'Nỗi đau thầm kín' của Mark Zuckerberg: Apple có thể bán iPhone, Tesla có thể bán ô tô tại Trung Quốc nhưng Meta thì không

    Vũ Anh, Nhịp sống thị trường 

    Meta tái khởi động hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc thông qua kính thực tế ảo Quest.

    'Nỗi đau thầm kín' của Mark Zuckerberg: Apple có thể bán iPhone, Tesla có thể bán ô tô tại Trung Quốc nhưng Meta thì không - Ảnh 1.

    “Nếu Apple có thể bán iPhone, Tesla có thể bán ô tô tại Trung Quốc, tại sao chúng tôi lại không thể?”.

    Câu hỏi được Mark Zuckerberg đặt ra vào cuối năm 2021, qua đó tạo động lực cho Meta tái khởi động hoạt động kinh doanh tại đại lục thông qua kính thực tế ảo Quest. Đây được cho là động thái mới nhất sau gần 1 thập kỷ Facebook bị chặn tại Bắc Kinh.

    Theo WSJ, Meta đã tham gia đàm phán với một số công ty công nghệ Trung Quốc và đạt được tiến bộ nhất định với tập đoàn trò chơi điện tử Tencent. Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn phải đối mặt với một số thách thức, nhất là khi phía Trung Quốc vẫn quan ngại liệu Zuckerberg có thực sự thiện chí hay không.

    Trước đó, đại diện Meta cáo buộc Trung Quốc đánh cắp công nghệ và nhắm vào ByteDance, công ty mẹ TikTok. Điều này tác động phần nào lên kế hoạch chinh phục đại lục hồi năm 2016 của Zuckerberg, đồng thời củng cố thêm quan điểm tiêu cực về doanh nhân Bắc Kinh.

    “Tôi nghĩ việc chính phủ Trung Quốc đánh cắp công nghệ từ các công ty Mỹ đã được ghi chép rõ ràng”, Zuckerberg nói.

    Sau khi chặn Facebook và Twitter hồi năm 2009, Trung Quốc thắt chặt kiểm soát nội dung trực tuyến. Các đối tác tiềm năng của Meta lo sợ điều tương tự sẽ xảy ra với VR - lĩnh vực mà Bắc Kinh có thể siết gọng kìm.

    Các chuyên gia đánh giá việc Meta và Tencent hợp tác thành công sẽ mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Đặc biệt, thị trường tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc sẽ giúp Meta có nguồn lực phát triển kính thực tế ảo, phần mềm và ứng dụng cho metaverse.

    'Nỗi đau thầm kín' của Mark Zuckerberg: Apple có thể bán iPhone, Tesla có thể bán ô tô tại Trung Quốc nhưng Meta thì không - Ảnh 2.

    Meta tái khởi động hoạt động kinh doanh tại đại lục thông qua kính thực tế ảo Quest.

    Trước đó, các giám đốc điều hành Tencent đã tranh luận sôi nổi về việc có nên hợp tác với Meta. Chủ tịch Tencent Pony Ma quyết định tiến hành đàm phán trước, sau đó mới cân nhắc thương vụ phù hợp.

    Thách thức đặt ra là Meta sẽ quảng bá sản phẩm tại Trung Quốc như thế nào. Người dùng có thể tiếp cận các dịch vụ toàn cầu của Meta, trong khi Tencent tìm cách tích hợp các sản phẩm của riêng mình vào kính thực tế ảo.

    Theo WSJ, đây là nỗ lực mới nhất của Meta nhằm tái nhập Trung Quốc. Facebook hiện vẫn bị chặn ở quốc gia 1,4 tỷ dân, song vẫn kiếm được nguồn thu từ những công ty Trung Quốc muốn quảng cáo trên nền tảng. Phía Meta cũng chiêu mộ một giám đốc chính sách Trung Quốc sau một vài bài phát biểu bằng tiếng Trung của CEO Mark Zuckerberg.

    Theo bà Susan Li, Giám đốc tài chính của Meta, các doanh nghiệp tại Trung Quốc đang rót tiền vào lĩnh vực quảng cáo nhằm thu hút người dùng và mở rộng thị trường.  Động lực chủ yếu đến từ việc chi phí vận chuyển giảm, cộng thêm quyết định dỡ bỏ chính sách phong tỏa của chính phủ Trung Quốc. Họ chính là người đã giúp doanh thu công ty tăng trưởng lần đầu tiên sau 3 quý sụt giảm liên tiếp.

    Được biết cuối năm ngoái, Meta bắt đầu đàm phán với một số công ty công nghệ Trung Quốc, trong đó có Tencent và một số nhà sản xuất điện thoại thông minh. Bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra cũng sẽ giúp tập đoàn Trung Quốc trở thành bên bán độc quyền kính thực tế ảo.

    'Nỗi đau thầm kín' của Mark Zuckerberg: Apple có thể bán iPhone, Tesla có thể bán ô tô tại Trung Quốc nhưng Meta thì không - Ảnh 3.

    Mark Zuckerberg 'cậy nhờ' metaverse để trở lại thị trường Trung Quốc

    Nếu thành công, Meta sẽ có thể cạnh tranh với các đối thủ trong nước đang thống trị thị trường Trung Quốc, bao gồm ByteDance, công ty có thiết bị Pico dẫn đầu thị trường vào năm ngoái, theo công ty nghiên cứu Counterpoint. Hiện sự cạnh tranh giữa Meta và Pico đang ngày càng gay gắt do kính thực tế ảo của Pico đã có mặt tại châu Âu và châu Á.

    Các đối thủ cạnh tranh khác bao gồm Sony Group - công ty có PlayStation VR2 ra mắt tại Trung Quốc vào tháng 2 và Apple - tập đoàn mới đây đạt giá trị vốn hóa hơn 3.000 tỷ USD.

    Trong khi đó, kính thực tế ảo của Meta lại không gây được nhiều tiếng vang. Hầu hết người dùng khi đặt mua Quest 2 chỉ nhằm mục đích chơi game và trong mắt họ, đây chính xác là một bảng điều khiển trò chơi, không hơn không kém.

    “Thật đáng buồn, nhóm người tiêu dùng mua nó vào Giáng sinh năm ngoái lại không thực sự ưng ý”, Mark Rabkin, phó chủ tịch VR của Meta nói, đồng thời cho biết khách hàng mong đợi nhiều hơn với Horizon Worlds.

    Sắp tới, Meta Quest thế hệ 3 – kế thừa Meta Quest 2 sẽ được ra mắt. Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg xác nhận Quest 3 sẽ kết hợp Meta Reality giúp tai nghe VR trở thành tai nghe thực tế hỗn hợp. Phía Meta chưa tiết lộ giá chính thức song người tiêu dùng chắc chắn sẽ phải trả thêm một chút so với Quest 2.

    “Chúng tôi phải chứng minh cho mọi người thấy rằng tất cả các tính năng mới này đều đáng giá,” Rabkin nói với nhân viên. “Thực tế hỗn hợp phải làm cho chiếc tai nghe trở nên tốt hơn và thoải mái hơn”.

    Theo Mark Zuckerberg, metaverse vẫn là ưu tiên cốt lõi của Meta. Nền tảng này đang nghiên cứu thêm về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm hỗ trợ các dịch vụ nhắn tin và quảng cáo.

    “Chúng tôi đã tập trung vào cả AI và metaverse trong nhiều năm nay và điều đó sẽ tiếp tục diễn ra thời gian tới. Cả hai lĩnh vực này đều có sự liên quan với nhau”, Zuckerberg chia sẻ.

    Theo: WSJ, The Verge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày