Từ trước tới nay, khi nói tới ngành công nghiệp giải trí tương tác nói chung, cũng như thế giới console nói riêng, chúng ta thường nghĩ ngay tới 2 tên tuổi “nổi như cồn” tại xứ mặt trời mọc: Nintendo và Sony.
Nhiều người cho rằng, Nintendo đã tạo ra nền móng vững chắc từ những ngày đầu hình thành khái niệm giải trí tương tác, cũng như cứu sống ngành công nghiệp game có dấu hiệu đóng băng trong những năm 80 của thế kỷ XX nhờ vào hệ máy console Famicom (NES – Nintendo Entertainment System). Với những nhân vật như Mario, Link (The Legend of Zelda), Samus Aran (Metroid) hay Donkey Kong, Nintendo, vốn chỉ là một xưởng chế tác máy chơi bài, đã trở thành một tượng đài bất tử trong lòng mỗi gamer gạo cội.
Trong khi đó, công lao của Sony cũng nghiễm nhiên không thể phủ nhận, khi thương hiệu PlayStation của họ đã giành được chỗ đứng trong lòng biết bao thế hệ gamer. Đã có một thời tại Việt Nam, sở hữu một chiếc PlayStation đồng nghĩa với sự “nể” của bạn bè đồng trang lứa. Trong khi Nintendo có công khai phá thị trường mới, thì Sony, với khả năng phát triển vốn có cùng với kinh nghiệm trong lĩnh vực điện tử của mình, đã tạo ra những cỗ máy chơi game với cấu hình thuộc hàng “quái vật” vào thời điểm chúng ra mắt. Những tựa game được đóng mác Sony Computer Entertainment, hay chí ít là dành cho hệ máy PlayStation của họ, đều mang nền tảng đồ họa thực sự “lung linh”, bắt mắt.
Bỏ qua những người được cộng đồng gọi là “fanboy” của mỗi bên (Sony và Nintendo), liệu rằng có khi nào bạn tự hỏi Nintendo hay Sony, tượng trưng cho hai thái cực cũ và mới, giữa sáng tạo và sức mạnh phần cứng, ai mới là “đại công thần” thực sự, góp phần đem lại những thay đổi như chúng ta, những gamer, có được ngày hôm nay? Trước thềm E3 2012 sắp diễn ra vào tháng 6 tới, có lẽ chúng ta luận bàn chút ít về điều này cũng không thừa.
Một điều rõ ràng là Nintendo là tập đoàn đóng góp cho ngành công nghiệp game nhiều hơn bất kỳ tập đoàn nào hoạt động cùng lĩnh vực. Famicom ra đời năm 1983 là ví dụ đầu tiên cũng như là bằng chứng rõ ràng nhất chứng minh cho việc chơi game tại gia là điều hoàn toàn có thể thực hiện, sau những thất bại về cả mặt công nghệ lẫn kinh tế bắt nguồn từ sự bùng nổ của những dòng máy console thế hệ thứ 2 (thời kỳ 1976 – 1984) với những tên tuổi đã gục ngã như Fairchild hay Atari. Thêm vào đó, với những tựa game “cây nhà lá vườn” như Mario, Nintendo đã chứng minh vào sức hấp dẫn khó cưỡng lại đến từ những tựa game platform hay phiêu lưu, qua đó đem lại cho người khổng lồ đến từ Nhật Bản những khoản lợi nhuận kếch xù.
"Một thời bắn vịt"!
Không chỉ có vậy, như đã đề cập ở phần đầu bài viết, nếu như không có NES đi tiên phong, thì có lẽ cũng sẽ chẳng có những cái tên sau này như SNES, Sega Genesis, Nintendo 64, hay thậm chí cũng chưa chắc đã xuất hiện PlayStation. Có thể nói, thành công của chiếc máy này đã tạo ra làn sóng tấn công vào thị trường giải trí tương tác gia đình, vốn đã trở nên cực kỳ béo bở sau khi được “hồi sinh” bởi NES.
Tuy nhiên, nếu quy hết mọi công lao cũng như vinh quang về phần Nintendo thì sẽ là một sự bất công và thiệt thòi rất lớn dành cho đối thủ cùng quê hương, Sony. Mặc dù không có tuổi đời vào hàng “lão thành” như Nintendo (ra đời năm 1889), nhưng nhờ vào việc đem đến cho game thủ phong cách chơi game hoàn toàn khác, cái tên PlayStation của Sony đã trở thành cái tên thống trị bản đồ giải trí tương tác trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX cũng như đầu những năm 2000.
Nếu như đem đến những tựa game với chiều sâu gameplay cũng như cốt truyện cao, thì Sony lại đi theo một hướng khác, cũng chú trọng tới gameplay nhưng đồng thời cũng tạo ra nền tảng đồ họa và âm thanh đỉnh cao, giúp đưa những tựa game của họ đến gần với chuẩn mực điện ảnh. Vào khoảng những năm 2000, nếu bạn có cơ hội chơi phiên bản đầu tiên của series game Metal Gear Solid (1998) hay sau này là Shadow Of the Colossus (2005) thì chắc chắn bạn sẽ hiểu điều tôi đang muốn nói.
Không chỉ có vậy, Sony còn thực hiện chiến lược mà Nintendo chưa từng thực hiện trước đó, đó là cho phép mọi studio game thứ 3 làm ra các tựa game dành cho hệ máy của họ. Nếu như trong quá khứ, những tựa game “4 nút” chúng ta thường chơi đều sở hữu dòng chữ “Licenced by Nintendo”, thì sau này, chúng ta có thể thoải mái chơi các tựa game từ vô số nhà phát triển khác nhau và họ đều không bị ràng buộc vào nhà sản xuất phần cứng. Chính điều này đã tạo ra sự so tài về chất lượng game cũng như chất lượng đồ họa của những tựa game ra mắt sau này.
Có khác mấy so với đời thực?
Nói một cách ngắn gọn, nếu như không có Sony, thì những tựa game chúng ta đang và sẽ được thưởng thức sẽ chẳng thể nào có được chất lượng đồ họa đẹp “mê hồn”. Thậm chí, Microsoft, tên tuổi đã và đang rất thành công trong lĩnh vực giải trí tương tác, cũng chỉ là “hậu bối” nếu so với những thành công mà Sony làm được trong thập kỷ 90.
Quân bài đầu tiên của Nintendo đưa vào danh sách các thiết bị console thế hệ thứ 8
Tổng kết lại, thiết nghĩ chúng ta cũng nên tìm ra một ngôi vương cho 1 trong hai ứng cử viên sáng giá đến từ đất nước mặt trời mọc. Về phần Sony, rõ ràng những bước đột phá về nền tảng phần cứng, đồ họa cũng như phong cách chơi game mà Sony mang lại cho các thế hệ gamer từ khi xuất hiện cho tới nay đều không thể phủ nhận. Tuy nhiên nếu đem chúng so với những thứ mà Nintendo đã dày công vun vén và xây dựng nên để góp phần tạo ra thế giới game muôn màu như ngày hôm nay, thì quả thật là Sony Computer Entertainment cũng chỉ xứng đáng với vị trí thứ 2. Không chỉ dừng lại ở đó, liên tiếp trong nhiều năm trở lại đây, Nintendo đã cho thấy sự lột xác đáng ngưỡng mộ trong cuộc chiến ngày càng khốc liệt giữa các hệ máy chơi game. Bắt đầu là chiếc máy cầm tay 2 màn hình Nintendo DS, sau đó là chiếc máy với công nghệ cảm biến chuyển động Wii đã lần lượt thay đổi hoàn toàn cách con người cầm chiếc controller chơi game trong suốt 20 năm kể từ khi NES ra đời. Chiếc máy Wii đã biến việc chơi game vốn từ chỗ người chơi chỉ ngồi lỳ một chỗ và "luyện ngón" với chiếc điều khiển, trở thành một hoạt động tốn cả trí lực lẫn thể lực, và hơn hết, ai trong gia đình cũng có thể tham gia.
Sự sáng tạo của Nintendo dường như là bất tận, đến mức cả Sony lẫn Microsoft đều "cuống cuồng" đi tìm cho mình một giải pháp cảm biến chuyển động, đánh dấu sự ra đời của Kinect dành cho Xbox 360 và PlayStation Move. Nhưng có lẽ những cố gắng của các đối thủ đều không thể kìm chân được bước tiến của Nintendo khi doanh thu của họ luôn dẫn đầu, và đều bỏ cách những đối thủ còn lại khá xa. Và mới đây, chiếc console đầu tiên đánh dấu thế hệ console thứ 8, Wii U cũng đã ra đời. Với chiếc máy này, chắc hẳn Nintendo sẽ vẫn giữ được lợi thế trong cuộc đua tam mã giữa họ, người láng giềng cũng như đối thủ ở bên kia bờ Thái Bình Dương. Vì thế có lẽ sẽ không ngoa khi nói rằng, chức "đại công thần" của ngành công nghiệp game thế giới chỉ có thể thuộc về Nintendo mà thôi!
Tham khảoSlashGear.