Nóng: Grab sắp sáp nhập với công ty mẹ Gojek, tạo ra siêu ứng dụng lớn nhất Đông Nam Á?
Sau khi từ bỏ Tokopedia cho Tiktok, hãng Goto được cho là đang đàm phán để sáp nhập với Grab trong thương vụ trị giá 20 tỷ USD nhằm thay đổi cuộc chơi ở Đông Nam Á.
- Hé lộ chuyện đằng sau cái kết của Baemin: Mất quá nửa thị phần vào tay Grab và ShopeeFood, công ty mẹ miệt mài đem con đi bán nhưng bất thành, Grab và Meituan đều từ chối mua lại
- Báo Singapore tiết lộ sốc về Lazada: Cấm những nhân viên vừa bị sa thải làm việc cho Shopee, Grab, TikTok, ràng buộc bằng ‘tờ giấy hẹn’ mất giá
Theo tờ Tech in Asia và hãng tin Bloomberg, hai nền tảng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á là Grab và Goto (Gojek) đã bắt đầu lại các cuộc đàm phán về một cuộc sáp nhập lớn nhất khu vực sau nhiều năm thua lỗ vì mải cạnh tranh nhau giữa 2 ông lớn.
Nguồn tin thân cận cho hay 2 nền tảng gọi xe và giao đồ ăn này đang thảo luận sơ vộ về nhiều phương án sáp nhập cho tệp khách hàng hơn 650 triệu người.
Một trong những phương án khả thi là Grab của Singapore sẽ mua lại Goto bằng tiền mặt, cổ phiếu hoặc kết hợp cả 2 dạng trên.
Cũng theo nguồn tin trên, kể từ khi CEO Patrick Walujo của Goto lên nắm quyền vào năm 2023, nền tảng từ Indonesia này có vẻ tích cực hơn với thương vụ sáp nhập trên.
Hiện các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra liên tục và nguồn tin xin được giấu tên bởi các cuộc đàm phán này vẫn chưa được công bố chính thức. Tuy nhiên những cổ đông lớn của cả 2 nền tảng đều ủng hộ một thỏa thuận sáp nhập, qua đó thúc đẩy các cuộc đàm phán theo chiều hướng tích cực.
Mặc dù vậy, khả năng một cuộc sáp nhập toàn diện không xảy ra hoặc thỏa thuận thất bại vẫn có thể diễn ra.
Một lựa chọn nữa cho thương vụ trên là Grab sẽ nắm giữ thị trường chính Singsapore cùng một số thị trường khác trong khu vực, còn Goto sẽ tập trung kiểm soát Indonesia thay vì sáp nhập hoàn toàn cả 2 công ty.
Bên cạnh đó, việc định giá cũng là một trở ngại khi cổ phiếu Goto đã giảm 30% trong 12 tháng qua, chưa kể đến những thách thức như thỏa thuận về cơ cấu cũng như hội đồng quản trị công ty mới sẽ ra sao, ai sẽ lãnh đạo thực thể mới.
Đại diện của Goto cho biết không có cuộc thảo luận nào đang diễn ra trong khi phía Grab từ chối bình luận.
Đoàn kết để sống
Việc nhà đầu tư dần mất kiên nhẫn với các startup đốt tiền nhiều năm nhưng chưa đem lại lợi nhuận tương xứng đang gây áp lực cực lớn lên cả Grab lẫn Goto. Đây được cho là lý do chính khiến 2 đối thủ lớn nhất khu vực quyết định từ bỏ cạnh tranh để ngồi lại hợp tác.
Mỗi nền tảng trên có đến hàng chục triệu người dùng dịch vụ và việc sáp nhập không chỉ giảm chi phí cạnh tranh mà còn giúp họ có thể tăng giá, khống chế thị trường sao cho có lợi nhuận hơn.
Ngoài ra, việc sáp nhập cũng sẽ giúp Grab và Goto khống chế được các thị trường lớn như Indonesia khi mức giá gọi xe bị đè xuống thấp vì cạnh tranh gay gắt, qua đó gây phẫn nộ trong giới tài xế cũng như làm xói mòn lợi nhuận.
Một lợi thế nữa là sự sáp nhập sẽ giúp công ty có nhiều nguồn lực tài chính hơn cho mảng thanh toán điện tử hay ngân hàng trực tuyến đầy tiềm năng mà cả 2 nền tảng này đang theo đuổi.
Tại Indonesia, thị trường lớn nhất Đông Nam Á, việc cạnh tranh quá gay gắt khiến những chuyến xe ôm chỉ có giá chưa đến 1 USD, trong khi đi taxi cũng tương tự. Điều này khiến các ứng dụng gọi xe phải chịu áp lực mở rộng sang các kênh kinh doanh khác như giao hàng, đưa đồ ăn, thanh toán kỹ thuật số.
Chính khó khăn này đã buộc Goto mới đây từ bỏ quyền kiểm soát mảng thương mại điện tử Tokopedia cho Tiktok vào tháng 12/2023. Trong khi đó mảng ứng dụng gọi xe có lẽ sẽ sáp nhập với Grab để sinh tồn.
Thách thức
Tất nhiên, thương vụ khổng lồ ước tính lên đến gần 20 tỷ USD này tại Đông Nam Á được cho là sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý.
Trong khi Grab là ứng dụng gọi xe số 1 Singapore thì Goto cũng đứng đầu Indonesia, qua đó đưa họ lên vị thế thống trị độc quyền thị trường nếu sáp nhập và chắc chắn sẽ khiến các cơ quan chức năng phải theo dõi.
Năm 2018, Uber đã rời thị trường Đông Nam Á để đổi lấy cổ phần trong Grab, trong khi các đối thủ nhỏ hơn thì chưa đe dọa được vị thế của 2 ông lớn trên tại các thị trường chính.
Bên cạnh thách thức về các cơ quan chức năng thì việc phân chia cơ cấu, lợi nhuận cũng là vấn đề. Cổ phiếu của cả Grab và Goto đều đã giảm khoảng 70% kể từ khi ra mắt cách đây vài năm và việc định giá trước đây không còn chính xác.
Ngoài ra, việc lựa chọn ai lãnh đạo cũng là thách thức khi giám đốc điều hành Anthony Tran của Grab nắm giữ đến 60% quyền biểu quyết được cho là có tham vọng lãnh đạo thực thể sáp nhập mới.
Trong khi đó, CEO Wajulo của Goto mới nhậm chức vào tháng 6/2023 đã đưa công ty có lợi nhuận vào quý IV/2023, qua đó chứng minh được năng lực bản thân với cổ đông.
Hãng cổ đông Northstar Group của Goto được cho là bên xúc tác chính để 2 đối thủ ngồi vào bàn đàm phán sau khi 2 cựu lãnh đạo của hãng là CEO Kevin Aluwi và giám đốc William Tanuwijaya phụ trách Tokopedia đều từ chức.
Cả Grab và Goto đều đã nhiều lần đàm phán nhưng không thành công trong quá khứ do cạnh tranh khốc liệt ở mảng gọi xe, giao đồ ăn và tài chính trực tuyến. Cách đây vài năm, 2 bên đã có những bước tiến đáng kể trong đàm phán nhưng lại bế tắc về việc phân chia thị trường Indonesia.
*Nguồn: Tech in Asia, Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Để sống đến năm 200 tuổi, tỷ phú Bryan Johnson lại thử nghiệm phương pháp trường sinh mới
Johnson gọi mục tiêu sống đến năm 200 tuổi của mình là “cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử của Homo sapiens”.
Tại sao Nhật Bản cần lưu trữ 50.000 tấn nước siêu sạch ở độ sâu 1.000 mét? Nó có thể được sử dụng để làm gì?