Ở các nước đang phát triển, tiểu đường đã không còn là "bệnh của người giàu"

    zknight,  

    Những người nghèo vẫn mắc tiểu đường như một định mệnh.

    Đến thăm một bệnh viện nông thôn ở vùng Chhattisgarh, Ấn Độ, bạn sẽ bắt gặp cảnh tượng những hành lang chật ních bệnh nhân gầy gò ốm yếu. Họ dường như đang ở trong một tình trạng nguy hiểm của bệnh thiếu máu.

    Thế nhưng vẫn chưa phải điều bất ngờ nhất. Bạn chỉ thực sự thấy sốc khi biết rằng, ở một trong những vùng nghèo đói nhất của Ấn Độ, những bệnh nhân này lại đang phải điều trị bệnh tiểu đường.

     Ở một vùng nghèo đói nhất Ấn Độ, người ta vẫn bắt gặp rất nhiều bệnh nhân tiểu đường

    Ở một vùng nghèo đói nhất Ấn Độ, người ta vẫn bắt gặp rất nhiều bệnh nhân tiểu đường

    Đa số mọi người ngày nay vẫn nghĩ tiểu đường type 2 là một căn bệnh “nhà giàu” - kết quả của việc ăn quá nhiều đường và lối sống ít vận động. Tuy nhiên, câu chuyện ở bệnh viện Ấn Độ đã cho chúng ta thấy đó chỉ là một mặt của khối rubic.

    Tiểu đường đâu chỉ xảy ra với những người giàu có. Nó hoàn toàn có thể trở thành gánh nặng, một gánh nặng cực lớn cho cả những người nghèo, những người thậm chí đang sống một cuộc sống không đủ ăn với những bữa cơm luôn thiếu hụt dinh dưỡng.

    Ở một đất nước đang phát triển như Ấn Độ, chỉ số khối cơ thể (BMI) trung bình thấp hơn nhiều so với Hoa Kỳ, nhưng có tới 66 triệu người trưởng thành mắc tiểu đường.

    Nếu cứ nghĩ tiểu đường là một căn bệnh “nhà giàu”, sẽ rất khó hiểu tại sao một đất nước như Ấn Độ lại có nhiều người mắc tiểu đường type 2 nhất thế giới. Ở đó, một người phụ nữ mang thai đứng trên cân chỉ vỏn vẹn 34 kg, và cô ấy đã mang thai tới tháng thứ 7.

     Chỉ số BMI thấp hơn, nhưng tỷ lệ chất béo cơ thể lại cao hơn nhiều

    Chỉ số BMI thấp hơn, nhưng tỷ lệ chất béo cơ thể lại cao hơn nhiều

    Quá trình phát triển kinh tế thần tốc của Ấn Độ có thể là vấn đề. Nó mang lại những sự thay đổi bước ngoặt trong lối sống và chế độ dinh dưỡng. Nhiều chuyên gia đã nhìn vào những cửa hàng chứa đầy đồ ăn vặt ở các thành phố Ấn Độ, đổ tội cho đường cũng như carbohydrate đã làm nên cơn đại dịch ở quốc gia này.

    Nhưng ngay cả vậy, điều gì sẽ giải thích cho những cộng đồng tiểu đường ở vùng nông thôn, phần lớn họ là những người nghèo mà vẫn mắc tiểu đường như một định mệnh.

    Tiến sĩ Yajnik là một trong những người đã chú ý đến bí ẩn này trong nhiều thập kỷ. Ông vừa là một bác sĩ và nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh viện KEM, thành phố Pune Ấn Độ. Dẫn dắt một nhóm các nhà khoa học, Tiến sĩ Yajnik đã thực hiện một nghiên cứu dài hạn trong cộng đồng các gia đình vùng ngoại ô thành phố Pune. Ở đó, đa số người dân nghèo vẫn chỉ dựa vào một kế sinh nhai chính là nông nghiệp.

    Nhóm nghiên cứu đã theo dõi những bà mẹ mang thai và chế độ dinh dưỡng của họ. Những bà mẹ vẫn dành cả ngày để cày ruộng hoặc làm cỏ, và chỉ nghỉ ngơi trước ngày sinh có vài hôm. Liệu cộng thêm chế độ dinh dưỡng nghèo nàn của họ nữa, những đứa trẻ sinh ra sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

     Những người phụ nữ ở ngoại ô Pune sẽ vẫn đi làm cho tới vài ngày trước khi sinh

    Những người phụ nữ ở ngoại ô Pune sẽ vẫn đi làm cho tới vài ngày trước khi sinh

    Kết quả sau 17 năm nghiên cứu không nằm ngoài dự đoán, Tiến sĩ Yajnik phát hiện rằng thiếu hụt vitamin B12 đã dẫn đến việc những đứa trẻ ở vùng này sinh ra và lớn lên với nhiều mỡ nội tạng hơn. Mặc cho có một cân nặng khiêm tốn từ bé đến khi trưởng thành, chúng chỉ có ngoại hình như người bình thường hoặc thậm chí gầy yếu.

    Mấu chốt vấn đề của tiểu đường vượt ra ngoài chỉ số BMI và mức độ giàu nghèo, nhưng điểm cuối cùng của nó vẫn dẫn về nguyên nhân sinh lý, sự đề kháng với insulin. Khi cơ thể bất kỳ ai không có khả năng sử dụng insulin để đưa đường từ máu vào tế bào, họ mắc tiểu đường, người nghèo cũng vậy.

    Hơn nữa, “những chất hóa học như vitamin B12 có thể ảnh hưởng tới cấu trúc di truyền”, Tiến sĩ Yajnik giải thích. Nghĩa là chế độ dinh dưỡng đang khiến cho tiểu đường có thể di truyền từ mẹ sang con. Phát hiện phù hợp với lý thuyết di truyền ngoại gen, một sự thay đổi lớn trong hiểu biết của chúng ta về di truyền học.

    Một trong những thí nghiệm xác nhận giả thuyết này được thực hiện tại Đại học Duke. Những con chuột mẹ giống hệt nhau được cho tiếp xúc với những chất hóa học độc hại như BPA, thường tìm thấy trong nhựa và túi nilon. Sau đó, chúng được chia thành 2 nhóm và cho ăn 2 chế độ ăn khác nhau.

    Kết quả là nhóm chuột mẹ được cho ăn đầy đủ dinh dưỡng với vitamin B12 và folate sẽ đẻ ra những đứa con khỏe mạnh hơn và có lông màu nâu. Ngược lại, chuột mẹ ăn thiếu chất thì đẻ ra chuột con dễ nhiễm bệnh và có lông màu vàng.

     Tiến sĩ Yajnik cảnh báo tiểu đường có thể được lây từ mẹ sang con

    Tiến sĩ Yajnik cảnh báo tiểu đường có thể được lây từ mẹ sang con

    Vậy thì bây giờ, đặc biệt là ở những nước đang phát triển, các bác sĩ không nên tiếp tục chỉ tập trung vào trọng lượng cơ thể hay các chỉ số như BMI để xác định nguy cơ mắc tiểu đường. Các nhà nghiên cứu cũng phải tiếp tục tìm hiểu xem chế độ dinh dưỡng và môi trường sống có thể ảnh hưởng thế nào đến những đứa trẻ, khi chúng sẽ trở thành thế hệ tiếp theo của đất nước.

    Những kiến thức cập nhật nhất mà chúng ta có được đã chỉ ra tiểu đường type 2 không còn là một đại dịch có thể được ngăn chặn bằng việc tập thể dục, giảm cân và sống lối sống lành mạnh. Tiến sĩ Yajnik cảnh báo: “Nó đã từng là bệnh không lây nhiễm, nhưng bây giờ, chúng ta đang nói rằng tiểu đường có thể được truyền từ mẹ sang con”.

    Tham khảo Motherboard

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ