Những tính năng camera 'dùng để quảng cáo' của Galaxy S21 Ultra có bao giờ dùng đến?
Bao nhiêu tính năng sẽ được dùng thường xuyên, và bao nhiêu sẽ bị 'bỏ xó'?
Từ chỗ là một sản phẩm công nghệ 'làm được mọi thứ nên không chuyên thứ gì', không được đánh giá cao cho mục đích nhiếp ảnh chuyên nghiệp, smartphone hiện nay thậm chí còn làm được những điều mà rất nhiều máy ảnh, máy quay còn không làm được. Ví dụ điển hình nhất là Samsung Galaxy S21 Ultra, trang bị quá nhiều những con số khủng cho mục đích nhiếp ảnh, quay phim như zoom 100x, chụp ảnh RAW 12-bit, chụp độ phân giải cao 103MP, quay phim 8K...
Đây đều là những tính năng mang tính chuyên dụng, và nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi rằng trên thực tế ta có sử dụng được hết chúng hay không? Hay nói cách khác, những điều 'đáng để quảng cáo' của máy có mang tính thực tiễn, hay chỉ là những thứ người dùng thử 1 - 2 lần rồi 'vứt xó'? Để trả lời 2 câu hỏi này, tôi quyết định đem Galaxy S21 Ultra theo trong một chuyến đi ngẫu hứng tới 'Thành phố trong sương' Sapa.
Zoom xa để làm gì?
Các bước zoom siêu rộng- thông thường - 3x và 10x
Nếu như chỉ ngồi ở nhà hoặc chụp ảnh đường phố tại Hà Nội, có lẽ tôi sẽ không cần dùng nhiều đến khả năng zoom vượt tầm của S21 Ultra. Nhưng trong chuyến du lịch này, có không ít cảnh mà nếu không có tính năng này thì tôi sẽ không thể chụp lại được. Trường hợp đầu tiên là để chụp một nghệ nhân vẽ sáp ong trên vải thổ cẩm, nhờ camera zoom 3x và 10x mà tôi có thể ghi lại được cây bút vẽ và những đường nét tinh xảo mà không phải đến lại gần làm bác ấy xao nhãng.
Zoom 10x
Cũng cùng ý tưởng đấy, tôi sử dụng camera 10x để 'bắt' một con gà mái đang đậu trên thành cầu, nếu như đến gần thì chắc chắn sẽ làm nó sợ và chạy đi mất. Camera zoom 10x nhờ có tiêu cự xa cũng giúp tách được con gà khỏi nền toàn cây lá phía sau, tận dụng khả năng xóa phông quang học để giúp nó nổi bật lên trong ảnh.
Zoom 10x
Nhiều người nghĩ rằng chụp ảnh phong cảnh thì chỉ dùng tới camera siêu rộng để lấy được càng nhiều thứ càng tốt. Tuy vậy camera zoom cũng có thể dùng chụp phong cảnh, chỉ lấy một chi tiết nhỏ mà ta cảm thấy đẹp nhất mà thôi.
Đứng cách một con đồi, tôi chụp được bức tượng trong khu check-in để tiết kiệm bản thân 80.000 vnđ vào cửa!
Zoom 30x tôi đã có thể chụp được bức tượng này
Trong khoảng 200 bức ảnh tôi chụp trong chuyến đi có 21 bức ảnh zoom, chiếm khoảng 10%. 10% cũng không phải là ít, và việc có thể zoom cảnh lên rất nhiều mà không bị 'nát' ảnh cũng làm tôi cảm thấy tự tin hơn, không có thứ gì là ngoài tầm với cả.
Nhưng có lẽ bạn cũng nhận ra rằng những bức ảnh zoom tôi chụp được đều ở 10x - 30x, với ngưỡng zoom 30x đã có thể đứng cách một con đồi để chụp một bức tượng trong khu check-in rồi, rất hiếm khi tôi cảm thấy phải zoom lớn hơn nữa. Điểm hay trong tính năng zoom xa của S21 Ultra là hệ thống chống rung, cho phép máy 'tia' lấy 1 vật để ổn định khung hình, người dùng dễ dàng chọn thời điểm chụp chính xác.
Chụp ảnh độ phân giải lên tới 108MP có thực sự cần thiết hay không?
Từ trước đến nay thứ được đem ra quảng cáo nhiều nhất khi nói đến nhiếp ảnh là độ phân giải. Máy ảnh hay smartphone của bạn càng có số 'chấm' cao thì ảnh càng nét dù có phóng lớn đến bao nhiêu đi chăng nữa! Nhưng ảnh chỉ có thể nét đến một ngưỡng nhất định trước khi trở nên thừa, khi mà đa phần những trang web hiện nay không hỗ trợ việc zoom lớn để 'soi' thấy từng chi tiết.
Tấm ảnh gốc chụp cảnh thác nước tại bản Cát Cát
Zoom lớn để thấy được số điện thoại của quán nước ven đường, nếu tôi cảm thấy khát thì có thể... gọi ship từ Sapa tới Hà Nội?
Camera độ phân giải cao 108MP của S21 Ultra lúc này dùng để bảo toàn chi tiết trong cảnh, giúp tôi căn chỉnh lại khung trong quá trình hậu kỳ trước khi đăng tải lên. Tuy vậy nếu sử dụng theo cách này thì lại trùng cách sử dụng với hệ thống camera zoom mất rồi!
Cắt lại bức ảnh để đọc rõ thư bác Hồ gửi nhi đồng của Sapa
Lượng ảnh chụp với độ phân giải 108MP trong chuyến đi của tôi chỉ chiếm khoảng 5%, thường dùng cho những cảnh có rất nhiều chi tiết, đề phòng việc có một cách chọn khung hình nào đó đẹp hơn trong lúc chỉnh sửa mà ngay trong lúc chụp tôi không nhận ra.
Chụp ảnh RAW 12-bit: Bạn có con mắt thẩm mỹ tốt hơn AI?
Trong nhiếp ảnh có một khái niệm ảnh RAW, hay người Việt gọi đơn giản là 'Ảnh gốc'. Và nếu như bạn nghĩ rằng những bức ảnh này sẽ đẹp hơn so với ảnh JPEG thông thường thì bạn đã lầm, vì khi bật chế độ này lên S21 Ultra sẽ cho ra những bức ảnh tệ hơn rất nhiều, chúng thường tối, độ tương phản kém, có nhiều hạt nhiễu, màu sắc cũng nhợt nhạt hơn so với việc bạn chỉ giơ máy lên và bấm chụp ở chế độ thông thường.
Điểm khác biệt nằm ở việc những bức ảnh này chưa qua những bước chỉnh sửa của máy, đặt nhiệm vụ này vào tay của bạn. Để có được ảnh cuối cùng, ta cần có một phần mềm chỉnh sửa hậu kỳ vói khả năng đọc tệp DNG như Snapseed, Lightroom Mobile hoặc thậm chí Lightroom Classic nếu muốn làm công đoạn này trên máy tính.
Ảnh RAW từ S21 Ultra trước và sau khi chỉnh sửa
Bức ảnh cuối cùng có đẹp hay không phụ thuộc vào việc con mắt thẩm mỹ, khả năng chỉnh sửa ảnh của bạn có thông minh hơn các thuật toán AI mà Samsung đã tích hợp vào S21 Ultra hay không? Tôi không dám nhận mình là một người có khả năng hậu kỳ 'thâm sâu' nhưng cũng cảm thấy thoải mái với việc chỉnh sửa hình ảnh sau khi chụp, song cũng phải mất 2 - 3 phút cho một bức ảnh để nó có chất lượng tương đương với ảnh JPEG của máy.
Ảnh RAW cho phép 'cứu' được những vùng đã bị cháy sáng hoặc chìm vào bóng tối
Vì vậy tính năng RAW 12-bit không phải lúc nào cũng có thể sử dụng được, cần phải được 'để dành' cho những trường hợp mà thuật toán của máy cho ra những bức ảnh quá xấu (mà bạn sẽ tìm hiểu ở dưới thì điều này rất hiếm khi xảy ra), hoặc bạn có một ý tưởng nghệ thuật khác lạ cho 1 bức ảnh và sẵn sàng dành nhiều thời gian để chỉnh sửa nó vượt tầm so với ảnh từ chế độ tự động.
Quay phim 8K và chế độ Director's View
Trong chuyến đi này, những tính năng về quay phim của S21 Ultra được tôi sử dụng để ghi lại những khoảnh khắc nhỏ, cắt ghép thành một Vlog du lịch. 2 tính năng nổi bật nhất là video 8K với độ phân giải cao hơn 4 lần so với 4K và Director's View, cho phép quay cả cảnh vật lẫn người phía sau máy.
Vlog ngắn với khả năng quay 8K và Director's View của Galaxy S21 Ultra
Video 8K được tôi sử dụng giống với chụp ảnh 108MP, vì có nhiều điểm ảnh hơn nên sẽ có khả năng zoom vào 1 chút, xoay nghiêng để cân bằng lại được chân trời trong trường hợp cầm máy bị xiên xẹo. Cũng phải nói rằng tôi không dám quay 8K quá lâu, vì chúng có dung lượng rất nặng cũng như sẽ 'hành hạ' chiếc máy tính của tôi trong quá trình cắt ghép. Đối với tôi tính năng Director's View tính hữu dụng hơn trong trường hợp này, ghi lại được nhiều thứ trong một thước phim, không cần phải chuyển qua chuyển lại giữa camera sau và camera selfie.
Điều quan trọng là chất lượng ảnh chụp thông thường
Tổng hợp tất cả những tính năng đặc biệt mà chỉ S21 Ultra có (hoặc ít máy trên thị trường làm được) kể trên chiếm khoảng 40% ảnh / video trong chuyến đi của tôi. Vậy nên chiếm đa phần vẫn sẽ là những bức ảnh được chụp trong chế độ tự động, theo dạng mở ứng dụng camera lên rồi bấm. Có lẽ nhiều người cũng sẽ đồng ý với tôi rằng một chiếc máy với nhiều những tính năng phụ trợ, nhưng rồi không thể cho ra những bức ảnh thông thường chất lượng cao thì cũng không giải quyết được vấn đề gì cả.
S21 Ultra cho cảm giác 'đáng tin cậy' vì mỗi khi đưa máy lên chụp ảnh tôi tin chắc rằng máy sẽ cho một bức ảnh giống, hoặc ít nhất là gần giống với ý đồ của tôi. Samsung đã có những sự chỉnh sửa để ảnh từ S21 Ultra không còn ám vàng cam như những dòng máy trước đây, trong đó có chiếc S10 Plus mà tôi đang sử dụng song song, đôi lúc vẫn hơi sáng và cho màu đậm hơn các dòng máy khác một chút nhưng không đi quá xa so với thực tế.
Đây cũng là lý do tại sao tôi không dùng nhiều tính năng chụp RAW 12-bit như đã đề cập ở trên. Những bức ảnh JPEG giơ-lên-chụp của máy đã làm được tới 95% những thứ mà tôi cần, và chỉ cần bỏ ra 5% hậu kỳ để được tấm hình cuối thay vì khối lượng công việc được chia 50-50 như khi chụp ảnh RAW.
Vẫn không phải là hoàn hảo
Không có bất cứ hệ thống camera nào là hoàn hảo cả, kể cả loại tiên tiến nhất hiện nay như Galaxy S21 Ultra. Trong quá trình sử dụng thực tế, tôi vẫn tìm thấy những yếu điểm có thể ảnh hưởng đến chất lượng ảnh mà người dùng cần phải để ý mỗi khi chụp.
Đầu tiên, do cụm camera được đặt rất sát với viền máy nên không tránh khỏi trường hợp chạm ngón tay vào, có thể gây bẩn camera hoặc thậm chí khiến nó xuất hiện trong ảnh chụp. Hiện tượng xảy ra nhiều nhất khi chụp camera góc siêu rộng vì góc nhìn của loại camera này lớn, rất dễ 'bắt' được ngón tay nếu không để ý. Yếu điểm này có thể khắc phục một cách đơn giản bằng việc... đưa ngón tay ra chỗ khác, nhưng đối với một chiếc máy lớn và nặng như S21 Ultra thì việc này cũng khó khăn hơn, vì bạn sẽ muốn cầm bằng cả 2 tay để giữ thật chắc máy.
Yếu điểm thứ 2 mà có lẽ phải đến những vùng có nhiều sương mù như Sapa ta mới nhận ra được. Trong những điều kiện ánh sáng yếu và có nhiều sương, hệ thống cân bằng trắng của S21 Ultra sẽ bị 'bối rối' và cho ra những bức ảnh bị ngả xanh rất nhiều, không giống với mắt nhìn thực tế. Rất có thể máy tưởng nhầm làn sương là bầu trời, nên cân chỉnh để phần này có màu xanh khiến mọi thứ khác cũng bị chuyển sắc theo hướng đó.
Những bức ảnh 'xanh lè' khi hệ thống cân bằng trắng của S21 Ultra không phân tích được cảnh vì có quá nhiều sương
Nói một cách công bằng thì chắc chắn rất nhiều những smartphone, thậm chí máy ảnh khác cũng sẽ gặp hiện tượng đó mà thôi. Điều kiện thời tiết này cũng sẽ ít người gặp phải, vì đâu phải nơi nào cũng có sương mù dày đặc đâu chứ?
Chiếc smartphone vượt tầm sử dụng của tôi
Mặc dù đem Galaxy S21 Ultra đi du lịch với mục đích chính là thử nghiệm tất cả những tinh túy trong hệ thống camera của máy, tôi vẫn phần nào cảm thấy rằng mình chưa hoàn toàn tận dụng hết sức mạnh của nó. Tôi thường chỉ zoom đến 30x, không thường xuyên chụp ảnh RAW và quay không nhiều video 8K vì biết rằng việc cắt ghép, hậu kỳ lúc về nhà sẽ khá là khó khăn. Có lẽ với nhu cầu sử dụng của tôi thì bộ đôi Galaxy S21 và S21 Plus sẽ lựa chọn hợp lý và hợp túi tiền hơn.
Chiếc máy ảnh 'tội nghiệp' của tôi gần như nằm gọn trong balo suốt chuyến đi vì chụp ảnh, quay phim với S21 Ultra khá là tiện!
Nhưng đây là lý do tại sao chiếc máy này được gọi là Galaxy S21 "Ultra", nó không thông thường mà sở hữu những điều phi thường, những thứ tốt nhất. Người dùng có thể không sử dụng cùng một lúc hết tất cả những tính năng chụp ảnh và quay phim mạnh mẽ của S21 Ultra, song một khi cần thì máy luôn sẵn sàng, không còn những rào cản về phần cứng để ta thoải mái sáng tạo.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming