Những tác dụng của hệ thống thăm dò Mặt Trăng của Ấn Độ và ý nghĩa của nó với khoa học

    Kim, Phụ nữ số 

    Những sự kiện dự kiến sẽ diễn ra sau khi robot thăm dò của Ấn Độ đổ bộ Mặt Trăng, ở tương lai gần và tương lai xa.

    Thành công của sứ mệnh Chandrayaan-3 chính thức biến Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư hạ cánh xuống Mặt Trăng. Người dân đất nước Nam Á còn một lý do nữa để ăn mừng: Ấn Độ là quốc gia đầu tiên đáp thành công xuống miền cực Nam của Mặt Trăng, nơi được cho là có nước đóng băng.

    Tác dụng của hệ thống thăm dò Mặt Trăng của Ấn Độ, và ý nghĩa của nó với khoa học - Ảnh 1.

    Khoảng khắc lịch sử khi Vikram tiếp cận bề mặt Mặt Trăng - Nguồn: ISRO.

    Hai hệ thống, bao gồm thiết bị đáp bề mặt Vikram và robot thăm dò Pragyan, sẽ tiến hành khảo sát khu vực để xác định xem lượng nước đóng băng tại đây có thể trở thành nguồn tài nguyên hỗ trợ những sứ mệnh tương lai.

    Chandrayaan-3 là một sứ mệnh khoa học dự kiến sẽ kéo dài 2 tuần, cũng là thời lượng ánh Mặt Trời sẽ bao phủ khu vực tàu Ấn Độ đáp xuống và cung cấp năng lượng cho các hệ thống nghiên cứu. Tàu đáp Vikram và robot thăm dò Pragyan sẽ sử dụng loạt thiết bị tiên tiến để đo đạc hoạt động địa chấn, nhiệt độ cũng như thành phần khoáng vật có tại miền Cực Nam Mặt Trăng.

    Tác dụng của hệ thống thăm dò Mặt Trăng của Ấn Độ, và ý nghĩa của nó với khoa học - Ảnh 2.

    Mặt Trăng nhìn từ tàu đáp Vikram - Ảnh: ISRO.

    Cụ thể, Vikram và Pragyan hạ cánh xuống khu vực cao nguyên tọa lạc tại phía Nam của hố va chạm Manzinus và phía Tây hố va chạm Boguslawsky. Khu vực này có vĩ độ tương đương với mép Nam Cực trên Trái Đất, và cũng chứa một lượng băng tương đối lớn.

    Lượng nước đá này cũng lọt tầm ngắm của các cơ quan hàng không vũ của nhiều quốc gia, trong đó có Nga, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Dự kiến nội trong nửa cuối năm 2023, sẽ có ba sứ mệnh tiếp cận khu vực Cực Nam Mặt Trăng, hai trong số đó tới từ công ty tư nhân Mỹ, một tới từ Nhật Bản.

    Đến trước thì nghiên cứu trước

    Lại nói về sứ mệnh Chandrayaan-3 của Ấn Độ.

    Sau khi hệ thống đáp đất Vikram chạm tới bề mặt Mặt Trăng, nó sẽ đưa xuống một con dốc nhằm dẫn robot thăm dò Pragyan xuống. Với tốc độ di chuyển 1cm/s, robot sẽ dùng hệ thống camera dẫn đường để quan sát bề mặt Mặt Trăng. Dẫn tin từ Times of India, bánh của Pragyan có thiết kế đặc biệt, sẽ để lại hình cờ Ấn Độ và logo của Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) lên Mặt Trăng.

    Tác dụng của hệ thống thăm dò Mặt Trăng của Ấn Độ, và ý nghĩa của nó với khoa học - Ảnh 3.

    Quá trình thử nghiệm thiết bị dùng trong sứ mệnh Chandrayaan-3 - Ảnh: ISRO.

    Không chỉ … mang bút ký tên, Pragyan còn có trên mình loạt thiết bị đo đạc cấu tạo vật chất trong khí quyển (hay chính xác hơn là ngoại quyển - exosphere) của Mặt Trăng và gửi dữ liệu về tàu Vikram. Thiết bị đáp sẽ đo đạc mật độ ion và electron bề mặt, đo đạc nhiệt độ bề Mặt Mặt Trăng đồng thời thăm dò hoạt động địa chấn cũng như cấu trúc vỏ Mặt Trăng.

    Vikram và Pragyan sẽ phải hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, với nhiệt độ xuống tới -238 độ C tại vùng Cực Nam Mặt Trăng. Theo lời Bộ trưởng Jitendra Singh, lý do Ấn Độ chọn khu vực này để nghiên cứu thể theo mong muốn “khám phá những ẩn số”.

    Ông khẳng định: “Chúng tôi đã nhận về những hình ảnh của các hố va chạm (vốn vẫn nằm trong bóng tối) có thể chứa nước. Nếu như sứ mệnh Chandrayaan-3 có thể tìm thấy thêm dấu vết của nước, như hydro và oxy, nó sẽ mở toang cánh cửa cho các cơ hội nghiên cứu khoa học. Nếu có thể trích xuất hydro từ nước, đây có thể trở thành nguồn năng lượng sạch lớn”.

    Những sứ mệnh tương lai

    Năm 1984 chứng kiến người Ấn Độ đầu tiên được lên quỹ đạo, trên tàu du hành của Liên bang Xô-viết. Tuy nhiên, đất nước Nam Á chưa từng trực tiếp đưa phi hành gia lên vũ trụ.

    Với sứ mệnh Gagaanyaan, Ấn Độ dự định đưa 3 phi hành gia lên không bằng chính tàu du hành của mình. Tuy nhiên dự án Gagaanyaan đã bị ISRO trì hoãn vô thời hạn. Sự kiện lịch sử diễn ra tối qua (theo giờ địa phương) là bằng chứng cho thấy Ấn Độ vẫn hết mình với tương lai của khoa học công nghệ nói chung và du hành vũ trụ nói riêng.

    Hiện tại, Ấn Độ đang phát triển kính thiên văn không gian nhằm quan sát Mặt Trời mang tên Aditya-L1, dự định sẽ lên không vào đầu tháng 9 tới đây. Tiếp đó, dự án vệ tinh quan sát Trái Đất - kết quả của màn hợp tác giữa Ấn Độ và NASA - sẽ bay vào quỹ đạo.

    Tác dụng của hệ thống thăm dò Mặt Trăng của Ấn Độ, và ý nghĩa của nó với khoa học - Ảnh 4.

    Kính thiên văn Aditya-L1 của ISRO - Ảnh: ISRO.

    Phát biểu về thành công của sứ mệnh Mặt Trăng, Thủ tướng Narendra Modi nhận định: “Chiến thắng của Chandrayaan-3 phản ánh khát vọng và khả năng của 1,4 tỷ người Ấn Độ”. Ông khẳng định đây là sự kiện ấn định “khoảng khắc cho một Ấn Độ mới, phát triển hơn”.

    Tham khảo Times of India, NYT, ISRO


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày