Những vụ Hack "để đời" trong thế giới công nghệ hàng trăm năm qua

    Comet,  

    Hãy cũng nhìn lại những vụ hack đình đám nhất chúng ta từng được biết đến.

    Thuật ngữ Hack chắc chẳng còn xa lạ với chúng ta ngày nay, khi mà rất nhiều vụ tấn công công nghệ cũng như các nhóm Hacker nổi tiếng xuất hiện ngày một nhiều trên các mặt báo. Vậy còn những vụ Hack trong lịch sử thì sao? Hãy cùng nhau nhìn lại những vụ Hack đình đám nhất trong lịch sử công nghệ:

    1. Vụ hack máy điện báo Marconi (1903)

    Vào năm 1903, trong một cuộc trình diễn máy điện báo không dây Guglielmo Marconi được thực hiện bởi nhà vật lý John Ambrose Fleming tại viện Hoàng gia, một nhân viên điện báo đã thực hiện gõ các mã Morse để gửi đi một bài thơ. Thế nhưng nó đã bị hack bởi Nevil Maskelyne - một nhà ảo thuật và là người cảm thấy thất vọng với bằng sáng chế Marconi trong công nghệ điện báo. Trong cuộc trình diễn truyền điện báo không dây này, nhân viên nhận tin thay vì nhận được bài thơ như kế hoạch ban đầu lại nhận được những thông điệp chế giễu Marconi và công nghệ do ông phát minh ra, và nó là sản phẩm của Nevil Maskelyne để chứng minh rằng công nghệ điện báo của Marconi chỉ là một trò lừa bịp. Dù không gây ra thiệt hại gì về kinh tế, đây được xem là vụ "hack mạng" đầu tiên trong lịch sử, và nó cho thấy kết nối không dây không thật sự an toàn như người ta mong đợi.

    2. "Sâu" Morris (1988)

    Vào năm 1988, Robert Morris - một sinh viên đại học bình thường đã nảy ra ý tưởng muốn "đo" độ lớn của mạng Internet. Để làm điều đó thì anh chàng này đã tạo ra một một loại sâu máy tính (worm) để thâm nhập vào mạng Internet và kết nối với các máy tính sử dụng mạng. Tuy nhiên Morris Worm lại có thể bị lẫy nhiễm nhiều lần trên cùng một máy tính và khiến tốc độ của chúng bị chậm lại. Hậu quả là đã có đến 10% số máy tính kết nối Internet thời điểm đó (con số ước tính là khoảng 60.000) đã bị ảnh hưởng bởi Morris Worm và chạy chậm lại, thậm chí là dừng hẳn. Còn Morris, giờ đây ông đã là một giáo sư tại MIT, Hoa Kỳ.

    3. Conficker (2008)

    Một virus mang tên Conficker đã từng xuất hiện và "hoạt động ngầm" ở bên trong hệ điều hành Windows, từ đó cho phép tin tắc ăn cắp mật khẩu và thông tin cá nhân của người dùng máy tính(bao gồm cả tài khoản ngân hàng). Ở thời kỳ đỉnh điểm nhất, có tới hơn 9 triệu máy tính đã bị lây nhiễm virus này. Mặc dù ngay sau khi phát hiện thì Microsoft đã tung một bản cập nhật vá lỗi cho người dùng, điều đó cũng không thể ngăn cản nó tiếp tục lây nhiễm trên máy tính của rất nhiều doanh nghiệp và người dùng cá nhân.

    4. Sony's Playstation Network (2011)

    Vào năm 2011, Sony đã bị vướng vào vụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống Playstation Network (PSN) của họ. Hậu quả là các thông tin của 100 triệu tài khoản người dùng đã bị tấn công và đánh cắp, bao gồm số tài khoản ngân hàng, tên khách hàng, tên tài khoản và địa chỉ của khách hàng. Hacker đã khai thác một lỗ hổng trong hệ thống bảo mật của Sony để triển khai một cuộc tấn công DDos(tấn công từ chối dịch vụ) quy mô lớn. Kết quả là Sony bị kiện nặng và bị phạt 250.000 bảng Anh vì không thể bảo vệ được thông tin cá nhân của người sử dụng (thậm chí một số nguồn tin cho rằng con số thiệt hại của Sony trong vụ này phải lên tới 15 triệu USD).

    5. Epsilon (2011)

    Một vụ tấn công nhằm vào Epsilon - công ty tiếp thị email lớn nhất thế giới đã diễn ra trong năm 2011, khiến họ bị đánh cắp tên và địa chỉ email của khách hàng. Epsilon xử lí hơn 40 tỷ email mỗi năm và hợp tác với 2000 thương hiệu trên toàn thế giới. Công ty này là nạn nhân của một cuộc tấn công lừa đảo, trong đó hacker sử dụng email của nạn nhân để gửi đến người dùng yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân quan trọng.

    6. Target (2013)

    Năm 2013, một vụ tấn công nhằm vào hệ thống bán lẻ Target ở Mỹ đã khiến 110 triệu số thẻ ngân hàng của người dùng bị đánh cắp, gây ảnh hưởng đến gần 1/3 số người trưởng thành tại đất nước này. Các mã số thẻ này sau khi bị đánh cắp có thể được Hacker sử dụng để bán lại cho kẻ xấu, và chúng có thể "dán" các mã số này lên thẻ giả để sử dụng một cách bất hợp pháp.

    7. Spamhaus DDOS (2013)

    Một công ty web-hosting mang tên CyberBunker đã gây ra một sự gián đoạn và nghẽn truy cập Internet toàn cầu sau khi Spamhaus - một đơn vị chống spam có trụ sở tại Geneva thêm tên công ty này vào danh sách đen các nhà cung cấp email với mục đích spam. Để trả đũa, người dùng của CyberBunker đã tập hợp nhau lại để gây ra một cuộc tấn công DDos quy mô lớn. Tại thời điểm đó, có tới 300 tỷ bit dữ liệu mỗi giây được gửi lên bởi mạng lưới các máy tính này, tạo ra cuộc tấn công DDos lớn chưa từng có.

    8. eBay (2014)

    Năm ngoái, eBay đã phải yêu cầu 145 triệu người dùng của mình thay đổi mật khẩu của họ sau khi xuất hiện cảnh báo rằng tin tặc đã tấn công để đánh cắp tên, email, địa chỉ bưu điện, số điện thoại và ngày sinh của khách hàng sử dụng dịch vụ này. Thậm chí vụ việc này còn trở nên nghiêm trọng hơn khi một số nguồn thông tin cho rằng Hacker đã sử dụng các thông tin này để truy cập vào các tài khoản trực tuyến khác của khách hàng, bởi tại thời điểm phát hiện ra, cuộc tấn công đã diễn ra trước đó 2 đến 3 tháng.

    9. Heartbleed (2014)

    Một trong những lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng nhất từng xuất hiện trong công nghệ OpenSSL - một thư viện mã hóa nguồn mở dùng để bảo mật cho khoảng 2/3 số trang web trên toàn thế giới đã được phát hiện vào năm ngoái. Mang tên Heartbleed, lỗ hổng này cho phép tin tặc tấn công và có thể "nghe trộm" thông tin liên lạc giữa trình duyệt Web và máy chủ Web, đánh cắp trực tiếp dữ liệu, đồng thời có thể mạo danh các dịch vụ và người dùng. Nó được phát hiện ra bởi Google và một hàng nghiên cứu bảo mật nhỏ ở Phần Lan mang tên Codenomicon. Dù nghiêm trọng như vậy nhưng do đã tồn tại tới 2 năm mới được phát hiện, chúng ta vẫn chưa thống kê nổi liệu đã có bao nhiêu cuộc tấn công nhằm vào lỗ hổng này đã được thực hiện bởi tin tặc.

    10. Sony Pictures Entertainment hack (2014)

    Sony lại một lần nữa xuất hiện trong danh sách này với cuộc tấn công nhằm vào công ty con Sony Pictures của họ tại Mỹ vào năm vừa rồi. Trong cuộc tấn công này, hàng trăm TB dữ liệu của hãng đã bị đánh cắp, bao gồm các bộ phim chưa phát hành, thông tin riêng tư của 47.000 nhân viên làm việc tại đây và các cộng tác viên trong các bộ phim (kể cả các diễn viên nổi tiếng) của họ. Nguyên nhân gây ra cuộc tấn công này là nhằm để ngăn cản Sony phát hành bộ phim gây tranh cãi The Interview.

    Theo:Telegraph

    >>Facebook tham vọng đại phá Youtube, hãy dè chừng Twitter "đấm lưng"

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ