Phân biệt mệt mỏi với buồn ngủ: Đâu là triệu chứng báo hiệu sức khỏe bạn có vấn đề?

    zknight,  

    Những năm 20 tuổi là khoảng thời gian con người ta mệt mỏi nhất trong đời.

    Bạn có đang mệt mỏi hay không? Nếu có, hãy cùng tham gia vào câu lạc bộ của chúng tôi, những người hay mệt mỏi. Rõ ràng, mệt mỏi là một cảm giác hết sức phổ biến. Nhưng cũng chính vì quá phổ biến mà triệu chứng này thường bị bỏ qua.

    Bạn nghĩ rằng bạn đang mệt mỏi, và chỉ cần nghỉ ngơi một chút là đủ. Còn các bác sĩ nghĩ rằng bệnh nhân nào chẳng than mệt mỏi, ngay chính bản thân họ còn mệt mỏi cơ mà? Vậy khi nào thì mệt mỏi trở thành một thứ gì đó cần chú ý, một hồi chuông cảnh báo cho sức khỏe của bạn?

    Phân biệt mệt mỏi với buồn ngủ: Đâu là triệu chứng báo hiệu sức khỏe bạn có vấn đề? - Ảnh 1.

    Phân biệt mệt mỏi với buồn ngủ: Đâu là triệu chứng báo hiệu sức khỏe bạn có vấn đề?

    Phân biệt buồn ngủ và mệt mỏi

    Buồn ngủ, nhọc người, mệt mỏi: trong những cuộc trò chuyện hàng ngày, mọi người hay sử dụng các thuật ngữ ngày tương đương nhau. Nhưng về mặt y tế, chúng có những định nghĩa khác nhau. Hiểu được sự khác biệt đó là bước quan trọng đầu tiên giúp giải quyết vấn đề - hoặc để biết bạn có đang mắc phải vấn đề nào đó hay không.

    Trước tiên, buồn ngủ là cảm giác khó có thể tỉnh táo khiến bạn có nhu cầu phải ngủ ngay cả khi đang lái xe, làm việc, xem phim, thậm chí sau khi uống caffeine. Mệt nhọc, nhọc người là cảm giác bất lực về mặt tinh thần hoặc thể chất, khiến bạn không làm được những gì bạn muốn làm hoặc cần làm, chẳng hạn như đi ra cửa hàng tạp hóa.

    Ở một trạng thái giữa buồn ngủ và mệt nhọc, khi bạn chỉ buồn ngủ đôi chút, chỉ cảm thấy bất lực đôi chút nhưng vẫn có thể làm việc được, đó là mệt mỏi.

    Michael Grandner, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Giấc ngủ & Sức khỏe của Đại học Arizona ở Tucson, Hoa Kỳ cho biết: Các hệ thống y tế hiện nay đang bỏ qua sự mệt mỏi, một phần vì nó là một triệu chứng quá phổ biến, phần nữa vì mệt mỏi là triệu chứng không thể đo lường được.

    Trong khi một số cảm giác mệt mỏi thường chỉ kéo dài tạm thời, không cần điều trị và cũng không gây ra lo lắng, tình hình có thể đột ngột xấu đi khi một cơn mệt mỏi ngăn cản không cho bạn làm những gì bạn muốn làm.

    Đó là một triệu chứng báo động của tình trạng rối loạn giấc ngủ hoặc một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

    Dù bạn gọi nó là gì, mệt mỏi thực tế rất phổ biến. Trong một cuộc khảo sát năm 2014 của Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Hoa Kỳ, 45% người trưởng thành cho biết họ đã bị ảnh hưởng bởi giấc ngủ kém hoặc ngủ không đủ giấc trong một tuần trước đó.

    Có đến 20% số người báo cáo rằng họ thường xuyên cảm thấy buồn ngủ quá mức. Và một cuộc khảo sát của Hội đồng An toàn Quốc gia Hoa Kỳ năm 2017 cũng cho thấy 76% người được hỏi cảm thấy mệt mỏi trong công việc.

    Phân biệt mệt mỏi với buồn ngủ: Đâu là triệu chứng báo hiệu sức khỏe bạn có vấn đề? - Ảnh 2.

    Ở một trạng thái giữa buồn ngủ và mệt nhọc, khi bạn chỉ buồn ngủ đôi chút, chỉ cảm thấy bất lực đôi chút nhưng vẫn có thể làm việc được, đó là mệt mỏi.

    Giấc ngủ giống con chim hoàng yến trong mỏ than, nó nhạy cảm với cơ thể bạn

    Trong số các nguyên nhân giải thích cho sự mệt mỏi của bạn, điều đầu tiên phải nghĩ đến là giấc ngủ, cụ thể là ngủ không đủ giấc. 

    "Giấc ngủ dường như là một con chim hoàng yến trong mỏ than, nó nhạy cảm với tất cả những gì xảy ra trong cơ thể bạn", Grandner nói. "Vì vậy, khi giấc ngủ bắt đầu đảo lộn, bạn sẽ muốn hỏi, 'Chà, có chuyện gì đang xảy ra trong cơ thể mình vậy?'".

    Một phần ba dân số Mỹ hiện không ngủ đủ thời gian khuyến cáo, 7 tiếng trở lên mỗi ngày, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).

    Và bởi vì nhu cầu ngủ thực ra rất cá nhân hóa, với nhiều người, ngủ 7 tiếng mỗi ngày thậm chí vẫn chưa đủ. "Nếu bạn chỉ thường xuyên ngủ 5-6 tiếng mỗi ngày và bạn thấy mệt mỏi", Grandner nói, "thì đó chính là vấn đề của bạn".

    Thiếu ngủ không chỉ là một mối phiền toái. Nó còn làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông và có liên quan đến cả các căn bệnh như tiểu đường type 2, bệnh tim mạch và trầm cảm.

    Thiếu ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và các mối quan hệ theo những cách thậm chí caffeine không thể khắc phục được, Nathaniel Watson, giám đốc Phòng khám giấc ngủ Harborview tại Đại học Washington ở Seattle cho biết. "Không có gì có thể thay thế được cho giấc ngủ", ông nói.

    Vì vậy, lời khuyên cho bạn ở đây là hãy tránh xa những cám dỗ như mạng xã hội hay một bộ phim vào buổi tối và nằm xuống ngủ đúng 7 tiếng đồng hồ trước khi bạn tỉnh dậy và tắt chuông báo thức. Watson cho biết thường thì không ai có thể ngủ toàn bộ 100% thời gian khi họ nằm trên giường, vì vậy, bạn có thể phải đặt thời gian dôi ra một chút, 8 tiếng cho giấc ngủ.

    Quá trình sinh lý tự nhiên của giấc ngủ đôi khi cũng có thể cản trở bạn, mặc dù vấn đề thường chỉ là tạm thời. Chẳng hạn, có một hiện tượng gọi là quán tính giấc ngủ, là thứ sẽ giúp bạn ngủ lại nếu đột nhiên thức dậy vào ban đêm, Grandner nói.

    Nhưng quán tính giấc ngủ cũng sẽ khiến bạn khó thức dậy hơn vào buổi sáng, nếu chuông báo thức của bạn reo đúng vào giai đoạn quán tính đẩy bạn vào giấc ngủ sâu. Nếu bạn cố gắng thức dậy vào khoảng thời gian này, bạn sẽ thấy người mình thực sự lảo đảo. May mắn thay, cảm giác này sẽ biến mất trong vòng nửa giờ đồng hồ sau khi vượt qua nó.

    Đôi khi, một vài đêm căng thẳng hoặc gián đoạn giấc ngủ cũng có thể khiến bạn mất ngủ và cảm thấy mệt mỏi. Cũng khá phổ biến, ngay cả khi đã có một đêm ngon giấc, bạn vẫn có thể cảm thấy buồn ngủ vào đầu giờ chiều, một cảm giác gây ra bởi nhịp sinh học bình thường trong cơ thể.

    Phân biệt mệt mỏi với buồn ngủ: Đâu là triệu chứng báo hiệu sức khỏe bạn có vấn đề? - Ảnh 3.

    Không có gì có thể thay thế được cho giấc ngủ.

    Những năm 20 tuổi và trung niên là hai khoảng thời gian con người ta mệt mỏi nhất

    Vấn đề thứ hai đó là tuổi tác. Các nghiên cứu cho thấy, khi mọi người già đi, mô hình giấc ngủ có xu hướng thay đổi theo những cách có thể dự đoán được. Bạn có thể bắt đầu cần nhiều thời gian hơn trên giường để có thể rơi vào giấc ngủ.

    Bạn có thể bị đánh thức giữa đêm thường xuyên hơn, và cũng cần nhiều thời gian hơn mới có thể thức dậy vào sáng hôm sau. Khi có tuổi, chúng ta thường đi ngủ sớm hơn và cũng thức dậy sớm hơn. Đối với phụ nữ, mãn kinh là một nguyên nhân phổ biến khác gây ra giấc ngủ gián đoạn.

    Tin tốt là không phải cứ già đi là giấc ngủ trở nên khó khăn hơn. Các nghiên cứu của Grandner và những nhà khoa học khác cho thấy rằng ở độ tuổi trưởng thành sớm, con người đã đạt tới đỉnh cao của sự mệt mỏi và thiếu ngủ. 

    Đó là những năm trước 30 tuổi, sau đó, giấc ngủ tốt hơn ở những năm 30, xấu đi một chút ở tuổi trung niên và sau đó thì giấc ngủ ngày càng tốt lên theo thời gian.

    Nói cách khác, bạn không nên đổ lỗi cho sự già nua nếu bạn thấy mình phải vật lộn với sự mệt mỏi.

    "Lão hóa có liên quan đến giấc ngủ nông hơn một chút và dễ gián đoạn hơn một chút, nhưng nó không khiến mọi người giảm sự thỏa mãn", Grandner nói. "Nếu bạn là một người lớn tuổi và bạn thực sự không hài lòng với giấc ngủ của mình, thì đó thực sự là một vấn đề sức khỏe".

    Phân biệt mệt mỏi với buồn ngủ: Đâu là triệu chứng báo hiệu sức khỏe bạn có vấn đề? - Ảnh 4.

    Giấc ngủ tốt hơn ở những năm 30, xấu đi một chút ở tuổi trung niên và sau đó thì giấc ngủ ngày càng tốt lên theo thời gian.

    Đừng coi mệt mỏi là hiển nhiên, ngay cả khi bác sĩ của bạn nói vậy

    Đối với mọi lứa tuổi, nếu sự mệt mỏi đeo bám bạn ngày qua ngày và khó có thể vượt qua nổi, các chuyên gia khuyên bạn nên tới phòng khám. Có một số nguyên nhân gây ra sự mệt mỏi kinh niên, bao gồm trầm cảm, bệnh tự miễn, thiếu vitamin hoặc các vấn đề với tuyến giáp.

    Một cảnh báo trước dành cho bạn: Cuộc hẹn với bác sĩ để nói về vấn đề bạn cảm thấy mệt mỏi có thể không suôn sẻ, đôi khi còn đem lại sự bực bội. Watson cho biết nhiều bác sĩ bây giờ không được đào tạo về chuyên khoa liên quan đến giấc ngủ.

    Các bác sĩ bây giờ không mấy khi hỏi bệnh nhân về giấc ngủ của họ, Grandner nói thêm. Họ cũng thường bỏ lỡ các dấu hiệu mất ngủ hoặc đề nghị một phương pháp điều trị không đem lại hiệu quả cho bệnh nhân, theo một nghiên cứu năm 2017 cho thấy.

    Mất ngủ ảnh hưởng đến 15% người trưởng thành và Grandner cho biết các nghiên cứu cho thấy thuốc không phải là biện pháp điều trị tốt nhất, mà đó là các liệu pháp hành vi.

    Một người bạn của tôi, mẹ của một đứa trẻ, nói rằng cô ấy đã bị bác sĩ của mình cười nhạo khi nói rằng cô lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi. Như thế vị bác sĩ cho rằng đó là một điều hiển nhiên phải xảy ra trong cuộc đời của cô ấy vậy.

    Trên thực tế, nếu đến một phòng khám để kể về triệu chứng mệt mỏi, bạn có thể cầm về một chẩn đoán trong số hàng loạt tình trạng bao gồm thiếu sắt, đau cơ xơ, bệnh celiac, viêm não và nhiều hơn nữa.

    Còn nếu một phóng khám thông thường không thể phát hiện ra bất cứ bất thường nào, bạn nên đến gặp một chuyên gia giấc ngủ, người có thể đánh giá hoặc sàng lọc những tình trạng dẫn đến giấc ngủ kém, bao gồm cả chứng ngưng thở khi ngủ.

    Phân biệt mệt mỏi với buồn ngủ: Đâu là triệu chứng báo hiệu sức khỏe bạn có vấn đề? - Ảnh 5.

    Tin tốt là nguyên nhân gây ra mệt mỏi thường có thể điều trị.

    Ngưng thở khi ngủ, đúng như cái tên của nó, là một rối loạn khiến mọi người có hơi thở gián đoạn trong giấc ngủ. Nó ảnh hưởng tới 10% người trưởng thành - với tỷ lệ cao hơn đối với những người thừa cân. 

    Hầu hết những người bị ngưng thở khi ngủ không biết tình trạng của mình. Khoảng 85% bệnh nhân ngủ không được chẩn đoán và không được điều trị, Watson nói.

    Tóm lại, trái với sự cười nhạo mà người bạn của tôi nhận được từ bác sĩ của mình, các chuyên gia cho rằng mệt mỏi là một triệu chứng đáng lưu ý. Tin tốt là nguyên nhân gây ra mệt mỏi thường có thể điều trị.

    "Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ và nó cản trở cuộc sống của bạn, bạn không nên nghĩ rằng đây là một điều bình thường", Watson nói. "Chúng ta cần nhận ra rằng nếu ưu tiên giấc ngủ, chúng ta sẽ [phát triển được hết tiềm năng bản thần và] trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình".

    Tham khảo The Washington Post

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ