Phải chăng Apple đã hủy bỏ dự án kính thông minh AR?
Thông tin này đến từ tờ DigiTimes của Đài Loan.
Dự án phát triển kính thực tại tăng cường (AR) của Apple có thể xem là một bí mật mà...ai cũng biết, khi công ty đã thuê nhiều kỹ sư chuyên về AR, đăng ký hàng loạt bằng sáng chế liên quan, và thử nghiệm phần cứng trong hơn 2 năm qua. Nhưng một bản tin mới đến từ trang web chuỗi cung ứng Đài Loan là DigiTimes lại khẳng định Apple đã "chấm dứt phát triển kính AR" - nếu quả thực là vậy, đây sẽ là một thông tin động trời đối với một công ty nổi tiếng về sáng tạo và cải tiến như Apple.
Cho đến lúc này, bản tin đã được đăng lên mục "tin nóng" (breaking news) của website DigiTimes và phải trả phí mới đọc được, trước khi được xuất bản trên website tiếng Trung Quốc của họ, do đó các chi tiết xác thực hiện vẫn chưa rõ ràng. Nhưng DigiTimes là một nguồn khá nổi tiếng, từng cung cấp nhiều thông tin sớm về quá trình phát triển các sản phẩm trong chuỗi cung ứng của Apple, có thông tin quan trọng lẫn những thông tin vụn vặt. Mức độ chính xác của các bản tin do DigiTimes cung cấp có lúc đúng lúc sai, nhưng hầu như khá chuẩn xác.
Nhiều tin đồn khác đến từ các nguồn đáng tin cậy khẳng định Apple đã phát triển một chiếc kính AR chạy hệ điều hành mới mang tên "rOS", giống watchOS, được dựa trên hệ điều hành smartphone của hãng là iOS. Trong số đó, có thông tin rằng kính AR của Apple sẽ có thể hoạt động độc lập, hoặc phụ thuộc vào một chiếc hộp gắn ngoài có cấu trúc tương tự máy tính. Mới đây nhất, một nguồn tin khẳng định Apple sẽ sử dụng iPhone để đảm nhiệm các tác vụ điện toán cho chiếc kính, tức kính AR sẽ hoạt động như một món phụ kiện đi kèm với iPhone.
Những lựa chọn mà Apple đang nghiên cứu khá trùng hợp với các loại headset AR đến từ các công ty đối thủ, bao gồm HoloLens của Microsoft, Magic Leap One của Magic Leap, và Nreal Light. Nreal Light (hình đầu bài) được trang bị vi xử lý Qualcomm Snapdragon 845 và dựa vào một smartphone chạy chip Snapdragon 855 kết nối với kính qua cổng USB-C để xử lý các tác vụ nặng - khá giống với kế hoạch được đồn đại gần đây nhất của Apple.
Dù AR chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ người tiêu dùng, chủ yếu bởi giá phần cứng quá cao, ứng dụng khá giới hạn, nhưng chiếc headset AR giá 500 USD của Nreal được kỳ vọng là một đột phá trên thị trường vào năm nay. Đáng chú ý, công ty này đã bị kiện hồi tháng trước bởi Magic Leap, trong đó Magic Leap cáo buộc nhà sáng lập Nreal đánh cắp công nghệ và các bản concept, nhờ đó startup này có thể mang đến một sản phẩm có giá tương đối tốt, nhẹ nhàng, mà không phải bỏ ra chi phí R&D kéo dài hàng năm trời.
Giống Nreal, Apple được cho là đang phát triển một bản thiết kế kính AR không khác biệt lắm so với kính truyền thống. Khi Apple công bố thiết kế trưởng Jony Ive sắp rời công ty để thành lập công ty thiết kế riêng, LoveFrom, nhiều bản tin đã cho biết đội ngũ thiết kế nội bộ của Apple hiện đang làm việc trong một dự án kính AR, và dự án này là một trong những sáng kiến mới của hãng.
Bên cạnh phần cứng riêng biệt, Apple còn đẩy mạnh khuyến khích các nhà phát triển tập trung vào phần mềm AR trong suốt 3 kỳ hội thảo WWDC vừa qua, với việc ra mắt ARKit, ARKit 2.0 và ARKit 3.0 nhằm mang đến cho các lập trình viên một bộ công cụ phát triển thực tại tăng cường mạnh mẽ và trực quan. Đầu tuần này, công ty công bố sẽ mở một văn phòng hỗ trợ thiết kế ứng dụng và phát triển tại Trung Quốc, khởi đầu với các buổi đào tạo tập trung vào AR để giúp cộng đồng phần mềm ở quốc gia đông dân nhất thế giới bắt kịp với những công nghệ mới nhất của hãng.
Apple từ trước đến nay không bình luận về các dự án chưa công bố, và chính vì vậy, có lẽ sẽ không bao giờ có một xác nhận hay phủ nhận chính thức đối với bản tin của DigiTimes.
Tham khảo: VentureBeat
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"