Nóng: Coca Cola, Pepsi có nguy cơ phải thay đổi công thức đồ uống vì 1 quyết định của WHO
Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã có công bố chính thức về chất tạo ngọt nhân tạo Aspartame có trong sản phẩm đồ uống không đường của Coca Cola và Pepsi.
Hãng tin CNBC cho hay cảnh báo mới đây của Tổ chức y tế thế giới (WHO) về chất tạo ngọt nhân tạo có trong các sản phẩm nước ngọt không đường như Diet Coke, Coke Zero, Pepsi Zero Sugar hay Diet Mountain Dew có thể gây ung thư sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thị trường, thậm chí khiến các doanh nghiệp phải thay đổi công thức.
Trên thực tế, lượng tiêu thụ nước ngọt có ga đã liên tục sụt giảm trong 20 năm qua khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe hơn, chuyển sang uống nước lọc hoặc chọn những đồ uống ít đường. Nắm bắt được tình hình này, nhiều hãng nước ngọt như Coca Cola hay Pepsi đã tung ra những sản phẩm nước ngọt không đường, qua đó đánh vào tâm lý của các khách hàng béo phì, ăn kiêng hay muốn giảm cân.
Hiện mảng nước ngọt không đường đang chiếm đến 1/4 tổng doanh số của thị trường nước ngọt có ga nói chung. Hàng loạt những cái tên như Diet Coke, Coke Zero, Pepsi Zero Sugar hay Diet Mountain Dew đã trở thành mỏ vàng mới cho các tập đoàn nước giải khát.
Thế nhưng một báo cáo nghiên cứu của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) trực thuộc WHO cho thấy mối liên quan giữa chất tạo ngọt nhân tạo (Aspartame) có trong những đồ uống này với bệnh ung thư gan đã làm đảo lộn tất cả.
Mặc dù WHO đã chính thức cảnh báo nhưng cũng đồng thời cho biết cần nhiều nghiên cứu thêm về tác động của Aspartame với bệnh ung thư.
Theo Fortune, chất tạo ngọt nhân tạo Aspartame được dùng phổ biến trong các loại thực phẩm và đồ uống hiện nay, từ Coca không đường (Diet Coke), kẹo cao su không đường cho đến sữa chua ít đường của Dannon Activia. Thậm chí chất này còn được dùng trong một số loại thuốc ho ngọt không đường cùng một số kem đánh răng.
Đánh giá của IARC khiến WHO phải xem xét Aspartame là chất gây ung thư không nói rõ liều lượng dùng an toàn hàng ngày mà một cơ thể có thể hấp thụ. Đây là điều mà Ủy ban chuyên gia về thực phẩm (JECFA) trực thuộc Tổ chức nông lương quốc tế (FAO) và WHO sẽ phải làm việc.
Lần cuối cùng WHO có nghiên cứu về Aspartame là vào năm 1981 với kết quả liều dùng hàng ngày có thể chấp nhận được không vượt quá 40mg trên mỗi kg trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên những nghiên cứu mới sẽ được thực hiện dựa trên những kết quả thí nghiệm mới của IARC.
Trong một báo cáo cùng ngày của JECFA, một người trưởng thành nặng 70kg nếu uống 9-14 lon nước ngọt không đường dùng chất tạo ngọt nhân tạo Aspartame mỗi ngày trong thời gian dài có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Bởi vậy, việc uống 1 lon Coca không đường mỗi ngày hay nhai kẹo cao su có Aspartame sẽ chẳng gây ảnh hưởng đến sức khỏe trừ phi tiêu thụ với lượng cực kỳ lớn mỗi ngày trong thời gian dài.
Mặc dù vậy, một số nghiên cứu khác như của PLOS Medicine trên hơn 100.000 người Pháp công bố năm 2022 cho thấy những người uống chưa đến 1 lon nước ngọt không đường mỗi ngày có tỷ lệ bị ung thư cao hơn 15% so với những người không sử dụng.
Thay đổi công thức
Theo CNBC, mặc dù báo cáo của WHO không nhắm đến những người tiêu thụ lượng nhỏ nước ngọt không đường dùng Aspartame nhưng chúng sẽ tác động đến tâm lý người tiêu dùng, gây giảm doanh số và thậm chí dẫn đến khả năng phải thay đổi công thức sản phẩm.
Số liệu của TD Cowen cho thấy nước ngọt không đường thường được dùng phổ biến trong giới có thu nhập cao và đây lại là những đối tượng cực kỳ quan tâm đến sức khỏe.
Trong khi đó, chuyên gia Gerald Pascarelli của Wedbush nhận định các tập đoàn nước giải khát rất nhanh thích nghi với môi trường kinh doanh và sẵn sàng làm mọi thứ có thể để duy trì thương hiệu của mình.
Chất Aspartame đã được dùng trong Diet Pepsi vào năm 2015 nhưng bị ngừng sử dụng sau 1 năm vì phản ứng quyết liệt từ người tiêu dùng. Thế nhưng điều này không tồn tại được lâu khi hãng quyết định đưa Aspartame trở lại Diet Pepsi vào năm 2020, trong khi dòng Pepsi Zero Sugar thì vẫn đang liên tục dùng chất tạo ngọt nhân tạo này.
Với Coca Cola, các sản phẩm như Diet Coke hay Coke Zero của hãng đều dùng Aspartame từ đầu, tuy nhiên họ có thể đổi công thức sang dùng cây cỏ ngọt (Stevia) trong tương lai nếu thành phần chất tạo ngọt nhân tạo gây phản ứng trên thị trường.
Tuy nhiên quyết định thay đổi công thức này chưa chắc đã xảy ra khi Aspartame ngọt gấp 200 lần so với đường thông thường, giúp hãng có thể sử dụng liều lượng cực ít mà vẫn tạo được độ ngọt cho đồ uống, qua đó giảm lượng Calories để tạo nên sản phẩm không đường cho người ăn kiêng. Đây là điều mà không nhiều thành phần có thể làm được nếu muốn giữ nguyên hương vị.
Hãng tin CNBC cho biết hiện Aspartame được sử dụng trong hơn 6.000 sản phẩm khắp thế giới. Chất tạo ngọt nhân tạo này lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1965 và ngay từ khi được phê duyệt lần đầu đã gây nên tranh cãi cực kỳ lớn về tác hại của chúng đến sức khỏe con người.
Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) lần đầu tiên phê duyệt Aspartame vào năm 1974 như một chất phụ gia trong một số thực phẩm nhất định, nhưng đã tạm dừng quyết định này trong nhiều năm do các tranh cãi liên quan đến khả năng gây ung thư não.
Cuối cùng vào năm 1981, FDA đã kết luận chắc chắn rằng Aspartame không phải nguyên nhân gây ung thư não và cấp phép thông qua cho chất phụ gia này. Đến năm 1996, Aspartame được phê duyệt trở thành chất tạo ngọt nhân tạo đa năng được dùng cho hàng loạt sản phẩm.
Hiện FDA cho biết đang theo dõi tiếp tình hình về Aspartame.
Kiện cáo và đền bù
Tờ Fortune cho biết tuyên bố của WHO là đòn mới nhất từ tổ chức này đến các sản phẩm tạo ngọt nhân tạo. Vào tháng trước, chính WHO đã khuyến cáo người dùng ngừng sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo cho việc kiểm soát cân nặng vì nó chẳng có hiệu quả giảm cân. Tuy nhiên hướng dẫn này không chỉ ra bất kỳ rủi ro sức khỏe nào có thể xảy ra nếu người tiêu dùng sử dụng Aspartame.
Trong khi đó, những báo cáo gây ung thư của IARC đã có tiền lệ khiến các doanh nghiệp phải lao đao. Năm 2015, tổ chức này đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá và phát hiện ra rằng chất Glyphosate trong thuốc diệt cỏ gây ung thư.
Đến năm 2021, công ty kinh doanh thuốc trừ sâu của Đức là Bayer đã thua trong lần kháng cáo thứ 3 tại Mỹ khi bị các khách hàng cáo buộc sản phẩm của họ khiến người dùng gây ung thư, qua đó yêu cầu bồi thường thiệt hại 86 triệu USD.
Quay trở lại câu chuyện, báo cáo của IARC cũng như tuyên bố của WHO đang làm xôn xao giới truyền thông và người nổi tiếng khi vô số người tiêu dùng hiện nay chuộng các sản phẩm không đường nhưng sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo.
Những cái tên như Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, tỷ phú Elon Musk, tài tử Tom Hanks hay Ben Affleck đều được biết là thích dùng Coca không đường. Thậm chí Cựu Tổng thống Donald Trump được cho là có hẳn một nút riêng để gọi đồ uống Coca không đường trên bàn làm việc ở Nhà Trắng khi còn tại vị.
Theo khảo sát của hãng nghiên cứu Mintel, khoảng 43% số người lớn được hỏi cho biết chất tạo ngọt nhân tạo có hại cho sức khỏe người dùng, khoảng 70% số phụ huynh có con dưới 18 tuổi nhận định tương tự.
*Nguồn: CNBC, Bloomberg, Fortune
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming