Trong quãng thời gian hàng thế kỷ hình thành và phát triển, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã trực tiếp xử lý vô số vụ việc, trong đó nhiều vụ án lớn và phức tạp với tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Năm 1908, Tổng thống Mỹ khi đó Theodore Roosevelt đã bật đèn xanh cho Bộ trưởng Tư pháp Charles Bonaparte thành lập một tổ chức hành pháp mới. Đến năm 1935, cơ quan này mang tên Cục điều tra liên bang Mỹ. Trong suốt quãng thời gian còn lại của thế kỷ 20, FBI đã giải quyết nhiều vụ án phức tạp và hiểm hóc nhất nước Mỹ. Kênh History (Mỹ) đã điểm tên một số vụ án rúng động này.
Vụ sát hại người da đỏ Osage
Vào đầu những năm 1920, việc phát hiện ra dầu mỏ ở vùng đất của người da đỏ Osage tại Oklahoma đã khiến các thành viên bộ lạc này kiếm bộn tiền. Theo nhà báo David Grann, các hợp đồng thuê dầu đã mang lại cho bộ lạc Osage hơn 30 triệu USD chỉ trong năm 1923 (tương đương hơn 400 triệu USD ngày nay). Bộ lạc phân phối tiền thuê dầu mỏ đồng đều cho vài nghìn thành viên.
Đến năm 1923, bắt đầu xảy ra “đại dịch” những cái chết bí ẩn trong cộng đồng người Osage. Nhiều người da đỏ Osage giàu có bắt đầu chết trong các vụ xả súng, đâm chém, nổ và nghi ngờ bị đầu độc một cách bí ẩn. Vì thờ ơ hoặc tham nhũng, cơ quan thực thi pháp luật địa phương đã không có bất kỳ động thái nào.
Các thành viên của Osage đã quay sang Washington để nhờ giúp đỡ, và cụ thể là FBI. Dưới sự lãnh đạo của J. Edgar Hoover trẻ tuổi, FBI xác định được danh tính một số cư dân da trắng ở Oklahoma là nghi phạm chính. Họ đã tìm cách kết hôn với phụ nữ bộ lạc Osage rồi ra tay giết người để thừa hưởng tiền và trở nên giàu có.
Đặc vụ Tom White, người đã dẫn đầu cuộc điều tra, cuối cùng đã kết án William Hale cùng cháu trai của ông ta là Ernest Burkhart và những người khác trong một âm mưu thâm sâu khiến hàng loạt thành viên trong gia đình người phụ nữ có tên Mollie Burkhart tử vong, từ mẹ, cho đến các chị và anh rể cô.
Ernest Burkhart, một người da trắng, chính là chồng của Mollie Burkhart và cũng đã ra tay để đầu độc cô. Tuy nhiên, còn rất nhiều vụ án giết người Osage khác từ thời đó vẫn chưa được giải quyết.
Vụ bắt cóc cậu bé nhà Lindbergh
Vào tối ngày 1/3/1932, con trai 20 tháng tuổi mới biết đi của phi công nổi tiếng Charles Lindbergh bị bắt cóc. Kẻ bắt cóc để lại tờ giấy đòi tiền chuộc 50.000 USD, vài dấu chân lấm bùn và một chiếc thang bị gãy.
Hai tháng sau, thi thể đang phân hủy của cậu bé được tìm thấy gần dinh thự gia đình Lindbergh ở New Jersey. Sau phát hiện đau lòng này, Tổng thống Mỹ khi đó Herbert Hoover đã chỉ đạo FBI truy tìm những kẻ thủ ác. Điều quan trọng là các đặc vụ nắm được thông tin về số sêri của chứng chỉ vàng nhà Lindbergh đã trả làm tiền chuộc.
Hơn một năm sau, thợ mộc nhập cư người Đức có tên Bruno Hauptmann đã sử dụng một trong những chứng chỉ vàng này để mua xăng. Sau khi bị bắt, số chứng chỉ vàng trị giá 13.000 USD khác được phát hiện trong gara của hắn.
Khi Hauptmann ra hầu tòa, các đặc vụ FBI đã làm chứng rằng chữ viết tay của hắn khớp với chữ viết trên giấy đòi tiền chuộc. Chính Lindbergh đã đứng ra đứng ra làm chứng rằng anh nhận ra giọng nói của Hauptmann trong đêm trả tiền chuộc.
Dấu vết dụng cụ trên chiếc thang bỏ lại nhà Lindbergh trùng khớp với các dụng cụ do Hauptmann sở hữu. Gỗ trong chiếc thang cũng trùng khớp với gỗ sử dụng làm sàn gác mái trong nhà của hắn.
Hauptmann nhận án tử hình năm 1935 vì tội giết người cấp độ 1. Hắn bị xử tử vào mùa xuân năm 1936.
Vụ gián điệp Rosenberg
Khi Chiến tranh Lạnh nóng lên vào cuối những năm 1940, nhân viên tình báo quân đội Mỹ nhận nhiệm vụ giải mã các bức điện tín “ngoại giao” của Liên Xô đã thu được khám phá đáng kinh ngạc. Họ phát hiện ra mạng lưới gián điệp nằm sâu bên trong chương trình phát triển nguyên tử tối mật của Mỹ tại Los Alamos, New Mexico.
Đặc vụ FBI Bob Lamphere, người giám sát nhiều cuộc điều tra gián điệp cấp cao trong Chiến tranh Lạnh, đã lần theo dấu vết của manh mối được giải mã trong các bức điện tìm và tập trung vào các mối liên hệ dẫn từ nhà khoa học Klaus Fuchs tại Los Alamos đến một kỹ sư không có gì đặc biệt tên Julius Rosenberg ở New York.
FBI đã thẩm vấn và bắt giữ một số thành viên của đường dây gián điệp, bao gồm cả Julius và vợ anh ta là Ethel. Người đứng đầu FBI Hoover tuyên bố gia đình Rosenberg phạm tội “tội ác thế kỷ” và coi bản án năm 1951 là công lý. Nhưng vụ việc này cũng gây tranh cãi. Những tiết lộ sau đó cho thấy FBI chỉ theo đuổi vụ án chống lại Ethel để buộc Julius phải nhận tội. Vợ chồng Ethel và Julius đều bị xử tử vào năm 1953.
Vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy
Ngay sau vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy ở Dallas, bang Texas vào ngày 22/11/1963 gây bàng hoàng trên toàn thế giới, FBI đã đóng vai trò dẫn đầu cuộc điều tra.
Kennedy là Tổng thống Mỹ thứ 4 bị ám sát khi đang tại nhiệm, trước đó là các Tổng thống Abraham Lincoln, James A. Garfield và William McKinley. Có rất nhiều thuyết âm mưu xuất hiện sau vụ ám sát John F. Kennedy, với ý kiến cho rằng thủ phạm không hành động đơn độc mà có thế lực lớn hẫu thuẫn.
Các đặc vụ FBI đã đến hiện trường, thẩm vấn nhân chứng và bảo quản bất kỳ bằng chứng nào họ có thể tìm thấy. Cuối cùng, họ đã thực hiện khoảng 25.000 cuộc thẩm vấn và theo đuổi hàng chục nghìn đầu mối điều tra, FBI kết luận sát thủ Lee Harvey Oswald (24 tuổi) hành động một mình.
Oswald là một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ. Hắn chưa bao giờ ra hầu tòa vì tội giết người bởi ngày 24/11/1963, hai ngày sau vụ ám sát Kennedy, Oswald bị Jack Ruby, một chủ hộp đêm địa phương có mối liên hệ với thế giới tội phạm ngầm, bắn chết ở tầng hầm của Tòa thị chính Dallas.
Vụ sát hại Medgar Evers
Nhiều cuộc điều tra của FBI kết thúc nhanh chóng, nhưng có một số trường hợp cá biệt. Ví dụ như nỗ lực đưa kẻ sát hại nhà hoạt động dân quyền người da màu Medgar Evers ra trước công lý, kéo dài hàng thập niên.
Evers bị ám sát ngay trước cửa nhà ông ở Jackson, Mississippi vào tháng 6/1963, nhưng phải đến năm 1994, bằng chứng mà FBI thu thập được cuối cùng mới giúp kết tội đối tượng theo chủ nghĩa thượng đẳng da trắng Byron De La Beckwith về tội ám sát.
De La Beckwith bị kết án năm 1994 và chết trong tù năm 2001.
Bí ẩn tên không tặc D.B. Cooper
Chiều một ngày tháng 11/1971, một người đàn ông tự nhận mình là “Dan Cooper” đã mua vé một chiều trên Chuyến bay 305 của hãng hàng không Northwest Orient cất cánh từ thành phố Portland, bang Oregon đến Seattle, bang Washington.
Khi máy bay cất cánh, “Dan Cooper” có vẻ ngoài trầm tính mặc bộ vest công sở nói với một tiếp viên hàng không rằng hắn có một quả bom trong cặp và đang cướp máy bay. Yêu cầu của “Dan Cooper” là 200.000 USD tiền mặt đã qua sử dụng và 4 chiếc dù.
Tại Seattle, hắn trao đổi hành khách khác trên máy bay để lấy tiền chuộc và ra lệnh cho phi công cất cánh lần nữa theo hướng Mexico City với tốc độ chậm. Sau đó, Cooper nhảy dù khỏi máy bay tại vị trí gần Nevada, cùng với số tiền mặt.
Từ đó bắt đầu vụ án nổi tiếng nhất chưa được giải quyết của FBI. “Dan Cooper” bốc hơi mặc dù đã có một cuộc tìm kiếm rộng rãi. Vào năm 1980, một cậu bé đã phát hiện được một gói tiền mục nát vốn là một phần số tiền chuộc năm nào, nhưng cuộc điều tra của FBI đối với khoảng 800 nghi phạm đều không có kết quả. Đây vẫn là vụ án chưa có kết luận.
Vụ bắt cóc Patty Hearst
Tháng 2/1974, FBI đóng vai trò chính trong việc điều tra vụ bắt cóc nữ sinh viên 19 tuổi Patty Hearst. Một nhóm nam nữ tự xưng là Quân đội giải phóng Symbionese (SLA) đã bắt cóc Hearst tại nhà riêng ở Berkeley, California. SLA muốn kích động chống chính phủ Mỹ.
SLA biết rằng Hearst có xuất thân từ một gia đình giàu có, quyền lực, do vậy vụ bắt cóc nữ thừa kế này nhanh chóng xuất hiện trên các trang nhất trên báo đài và thu hút sự chú ý của người dân Mỹ.
SLA sau đó tung các đoạn ghi âm yêu cầu trao đổi tiền và thực phẩm để Hearst được thả tự do. Đến tháng 4/1974, SLA tung đoạn ghi âm với Hearst tự nhận đã gia nhập nhóm để chống lại chính phủ Mỹ. Vài ngày sau, xuất hiện hình ảnh Hearst tham gia vào vụ cướp ngân hàng với SLA.
Để ngăn chặn SLA và tìm Hearst, FBI đã mở cuộc điều tra quy mô lớn với đông đảo đặc vụ. Đến tháng 9/1975, FBI đã bắt được Hearst và các thành viên SLA.
Hearst nhận bản án 7 năm tù vì tham gia cướp ngân hàng cùng nhiều tội danh khác. Sau khi thụ án hai năm, Hearst được ân xá.
Kẻ đánh bom Unabomber
FBI bắt đầu điều tra hàng loạt vụ đánh bom bí ẩn vào năm 1979, sau khi một trong những thiết bị tự chế phát nổ trong khoang chở hàng của máy bay American Airlines. Một thiết bị nổ tương tự khác được gửi tới chủ tịch United Airlines.
FBI, hợp tác với các thanh tra bưu chính để điều tra vụ án mang mật danh UNABOM này. Họ nhanh chóng nhận thấy những điểm tương đồng về thiết kế giữa hai quả bom cũng như mối liên quan với các cuộc tấn công tương tự trong suốt những năm 1980 và những năm 1990. Trong đó, có 16 thiết bị phát nổ gửi trong giai đoạn từ năm 1978 đến năm 1995 đã gây thương tích và 3 trường hợp tử vong.
Kẻ đánh bom được gọi là Unabomber sử dụng phế liệu và để lại rất ít dấu vết pháp y, nên đến giữa những năm 1990, tất cả những gì FBI nắm chỉ là hồ sơ sơ bộ.
Bước đột phá lớn trong vụ án xảy ra vào năm 1995. Unabomber đã gửi cho FBI một bài luận dài 35.000 từ nhằm giải thích động cơ và quan điểm của hắn về những tệ nạn của xã hội hiện đại. Sau nhiều tranh luận, Giám đốc FBI khi đó Louis Freeh và Bộ trưởng Tư pháp Janet Reno đã chấp thuận đăng bài luận của kẻ đánh bom lên báo chí với hy vọng độc giả có thể nhận ra được tác giả.
Sau khi bài luận được đăng trên trên tờ The Washington Post, hàng nghìn người đã gợi ý về nghi phạm. Trong đó có một trường hợp nổi bật là David Kaczynski với mô tả về người anh trai rắc rối của mình là Ted.
Ted lớn lên ở Chicago, giảng dạy tại Đại học California ở Berkeley (nơi đặt hai quả bom), sau đó sống một thời gian ở Salt Lake City rồi định cư lâu dài tại căn nhà gỗ nhỏ mà hai anh em đã xây dựng gần Lincoln, Montana.
Điều quan trọng nhất là David đã cung cấp những bức thư, văn bản do anh trai Ted viết. Qua phân tích ngôn ngữ, FBI xác định rằng tác giả của bài luận và các bức thư, văn bản này gần như chắc chắn là một.
Tháng 4/1996, FBI bắt Kaczynski và khám xét căn nhà gỗ nhỏ của ông ta. Tại đó, họ đã phát hiện nhiều thành phần chế tạo thiết bị nổ, và một quả bom chuẩn bị được gửi qua đường bưu điện.
Kaczynski nhận tội và sau đó chết trong tù.
Vụ đánh bom Oklahoma City
Sáng tháng 4/1995, một chiếc xe tải phát nổ bên ngoài Tòa nhà Liên bang Alfred P. Murrah ở Oklahoma City, bang Oklahoma. Vụ nổ lớn khiến 168 người (trong đó có 19 trẻ em) thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Khoảng 1/3 Tòa nhà Liên bang Alfred P. Murrah sụp đổ.
Đây là vụ khủng bố nội địa tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
FBI đã nhanh chóng đến hiện trường để hỗ trợ công tác cứu hộ và tiến hành điều tra. Chỉ trong 2 ngày FBI đã xác định được kẻ đánh bom là cựu quân nhân Timothy McVeigh. Tuy nhiên, FBI phải trải qua quá trình điều tra phức tạp để kết tội McVeigh và các đồng phạm của hắn.
Tổng cộng 28.000 cuộc thẩm vấn đã đưa ra cái nhìn sâu sắc về động cơ và hành động của McVeigh. FBI cũng đã nghiên cứu khoảng ba tấn bằng chứng. Cuối cùng, với đủ bằng chứng, McVeigh bị kết tội và xử tử năm 2000.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập