Phát hiện cây cao nhất châu Á tại hẻm núi sâu nhất hành tinh: Ai tìm ra? Ở đâu?

    Trang Ly, phunuvietnam.vn 

    Với chiều cao 102 mét, cây bách khổng lồ mới được tìm thấy trong một khu rừng ở Tây Tạng (Trung Quốc), cao hơn cả Tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ.

    Cây cao nhất châu Á vừa được tìm thấy

    Cây bách ở Trung Quốc là cây cao nhất từng được phát hiện ở châu Á. Nó cũng được cho là cây cao thứ hai trên thế giới, đứng ở độ cao đáng kinh ngạc 102 mét. Ở độ cao này, cây bách này sẽ cao hơn cả Tượng Nữ thần Tự do, 93 mét.

    Cây bách khổng lồ được phát hiện vào tháng 5/2023 bởi một nhóm nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh tại khu bảo tồn thiên nhiên Yarlung Zangbo Grand Canyon ở hạt Bome, thành phố Nyingchi, thuộc Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc, theo một tuyên bố của trường Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc).

    Phát hiện cây cao nhất châu Á tại hẻm núi sâu nhất hành tinh: Ai tìm ra? Ở đâu? - Ảnh 1.

    Cây bách với chiều cao ấn tượng tại khu bảo tồn thiên nhiên Yarlung Zangbo Grand Canyon ở hạt Bome, thành phố Nyingchi, thuộc Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc. Ảnh: Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc

    Không rõ loài cây bách thuộc về loài nào, mặc dù các ấn phẩm truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng nó là cây bách Himalaya (Cupressus torulosa) hoặc cây bách Tây Tạng (Cupressus gigantea).

    Tờ People's Daily Online (Trung Quốc) cho biết, cây bách này có đường kính 2,9 mét.

    Trước phát hiện này, cây cao nhất châu Á là cây Meranti vàng (Shorea faguetiana) cao 101 mét nằm trong Khu bảo tồn Thung lũng Danum ở Sabah, Malaysia.

    Khu tự trị Tây Tạng - có một hệ sinh thái độc đáo - đang ngày càng chịu ảnh hưởng của sự phát triển và biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, khu vực này — và đặc biệt là Thành phố Nyingchi — gần đây đã trở thành tâm điểm của các nỗ lực bảo tồn nhằm bảo vệ hệ thực vật và động vật.

    Các nhà nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) đã lập hồ sơ về những cây cao trong khu vực để hiểu rõ hơn về sự đa dạng môi trường của khu vực, đồng thời nhằm hỗ trợ các nỗ lực bảo vệ sinh thái nơi này.

    Không ngừng tìm kiếm cây cao

    Vào tháng 5/2022, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một cây linh sam cao 83 mét ở Tây Nam Trung Quốc, và ban đầu họ tin rằng đó là cây lớn nhất ở Trung Quốc. Nhóm cũng đã phát hiện ra một cái cây cao 77 mét ở Hạt Medog một tháng trước đó (tháng 4/2022).

    Tiếp tục cuộc khảo sát của các nhà nghiên cứu Trung Quốc trong năm nay, các nhà nghiên cứu đã sử dụng máy bay không người lái, thiết bị laser và radar để lập bản đồ cây cối trong khu vực và xác định chiều cao của chúng so với mặt đất.

    Sau nhiều ngày khảo sát thực địa, cây bách đã được tìm thấy và xác nhận là cây cao nhất châu Á. Sử dụng máy bay không người lái, máy quét laze 3D và công nghệ lidar - sử dụng chùm ánh sáng để đo khoảng cách - nhóm đã tạo ra mô hình 3D của cái cây khổng lồ, cung cấp kích thước chính xác. Sau cùng, họ xác nhận nó là cây cao nhất ở châu Á.

    Phát hiện cây cao nhất châu Á tại hẻm núi sâu nhất hành tinh: Ai tìm ra? Ở đâu? - Ảnh 2.

    Một hình ảnh 3D của cây bách ở Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bắc Kinh thực hiện sau khi sử dụng máy bay không người lái, máy quét laze 3D và công nghệ lidar. Ảnh: Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc

    Guo Qinghua, giáo sư tại Viện Viễn thám của Đại học Bắc Kinh, nói với tờ Global Times rằng cái cây này rất thú vị vì rễ hỗ trợ của nó không bị chôn vùi hoàn toàn dưới lòng đất. Cây cũng có một hệ thống phân nhánh phức tạp cung cấp "vi khí hậu và môi trường sống lý tưởng cho một số loài thực vật và động vật có nguy cơ tuyệt chủng", một tuyên bố của trường đại học cho biết.

    Phát hiện cây cao nhất châu Á tại hẻm núi sâu nhất hành tinh: Ai tìm ra? Ở đâu? - Ảnh 3.

    Ccây tùng gỗ đỏ ven biển (Sequoia sempervirens) giữ kỷ lục là cây cao nhất thế giới - cao 116 mét. Ảnh minh họa: Internet

    Hiện tại, cây giữ kỷ lục cao nhất thế giới là cây tùng gỗ đỏ ven biển (Sequoia sempervirens) cao 116 mét trong Công viên Quốc gia Redwood ở California, Mỹ. Cây ước tính có tuổi đời từ 600 đến 800 năm và có biệt danh là Hyperion theo tên của một trong những Titan trong thần thoại Hy Lạp, được phát hiện vào năm 2006.

    Năm 2022, Dịch vụ Công viên Mỹ đã quyết định hạn chế quyền thăm quan của công chúng đến cây Hyperion sau khi phát hiện du khách tự ý trèo lên cây và để lại chất thải trong khu vực, làm hỏng cây cối xung quanh.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ