Nội quy “kỳ quái” ở PepsiCo: Cho phép nhân viên thoải mái đi trễ hay về sớm chỉ để chăm sóc vợ mới sinh hay đưa đón con đi học
Mỗi ngày, CEO Robbert Rietbroek của PepsiCo luôn yêu cầu các nhân viên đi về một cách "ồn ào" nhất nhằm đem lại cân bằng cho công việc và cuộc sống. Ông muốn triệt tiêu văn hóa ngồi lâu để "được về trễ" nhằm gây ấn tượng với đồng nghiệp như ở nhiều nơi khác.
Vị CEO này chia sẻ "Ví dụ, thường tôi sẽ ra về vào lúc 4 giờ chiều để đón con gái tan trường, tôi sẽ ngay lập tức thông báo với mọi người xung quanh là "Tôi về đón con đây!". Vì nếu sếp cấp cao có thể thoải mái về sớm, các quản lý cũng có thể về sớm, và qua đó các nhân viên mới vào cũng có cảm giác rằng họ hoàn toàn có thể được về sớm nếu hoàn tất việc được giao và không có ai theo dõi họ."
Robbert Rietbroek cho rằng mục tiêu của nội quy này là nhằm triệu tiêu văn hóa gây ấn tượng qua cách ngồi thật lâu, bởi vì các nhân viên mới vào và các nhân viên cấp dưới luôn cảm thấy khó chịu và không dám về khi các đồng nghiệp cấp cao và đặc biệt là sếp của mình đang còn hăng say làm việc.
Ngoài ra, Robbert còn yêu cầu các quản lý "hạn chế đến mức tối thiểu" các email sau giờ làm việc. "Chúng tôi yêu cầu các nhân viên cấp cao phải suy nghĩ thật kỹ và tối thiểu hóa số lượng email gửi sau giờ làm và vào cuối tuần."
Kể từ lúc gia nhập PepsiCo, CEO Robbert Rietbroek đã nổi tiếng với việc luôn đề cao cân bằng công việc và cuộc sống cho công ty, đưa ra các chính sách rất linh hoạt về thời gian làm việc, cũng như ra sức thúc đẩy nữ giới lên các vị trí cấp cao (tỷ lệ nữ giới giữ cương vị cao 1 thời gian sau khi Robbert lên chức là hơn 40%).
"Là một người cha với hai đứa con nhỏ suốt 16 năm qua, tôi hiểu rằng các nhân viên gặp rất nhiều khó khăn để duy trì hiệu quả làm việc và các mối quan hệ gia đình. Ban quản trị của Pepsi luôn muốn các bậc cha mẹ trong công ty có thời gian để chăm sóc gia đình của mình. Tôi luôn dặn các nhân viên rằng, "Tôi muốn mọi người trở thành một "anh hùng" tại công ty, nhưng đồng thời cũng là một "anh hùng" tại gia đình. Nếu bạn chỉ thật sự cố gắng làm tốt ở công ty thì bạn mới làm được một nửa công việc mà thôi."
PepsiCo và Chiến dịch "Một Điều Đơn Giản"
PepsiCo đã đưa vào chính sách nghỉ hậu sản 16 tuần cho nhân viên, không giới hạn và không theo dõi thời gian bắt đầu và kết thúc một ngày làm việc, cho phép nhân viên được về sớm vào các ngày Thứ 6 trong những tháng hè, và đặc biệt là khuyến khích nhân viên tham gia chiến dịch "Một Điều Đơn Giản": "nhân viên có thể chọn cho mình một điều quan trọng trong cuộc sống và xây dựng lịch trình làm việc của mình dựa trên đó".
"Chẳng hạn như đối với Giám đốc Tài chính của công ty, mỗi buổi sáng Thứ 6 ông sẽ đích thân đưa con gái của mình đi học và sau đó đi làm trễ một tý so với ngày thường", CEO Rietbroek khẳng định. "Đó là một việc tuy đơn giản nhưng cực kỳ quan trọng đối với gia đình của vị Giám đốc này — con gái của ông luôn biết rằng mình được bố chở đi làm vào mỗi sáng Thứ 6. Và chúng tôi tôn trọng điều đó."
"Ngoài ra thì một quản lý ở phòng thu mua đã đăng ký chở con đi học vào mỗi sáng, nên cô thường đến trễ hơn so với những người khác. Một nhân viên khác ở bộ phận IT thì luôn làm việc sớm hơn mọi người để được về sớm cùng người vợ của mình chăm sóc đứa con mới sinh."
Chiến dịch "Một Điều Đơn Giản" còn được nhiều nhân viên chưa lập gia đình hưởng ứng mạnh mẽ. Trưởng ban Thu mua của Pepsi New Zealand và Úc là một người đam mê lướt sóng, và ông luôn được công ty hỗ trợ thời gian làm việc linh hoạt để đón những đợt sóng tốt nhất.
"Chúng tôi cung cấp cho ông ta những cơ hội lướt sóng hoàn hảo nhất," CEO Rietbroek chia sẻ. "Các nhân viên luôn biết rằng sếp của mình đang lướt sóng ở đâu đấy nếu không thấy sự xuất hiện của ông trong giờ làm, và chắc chắn rằng ông sẽ bù lại vào những ngày tiếp theo. Bạn phải luôn tin tưởng nhân viên của mình, và điều đó sẽ cho phép họ luôn có những lựa chọn đúng đắn."
Văn hóa của PepsiCo và kết quả mang lại
CEO Rietbroek luôn bắt đầu những cuộc nói chuyện thân mật với nhân viên bằng cách hỏi về những mục tiêu trong công việc, và rộng hơn là những mục tiêu trong cuộc sống của họ.
"Câu hỏi: ‘Công ty có thể giúp được gì cho bạn?’ luôn cho phép nhân viên trình bày những khó khăn dù là nhỏ nhất của mình. Đó có thể là những người thân lớn tuổi cần thêm sự trợ giúp, hoặc là đứa bé mới vào cấp 1 phải học bơi vào trưa Thứ 5 hàng tuần."
CEO PepsiCo nhấn mạnh rằng các quy định làm việc linh hoạt trên đã cho phép công ty đạt được những thành công vang dội ngày hôm nay. "Hiện Pepsi đang đứng đầu về doanh số bán lẻ tại Úc và đồng thời cung cấp cho các nhà bán lẻ những sản phẩm bán chạy nhất trên thị trường."
Chỉ trong hai năm áp dụng các chính sách trên, Pepsi đã giảm tỷ lệ nghỉ việc hàng năm từ 12% (mức trung bình của các công ty hàng tiêu dùng nhanh) xuống còn dưới 7%. "Sự linh hoạt này cho phép các nhân tài của công ty gắn kết với nơi làm việc của mình nhiều hơn."
"Chúng tôi thành công bởi vì chúng tôi coi trọng sự linh hoạt trong công việc của nhân viên."
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI