Những tựa game chất lượng nhưng thất bại về mặt thương mại (Phần I)

    PV, Mạnh Cường 

    Trong lịch sử hình thành và phát triển của ngành công nghiệp game đã xuất hiện không biết bao nhiêu tựa game xuất sắc đạt được danh tiếng cũng như lợi nhuận khổng lổ. Nhưng bên cạnh đó cũng có những sản phẩm cá biệt dù được game thủ đánh giá rất cao về mặt chất lượng nhưng lợi nhuận đạt được chẳng là bao.

    Gunstar Heroes
     
    Tựa game này được phát triển bởi studio Treasure và phát hành bởi đại gia Sega. Vào lúc ban đầu, Gunstar Heroes được phát hành cho hệ máy Sega Genesis/Mega Drive, về sau được chuyển thể trên một số hệ máy khác như Game Gear, Playstation 2, Wii, Xbox. Không chỉ vậy, một phiên bản với nhan đề Gunstar Super Heroes với cốt truyện hoàn toàn mới được phát hành cho hệ máy Game Boy Advance và thị trường Nhật Bản.
     
     
    Đứa con tinh thần của studio Treasure có cách chơi tương tự như Series game platform lừng danh của Konami là Contra. Với gameplay hấp dẫn kết hợp cùng màu sắc tươi sáng, Gunstar Heroes đã chiếm được cảm tình của nhiều game thủ ngay từ khi xuất hiện.
     
     
    Về sau, các phiên bản trên những hệ máy khác nhau của Gunstar Heroes đều được cải tiến về đồ họa cũng như cách chơi nhằm đáng ứng thị hiếu của các game thủ và bắt kịp xu thế hiện đại. Mặc dù vậy, trò chơi chỉ đạt lợi nhuận ở mức chấp nhận được bất chấp những đánh giá rất cao từ giới chuyên môn. Có lẽ, cái bóng quá lớn của Series Contra là rất khó để vượt qua.
     
    Beyond Good & Evil
     
    Nhận được đánh giá rất cao từ giới chuyên môn với những sáng tạo cách chơi đầy sức hút và lôi cuốn nhưng doanh thu đạt được từ tựa game này chắc chắn khiến Ubisoft không mấy hài lòng.
     
     
    Beyond Good and Evil là sự trình diễn của trí tưởng tượng bao la khi đem người chơi đến một thế giới kỳ thú đầy hấp dẫn được dẫn dắt bởi nữ phóng viên ưa mạo hiểm và xinh đẹp - Jade. Sản phẩm của Ubisoft rất hoàn hảo về mặt đồ họa cũng như âm thanh (so với thời bây giờ), cùng với đó là gameplay mới lạ mang tính sáng tạo cao.
     
     
    Nhưng một số khiếm khuyết nhỏ như thời gian chơi ngắn, tuyến nhân vật phụ không được phát triển đúng mức và quá ít các pha hành động gay cấn chính là những nguyên nhân khiến tựa game này không đạt được thành công về mặt lợi nhuận. Hi vọng với phiên bản thứ hai hứa hẹn ra mắt trong tương lai sẽ mang lại nhiều thành công hơn.
     
    Killer 7
     
    Ngay từ ngày đầu ra mắt, Killer 7 chính là tựa game thể hiện sự hợp tác thành công giữa Capcom và Grasshopper. Có thể khẳng định Killer 7 chính là đại diện đi đầu trong việc phá bỏ lối mòn truyền thống nhàm chán mà không ít các đối thủ khác đã gặp phải.
     
     
    Đã bao giờ bạn cảm thấy chán ngán với những tựa game có cách chơi trùng lặp kém sáng tạo, hay chính xác ra là bắt chước một cách trắng trợn những tựa game kinh điển đã trở thành huyền thoại trong làng game như Series Half Life, Diablo hay GTA. Có lẽ, chính vì điều đó mà Capcom và Grasshopper đã cho ra đời một tựa game phá cách mang tính sáng tạo cao như Killer 7.
     
    Sự thành công của Killer 7 nằm ở một gameplay độc đáo khác lạ, kết hợp cùng cốt truyện ly kì và đồ họa mang những phong cách rất riêng. Người chơi một khi đã bước vào thế giới của Killer 7 chắc chắn sẽ dần đắm chìm vào câu chuyện và nhân vật chính Herman Smith, người sở hữu bảy nhân cách.
     
     
    Mặc dù ra mắt đã khá lâu nhưng nếu bạn muốn tìm đến một trải nghiệm mới mẻ hãy thử qua Killer 7. Có lẽ, chính sự cách tân trong lối chơi cùng phong cách đồ họa khác lạ đã khiến tựa game này không chiếm được số đông thị trường game thủ thời bấy giờ.
     
    Fatal Frame
     
    Mỗi khi nhắc đến những tựa game thuộc dòng phiêu lưu kinh dị, chắc chắn hai cái tên đầu tiên xuất hiện sẽ là Series Resident Evil Silent Hill. Có lẽ, cách chơi mang phong cách riêng và khác của Series Fatal Frame khó có thể đi vào lòng đa số game thủ đam mê thể loại này.
     
     
    Nhưng tôi chắc chắn với bạn một điều rằng: nếu đã thưởng thức qua Series Fatal Frame thì bạn sẽ đam mê nó và nhận ra tựa game này sở hữu những nét đặc trưng cuốn hút kì lạ mà những tựa game danh tiếng như Resident Evil hay Silent Hill không có được. Trò chơi như một bộ phim kinh dị gợi lên những cảm xúc sợ hãi lên người chơi.
     
     
    Có lẽ, vì đi trên một con đường riêng biệt không theo xu hướng chung như Resident Evil hay Silent Hill nên Faltal Frame không đạt được những khoản lợi nhuận kếch xù. Mặc dù vậy, chắc chắn một bộ phận không nhỏ game thủ luôn dành tình cảm cho Series Faltal Frame.
     
    Conker’s Bad Fur Day
     
    Có thể nói Conker’s Bad Fur Day là một trong những tựa game đáng để chơi trên nền máy Nitendo 64. Sản phẩm của Rareware nhận được đánh giá rất cao từ giới chuyên môn với cách thể hiện câu chuyện phá cách của mình. Ví dụ, tạp chí game hàng đầu Gamespot đã cho tựa game này điểm 9.3/10.
     
     
    Bước chân vào thế giới Conker’s Bad Fur Day, bạn sẽ cảm thấy quen thuộc với phong cách đồ họa đầy màu sắc của Nintendo. Kết hợp với đó là những nhân vật ngộ nghĩnh dễ thương mang phong cách Disney. Nếu bạn cho rằng đây là một tựa game dành cho trẻ con thì hoàn toàn sai lầm. Trò chơi có bề ngoài dễ thương là thế nhưng nội dung và gameplay lại được gắn mác "18 ".
     
     
    Nhận được sự đánh giá cao và chiếm được cảm tình một bộ phận không nhỏ các game thủ ưa thích sự phá cách trong cách chơi và đồ họa nhưng lợi nhuận đạt được từ Conker’s bad Fur Day không thật sự lớn. Phiên bản làm lại của tựa game này dành cho hệ máy Xbox vẫn nhận được đánh giá rất cao từ các tạp chí cũng như giới chuyên môn. Nhưng có lẽ vì tính bạo lực của mình, trò chơi khó có thể làm hài lòng số đông người chơi, đặc biệt là những phụ huynh khó tính.