(Genk.vn) - Thêm một phát hiện mới của các nhà khoa học giúp chứng minh đã từng có dấu hiệu của nước trên sao Hỏa.
Theo các nhà khoa học của NASA, những vệt tối xuất hiện theo mùa trên những sườn dốc gần xích đạo của sao Hỏa có thể là dấu vết của nước, hay đúng hơn là của dòng chất lỏng bay hơi trong suốt những tháng ấm áp của hành tinh đỏ.
Tàu trinh thám sao Hỏa của NASA đã phát hiện những vệt đen khó hiểu trên bề mặt sao Hỏa. Những vệt này hình thành và phát triển vào cuối mùa xuân và mùa hạ ở khu vực gần xích đạo, khi sao Hỏa nhận được nhiều ánh nắng Mặt Trời nhất. Những vệt này sau đó mờ dần đi vào các mùa tiếp theo, khi thời tiết lạnh dần chiếm ưu thế.
Những dòng chảy xuất hiện theo mùa này, còn được gọi là Recurring Slope Lineae, trước đây đã từng được phát hiện trên các sườn dốc của sao Hỏa ở các vĩ độ trung bình và bây giờ, một lần nữa các tàu vũ trụ MRO lại phát hiện chúng ở gần xích đạo của hành tinh đỏ. “Mặc dù chưa có phát hiện trực tiếp nào về sự tồn tại của nước ở dạng lỏng, nhưng những dấu vết trên gợi í có thể tồn tại một chu kì hoạt động đáng ngạc nhiên của nước trên sao Hỏa ngày nay”, trưởng nhóm nghiên cứu Alfred McEwen, một giáo sư địa chất hành tinh tại Đại học Arizona ở Tucson cho biết.
Những vệt tối và hẹp đã được quan sát thấy dọc theo các sườn núi dài và dốc ở Valles Marineris, chuỗi các sườn dốc núi nằm dọc theo đường xích đạo của sao Hỏa. Đôi khi, có thể quan sát thấy những vệt hình ngón tay dài tới hơn 1 km. Phát hiện này đã được trình bày chi tiết trong ấn bản ngày 10 tháng 12 của tạp chí Nature Geoscience và sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp hàng năm Hiệp hội Địa lý Mĩ ở San Francisco.
Các nhà nghiên cứu đang đau đầu với câu trả lời: nguyên nhân có thể gây ra những vệt đen đó là gì? Có nhiều ý kiến được đưa ra, trong đó ý kiến của McEwen rằng: “chúng có thể là dấu vết của sự tan chảy và bay hơi của nước đóng băng bị mắc kẹt sâu trong lớp vỏ của hành tinh” là hợp lí và khả thi nhất.
Nhưng nếu thật sự có tồn tại dòng nước, thì đó chắc chắn phải là nước mặn. Nước mặn có thể tồn tại ở dạng lỏng ở một nhiệt độ thấp hơn, có nghĩa là nước mặn có thể chảy trên bề mặt băng giá của sao Hỏa. Còn nước ngọt sẽ bay hơi nhanh chóng, vì vậy rất khó để giải thích dòng chảy dài, trừ khi nó đủ mặn. Mặt khác, khí quyển của sao Hỏa rất khô, vì vậy khó có khả năng nước ngọt có thể chảy được trên bề mặt của hành tinh này, Vincent Chevrier một nhà khoa học hành tinh tại Đại học Arkansas ở Fayetteville cho biết.
Các nhà khoa học đã cố gắng theo dõi và mô phỏng mô hình các dòng chảy ở cả các vĩ độ trung bình và các vị trí ở xích đạo của hành tinh đỏ, sau đó so sánh để mong tìm ra điểm tương đồng và họ phát hiện ra rằng: Calcium Chloride không bốc hơi ngay lập tức, mà để lại một ít vệt chất lỏng, có thể tạo nên những vệt đen như những gì đã quan sát. Nhưng dẫu sao, đó vẫn chỉ là những bằng chứng gián tiếp.
Trên thực tế, vẫn chưa có bằng chứng trực tiếp nào về việc tồn tại nước dạng lỏng trên sao Hỏa. Câu hỏi này thực sự quan trọng và có ý nghĩa lớn. Bởi nơi đâu có nước ở dạng lỏng, nơi đó có khả năng cao có thể tồn tại sự sống. Có nước dạng lỏng trên sao Hỏa, nghĩa là cuộc sống đã hoặc sẽ tồn tại trên hành tinh này.
Nguồn: livescience.com
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"