Niềm tin vào ma quỷ sinh ra để giúp các xã hội Trung Cổ kiểm soát dịch bệnh

    zknight,  

    Nghiên cứu này cũng giải thích tại sao những niềm tin tâm linh có thể bén rễ sâu vào xã hội loài người đến vậy.

    Khi đại dịch hạch Cái Chết Đen xé toạc trái tim của Châu Âu vào thế kỷ 14, nó đã giết chết tới 60% dân số trên lục địa này, làm giảm gần một phần tư dân số thế giới khi đó. Nguyên nhân được đổ cho quỷ dữ.

    Phải mất hàng thế kỷ, thủ phạm thực sự gây ra những cái chết đen ở Châu Âu mới được xác định. Đó là những con vi khuẩn Yersinia pestis ngọ nguậy dưới ống kính hiển vi.

    Có một thực tế rằng, trước khi khoa học của loài người đạt được tới đỉnh cao trong ba trăm năm trở lại đây, phần lớn các dịch bệnh trong lịch sử đều bị đổ lỗi do ma quỷ.

    Nhưng việc có một thực thể siêu nhiên đứng ra nhận trách nhiệm, là kẻ đã gieo rắc bệnh tật và những nỗi kinh hoàng cho loài người không phải điều vô ích. Các nhà nhân chủng học thậm chí đã tìm thấy mối liên hệ tương hỗ giữa niềm tin tâm linh với sức khỏe cộng đồng.

    Niềm tin vào ma quỷ sinh ra để giúp các xã hội Trung Cổ kiểm soát dịch bệnh - Ảnh 1.

    Nghiên cứu cho thấy niềm tin tâm linh của con người cũng có thể giúp chúng ta phòng tránh bệnh tật

    Nghiên cứu mới được đăng trên Proceedings of the Royal Society B được thực hiện bởi một nhóm lớn các nhà khoa học quốc tế. Trong đó, họ đã phát hiện ra những bằng chứng thống kê cho thấy thuyết lực sống đạo đức (Moral vitalism) có ảnh hưởng tới tỷ lệ lưu hành mầm bệnh trong xã hội loài người.

    Thuyết lực sống đạo đức cho rằng cuộc sống của con người bị chi phối bởi những thế lực siêu nhiên chia thành hai phe thiện và ác. Đó có thể là những thần linh hay ma quỷ.

    Khi một người hay một xã hội tin vào thuyết lực sống đạo đức, trong ví dụ họ cho rằng ma quỷ đang gây ra bệnh tật, các hành vi của người đó và xã hội đó vô tình trùng khớp với các hành vi củng cố sức khỏe cộng đồng.

    Các nhà khoa học gọi đó là một "hệ thống miễn dịch hành vi". Nó đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tật trong xã hội và củng cố niềm tin tâm linh của chính xã hội đó.

    Một loạt thống kê đã được các nhà khoa học thực hiện để chứng minh, các xã hội Châu Phi, Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ trong quá khứ đều sử dụng các mô hình siêu nhiên để giải thích sự tồn tại của bệnh tật bao gồm sốt rét, sốt phát ban và sốt xuất huyết.

    Niềm tin vào ma quỷ sinh ra để giúp các xã hội Trung Cổ kiểm soát dịch bệnh - Ảnh 2.

    Trước khi khoa học của loài người đạt được tới đỉnh cao trong ba trăm năm trở lại đây, phần lớn các dịch bệnh trong lịch sử đều bị đổ lỗi do ma quỷ.

    Các thế lực ác trong thuyết lực sống đạo đức, chẳng hạn như phù thủy và quỷ dữ thường bị gán cho nguyên nhân gây bệnh tật. Vào những khoảng thời gian này, khi dịch bệnh xuất hiện, niềm tin tâm linh của cả xã hội cũng đột ngột tăng lên. Ngược lại, niềm tin tâm linh tăng lên cũng giúp chính xã hội đó kiếm soát được bệnh tật.

    Các nhà khoa học giải thích việc đổ lỗi cho ma quỷ gây ra bệnh tật vô tình đã giúp các xã hội trong quá khứ thiết lập các hành vi phù hợp để hạn chế nhiễm trùng và lây lan dịch bệnh.

    Chẳng hạn, họ sẽ hạn chế ra ngoài vì sợ ma quỷ, nghĩa là giảm nguy cơ tiếp xúc và lây truyền với mầm bệnh từ người khác. Những người có dấu hiệu mắc bệnh sẽ bị cả xã hội xa lánh và cô lập. Thậm chí, họ có thể bị giết chết hoặc thiêu sống.

    Mặc dù các hành động này không phải lúc nào cũng tốt, nhưng nó thực sự đã có tác dụng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Con người trong xã hội đó nhận thấy các hành động của họ có hiệu quả, vì vậy, họ sẽ càng tin vào sự hiện diện của ma quỷ và các thế lực siêu nhiên.

    Niềm tin vào ma quỷ sinh ra để giúp các xã hội Trung Cổ kiểm soát dịch bệnh - Ảnh 3.

    Nghiên cứu này cũng giải thích tại sao những niềm tin tâm linh có thể bén rễ sâu vào xã hội loài người.

    Có thể thấy rằng, niềm tin tâm linh trong các xã hội nguyên thủy không phải chỉ là một hoạt động mê tín, mà nó còn là một hành vi có chức năng. Niềm tin tâm linh đã giúp xã hội loài người tồn tại được khi bị bao vây bởi một "tải lượng mầm bệnh cao", các nhà nghiên cứu viết.

    "Bằng cách cung cấp một khuôn khổ để dự đoán sự lây lan của bệnh truyền nhiễm, thuyết lực sống đạo đức cũng đã tạo điều kiện cho các chiến lược hành vi được thiết kế ra để kìm chế bệnh truyền nhiễm".

    Cũng phải nói rằng, nghiên cứu này không có nghĩa là các hành vi tâm linh nên được đề cao như các thực hành y tế hiện đại trong nỗ lực kiểm soát mầm bệnh. Nó chỉ là một ví dụ cho thấy cách hệ thống miễn dịch hành vi hoạt động.

    Nghiên cứu này cũng giải thích tại sao những niềm tin tâm linh có thể bén rễ sâu vào xã hội loài người. Bởi còn mang một chức năng nào đó, những niềm tin tâm linh ấy mới có thể tồn tại.

    Tham khảo Sciencealert, Express

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ