưa ra các giả thiết chúng ta có thể dựa vào và thách thức, lật lại chúng cho đến khi chúng ta tìm ra được những giả thiết xác đáng, hữu dụng hơn và đào thải những thứ cũ kỹ đi.
Chính vì vậy mà trường học ngày nay không nên dạy những giả thiết khoa học như thể chúng là chân lý. Tránh được điều này, các nhà giáo mới có thể tránh được việc cầm sách giáo khoa thuyết giảng như các mục sư với cuốn kinh thánh. Tất cả những gì được viết trong sách mới chỉ là những giả thiết mới nhất mà chúng ta còn đồng ý chứ không phải những điều luôn đúng theo thời gian.
Chúng ta còn lầm tưởng việc đến trường là để học những thứ được coi là “chân lý” - những thứ có thể tra Google nhanh hơn cả ngồi lục lại trong đầu. Cuối cùng, lý do thật sự chúng ta đến trường vẫn là để học được cách tư duy của khoa học – từ nghi ngờ mọi thứ, biết quan sát, hình thành giả thiết cho đến biết phương pháp nghiên cứu về chúng.
2. Sơ đồ vòng tuần hoàn của nước
Có lẽ hầu hết chúng ta đã trải qua thời phổ thông quen thuộc với sơ đồ vòng tuần hoàn của nước dưới đây:
Tuy nhiên, sơ đồ này không hoàn toàn chính xác, hoặc có phần đúng nhưng chưa thực sự đầy đủ.
Sơ đồ chuẩn xác hơn của vòng tuần hoàn này còn bao gồm cả việc thực vật cũng thoát hơi nước vào không khí.
Một số giáo viên có thể đề cập đến điều này, nhưng trong tâm trí của hầu hết học sinh có lẽ không tồn tại khái niệm cây cối cũng thoát hơi nước vào không khí. Thực tế điều này cũng khá quan trọng bởi nó giúp con người ta hiểu được tại sao hạn hán hay không khí khô hanh cũng có đóng góp một phần từ việc chặt cây, phá rừng chứ không đơn thuần chỉ từ khí hậu vốn có của khu vực đó.
3. Vật chất chỉ tồn tại ở 3 thể duy nhất?
Từ trước đến nay học sinh vẫn luôn được dạy rằng mọi vật chất có thể được xếp vào 3 thể là rắn, lỏng và khí. Nếu bạn từng có thắc mắc không biết món thạch vẫn ăn là thể gì giống tôi thì đúng rồi đó, những gì chúng ta được dạy chưa hề đầy đủ đâu.
Thực tế trong hai thế kỷ qua, con người ta đã tìm ra những chất không thể xếp được vào ba nhóm trên, chẳng hạn như chất keo (colloid), tinh thể lỏng, chất siêu dẫn hay vật chất ở trạng thái ngưng tụ Bose-Einstein,…
Việc phân loại vật chất một cách lạc hậu chúng ta vẫn được dạy hiện nay khí tuy có thể làm bài học đơn giản hơn đôi chút nhưng đã khiến không ít người hiểu sai và đánh đồng các loại vật chất. Ít nhất là 50 năm qua, chúng ta đã được chứng kiến quá nhiều bước tiến trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, khoa học vật liệu và không đáng bị “lừa phỉnh” một cách dễ dàng như vậy.
4. Con người chỉ có 5 giác quan?
Ai cũng được dạy rằng con người có 5 giác quan: thị giác, vị giác, khứu giác, thính giác và xúc giác.
Thế nhưng tạm gác lại mấy bộ phim khoa học viễn tưởng về giác quan thứ sáu thứ bảy siêu nhiên, trên thực tế con người đúng là còn có một số giác quan nữa khá trừu tượng để định nghĩa nhưng có thể tạm gọi chung là các cảm nhận tri giác. Chúng giúp chúng ta có được những cảm nhận rất tinh tế ngay cả khi đã mất các giác quan cơ bản nêu trên.
Một báo cáo Harvard Medical School có liệt kê một số giác quan khác trên cơ thể như:
- Equilibrioception (cảm giác về sự cân bằng): Cảm quan này giúp bạn giữ thăng bằng khi trượt trên một bề mặt dốc hay đi bộ trên đường. Mặc dù tầm nhìn sự vật có ảnh hưởng rất nhiều đến cảm giác này nhưng có đúng là bạn vẫn cảm nhận được mỗi khi bước hụt xuống bậc thang kể cả khi đã bịt mắt vào không?
- Proprioception (sự cảm nhận bên trong cơ thể): Hãy thử mắt lại rồi tự đặt bàn tay phải lên khuỷu tay trái. Ngay cả khi chẳng nhìn thấy gì bạn vẫn biết chúng ở đâu đúng không? Đây chính là một giác quan giúp bạn cảm nhận và biết mọi thứ nằm ở đâu trên cơ thể mình. Nếu không có nó, chắc chắn bạn sẽ liên tục phải ngó xuống chân để chắc chắn là nó vẫn còn ở đây.
- Thermoception (cảm quan nhiệt độ): Đây là giác quan giúp bạn cảm nhận được độ nóng lạnh của không khí.
- Temporal perception (cảm quan thời gian): Dù rất cảm tính nhưng việc chúng ta vẫn có thể áng chừng được những khoảng thời gian như 15 phút hay vài tiếng mà không cần nhìn đồng hồ cũng chính là nhờ giác quan này.
- Interoception (sự kết hợp các bộ phận, giác quan): Khi kết hợp các giác quan lại với nhau chúng ta lại được một tổ hợp nhiều giác quan hơn nữa. Ví dụ như khi ăn, bạn sẽ dùng đồng thời cả mũi và miệng để cảm nhận đồ ăn. Nếu chẳng may bị ngạt mũi, bạn sẽ thấy mùi vị các món không còn ngon như lúc bình thường nữa.
Trên đây là một số điều chúng tôi tổng hợp được, các bạn có tìm được sai lầm nào vẫn được truyền dạy trong các trường học hiện nay không?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming