Với một danh sách thành viên dài tới 20 cái tên, trong suốt các năm qua, ThinkPad trở thành một cái tên có thể xem là huyền thoại trong giới công nghiệp, đặc biệt khi tập trung đánh vào đối tượng doanh nhân. Lần này, với thành viên mới nhất - ThinkPad X1 Carbon (Carbon) - dưới con mắt của một tester từ Engadget, chúng ta sẽ xem thử liệu mẫu ultrabook do Lenovo sản xuất này có giữ vững được cái tên mà IBM đã giao lại cho họ không.
Cảm nhận bên ngoài
Lenovo từng giới thiệu một số mẫu laptop có vẻ ngoài mỏng sắc như cánh máy bay tàng hình, nhưng Carbon lại mang một thiết kế gần như mới hoàn toàn mà chúng tôi (Engadget) chưa từng gặp ở ThinkPad. Nó có một số khe và viền đơn điệu dọc trên thân, nhưng hết thảy đều chỉ có một tông màu đen duy nhất và gần như chìm hẳn trong đám đông - bạn gần như không nhận ra nó nếu quanh đấy là một "làng" các model khác.
Về độ dày, Carbon có nơi "cộm" nhất 18 mm, mỏng nhất 8 mm. Về khối lượng, Carbon chỉ đạt 1,36 kg, khiến nó là mẫu ThinkPad mỏng và nhẹ nhất từng được sản xuất. Không hài lòng với điều này, Lenovo tự tin nói rằng đây là "mẫu ultrabook dành cho doanh nhân mỏng và nhẹ nhất trên thị trường". Và có vẻ như phát biểu này của Lenovo không quá lời.
Dù mỏng và nhẹ như vậy, song Carbon lại rất bền chắc. Dĩ nhiên nếu bạn bóp chặt quá thì vẫn có vài chỗ bị lõm (khi bị ấn), nhưng lớp vỏ bằng sợi carbon này không hề khiến bạn thấy nó yếu đuối chút nào. Khay bàn phím thực sự chắc chắn, không cong ngay cả với những ai có thói quen gõ nhiều với các đón tay ấn mạnh. Tương tự model X1 ra mắt năm ngoái, Carbon vẫn đạt được các tiêu chuẩn quân đội (MIL-SPEC). Tức chiếc laptop này có thể chịu đựng một số điều kiện khắc nghiệt liên quan tới ẩm độ, nhiệt độ, độ rung, sự va chạm và cả bụi bẩn. Carbon được bảo hành 3 năm (tại Mỹ) nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn bao giờ phải dùng tới món này.
Thiết kế đen "cục" là một truyền thống của ThinkPad, các góc được bo cho đỡ nhọn mà một tông màu duy nhất không lộn đi đâu được. Trên Carbon, các góc tròn này được làm mềm bớt đi. Chi tiết này giúp cho việc cầm chiếc laptop trên tay của bạn có cảm giác thoải mái hơn so với các mẫu ultrabook bằng kim loại khác, đặc biệt như MacBook Air, vì nó sẽ giảm bớt chấn thương nếu vô tình bạn va chạm với các góc này.
Carbon có một màn hình 14-inch với độ phân giải khá cao 1600 x 900 (tôi thích điều này) nhưng vỏ ngoài chỉ vừa cỡ các laptop 13-inch cũ. Điều này có được do Lenovo dùng loại màn hình Gorilla Glass có viền cực mỏng. Dù vậy, hãng này vẫn xoay sở để có thể "nhét" thêm một camera 720p. Có điều chất lượng vẫn chưa thực sự tốt dù trong điều kiện dư sáng nhưng ảnh vẫn có hạt.
Các cổng giao tiếp
Trừ khe gắn SIM 3G (HSPA ) nằm ở phía sau một vài model, các cổng còn lại trên Carbon được chia ra hai bên trái phải của máy. Về bên phải, tính từ phía sau, chúng ta có một lỗ khoá Kensington, một cổng USB 3.0, một cổng mini DisplayPort, một cổng tai nghe 3,5 mm và một khe đọc thẻ SD. Về bên trái, đầu tiên là một cổng cắm sạc mới hình chữ nhật, các khe thoát nhiệt (thường im lặng), một cổng USB 2.0 và công tắc bật tắt Wi-Fi độc quyền trên ThinkPad. Công tắc này đặc biệt hữu dụng nếu bạn đang vội mà cục pin chỉ còn vài phần trăm trước khi cạn hẳn.
Điểm đáng lưu ý là chiếc cổng sạc nằm bên trái có kiểu dáng khá giống cổng USB thông dụng. Do hình dáng chữ nhật, nó không tiện bằng chiếc cổng tròn truyền thống, vốn dễ xoay hơn nếu dây cắm không thẳng. Đây có thể xem là điểm trừ trong thiết kế của Lenovo vì nó gây bất tiện hơn cho người dùng.
Cái khoá màn hình nhỏ dễ bấm nhưng rất chắc chắn là điểm thường gặp trên ThinkPad, tương tự ở Carbon. Bạn không gặp nhiều khó khăn khi mở màn hình chiếc máy này so với vài model ultrabook khác. Carbon còn trang bị thêm một máy quét vân tay nhằm tăng cường tính bảo mật khi đăng nhập vào máy.
Bàn phím & trackpad
Kiểu bàn phím rộng và khoảng cách phím lớn (huyền thoại một thời) nay không còn trên ThinkPad. Lenovo đã thay bằng kiểu bàn phím "tiểu đảo" từ model X320. Tuy vậy, bàn phím này vẫn đem lại chất lượng dùng rất tốt cho những người khó tính.
Dĩ nhiên thay đổi nào cũng cần một chút thời gian để làm quen. Kiểu phím mới này sẽ giúp bạn cảm thấy khá tự nhiên và chân thực khi gõ. Bạn vẫn cảm giác được khi nào thì phím thực sự được ấn, điều mà bàn phím nhiều chiếc laptop không có được (thi thoảng tôi phải kiểm tra lại xem mình có gõ đúng chưa). Bàn phím Carbon vẫn giữ được cái tên tuổi ThinkPad mà IBM làm được.
Bàn phím Carbon có chế độ đèn nền "thủ công" bằng cách ấn giữ phím Fn rồi bấm tiếp phím Space. Điều này tiện cho những ai không thích chế độ đèn nền tự động vốn không phải lúc nào cũng cần thiết. Ở góc trên cùng là các nút điều chỉnh âm lượng, bật tắt micro và loa. Như để giữ một tông màu duy nhất, Lenovo đã thay chiếc nút ThinkVantage xanh truyền thống thành màu đen hoà lẫn với màu máy.
Nhắc đến ThinkPad không thể không nhắc đến nút TrackPoint màu đỏ nằm giữa máy. Nhiều người thậm chí ưa dùng nút điều khiển con chuột này hơn cả trackpad vốn có trên laptop. Và không có gì để phàn nàn ở đây vì nó vẫn dùng tốt như mọi model khác. Riêng trackpad là điểm sáng khác cho Carbon, với diện tích lớn hơn 37% mẫu X1 của năm ngoái, bề mặt rám mà không bám này sẽ tạo cảm giác lướt cực kỳ thích cho ai dùng nó.
Hình ảnh & âm thanh
Nếu có gì để chê trên Carbon, thì đây là lúc để chê. Màn hình LCD 14-inch có độ phân giải tới 1600 x 900 này lại có độ tương phản quá cao. Bạn có thể nhận ra khoảng cách giữa từng pixel, thậm chí là nhìn ra đường kẻ vạch giữa chúng. Kể cả khi mắt có mỏi thì bạn vẫn thấy sắc trắng có phần nào hơi xam xám. Chi tiết này đặc biệt dễ thấy khi so sánh với màn hình các laptop khác.
Độ sáng tối đa của Carbon là 300 nit, có phần nào thấp hơn vài model ultrabook khác. Ví như Samsung Series 9 tới 400 nit. Điều này khiến cho Carbon không hiển thị tốt dưới điều kiện nắng. Dù sao cũng vì lựa chọn Gorilla Glass nhằm tăng cường khả năng chịu lực. Nhưng bạn phải đánh đổi bằng việc bị chói khi có ánh đèn phản xạ từ nó.
Góc nhìn của Carbon ở mức trung bình. Góc nhìn ngang có vẻ tốt khi bạn có thể nghiêng đầu qua lại hai bên nhiều trong khi chỉ nhỏm lên hoặc cúi xuống sẽ phát hiện sẽ sự thay đổi về màu sắc.
Loa của Carbon được đặt ở mặt dưới của máy, với khe thoát âm xiên về hai bên. Thiết kế này giúp tạo ra âm vang từ bề mặt mà bạn đặt chiếc laptop. Và hiệu quả sẽ tuỳ thuộc vào loại bề mặt bạn đặt lên. Trên một bề mặt cứng, bạn có thể cảm nhận được hiệu ứng âm thanh vòm, nhất là các kênh trái phải nếu bản nhạc có tách kênh. Còn bề mặt mềm như gối bông chẳng hạn, hiện tượng này gần như biến mất. Song dù là bề mặt gì thì cường độ âm của Carbon vẫn rất lớn. Chất lượng âm dù vậy không tốt lắm, âu cũng là điểm chung các chiếc ultrabook.
Hiệu năng
Có 3 model Ivy Bridge mà Lenovo chọn cho Carbon với mức xung trung bình 1,8 GHz. Tất cả đều dùng nhân đồ hoạ Intel HD Graphics 4000 với 4 GB RAM DDR3. Cấu hình này dù sao, không để cho chơi game khi chỉ đạt ~ 25 fps trên Call of Duty IV ở độ phân giải 1024 x 768, cấu hình mặc định. Chiếc máy phát ra nhiều hơi nóng khi hoạt động công suất cao nhưng hầu như không gây ồn.
Dĩ nhiên những người mua sản phẩm này sẽ thuần văn phòng hơn chuyện chơi game. Và con chip Ivy Bridge làm chuyện này khá tốt. So với model 2011, chiếc X1 2012 đạt điểm số PCMark Vantage cao hơn 50%. Nếu dư dả, bạn có thể chọn model đi với CPU 2,0 GHz để cho hiệu năng cao hơn.
Tốc độ truy xuất dữ liệu là một chi tiết cần quan tâm khác. Với chiếc SSD 128 GB, cỗ máy đạt được tốc độ đọc 510 MB/s và viết 339 MB/s. So với HDD, những con số này cho phép bạn đọc file PPT với thời gian ngắn hơn và tốc độ khởi động máy thấp đáng kể chỉ 21 giây.
Thời lượng pin
Đây có thể xem là điểm yếu khác của Carbon. Khi bật Wi-Fi, chiếc máy chỉ trụ được hơn 5 giờ trong khi vài chiếc ultrabook khác ở lại được lâu hơn 1 - 2 giờ. Theo hứa hẹn của Lenovo thì model này dùng được 6,5 giờ, nhưng có lẽ đấy là khi đã tắt Wi-Fi. Không may là chiếc máy này không có tuỳ chọn pin mở rộng khác. Và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy Lenovo sẽ làm điều đó.
Bù lại, tốc độ "hồi máu" của Carbon rất đáng chú ý. Bạn chỉ mất 30 phút để nạp lại 5 giờ dùng đã qua bằng công nghệ RapidCharge, và gần 1 giờ để nạp đầy cục pin. Với một doanh nhân di động thì đặc điểm này khá hữu ích.
Giá thành
Chiếc Carbon mà Engadget cầm trong tay có giá 1.500 USD. Song bạn có thể trả ít hơn nếu chọn model trang bị CPU 1,7 GHz thay vì 1,8 GHz. Hoặc không bạn có thể trả 1.650 USD để có thêm chiếc SSD 256 GB thay cho 128 GB. Còn CPU mạnh nữa và SSD lớn hơn nữa sẽ tốn tới 1.850 USD. Các phần còn lại trong cấu hình đều không đổi.
Các cấu hình khác có giá khởi điểm từ 1.400 USD kèm theo một modem Ericsson H5321gw HSPA WWAN và GPS. Bạn có thể dùng tới nó trong trường hợp công tác "vùng sâu vùng xa" nơi chỉ có sóng 3G. Dù sao, Lenovo không đưa ra tuỳ chọn loại bỏ modem này nên giá thành của Carbon về cơ bản cao hơn các model từ hãng khác một chút.
Tham khảo Engadget.