Những lý do khiến khán giả không quá mặn mà với MCU giai đoạn 4

    Đông Giang, Thể thao & Văn hóa 

    Dù đã chính thức khép lại vào tháng 11 vừa qua nhưng dường như giai đoạn 4 của vũ trụ điện ảnh Marvel MCU vẫn chưa thực sự để lại quá nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người hâm mộ, đặc biệt là khi so sánh với những dự án phim đã ra mắt trước đó.

    Marvel Studios đã có dấu hiệu hụt hơi sau 3 giai đoạn đầu tiên của MCU.

    Sau hơn 1 thập kỷ phát triển, Marvel Studios đã biến vũ trụ điện ảnh của mình (MCU) thành 1 đế chế hùng mạnh trong thị trường Hollywood vốn có độ cạnh tranh cực kỳ gay gắt. Thay vì sản xuất những dự án phim độc lập, Marvel đã quyết định đi theo 1 hướng hoàn toàn mới: Xây dựng nhiều phần phim lẻ nhưng lại có liên kết với nhau để phục vụ cho một cốt truyện chung hấp dẫn hơn.

    Trên đà thành công, trong khoảng 3 năm vừa qua, Marvel Studios đã tiếp tục mở rộng quy mô vũ trụ của mình trong giai đoạn thứ 4 (tính từ sau những sự kiện trong Spider-Man: Far From Home). Không chỉ tự giới hạn trong lĩnh vực điện ảnh, các siêu anh hùng của họ đã “lấn sân” sang cả mảng truyền hình, với rất nhiều dự án đáng chú ý như WandaVision, Loki hay series hoạt hình What If…?

    Mặc dù mang đến nhiều đột phá là vậy, nhưng Marvel Studios vẫn phải đối mặt với vấn đề chung mà bất cứ hãng phim nào cũng không thể tránh khỏi: Đó chính là duy trì được sức hút đối với khán giả, đặc biệt là với mô hình “vũ trụ điện ảnh” mà họ đã phát triển trong suốt hơn 10 năm qua. Để làm được điều đó, Marvel đã mang ý tưởng đa vũ trụ vào những dự án mới của mình. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau hiệu quả mà họ thu về, đáng tiếc là chưa thực sự được như kỳ vọng, với những dự án bị đánh giá rất thấp trên các chuyên trang lớn, ví dụ như Eternals hay Thor: Love and Thunder.

    Marvel mất điểm trầm trọng trong mắt giới nghệ sĩ kỹ xảo

    Những lý do khiến khán giả không quá mặn mà với MCU giai đoạn 4 - Ảnh 1.

    Kỹ xảo là một phần quan trọng tạo nên thành công cho các bom tấn Marvel - Ảnh: WhatCulture.

    Trong thời gian vừa qua, đã có không ít nghệ sĩ VFX lên tiếng chỉ trích về quy trình làm việc khắt khe đến hư cấu của Marvel Studios. Studio này thường xuyên đặt ra thời hạn công việc (deadline) một cách vô lý, thế nhưng lại trả công không hề tương xứng cho những deadline đó. Hậu quả là các nghệ sĩ VFX liên tục bị cuốn vào vòng xoáy công việc mà không còn thời gian để nghỉ ngơi, và chất lượng sản phẩm đôi khi cũng không được như mong đợi.

    Gần đây, đạo diễn Taika Waititi đã không ngần ngại bày tỏ sự thất vọng về mặt kỹ xảo trong bom tấn Thor: Love and Thunder, bộ phim mới nhất mà ông thực hiện cho Marvel. Chính điều này đã vô tình kéo chất lượng của phim xuống, qua đó ảnh hưởng khá tiêu cực đến giai đoạn thứ 4 của MCU, đặc biệt là khi so sánh với 3 giai đoạn trước đó, vốn thường xuyên được chỉn chu về mặt hình ảnh.

    Marvel ưu tiên số lượng thay vì chất lượng

    Những lý do khiến khán giả không quá mặn mà với MCU giai đoạn 4 - Ảnh 2.

    Số lượng phim trong giai đoạn 4 của MCU đã tăng lên đáng kể nhờ chiến lược mở rộng sang lĩnh vực truyền hình - Ảnh: WhatCulture.

    Đã từng có thời điểm, Marvel Studios chỉ ra mắt 1 - 2 bộ phim mỗi năm, khiến cho khán giả luôn phải “dài cổ” ngóng chờ. Tuy nhiên, đó đã là quá khứ xa vời. Trong năm 2021 vừa qua, họ đã trình làng 4 dự án điện ảnh và 4 dự án truyền hình. Năm 2022 này cũng không hề kém cạnh, với 3 phim lẻ, 4 phim bộ, và 1 số series ngắn đặc biệt ra mắt vào dịp cuối năm.

    Trên chuyên trang đánh giá uy tín Rotten Tomatoes, trong số 29 dự án của MCU, có đến 4 bộ phim thuộc giai đoạn 4 đang nằm trong nhóm “đội sổ”. Black Widow chỉ được đánh giá 76%; Doctor Strange in the Multiverse of Madness là 74%; 65% dành cho Thor: Love and Thunder; và tệ hại nhất là Eternals với 47%. Điều này, cộng với những phản ứng trái chiều từ phía khán giả, cho thấy dường như Marvel Studios đang quá chú trọng vào số lượng mà bỏ quên chất lượng của từng dự án.

    MCU bắt đầu “kén” khán giả hơn

    Những lý do khiến khán giả không quá mặn mà với MCU giai đoạn 4 - Ảnh 3.

    Số lượng phim quá lớn khiến cho khán giả cảm thấy ngại "cày" lại toàn bộ vũ trụ điện ảnh MCU - Ảnh: WhatCulture.

    Trước khi Marvel Studios ra mắt những dự án mới, không ít người hâm mộ có thói quen “cày” lại 1 lượt các bộ phim đã phát hành từ trước. Tuy nhiên, điều này giờ đây đang ngày càng trở nên khó khăn và tốn thời gian hơn, đặc biệt là với sự xuất hiện của các tác phẩm truyền hình dài tập. Với khán giả đại chúng, những người không phải fan của Marvel, việc theo dõi và nắm bắt cốt truyện chung của MCU đang ngày càng trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

    Bên cạnh đó, tất cả các dự án truyền hình của Marvel Studios đều được phát sóng trên Disney+, nền tảng streaming mới và hiện vẫn chưa có mặt tại rất nhiều khu vực trên thế giới. Vì vậy, không phải ai cũng có thể theo dõi được toàn bộ những bộ phim của họ.

    Phim siêu anh hùng đang dần trở nên nhàm chán

    Những lý do khiến khán giả không quá mặn mà với MCU giai đoạn 4 - Ảnh 4.

    Thể loại phim siêu anh hùng đã bắt đầu có dấu hiệu bão hòa sau 1 thập kỷ thành công rực rỡ - Ảnh: WhatCulture.

    MCU khởi đầu với Iron Man vào năm 2008, mở ra một thời kỳ tươi đẹp cho dòng phim siêu anh hùng trong 10 năm sau đó. Hiệu ứng vũ trụ điện ảnh này tạo ra lớn đến nỗi không chỉ DC phải “vào cuộc chơi”, mà rất nhiều dự án siêu anh hùng độc lập khác cũng lần lượt ra đời. Cho đến thời điểm hiện tại, mảng nội dung siêu anh hùng đã trở nên quá đồ sộ đến mức chật chội và khiến không ít khán giả cảm thấy ngán ngẩm.

    Marvel Studios đương nhiên hiểu rất rõ điều này. Đó là lý do vì sao họ đã thử sức với nhiều ý tưởng mới lạ hơn, ví dụ như Doctor Strange in the Multiverse of Madness (kinh dị) hay Moon Knight (tâm lý, “hack” não). Dẫu vậy, những bộ phim này vẫn mang nhiều màu sắc chung của MCU, vẫn đậm chất siêu anh hùng quen thuộc mà họ luôn theo đuổi, chứ không mang lại đột phá quá lớn đối với khán giả.

    Thiếu sự kết nối giữa các bộ phim của giai đoạn 4

    Những lý do khiến khán giả không quá mặn mà với MCU giai đoạn 4 - Ảnh 5.

    Không phải dự án nào của giai đoạn 4 của MCU cũng khai thác đề tài chung là đa vũ trụ - Ảnh: WhatCulture.

    Trong 3 giai đoạn trước, Thanos được “nhá hàng” trong đoạn credit của The Avengers (2012), và các viên đá vô cực liên tục được rải rác trong những bộ phim sau đó. Sự móc nối giữa các dự án của Marvel là khá rõ ràng và tinh tế, mang đến hiệu ứng cực kỳ bùng nổ khi Avengers: Infinity WarAvengers: Endgame ra mắt.

    Thế nhưng, giai đoạn 4 đang khiến người hâm mộ cảm thấy mông lung hơn bao giờ hết, khi các dự án phim có rất ít, thậm chí là không hề, kết nối với nhau. Mặc dù nằm trong mạch truyện đa vũ trụ với Kang the Conqueror là 1 trong những phản diện chính, nhưng cho đến nay, mới có series Loki thực sự khai thác nhân vật này. Bên cạnh đó, giai đoạn 4 cũng mang đến khá nhiều siêu anh hùng mới, nhưng vai trò của họ ra sao đối với MCU thì đến vẫn còn là 1 ẩn số mà rất nhiều fan đang kiên nhẫn chờ đợi lời giải đáp.

    Marvel Studios đã không tự lượng sức mình với ý tưởng đa vũ trụ

    Những lý do khiến khán giả không quá mặn mà với MCU giai đoạn 4 - Ảnh 6.

    Giai đoạn 4 đã khép lại với quá ít câu chuyện liên quan đến đa vũ trụ - Ảnh: WhatCulture.

    Đa vũ trụ dường như là 1 dự án quá tham vọng của Marvel đang theo đuổi. Không ít fan đã cảm thấy thất vọng toàn tập với Doctor Strange in the Multiverse of Madness, vốn được xem là dự án quan trọng nhất của giai đoạn 4. Không có nhiều vai cameo đã đành, bộ phim này còn xây dựng tổ chức Illuminati một cách hời hợt, đồng thời khai tử luôn hàng loạt nhân vật đầy tiềm năng, trong đó bao gồm cả Professor X - người từng hy sinh một cách rất điện ảnh trên màn bạc.

    Nói cách khác, đa vũ trụ là một đề tài rất lớn, rất rộng, và cần có nhiều thời gian, nhiều dự án để khai thác. Thế nhưng, Marvel Studios đã dành phần lớn các bộ phim trong giai đoạn 4 để mang đến những siêu anh hùng mới, thay vì tập trung vào đề tài này.

    Marvel Studios đang lãng phí thời gian với những nhân vật đời đầu

    Những lý do khiến khán giả không quá mặn mà với MCU giai đoạn 4 - Ảnh 7.

    Những nhân vật đời đầu của MCU vẫn liên tục có dự án phim riêng - Ảnh: WhatCulture.

    Các nhân vật đời đầu của MCU như Iron Man, Captain America hay Black Widow đều đã khép lại hành trình siêu anh hùng của mình đầy cảm xúc và để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều nhân vật khác vốn đã hết “đất diễn” nhưng vẫn được đưa lên màn ảnh lớn.

    Trong đó, ví dụ rõ ràng nhất có lẽ phải kể đến Thor và Wanda. Cả 2 đều từng mắc phải hội chứng ám ảnh tâm lý sau khi đánh mất những người mà họ yêu thương, từng phải trải qua nhiều biến cố để chấp nhận sai lầm của bản thân, chấp nhận những mất mát hướng đến những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, những bộ phim gần đây của họ (Doctor Strange 2Love and Thunder) lại tiếp tục buộc họ phải trải qua những điều tương tự, buộc họ phải học lại những bài học mà họ đã trải qua trước đó.

    Những vai phản diện mờ nhạt, thiếu chiều sâu

    Những lý do khiến khán giả không quá mặn mà với MCU giai đoạn 4 - Ảnh 8.

    Một số phản diện trong giai đoạn 4 của MCU không để lại nhiều ấn tượng - Ảnh: Marvel Studios.

    Trong quá khứ, MCU từng vấp phải nhiều chỉ trích khi mang đến những nhân vật phản diện quá thiếu ấn tượng và không được phát triển sâu. Tuy nhiên, họ đã vượt qua những ý kiến tiêu cực đó với loạt nhân vật như Killmonger, Hela hay Thanos.

    Thế nhưng, vấn đề này một lần nữa lặp lại trong các dự án của giai đoạn 4. Najima, phản diện của series Ms. Marvel, đã vô cớ tấn công Kamala khi cô nàng chỉ muốn có thêm thời gian để giúp Najima một cách an toàn hơn. Kẻ sát thần Gorr vốn nổi tiếng với việc càn quét giới thần thánh trong vũ trụ, lại không có nhiều cơ hội để thể hiện điều đó trực tiếp trên màn ảnh lớn. Về cơ bản, Marvel Studios chỉ đang đưa những tên tuổi quen thuộc từ truyện tranh lên màn bạc mà lại quên khắc họa họ một cách sâu sắc và thuyết phục hơn.

    Cái bóng của Avengers: Endgame là quá lớn

    Những lý do khiến khán giả không quá mặn mà với MCU giai đoạn 4 - Ảnh 9.

    Avengers: Endgame đã nâng tiêu chuẩn phim của MCU lên mức quá cao - Ảnh: Marvel Studios.

    Avengers: Infinity WarAvengers: Endgame là 2 phần của cùng 1 câu chuyện, và cũng là 2 dự án lớn nhất của Marvel Studios cho đến thời điểm hiện tại. Trong đó, Endgame hiện đang là bom tấn có doanh thu phòng vé cao thứ 2 trong lịch sử điện ảnh thế giới, sau Avatar. Tuy nhiên, chính thành công của 2 phần phim Avengers này đã vô tình tạo ra áp lực khủng khiếp cho Marvel, khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trình những gì tốt đẹp nhất mà chính họ đã tạo ra.

    Avengers: The Kang DynastyAvengers: Secret Wars, hai dự án khép lại giai đoạn 6 vào năm 2025, sẽ là câu trả lời của Marvel Studios cho vấn đề này.

    Nguồn: Marvel Studios, WhatCulture

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ