Ông vua máy tính gốc Hoa khiến IBM khiếp sợ, suýt vùi dập Bill Gates từ trứng nước: Từng là "cơn ác mộng" của giới công nghệ Mỹ, cuối đời lại mất sạch vì bảo thủ
Nói đến máy tính, ai cũng ca ngợi sự vĩ đại của Bill Gates. Thế nhưng, chính vị tỷ phú giàu thứ tư thế giới cũng từng thừa nhận rằng ông sẽ không thể làm nên chuyện nếu Vương An biết nắm bắt cơ hội.
Sau Thế chiến II, thế giới bước vào Cách mạng kỹ thuật số. Việc nghiên cứu, phát triển máy tính trở thành ngành khoa học kỹ thuật tiên phong. Ai nắm giữ kỹ thuật máy tính, người đó nắm giữ chìa khóa tương lai.
Bill Gates và Steve Jobs từng là những người dẫn đầu trào lưu, song họ vẫn bị vượt mặt bởi một người đàn ông Trung Quốc tên là Vương An. Bill Gates từng nói: "Nếu ông ấy có thể hoàn thành bước ngoặt chiến lược, thế giới có thể đã không có Microsoft!".
Vào thời điểm đó, Công ty máy tính Vương An ra đời còn sớm hơn, lớn hơn cả Microsoft và Apple. Được thành lập tại Mỹ, doanh nghiệp này có tiềm năng chinh phục cả thế giới.
Vương An có hàng chục bằng sáng chế phát minh công nghệ cao, từng là người giàu thứ 5 nước Mỹ. Ông thậm chí từng xuất hiện tại Bảo tàng National Inventors Hall of Fame, sánh vai cùng nhiều cái tên đình đám khác như Tesla, anh em nhà Wright... Sự tồn tại của Vương An khiến các nhà khoa học máy tính Mỹ trong thập niên 60-80 cảm thấy hổ thẹn.
Thần đồng máy tính tài không đợi tuổi
Thế hệ ngày nay ít người nghe đến Vương An, nhưng vào trong giai đoạn thập niên 60-80, đây là một thương hiệu máy tính nổi tiếng thế giới.
Sinh năm 1920, Vương An lớn lên trong một gia đình trung lưu ở thành phố Côn Sơn, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Từ nhỏ, ông đã chịu ảnh hưởng nhiều từ truyền thống hiếu học của gia đình, sở hữu thành tích rất xuất sắc.
Vương An sớm đã bộc lộ bản chất của một thần đồng, hoàn thành chương trình cấp 3 khi vẫn còn đang học cấp 2. Năm 16 tuổi, ông được nhận vào ĐH Giao thông Thượng Hải. Thế nhưng, Vương An đi học chưa được bao lâu thì chiến tranh bùng nổ. Chàng trai trẻ mất cả cha mẹ và chị gái trong cảnh loạn lạc.
Năm 1940, Vương An tốt nghiệp đại học khi vừa tròn 20 tuổi. Sở hữu năng lực vượt trội, ông được giữ lại trường và làm trợ lý cho khoa Điện. 1 năm sau đó, Vương An tham gia kháng chiến chống Nhật, ẩn náu trên núi và mày mò các trang thiết bị liên lạc không dây.
Kháng chiến thắng lợi, Vương An chuyển sang Mỹ sinh sống. Tại đây, ông được nhận vào ĐH Harvard, rồi tốt nghiệp loại ưu với tấm bằng tiến sĩ ngành Vật lý ứng dụng.
Thần đồng Vương An đến ĐH Harvard chẳng khác nào như cá gặp nước. Suốt học kỳ I, ông liên tục đạt điểm A , khiến bạn bè cùng lớp phải kinh ngạc. Chàng trai trẻ chỉ mất 3 năm để hoàn thành cả chương trình thạc sĩ và tiến sĩ.
Thế nhưng, ngay cả một người xuất sắc như Vương An cũng bị phân biệt đối xử, thậm chí là kỳ thị.
Nhưng ngay cả với một Vương An xuất sắc như vậy, ông vẫn gặp phải sự đối xử khác biệt, thậm chí là bị kỳ thị.
Nuôi chí lập nghiệp vì bị IBM làm bẽ mặt
Khi bắt đầu sự nghiệp, Vương An tự tin đến tập đoàn IBM phỏng vấn, nhưng không ngờ lại gặp phải người tuyển dụng khó chịu.
Thời ấy, dân Mỹ vẫn còn rất nhiều thành kiến với người châu Á. Khi thấy một người tóc đen da vàng như Vương An, nhà tuyển dụng ngay lập tức đã nói: "IBM là công ty tốt nhất ở Hoa Kỳ. Đây không phải là công ty dành cho anh. Anh nên cố gắng tìm việc ở một cửa hàng sửa chữa ô tô".
Câu nói này khiến chàng trai 24 tuổi cảm thấy nhục nhã chưa từng thấy. Sau khi hạ hỏa, Vương An không nản chí. Thay vào đó, ông quyết tâm gây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực máy tính, trở thành cái tên khổng lồ để trả đũa IBM.
Một khi đã là vàng thì ở đâu cũng sẽ phát sáng. Sau khi bị IBM làm bẽ mặt, Vương An đã gặp được điểm tựa lớn nhất trong cuộc đời - Howard Hathaway Aiken.
Aiken là một nhân vật có uy tín trong lĩnh vực máy tính. Ông phát minh ra chiếc máy tính cỡ lớn đầu tiên trên thế giới Mark I, được mệnh danh là "cha đẻ của máy tính". Thầy giỏi thì có trò hay, chẳng lạ gì khi Vương An cũng nối gót trở thành cái tên nổi bật trong giới.
Lúc đó, Aiken đang gặp rắc rối về vấn đề cất trữ máy tính. Tình cờ thay, Vương An lại có chút thành tích trong lĩnh vực này. Vốn đã ngưỡng mộ tài năng của Vương An, lại biết chàng trai này chưa có nơi làm việc, Aiken đã tuyển dụng Vương An vào phòng nghiên cứu máy tính thuộc ĐH Harvard.
Thời ấy, kích thước là vấn đề nan giải đối với máy tính. Chiếc Mark I trong phòng nghiên cứu quá cồng kềnh và không thể di chuyển được. Aiken muốn tạo ra những cỗ máy di động nhẹ hơn, nhưng thiết bị lưu trữ lại là những chiếc thẻ đục lỗ có trọng lượng hàng chục tấn của IBM.
Sau 3 tuần làm việc tại phòng nghiên cứu, Vương An đã phát minh ra bộ nhớ lõi từ tương ứng trên phương diện lý thuyết. Đây là một sự đổi mới mang tính cách mạng, giải quyết hoàn toàn vấn đề của chiếc Mark I.
Sau nhiều lần thử nghiệm gian nan, Vương An phát hiện rằng nguyên lý rung động từ trường có thể được áp dụng cho các hệ thống lưu trữ máy tính. Ông bắt tay vào chế tạo bộ nhớ lõi từ và xin cấp bằng sáng chế.
Phát minh này đã làm giảm đáng kể kích thước máy tính, đặt nền móng cho sự phát triển của các máy tính siêu nhỏ trong tương lai. Nó cũng giúp sự nghiệp của Vương An mở rộng hơn bao giờ hết.
Quân tử trả thù 10 năm chưa muộn
Trong 20 năm tiếp theo, bộ nhớ lõi từ do Vương An sáng tạo trở thành nền tảng của công nghệ máy tính. Quan trọng hơn cả, phát minh này đã biến thẻ đục lỗ của IBM thành thứ vô dụng.
"Hôm nay ngươi đối với ta hờ hững, ngày mai ta khiến ngươi với còn không tới." Đây chính là đòn phản công tốt nhất của Vương An đối với IBM - kẻ từng sỉ nhục ông.
Tuy nhiên, Vương An còn tham vọng hơn thế. Muốn đánh bại hoàn toàn IBM trên thị trường phần cứng, đồng thời tìm chỗ đứng cho người gốc Hoa tại Mỹ, ông kiên quyết rời khỏi phòng nghiên cứu thân quen, tự mình lập nghiệp.
Biển rộng trời cao, cá, chim thỏa sức tung hoành. Năm 1951, Vương An đã bỏ 600 USD thuê một garage trên Đại lộ Columbus để thành lập công ty riêng, lấy tên là Phòng thí nghiệm Vương An. Từ đó, ông khởi nghiệp bằng chứng sản phẩm bộ nhớ lõi từ mà mình phát minh.
Trong vòng 10 năm, Phòng thí nghiệm Vương An lần lượt giới thiệu một loạt sáng chế tiên tiến: thiết bị ghi điểm điện tử đầu tiên, máy tính đầu tiên có thể viết phương trình, máy ghi lỗ giấy, máy đánh chữ tự động, máy đánh chữ không dây, máy nhận dạng băng... Tất cả đều được sản xuất bởi Công ty máy tính Vương An.
Việc phát minh ra "hệ thống xử lý tập tin" càng khẳng định vị thế của Vương An trong vương quốc máy tính. Trong đó, chiếc máy tính để bàn Losai ra đời năm 1964 là một trong những sáng chế có sức ảnh hưởng nhất.
Vào đầu thập niên 80, Vương An có chi nhánh tại 105 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Công ty này có 30.000 nhân viên tại trụ sở chính tại Mỹ, đạt doanh thu hàng năm lên tới 3 tỷ USD (tương đương hơn 10 tỷ USD theo giá trị hiện nay).
Vương An trở thành gương mặt thống trị ngành công nghệ thế giới, với các sản phẩm máy tính và phần cứng lưu trữ của riêng mình. Năm 1986, ông sở hữu khối tài sản trị giá 2 tỷ USD, trở thành người giàu thứ 5 nước Mỹ. Bản thận vị tỷ phú này được mệnh danh là "vua máy tính", được Tổng thống Mỹ trao "Huân chương Tự do".
Cả đời tung hoành, cuối cùng mất trắng
Có thể nói, sự tồn tại của Vương An khi đó là "cơn ác mộng" của ngành máy tính nước Mỹ. Bằng tài năng và một garage "bí ẩn" trên Đại lộ Columbus, ông đã khiến người đứng đầu tập đoàn IBM phải hoảng sợ, suýt "giết chết" Bill Gates ngay từ trong trứng nước.
Năm 1975, Bill Gates thành lập Microsoft; năm 1976, Steve Jobs khai sinh ra Apple. Cả hai đều kinh doanh máy tính cá nhân, nhưng sản phẩm ban đầu còn thô sơ, lại không có số lượng lớn phần mềm hỗ trợ.
Trong khi Microsoft chỉ là "đứa trẻ chập chững biết đi", Apple mới tạo ra được 400 chiếc máy tính, Vương An đã bỏ xa bọn họ. Ngay cả Bill Gates và Steve Jobs cũng coi vị tỷ phú gốc Hoa này là người dẫn đầu trong ngành.
Năm 1988, Vương An được đưa vào Bảo tàng National Inventors Hall of Fame. Trong số 68 tên tuổi được vinh danh tới thời điểm đó, chỉ có ông và nhà khoa học kỹ thuật điện Trác Dĩ Hòa là người gốc Hoa.
Thế nhưng, Vương An cũng giống như Don Quijote, tự mình vùi dập gã khổng lồ máy tính IBM, để rồi lại bại trận vì một quyết định sai lầm của bản thân.
Kể từ thập niên 80, sức khỏe của Vương An ngày một xấu đi. Ông vẫn duy trì quan niệm bảo thủ về gia đình, cơ chế quản lý nội bộ thì lạc hậu so với thời đại, chưa kể còn bỏ lỡ cơ hội phát triển máy tính cá nhân. Khi chọn người kế nhiệm, vị tỷ phú này đã mắc một sai lầm chết người: không tin vào những nhà quản lý chuyên nghiệp, mà giao cơ ngơi cho con trai một cách cảm tính.
Dưới sự điều hành của con trai Vương Liệt, công ty chuyển từ lãi thành lỗ 400 triệu USD chỉ trong 1 năm. Nhân viên thất vọng, giám đốc điều hành lần lượt rời đi, công ty ngày một suy yếu. Giá cổ phiếu cũng giảm mạnh từ 43 USD xuống còn 75 xu.
Tháng 9/1989, dù đang ốm liệt giường, đích thân Vương An đã phải tuyên bố phế bỏ con trai. Khi vị tỷ phú này trút hơi thở cuối cùng vào năm 1990, công ty của ông cũng đệ đơn xin phá sản.
Hơn 20 năm tung hoành khắp nước Mỹ, đế chế máy tính Vương An cuối cùng lại sụp đổ hoàn toàn chỉ trong vòng 5 năm. Đau lòng hơn, tất cả các bằng sáng chế của vị tỷ phú này đều bị bán với giá rẻ mạt.
***
Dù Vương An gặp phải thất bại lúc cuối đời, không thể phủ nhận thành tựu và ảnh hưởng của vị doanh nhân này trong lịch sử phát triển máy tính thế giới. Tất cả các nhà sản xuất máy tính cá nhân sau này đều đứng trên nền tảng mà ông xây dựng.
Vương An giống như sao băng bay qua bầu trời đêm khoa học kỹ thuật, hoa mỹ lộng lẫy nhưng sớm nở chóng tàn.
(Theo Zhihu)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4