Trước khi trực tiếp “vạch mặt kể tên” những tội lỗi mà Ninja Gaiden 3 đang mắc phải, bạn đọc nên hiểu trước về cái gốc của series game hành động này.
Dòng game Ninja Gaiden kể từ khi được phục hưng vào năm 2004 dưới bàn tay của Tomonobu Itagaki đã nhanh chóng trở thành một trong những tượng đài mới của dòng game hành động. Thành công này còn được tiếp nối bởi Ninja Gaiden 2 năm 2010. Cùng với thời gian, series này đã chứng tỏ được sự hấp dẫn của nó đến từ yếu tố cốt lõi - các pha hành động đỉnh cao.
Bỏ qua tất cả những điều tiếng về yếu tố bạo lực hay cốt truyện rườm rà. Ninja Gaiden chấp nhận những phiên bản với cốt truyện đơn giản, thậm chí có thể mang những cái kết hơi... nhảm. Thế nhưng, không gì có thể thay thế cho yếu tố hành động cốt lõi. Đó chính xác là thứ khiến cho các game thủ có thể dán mắt vào màn hình thi triển hàng loạt các đòn combo vô cùng khó và ngoạn mục mà không biết chán.
Ninja Gaiden không tập trung vào những pha hành động đẹp mắt và những đại cảnh hoành tráng như God of War. Thế nên, giá trị marketing của nó cũng vì thế mà không thể so sánh với “ông hoàng của dòng game hành động”. Thế nhưng, nếu so kè về hệ thống chiến đấu trong game, God of War không thể ngang nhiên vỗ ngực nhận mình là kẻ đắc thủ.
Có thể nói, chất gây nghiện của Ninja Gaiden cũng giống với sự đơn giản của những trò chơi huyền thoại như Tetris hoặc Pacman, nhưng trò chơi mà yếu tố thử thách tăng dần khiến cho người chơi liên tục thực hiện những hành động “lặp đi lặp lại” không biết chán. Về bề ngoài thì những thứ xuất hiện trên màn hình có thể đơn điệu nhưng bên trong đầu của những người chơi lúc bấy giờ thì đó là một cảm giác thử thách kèm với hưng phấn rất khó tả.
Sự đơn giản nhưng tinh túy này cũng là thứ được rất nhiều series game nổi tiếng như Diablo hay Mario khai thác. Nó là một ma lực không nằm ở phần vỏ. Thậm chí, trước đây, game designer Cliff Bleszinski - cha đẻ của loạt game Gears of War - cũng đã từng phát biểu rằng: “30 giây hoàn hảo làm nên một game bắn súng hay”. Thể loại game này cũng có chung yếu tố “lặp đi lặp lại” như các ví dụ kể trên và quan niệm của ông Bleszinski về ma lực của một trò chơi có tính thử thách cao cũng giống với thứ mà dòng game Ninja Gaiden đã xây dựng được.
Tuy nhiên, liệu Ninja Gaiden có còn hay khi đi lệch ra khỏi cái cốt lõi này. Thậm chí, series này còn có biểu hiện đang từ bỏ dần những chi tiết tạo ra sức hấp dẫn của nó trong quá khứ.
Trong Ninja Gaiden 3, người chơi có thể lấp đầy một thanh lực của Ryu Hayabusa rồi kích hoạt nó để thi triển những đòn tất sát lên các đối thủ gần đó. Tuyệt chiêu này được thi triển rất đơn giản, chờ lực đầy và bấm nút là xong. Trước đó, hai bản Ninja Gaiden trước cũng có một khả năng “tụ lực” tương tự. Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở kĩ năng của game thủ. Trước đây, họ cần phải tính toán thời điểm và khoảng cách cẩn thận để có thể tụ lực mà ko bị ăn đòn.
Sức sát thương lớn cũng tỉ lệ với mức độ mạo hiểm cao. Thậm chí, kĩ năng “tụ lực”, tranh thủ các nguồn linh hồn gần đó để tăng tốc cho quá trình này và cuối cùng là tung ra những đòn tất sát vô tiền khoáng hậu là kĩ năng mà các cao thủ Ninja Gaiden đều phải nắm được khi chơi ở độ khó cao. Sức hút cùng với cảm giác thử thách đó giờ đã chẳng còn tồn tại bởi Ninja Gaiden 3 đã thay thế nó bằng một nút bấm “dễ ăn” hơn. Bên cạnh đó, người chơi lại còn được bonus một màn “câu giờ” bằng “sự chân thực trong việc chặt chém”.
Người chơi sẽ được tham gia vào những pha hành động lén lút trong Ninja Gaiden 3. Họ sẽ còn có thể leo tường bằng kunai trong một mini game dạng quick time event. Những game thủ đa cảm sẽ có được dịp thương tiếc “con mồi” của mình khi chúng van xin tha mạng bởi vẫn còn vợ và con nhỏ. Ninja Gaiden 3 sẽ có nhiều tình người... Tất cả những yếu tố trên đều làm phân tán nội dung của game, khiến nó đi chệch ra khỏi giá trị cốt lõi của các phiên bản trước.
Sự “nhanh nhảu đoảng” này cũng đã xuất hiện trong phiên bản Metal Gear Solid: Peace Walker. Đội ngũ trẻ tại Kojima Productions đã mặc nhiên thể hiện sự sáng tạo bằng cách đem vào game rất nhiều yếu tố mới về việc quản lý đội quân của Big Boss. Đáng buồn rằng hai yếu tố cốt lõi của Metal Gear Solid là các đoạn cắt cảnh đậm chất phim và những màn chơi hành động lén lút nghẹt thở đều đã bị lụi tàn. Những đoạn cắt cảnh kiểu comic cùng với việc game bắt người chơi chờ dài cổ trước khi được trực tiếp nhảy vào chiến trường là một điều rất đáng trách.
Việc Ninja Gaiden 2 mang đến rất nhiều loại vũ khí phụ cũng là một yếu tố mang tính chiến lược bởi chúng là thứ khiến người chơi muốn chơi lại game, thử thách kĩ năng cùng tốc độ phản ứng của mình ở một độ khó thần sầu quỷ khốc hơn. Không những thế, mỗi loại vũ khí này đều được xây dựng rất hoàn thiện chứ không “bát nháo” nhưng một số món trong God of War, chúng tạo được những phong cách chiến đấu rất riêng biệt chứ không chỉ mang đến thêm một công cụ để người chơi đánh quái. Trong khi đó, những gì Ninja Gaiden 3 đang có mới chỉ là thanh Dragon Sword cổ điển cùng với cây cung được nâng cấp.
Ninja Gaiden 3 sẽ được phát hành vào tháng 3 năm nay. Chất lượng của nó hay dở đến đâu sẽ còn phải tùy thuộc vào từng người chơi phán xét. Cá nhân tôi là một fan - xin được tự xưng là gạo cội - của series này thì đã bị nó làm cho mất cảm tình.