Những lời khuyên cần nhớ nếu bạn đang dự định đưa AI vào startup của mình

    Ngocmiz,  

    Những chia sẻ xương máu từ nhà sáng lập Mezi dưới đây có thể giúp bạn định hình rõ hơn việc đưa AI vào sản phẩm công nghệ của mình.

    Trí tuệ nhân tạo có lẽ đang ở vào thời kỳ bùng nổ nhất trong lịch sử. Từ những hình mẫu khoa học viễn tưởng, AI nay đã lọt vào mắt của hầu như mọi doanh nhân có tầm nhìn. Thậm chí tác giả nổi tiếng Kevin Kelly còn từng nhận định: Mô hình kinh doanh của 10.000 startup tiếp theo cũng rất dễ dự đoán: Giải quyết vấn đề X rồi thêm AI vào.

    Thế nhưng cho dù có phổ biến và tiềm năng đến mức nào thì lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều thách thức cần vượt qua, nhất là đối với các nhà sáng lập startup đang có ý định đưa AI vào sản phẩm của mình.

    Bất cứ ai từng tham gia huấn luyện một trí tuệ nhân tạo chắc chắn sẽ nói với bạn rằng sẽ luôn có một trở ngại phủ bóng lên tất cả: việc loại bỏ con người ra khỏi quy trình.

    Trên thực tế, AI dù có thông minh đến đâu thì việc mở rộng chúng cũng vẫn cần đến con người tham gia vào các hoạt động bên lề hay kiểm soát, sữa chữa khi có vấn đề. Ngay cả Facebook, công ty đi đầu về AI và công nghệ chatbot cũng cần đến sự can thiệp của con người để đảm bảo trải nghiệm người dùng ổn định.

    Tất nhiên, ngay cả khi con người vẫn phải tham gia vào quá trình để đảm bảo AI hoạt động tốt thì việc xây dựng được một hệ thống AI có thể tự động 100% vẫn sẽ là mục tiêu tối thượng của chúng ta. Những bài học từ quá trình xây dựng chatbot Mezi của nhà sáng lập Snehal Shinde dưới đây có thể sẽ giúp các startup muốn gia nhập lĩnh vực này có một bước đệm tốt hơn.


    Chọn đúng lĩnh vực

    Một trong những hiểu lầm lớn nhất về AI là “chắc sẽ có một trí tuệ nhân tạo nào đó có thể làm mọi thứ.” Trên thực tế, khả năng cao là chúng ta sẽ được chứng kiến một ngành công nghiệp AI tràn ngập những trí tuệ nhân tạo chuyên sâu về các lĩnh vực cụ thể chứ khó có thể có một siêu máy tính giỏi tất mọi thứ. Chính vì vậy mà chọn lấy một lĩnh vực nào đó để huấn luyện chuyên biệt cho AI của bạn là quyết định quan trọng cần thực hiện.

    Khi mới ra mắt chatbot Mezi, nhóm sáng lập đã tập trung vào một trải nghiệm duy nhất là mua sắm rồi test thử nó với một nhóm các phân ngạch khác nhau như thời trang, quà tặng, du lịch. Chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng ngành du lịch có đầy đủ những yếu tố cốt lõi để huấn luyện AI phù hợp.

    Lý do đầu tiên là ngành này hiện còn đang rất phân mảnh. Chẳng có ứng dụng nào có thể giúp bạn lên kế hoạch cho toàn bộ chuyến đi từ A đến Z, từ đặt vé cho đến thiết lập địa điểm ghé thăm. Ngành du lịch cũng đang rất phong phú chủng loại sản phẩm, từ di chuyển, đặt vé, khách sạn cho đến gói tour, nên bạn có thể kết hợp và thay đổi từng nhà cung cấp những chủng loại trên cho phù hợp. Lượng dữ liệu bạt ngàn về các sản phẩm và nhà cung ứng này cũng đều ở dạng có cấu trúc, cho phép AI dễ dàng học theo.

    Đây cũng chính môi trường nơi hệ thống AI Mezi có thể phát triển tốt. Bằng cách đưa vào các công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, deep learning hay mạng thần kinh nhân tạo, chúng ta có thể dễ dàng hiểu được mong muốn, hành vi, địa điểm hay nhiều đặc tính khác của người dùng với độ chính xác cao. Môi trường dữ liệu có cấu trúc này cũng giúp nhóm sáng lập dễ dàng chạy thử hàng loạt thuật toán machine learning để cung cấp các gợi ý mang tính cá thể hóa cho người dùng.

    Yếu tố cuối cùng cần cân nhắc khi lựa chọn lĩnh vực cho AI là tỷ lệ người dùng sử dụng dịch vụ của bạn cho công việc. Chẳng hạn với du lịch, một lượng lớn người dùng hiện nay thực hiện các chuyến đi xa kiểu công tác. Điều này không chỉ thúc đẩy họ sử dụng liên tục với cách tương tác lặp đi lặp lại mà còn cho thấy một tiền lệ trước đó: Nhiều người hiện vẫn sử dụng trợ lý cá nhân (là người thật) xếp hộ lịch đi công tác. Nếu trợ lý ảo có thể làm thay những việc này hiệu quả hơn, họ sẽ dễ dàng tiếp nhận và sử dụng hơn.

    Làm chủ quá trình chuyển giao từ người sang AI

    Một điều quan trọng nữa cần nắm được là chuyện tự động hóa và loại bỏ hoàn toàn con người ra khỏi quy trình thực chất chưa phải điều đáng phải quan tâm nhất. Đó là một bước tiến chúng ta cần thực hiện từ từ qua thời gian.

    Khi chúng tôi lần đầu ra mắt Mezi, hầu như bất cứ tương tác nào của người dùng cũng đều cần con người hỗ trợ phía sau. Chúng tôi thuê những người “cool ngầu”, điềm tĩnh và có kinh nghiệm chăm sóc khách hàng đứng sau chatbot trả lời người dùng. Sau đó, chúng tôi mới xây dựng hệ thống AI có thể xem và học hỏi từ các tương tác của các nhân viên này với người dùng, từ cách dùng từ cho đến emoji.

    Chúng tôi bắt đầu chuyển giao một số tác vụ cho Mezi AI – đầu tiên là những phần đơn giản như workflow của nhân viên người thật, sau đó là những tác vụ phức tạp hơn. Mỗi khi AI học được thêm một tác vụ mới, nhân viên người thật lại được trút bớt phần việc để tập trung tìm hiểu những mảng mới có thể huấn luyện tiếp cho máy.

    Khi chúng tôi thử nghiệm chatbot với một trong những hãng dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới vào đầu năm 2017, số lượt truy cập đã tăng đột biến khiến chatbot gặp trục trặc. Hệ thống xử lý ngôn ngữ tự nhiên chưa thực sự sẵn sàng trước số lượng yêu cầu cao đến vậy. Thật may mắn là chúng tôi đã có sẵn trong tay nhiều nhân viên người thật để “cứu giá” tình hình.

    Lời khuyên ở đây là nếu muốn mở rộng hệ thống AI của mình, bạn đừng cố lập trình tự động hóa toàn bộ các tương tác ngay từ đầu. Thay vào đó, hãy cố vận hành hệ thống với sự tham gia của con người, để AI học dần dần và có một bước đệm vững chắc. Khi AI đã trở nên thông minh hơn, việc loại bỏ con người ra khỏi hoạt động là rất đơn giản.

    Tham khảo VentureBeat

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ