Ông lớn sản xuất chip loay hoay khi Mỹ tung đòn trừng phạt Trung Quốc
Những nỗ lực áp lệnh trừng phạt của Mỹ vào lĩnh vực công nghệ và chất bán dẫn của Trung Quốc đang chậm lại do sự phản đối của nhiều ông lớn ngành chip.
- Thế giới vừa bùng nổ công nghệ mới, Trung Quốc lập tức cho ra lò "siêu phẩm": Từ số 0 vượt ngay lên top đầu bảng xếp hạng
- Máy bay “Made in China”: Pha tận dụng cơ hội ngoạn mục của Trung Quốc, khiến Mỹ mất những món hời đáng kể
- Công cụ sản xuất chip nội địa hiện đại nhất sắp ra mắt, Trung Quốc tiến thêm một bước tự chủ ngành chip
- Startup xe điện Trung Quốc đối mặt ‘án tử’: Xe phủ kín bụi vì hãng sắp phá sản, khách hàng đòi 'tẩy chay' vì mất dịch vụ hậu mãi
Một năm sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu hạn chế xuất khẩu sản phẩm chất bán dẫn cho Trung Quốc, Washington đang tiếp tục chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo. Tuy nhiên, quá trình này đã bị chậm lại đáng kể do sự phản đối của các công ty sản xuất chip. Các ông lớn trong ngành sản xuất chất bán dẫn của Mỹ cảnh báo, nhấn mạnh việc cắt giảm xuất khấu sang Trung Quốc sẽ gây tổn hại tới hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp này và cản trở kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy sản xuất chip mới của Mỹ.
Ông lớn ngành chip lên tiếng
Từ tháng 7, Nvidia, Intel và Qualcomm - 3 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, nhấn mạnh những hậu quả có thể xảy ra khi Mỹ tiếp tục trừng phạt ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc. Theo New York Times , 3 ông lớn ngành chip đã đã có cuộc gặp trực tiếp với một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Joe Biden như Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Thương mại Gina M. Raimondo. Tại đây, họ đã thẳng thắn phản đối hành động của chính phủ và cơ quan tư vấn, đồng thời kêu gọi giới chức Mỹ cân nhắc lại việc áp đặt biện pháp trừng phạt bổ sung.
Các công ty cảnh báo việc Mỹ giới hạn xuất khẩu chất bán dẫn sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc phát triển ngành công nghiệp chip một cách độc lập và mở đường cho Bắc Kinh “thống trị” thế giới trong lĩnh vực này.
Ông Tim Teter, cố vấn Nvidia, nhận xét: “Điều mà các bạn đang mạo hiểm là nguy cơ các lệnh trừng phạt này sẽ thúc đẩy một hệ sinh thái mới từ các đối thủ. Điều đó sẽ tác động không tốt đến vị trí dẫn đầu của Mỹ trong một số lĩnh vực như chất bán dẫn, công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI)”.
New York Times dẫn nguồn tin quen thuộc với vấn đề, cho biết sự phản đối của các ông lớn công nghệ đã góp phần trì hoãn kế hoạch trừng phạt bổ sung của Chính phủ Mỹ nhằm vào Trung Quốc và thu hẹp danh sách những sự lựa chọn của Mỹ trong vấn đề này. Tuy nhiên, Bộ Thương mại và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ khẳng định sẽ bảo vệ các công nghệ nhạy cảm của nước này.
Bà Sarah Weinstein, phát ngôn viên của Bộ Thương mại Mỹ, cho biết: “Thời gian và phạm vi của các quyết định kiểm soát xuất khẩu sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng để hạn chế tối đa tác động tiêu cực”.
Làn sóng phản đối của các công ty chip lớn đã khiến một số chuyên gia an ninh quốc gia, các nhà lập pháp và các đối thủ bán dẫn phật lòng. Nhiều người ủng hộ trừng phạt Bắc Kinh cảm thấy khó chịu với sự phản đối trên ngay sau khi chính phủ cam kết chi 50 tỷ USD thúc đẩy ngành sản xuất chất bán dẫn thông qua Đạo luật Khoa học và CHIPS - đạo luật thông qua năm 2022, cung cấp tiền để thúc đẩy sản xuất chip của Mỹ và chống lại Trung Quốc.
Theo nguồn tin của New York Times , Hạ nghị sĩ Mike Gallagher - Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, tổ chức một phiên điều trần với các công ty chip để tranh luận về vấn đề tuân thủ biện pháp kiểm soát xuất khẩu.
Rủi ro từ biện pháp hạn chế
Cảnh báo từ các công ty đã phơi bày những lo ngại về an ninh quốc gia và lợi ích thương mại, đồng thời nêu bật một tình thế khó tránh của chính quyền ông Biden. Đó là sự phụ thuộc về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn đã kéo dài trong nhiều thập kỷ. Điều này có nghĩa là bất kỳ hành động nào của Washington áp đặt lên Bắc Kinh cũng sẽ gây tổn hại ngược lại cho họ.
Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 thị trường bán dẫn toàn cầu và mang lại tổng doanh thu hàng năm hơn 50 tỷ USD cho Nvidia, Intel và Qualcomm. Nếu mất đi nguồn doanh thu này, 3 ông lớn ngành chip của Mỹ có thể phải cắt giảm đầu tư cho phát triển công nghệ, việc làm và chi tiêu cho các nhà máy bán dẫn ở Arizona, Ohio và New York.
Năm ngoái, các công ty đều chấp nhận tuân theo các hạn chế mà Washington đưa ra vào ngày 7/10/2022, ít lâu sau khi Tổng thống Joe Biden thông qua Đạo luật Khoa học và CHIPS. Khi ấy, các công ty đã điều chỉnh hoạt động sản xuất của mình. Trong đó, Nvidia phát triển loại chip trí tuệ nhân tạo H300 dành riêng cho Trung Quốc với hiệu suất thấp hơn.
Tuy nhiên, theo thời gian, các lệnh hạn chế bắt đầu gây tác động trở lại với việc Trung Quốc phản đòn. Cụ thể, Bắc Kinh ra lệnh cấm đối với các sản phẩm xuất khẩu từ Micron Technology, một hãng chip của Mỹ. Các chuyên gia Mỹ cân nhắc lại những vấn đề trong quy định hạn chế và đặt câu hỏi liệu chip của Nvidia có phù hợp với tinh thần của lệnh trừng phạt.
Vào tháng 7, xuất hiện những đồn đoán trong ngành sản xuất chip rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden có khả năng tăng cường các hạn chế, bao gồm việc cấm bán các chip AI của Nvidia và một số thay đổi khác.
Họ lo lắng rằng chính quyền Mỹ cũng có thể nhắm mục tiêu hoạt động bán hàng của Nvidia và Intel cho các công ty con của Inspur Group, một tập đoàn Trung Quốc có liên kết về quân sự, hoặc việc Qualcomm bán chip di động 4G cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei.
Trong tháng 7, giám đốc điều hành 3 ông lớn ngành chip bao gồm Patrick Gelsinger của Intel, Jensen Huang của Nvidia và Cristiano Amon của Qualcomm đã tới Washington gặp mặt các quan chức Nhà Trắng.
Tại các cuộc gặp, 3 nhà điều hành đã chỉ ra những hậu quả mà họ phải gánh chịu nếu bị cấm làm ăn với Trung Quốc, đồng thời cảnh báo nguy cơ Mỹ phải cắt giảm chi tiêu cho ngành sản xuất chip.
Các công ty cũng kêu gọi Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn đưa ra tuyên bố phản đối các hạn chế của chính phủ là “quá rộng, mơ hồ và đơn phương”. Họ lưu ý việc mở rộng phạm vi giới hạn sẽ gây tổn hại cho năng lực cạnh tranh của Mỹ trong lĩnh vực chất bán dẫn.
Các công ty cũng thảo luận với các tổ chức tư vấn về vấn đề trừng phạt Trung Quốc trong lĩnh vực chất bán dẫn. Hồi mùa hè, CEO của Nvidia gặp lãnh đạo các tổ chức, trong đó có Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
Bên cạnh đó, các giám đốc điều hành đã trao đổi trực tiếp với ông Eric Schmidt, cựu giám đốc điều hành và chủ tịch của Google. Kể từ khi thôi giữ chức chủ tịch Google vào năm 2018, ông Schmidt ngày càng mở rộng quyền lực ở Washington. Ông phục vụ trong hai ban cố vấn của Bộ Quốc phòng Mỹ và lập tổ chức nghiên cứu với tên gọi Dự án Nghiên cứu cạnh tranh đặc biệt. Ông cũng là người ủng hộ việc hạn chế Trung Quốc tiếp cận các chất bán dẫn do Mỹ thiết kế.
Theo đó, vào giữa tháng 7, ông Gelsinger, ông Amon và ông Huang đã trình bày với ông Schmidt về những lo ngại trong việc hạn chế bán chip cho Trung Quốc. Tuy nhiên, đại diện của ông Schmidt từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này.
Vào tháng 9, tổ chức tư vấn của ông Schmidt mời ông Gelsinger và ông Huang đến trò chuyện bên lề một hội nghị thường niên ở Washington về an ninh quốc gia và công nghệ. Cả hai nhà điều hành đều không nêu ra câu hỏi về các hạn chế bán dẫn và Trung Quốc. Tuy nhiên, động thái này của các ông lớn công nghệ cũng phần nào tác động đến bước đi tiếp theo của chính quyền Mỹ trong việc hoạch định chính sách về công nghệ, trong đó có xuất khẩu chip sang Trung Quốc.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"