Ong bắp cày phương Đông không bao giờ say rượu cho dù rượu mạnh đến đâu hay uống bao nhiêu!

    Đức Khương,  

    Một nghiên cứu độc đáo từ Đại học Tel Aviv (TAU), Israel, đã mang đến phát hiện ấn tượng về khả năng của ong bắp cày phương Đông (Vespa orientalis). Chúng không chỉ có khả năng chuyển hóa ánh sáng Mặt Trời thành điện nhờ lớp da đặc biệt, loài côn trùng này còn sở hữu một năng lực hiếm có: hoàn toàn miễn nhiễm với tác động của rượu, bất kể nồng độ cao đến đâu.

    "Kẻ bất bại" trước rượu

    Trong một thí nghiệm kéo dài gần 10% vòng đời của ong bắp cày phương Đông, các nhà nghiên cứu đã cho chúng uống dung dịch chứa đến 80% ethanol. Kết quả cho thấy rằng không có bất kỳ một sự thay đổi nào được ghi nhận ở hành vi hay sinh lý của chúng. "Ngay cả những loài động vật hoang dã vốn quen với việc tiêu thụ rượu cũng khó có thể chịu được nồng độ vượt quá 4%. Nhưng với ong bắp cày phương Đông, mức 80% đối với chúng lại không có hề hấn gì", nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

    Thậm chí khi được cung cấp hai dung dịch - một chứa đường và một chứa ethanol, những con ong vẫn chọn dung dịch chứa ethanol và uống liên tục trong 24 giờ. Đối với con người, hành động này đủ để gây ra tình trạng ngộ độc rượu nặng hoặc tử vong. Tuy nhiên, ong bắp cày thì lại không hề bị ảnh hưởng, chúng vẫn có thể tiếp tục sinh hoạt bình thường như chưa hề có cuộc "say sưa".

    Ong bắp cày phương Đông không bao giờ say rượu cho dù rượu mạnh đến đâu hay uống bao nhiêu!- Ảnh 1.

    Giải mã siêu năng lực

    Nhằm tìm hiểu bí mật phía sau khả năng miễn nhiễm kỳ diệu này, các nhà nghiên cứu đã đánh dấu ethanol mà ong bắp cày tiêu thụ bằng đồng vị carbon (13C1). Kết quả phân tích lượng carbon dioxide thải ra từ ong tiết lộ tốc độ chuyển hóa rượu đáng kinh ngạc.

    Theo Sofia Bouchebti, nhà nghiên cứu chính của dự án, tốc độ này đến từ sự hiện diện của nhiều bản sao của gen dehydrogenase rượu (NADP+), một loại enzyme có nhiệm vụ phân hủy rượu thành các hợp chất ít độc hại hơn. Hầu hết động vật chỉ sản xuất NADP+ khi cần thiết thông qua các quá trình tế bào. Tuy nhiên, ong bắp cày phương Đông sở hữu nhiều bản sao của gen này, cho phép chúng xử lý rượu một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn bất kỳ loài nào khác.

    Nhóm nghiên cứu nhận định rằng, sự hiện diện của nấm men trong hệ tiêu hóa là yếu tố then chốt thúc đẩy năng lực đặc biệt này. Ong bắp cày phương Đông thường ăn trái cây, loại thực phẩm dễ bị lên men và sinh ra rượu. Do tiếp xúc thường xuyên với rượu, cơ thể chúng đã tiến hóa để phát triển các đột biến gen NADP+, tạo nên cơ chế dung nạp ethanol vượt trội.

    "Những con ong này lưu trữ nấm men tự nhiên trong hệ tiêu hóa, mang lại môi trường hoàn hảo để nấm men phát triển và sản sinh những biến thể mới", Bouchebti giải thích.

    Ong bắp cày phương Đông không bao giờ say rượu cho dù rượu mạnh đến đâu hay uống bao nhiêu!- Ảnh 2.

    Phát hiện này không chỉ làm sáng tỏ sự tiến hóa độc đáo của ong bắp cày phương Đông mà còn mở ra tiềm năng ứng dụng trong nghiên cứu y học, đặc biệt là về chứng nghiện rượu và khả năng chuyển hóa rượu ở con người.

    Eran Levin, giáo sư tại Đại học Tel Aviv, chia sẻ: "Với 5,3% số ca tử vong toàn cầu liên quan đến rượu, chúng tôi tin rằng ong bắp cày phương Đông có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các mô hình mới để nghiên cứu nghiện rượu và rối loạn chuyển hóa rượu".

    Các tác giả nghiên cứu hy vọng rằng khám phá này sẽ góp phần cải thiện các phương pháp điều trị và phát triển thuốc nhằm giảm tác hại do rượu gây ra.

    Ong bắp cày phương Đông không bao giờ say rượu cho dù rượu mạnh đến đâu hay uống bao nhiêu!- Ảnh 3.

    Nghiên cứu về ong bắp cày phương Đông là minh chứng sống động về cách các sinh vật nhỏ bé có thể giúp giải quyết những vấn đề lớn của con người. Khi chúng ta hiểu rõ hơn về các cơ chế sinh học độc đáo, hy vọng sẽ có thêm những giải pháp đột phá để cải thiện sức khỏe cộng đồng.

    Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí PNAS.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ