Những thí nghiệm quân sự quái dị nhất từ trước tới nay

    TVD,  

    (GenK.vn) - Công nghệ khoa học quân sự đang rất phát triển, tuy nhiên trước đây đã từng có những thí nghiệm quân sự vô cùng quái dị mà không thu hồi được kết quả khả quan nào.

    Có lẽ hiếm khi nào bạn lại nghĩ rằng các nhà khoa học quân sự vĩ đại của chúng ta đã từng nuôi ý tưởng sử dụng mèo làm gián điệp hay lấy tên lửa đẩy bánh xe thuốc nổ để tạo cửa mở trong một trận tấn công vào trận địa phòng ngự của địch. Thế mà những dự án như vậy đã từng được tiến hành và chúng ngốn không ít tiền của các quốc gia. Dưới đây là 10 thí nghiệm quân sự khiến bạn phải kinh ngạc vì sự kỳ quái về ý tưởng của những người chủ trương tiến hành nó.

    1. Dùng mèo làm gián điệp

     Ai cũng biết mèo là loài vật nhanh nhẹn, nhỏ bé, có thể luồn lách khắp mọi nơi. Đặc biệt, nếu ở cơ quan bạn đột nhiên xuất hiện một con mèo chắc chắn bạn chẳng mảy may nghi ngờ, cho rằng đó chỉ là một con mèo hoang lạc vào. Và thế là ngay từ những năm 1960, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã nẩy ra ý tưởng dùng mèo làm gián điệp.

     

    Thực chất, mèo chỉ là vật để các nhà khoa học “tài ba” của CIA thí nghiệm cấy lên cơ thể chúng những thiết bị điện tử như micrô thu âm, ăngten phát sóng, sau đó bí mật thả vào các mục tiêu quan trọng của đối phương (khi đó là Liên Xô) để tiến hành nghe trộm. Hàng trăm nghìn đô la đã được bỏ ra để biến ý tưởng trên thành hiện thực. Nhưng cuối cùng nó vẫn chỉ bó hẹp trong phạm vi phòng thí nghiệm bởi rất lâu sau khi bị phẫu thuật để cấy thiết bị, gián điệp mèo mới bình phục và quan trọng hơn là tuyệt đại đa số những con mèo được thí nghiệm không có khả năng chung sống hoà bình với những con bọ điện tử được cấy vào người chúng.

    2. Bom thối 

    Có lẽ đây là tiền thân của vũ khí không gây sát thương, nhằm vô hiệu hóa kẻ thù hoặc làm giải tán những đám đông biểu tình. Một loại bom sau khi phát nổ sẽ có mùi còn kinh hơn cả mùi chuột chết, khiến người ta nôn mửa và không gây sát thương cho bất kì ai.

     

     

    Thật hiệu quả! Bắt nguồn từ ý tưởng đó, nhiều nhà khoa học Mỹ đã và đang bắt tay vào nghiên cứu chế tạo bom thối. Tuy nhiên, điều vướng mắc là công thức tạo ra các loại mùi nhất là những mùi hôi thối đều khá phức tạp. Một vấn đề nữa là khi sử dụng bom thối không chỉ đối tượng bị tấn công chịu trận mà ngay cả những người ném bom thối cũng không thể chịu đựng được thứ mùi kinh khủng đó và hơn nữa nó còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

    3. Bánh xe tấn công 

    Ai cũng biết đột phá trận địa phòng ngự của đối phương là việc vô cùng khó khăn, nhất là khi gặp phải công trình kiên cố. Nếu vẫn đánh theo cách cũ là sử dụng 1 đội tiên phong làm nhiệm vụ mở cửa chắc chắn sẽ phải chịu tổn thất lớn vì hỏa lực của đối phương lúc nào cũng tập trung vào hướng cửa mở. Nhưng không mở cửa thì không thể tiến công vào trong trận địa phòng ngự của địch được. Đứng trước thực tế khách quan đó, trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, người Anh từng nghĩ ra cách đối phó riêng của mình.

     

    Một chiếc bánh xe gỗ cực lớn có gắn thuốc nổ được chế tạo riêng để làm nhiệm vụ đột phá khẩu. Trên mỗi vành bánh xe, người ta lắp vào đó một quả tên lửa để khi được kích hoạt sẽ tạo ra động lực đẩy bánh xe lao về phía trước. Tuy nhiên, trong quá trình thực nghiệm, hai quả tên lửa đóng vai trò động cơ đẩy thường sớm “chia tay” với bánh xe, phá vỡ toàn bộ kết cấu, làm bánh xe như một kẻ say rượu lảo đảo, nghiêng ngả, sau cùng đổ ụp và bị nổ thành trăm ngàn mảnh nhỏ. Mục tiêu không những không bị phá, bánh xe mở cửa thậm chí còn suýt gây ra cảnh “gậy ông lại đập lưng ông”. Kết cục của thí nghiệm này không cần nói chắc bạn đã rõ.

    4. Bom dơi 

    Năm 1940, một bác sỹ nha khoa người Mỹ nảy ra ý tưởng: nếu biết lợi dụng một loài động vật có khả năng chịu tải trọng lớn, hoạt động vào ban đêm, biến chúng thành những quả bom di động thì vừa đơn giản lại có hiệu quả lớn. Qua quan sát, các nhà khoa học quân sự Mỹ thấy rằng dơi là một loài vật đáp ứng được yêu cầu trên và đặc biệt có đặc tính bay đi kiếm mồi ban đêm, tới sáng thường chui vào công trình kiến trúc ngủ. Ngay sau đó, dự án nghiên cứu chế tạo bom dơi được giới chức Mỹ chuẩn y bởi nó có thể nhanh chóng giúp quân đội nước này nắm trong tay một đội quân cảm tử đông đảo mà không phải lo giải quyết bất cứ chế độ nào liên quan.

     

    Dơi sau khi được gắn thuốc nổ sẽ trở thành một chiến binh cảm tử, được đưa lên máy bay ném bom B-29 lên đường thực thi nhiệm vụ. Bay đến vùng trời phía trên mục tiêu định tấn công, những quả bom dơi được thả xuống. Hàng trăm ngàn chiến binh dơi bay rợp không trung, tới sáng chui vào trú ngụ trong những công trình kiến trúc của địch. Mìn hẹn giờ phát hỏa, chiến binh dơi hoàn thành nhiệm vụ một cách oanh liệt. Theo tính toán, một chiếc máy bay ném bom B-29 lúc nhiều nhất chở được 200 nghìn con dơi. Các số liệu thí nghiệm ban đầu cho thấy bom dơi có ưu thế hơn các loại bom thông thường. Tuy nhiên, do việc nghiên cứu chế tạo bom dơi tiến triển quá chậm và khi đó Mỹ đang tập trung cho kế hoạch Manhattan, nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử, nên cuối cùng dự án bom dơi đã bị dừng lại. Nhân loại tránh được thảm họa khủng khiếp bởi chẳng ai dám chắc rằng các chiến binh dơi chỉ chui vào trú ngụ ở những công trình kiến trúc trong trận địa của địch.

    5. Dùng chim bồ câu dẫn đường cho tên lửa 

    Trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai, điều làm quân đồng minh đau khổ nhất là không thể điều khiển tên lửa đánh trúng được mục tiêu vì hệ thống dẫn đường thường xuyên bị nhiễu. Nhằm giải quyết vấn đề này, quân đồng minh đã phải nát óc nghĩ ra một phương thức dẫn đường mới, thoát khỏi mọi thủ đoạn gây nhiễu của đối phương. Đó là dùng chim bồ câu dẫn đường cho tên lửa. Thực chất là dùng bồ câu xác định tuyến đường bay cho tên lửa từ trận địa tới mục tiêu.

     

    Ý tưởng này do nhà tâm lý học người Mỹ B. F. Skinner khởi xướng. Nhưng cuối cùng nó đã bị vứt vào sọt rác bởi việc huấn luyện bồ câu mất quá nhiều thời gian. Bên cạnh đó, không ai dám đảm bảo 100% rằng trên hành trình xác định tuyến đường bay cho tên lửa từ trận địa tới mục tiêu, con bồ câu ấy sẽ không tạt ngang tạt ngửa và có thật là chặng dừng chân cuối cùng của nó là mục tiêu. Nếu trường hợp đó xảy ra, hậu quả thật khó lường. Cuối cùng, bồ câu đã không thể trở thành kẻ dẫn đường cho chiến tranh, mà vẫn là sứ giả của hòa bình và thực hiện nhiệm vụ cao cả nhất là đưa thư.

    6. Thiết bị bắn tia gây bỏng rát 

    Trong một số hoàn cảnh, giới chức Mỹ không muốn để các binh sĩ của mình đến quá gần nơi nguy hiểm, đồng thời cũng không muốn bố trí lực lượng bắn tỉa tiêu diệt những tên trùm sò kích động bạo loạn để tránh phải chịu áp lực của dư luận. Việc sử dụng vũ khí phi sát thương trong những trường hợp này tỏ ra thích hợp hơn cả.

     

    Chính vì vậy, những năm gần đây, Mỹ rất chú trọng tới việc nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí phi sát thương, trong đó có thiết bị bắn tia gây bỏng rát. Nguyên lý hoạt động của loại vũ khí này là sử dụng chùm tia bức xạ điện từ tần số cao bắn vào mục tiêu trong cự ly khoảng 450 m, làm nóng các phân tử nước trên bề mặt da của đối tượng, khiến đối tượng bị bỏng rát, không thể tiếp tục hành động quấy rối nữa. Tuy nhiên, do tới nay vẫn chưa có một báo cáo nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của loại thiết bị này đối với sức khỏe con người, nên cũng không ai muốn biến mình thành vật thí nghiệm để mặt phơi ra trước bức xạ điện từ.

    7. Dự án Stargate

    Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, qua nhiều nguồn tin tình báo, người Mỹ biết rằng đối thủ của họ là Liên Xô - đang bí mật nghiên cứu về các hiện tượng siêu nhiên để áp dụng vào lĩnh vực quân sự. Nhằm đối phó, bắt đầu từ những năm 1970, chính quyền liên bang thông qua dự án Stargate với sự tham gia của cả Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) lẫn Cơ quan tình báo quân sự Mỹ (DIA) và một đội ngũ đông đảo các nhà tâm lý học tài ba của Mỹ. Mục tiêu của dự án là tìm ra phương pháp nắm bắt tâm lý, suy nghĩ của con người từ xa. Nếu thành công, quả thật nó sẽ tạo ra bước ngoặt lớn, nhất là trong hoạt động trinh sát. Chẳng cần phải bò vào tận nơi, sờ từng khẩu pháo, ụ súng cho nguy hiểm, chỉ cần đọc được suy nghĩ của những tên chỉ huy là có thể vẽ tường tận sơ đồ bố trí binh lực của trận địa đó.

     

    Công việc nghiên cứu ì ạch và quan trọng hơn là 25 năm sau, người Mỹ mới phát hiện về cơ bản Liên Xô không hề có một công trình hay dự án nào nghiên cứu về hiện tượng siêu nhiên. Năm 1995, Mỹ quyết định đình chỉ dự án, nhưng các nhà hoạch định ra nó đã kịp lấy đi từ ngân khố nước này 20 triệu USD. Phải chăng, Liên Xô đã tung tin giả để tiêu hao nhân lực, vật lực của Mỹ?

    8. Bom đồng tính

    Từ cổ chí kim, từ thời người vượn biết dùng đá làm vũ khí, tới khi con người hiện đại sáng chế ra vũ khí laser, có lẽ không sự kiện nào nổi bật và vĩ đại hơn việc nghiên cứu chế tạo bom đồng tính.

     

    Thử tưởng tượng quân địch hay một đám bạo loạn đang hừng hực khí thế, đột nhiên sững lại sau khi dính bom đồng tính -thực chất là bị đối phương phun chất kích thích tình dục đồng tính vào người- và tiếp đến là bỏ vũ khí tìm người cùng giới để thỏa mãn ham muốn. Chẳng cần đánh cũng đã tiêu hao được sức chiến đấu của quân địch. Thật là một loại vũ khí phi sát thương đầy hiệu quả! May mắn thay, tới nay, người ta vẫn chưa phải một lần chứng kiến loại bom đó phát huy tác dụng.

    9. Súng trời

    Nhằm thực hiện ý đồ thảm sát chủng tộc, các nhà vật lý học phát xít từng bắt tay vào việc nghiên cứu chế tạo súng trời. Theo ý tưởng của những tên cuồng sát đó, bước đầu tiên chúng sẽ làm một thấu kính siêu lớn từ khoảng 1 triệu tấm kim loại, sau đó phóng vào quỹ đạo, lắp đặt trên một trạm không gian. Thấu kính này được sử dụng để hướng vào những mục tiêu cần hủy diệt và nó có thể nhanh chóng biến một thành phố đang sinh sôi nảy nở thành đống tro tàn, làm cho những chiếc tầu ngầm của địch rơi vào tình trạng như đang hoạt động trong nước sôi và những thường dân bất hạnh trở thành miếng thịt hun khói.

     

    Thật may mắn, quân phát xít đã không thể hiện thực hóa ý tưởng của mình trước khi bị quân đồng minh đánh bại. Và nếu chúng có tồn tại, tới năm 2008 này cũng không thể hoàn thành được dự án đó bởi còn có quá nhiều trở ngại mà khoa học chưa thể khắc phục được để có thể cho ra đời một thấu kính lớn đến vậy và cũng chưa có loại tên lửa đẩy nào cõng được tới 1 triệu tấn lên quỹ đạo.

    10. Dự án Habakkuk

    Đây là sản phẩm của người Anh, ra đời từ thời Thủ tướng Winston Churchill. Theo đó, họ sẽ nghiên cứu chế tạo một chiếc tàu sân bay vĩnh viễn không bao giờ bị đánh đắm, dài hơn 610 m, cao 61 m (chỉ tính từ đáy tới mặt boong), mặt cắt ngang khoảng 121 m, lượng giãn nước lên tới 2 triệu tấn (lớn gấp 20 lần so với tàu sân bay lớp Nimitz hiện nay). Điều đặc biệt là chiếc tàu sân bay này được làm từ băng.

     

    Tuy nhiên, thực nghiệm cho thấy, băng không thể hoàn toàn trở thành nguyên liệu khả thi để chế tạo tàu sân bay. Các nhà khoa học Anh liền để mắt tới một loại nguyên liệu đặc biệt Pykrete (thực chất là hỗn hợp giữa băng và bột gỗ) và họ nghĩ Kế hoạch Habakkuk có thể thực hiện được rồi. 8.000 nhân công lao động cật lực trong 8 tháng, tiêu tốn hết 70 triệu USD, nhưng cuối cùng chỉ cần 3 ngày hè, chiếc tàu mẫu thử nghiệm ra đời trên cơ sở ý tưởng điên rồ đó đã tan thành nước. Kế hoạch Habakkuk phá sản.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày