Những ngày lụi tàn của công nghiệp điện tử Nhật

    PV,  

    Các công ty điện tử Nhật đang tái cơ cấu mạnh mẽ.

    Sony khép lại mảng kinh doanh pin, sản xuất tivi; Panasonic bán chi nhánh máy ảnh số; Sharp chuyển giao công ty chuyên phát triển dự án năng lượng mặt trời có trụ sở ở Mỹ... để có tiền tái cơ cấu lại bộ máy hoạt động. 


    Những ngày lụi tàn của công nghiệp điện tử Nhật 1


     Tập đoàn điện tử Panasonic đã đồng ý bán chi nhánh sản xuất máy ảnh kỹ thuật số mà họ đã mua lại của Sanyo Electric Co. hồi năm 2009 cho một công ty cổ phần tư nhân. Thương vụ này là một ví dụ điển hình trong bối cảnh các hãng điện tử Nhật đang chống chọi vất vả với áp lực cạnh tranh trên toàn cầu vài năm trở lại đây. Các tập đoàn đã quyết định bán tài sản cồng kềnh để cơ cấu lại quy mô hoạt động tinh gọn hơn. 


     Đây được coi là hành động thực tế mà các công ty Nhật đã và đang áp dụng, nhằm giảm bớt thiệt hại nhiều tỷ USD và tình trạng nguồn vốn cạn kiệt những năm gần đây. Tuy nhiên, việc rao bán các đơn vị kinh doanh hoạt động không hiệu quả có thể gặp trở ngại bởi những thứ để bán có khi không phù hợp với những gì mà những người mua thật sự cần. 


     Các doanh nghiệp điện tử như Sony, Panasonic và Sharp đã có quyết định được cho là mang tính “nhạy cảm” trong kinh doanh là chấp nhận rút lui, không cạnh tranh cũng như không đoái hoài đến khách hàng tiềm năng. 


     Một số chuyên gia nhận định các tập đoàn nổi tiếng nhất của Nhật có thể phải bán chi nhánh mà không còn lựa chọn nào khác. "Các nhà quản lý nên tự nhìn lại sức khỏe doanh nghiệp mình và bình tĩnh đánh giá khả năng thay thế các chiến lược nếu nó vẫn đủ mạnh để cạnh tranh toàn cầu cũng như tạo ra lợi nhuận tốt, còn hơn phải chờ đến 5 hay 10 năm nữa cho đến khi mảng kinh doanh bắt đầu hoạt động nhưng kém hiệu quả ", ông Masao Yoshikawa, người đứng đầu nhóm sáp nhập và mua lại của tập đoàn Citigroup tại Tokyo cho biết. 


     Các thương vụ mua bán tiềm năng thường là những phân khúc có tính cạnh tranh tương đối cao. Lợi ích của các thương vụ này mang lại là có thể sở hữu các nhà máy sản xuất có chi phí thấp. Một ví dụ mới đây nhất, mảng kinh doanh pin và sản xuất tivi sẽ được bán vì Sony muốn tối ưu hóa họat động của tập đoàn, rồi đến lượt Panasonic cũng bán chi nhánh máy ảnh số Sanyo. Đối mặt với việc nguồn tài chính hạn hẹp, Sharp cũng dự kiến sẽ bán công ty chuyên phát triển dự án năng lượng mặt trời có trụ sở ở Mỹ mà Sharp đã mua lại nó cách đây hai năm. 


     "Việc rao bán các chi nhánh, công ty không còn là điều cấm kỵ tại Nhật nữa”, Yuichiro Wakatsuki, Trưởng nhóm phụ trách sáp nhập và mua lại của Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch, chi nhánh tại Tokyo, nói. Với những thay đổi gần đây, các công ty Nhật Bản ngày càng mạnh dạn hơn trong việc thẩm định lại tài sản nào cần bán, chứ không còn dừng lại ở những thương vụ thâu tóm, ông này cho biết. 


     Có những đơn vị kinh doanh khác cho lợi nhuận thấp, tạo tỷ suất sinh lợi không cao nên nhiều công ty muốn gỡ bỏ gánh nặng này. Các nhà quản lý và chuyên viên ngân hàng đã đưa ra một số dẫn chứng về các mảng kinh doanh chưa hiệu quả ở các tập đoàn, cụ thể đơn vị kinh doanh máy tính cá nhân Vaio của Sony Vaio, mảng thiết bị cầm tay của Panasonic và bộ phận đồ điện tử gia dụng của Sharp. 


     Một trở ngại khác có thể là do đồng yên mạnh đã gây khó khăn cho xuất khẩu trong những năm gần đây. Việc này khiến hàng hóa sản xuất tại Nhật đắt đỏ hơn và cũng gây khó cho các công ty nước ngoài muốn thâu tóm các công ty Nhật.


    Những ngày lụi tàn của công nghiệp điện tử Nhật 2

    Việc rao bán các đơn vị kinh doanh hoạt động không hiệu quả tại các tập đoàn điện tử Nhật Bản giờ đã trở nên phổ biến hơn. Ảnh:  aljazeera 

     Một số tập đoàn đa ngành như Hitachi, Fujitsu, NEC và Toshiba, cho đến thời điểm này có hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn so với các công ty hướng vào lĩnh vực tiêu dùng. Những tập đoàn nói trên đã bắt đầu tiến hành cấu trúc lại hàng loạt cách đây gần 10 năm. Cụ thể họ đã liên kết với các quỹ đầu tư, thường được hậu thuẫn bởi một số quỹ tài trợ từ chính phủ. Do đó, các tập đoàn đa ngành này ít chịu ảnh hưởng nặng nề về áp lực cạnh tranh khốc liệt như các lĩnh vực điện thoại di động hay các loại chất bán dẫn đặc biệt. 


     Sony, Panasonic và Sharp có thể phải di dời hoạt động sản xuất ra nước ngoài hay bán lại các đơn vị kinh doanh hoạt động không hiệu quả cho các công ty cổ phần tư nhân. Thực tế, nhiều công ty Nhật hiện không có nhiều tiền để hỗ trợ lẫn nhau. Nhà sản xuất Hon Hai Precision, Đài Loan chuyên thực hiện gia công theo hợp đồng đã chộp ngay cơ hội để mua lại những công ty điện tử của Nhật, gồm cổ phần trong nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng của Sharp và các nhà máy lắp ráp TV đặt tại nước ngoài của Sony. Bên cạnh đó, các công ty cổ phần tư nhân cũng đã dòm ngó các hãng điện tử của Nhật nhiều năm nay. 


     Sony đang đưa ra các phương án cho chi nhánh sản xuất pin của hãng. Đây là đơn vị sản xuất pin cho máy tính xách tay, điện thoại thông minh và các thiết bị di động khác, nhưng phải cạnh tranh với các đối thủ ở châu Á đang thi nhau giảm giá. Trong lúc, Sony vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, thì một số giám đốc điều hành Sony cho rằng việc bán lại mảng sản xuất pin là một quyết định đúng đắn nhất. 


     Sony không quá bất ngờ với mức lợi nhuận quá thấp từ ngành máy tính. Kể từ tháng 4, Sony cho biết họ sẽ sắp xếp lại danh mục đầu tư và chuyển dời những đơn vị nào hoạt động hiệu quả sang các khu vực có mức tăng trưởng, nhưng vẫn chưa thông báo chính xác đơn vị nào sẽ bị bán lại. 


     Chủ tịch Panasonic, Kazuhiro Tsuga, đã có kế hoạch tái cơ cấu lại quy mô hoạt động vào cuối tháng 10 khi công ty báo cáo thiệt hại của hãng lên 685 tỷ yên (8,12 tỷ USD) hàng quý. Bắt đầu từ tháng 4, công ty sẽ sắp xếp lại các đơn vị kinh doanh. Cụ thể Panasonic sẽ cắt giảm từ 88 còn 56 đơn vị. Trong khi một số đơn vị khác có thể bị đóng cửa hoặc hợp nhất, ông Tsuga cho biết. 


     Trong lúc đó, khó khăn của Panasonic hiện giờ, phần lớn xuất phát từ việc tập đoàn này mua lại Sanyo hồi năm 2009. Panasonic đã không tích hợp hoạt động máy ảnh kỹ thuật số Sanyo và hoạt động kinh doanh mảng tivi hiệu Sanyo ở nước ngoài. Năm ngoái, công ty đã bán chi nhánh chuyên về đồ gia dụng cho tập đoàn Haier. 


     Về phần Sharp, hãng này đang bị kẹt tiền mặt nên định bán một chuỗi các nhà máy ở Mexico, Trung Quốc và Malaysia và một chi nhánh năng lượng mặt trời trụ sở tại California. Ngoài ra, Sharp có thể bán một số chi nhánh khác và văn phòng của nó tại Tokyo, Nhật. 


     Hon Hai đang muốn mua nhà máy sản xuất tivi của Sharp tại Nhật Bản hoặc ở nước ngoài. Vào tháng 3, Hon Hai đã có cổ phần trong nhà máy sản xuất LCD của Sharp vào tháng 3. Thỏa thuận này được tiến hành trong lúc cổ phiếu của Sharp giảm mạnh. Cả Hon Hai và Sharp vẫn tiếp tục đàm phán. 


     Mai Phương  (theo Wall Street Journal)

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ