Phát hiện loài giun "mặt mông" thời tiền sử, quá xấu so với tiêu chuẩn giun ngày nay của chúng ta

    Dink,  

    So với tiêu chuẩn cái đẹp ngày nay, thì sinh vật tiền sử này xấu đau xấu đớn.

    Mới đây thôi, khoảng hơn nửa tỷ năm trước, sự kiện Bùng nổ kỷ Cambri – The Cambrian explosion đã khiến những dạng sống phức tạp trên bề mặt Trái Đất phát triển rực rỡ và đa dạng. Và không bị ai ngăn cản, Mẹ Thiên nhiên “nặn” ra những con vật với đủ hình dáng, kích cỡ, để cho chúng tha hồ tranh đấu xem loài nào sẽ phát triển vượt bậc.

    Đa số các loài vật ở cái thời hỗn mang ấy trông rất quái dị, so với tiêu chuẩn của con người – loài sinh vật hiện đang đứng đầu chuỗi thức ăn. Sau một chặng đường dài tiến hóa, ta đã tự cho mình cái quyền phán xét rằng mấy loài động vật ngày xưa trông xấu xí dị hợm vô cùng, mà cũng đúng là chúng xấu xí dị hợm thật.

    Ta vừa tìm ra được thêm một loài quái dị như thế, nó có tên là giun mũi tên – worm arrow hay có tên khoa học là Capinatator praetermissus. Một sinh vật có tham vọng đứng đầu danh sách những sinh vật kì dị nhất kỷ Cambri.

    Chỉ dài bằng ngón tay trỏ của con người, loài dã thú cổ đại sống dưới biển sâu này có khoảng 50 chiếc gai mọc tua tủa xung quanh đầu chúng, được sử dụng như một bàn tay nắm lấy con mồi. Sau khi tóm được mồi thì con giun tên này làm gì? Lôi con mồi xấu số ấy vào trong cái mặt trông không khác gì cái mông người của nó. Những nghiên cứu ban đầu về con vật kì dị này được đăng tải hôm thứ Năm vừa rồi trên tạp chí Current Biology.

    Đây là cách con giun quái dị này bơi trong nước.

    Phóng vụt lên từ đáy nước sâu, những gai mọc tua tủa kia chắc hẳn đã là nỗi kinh hoàng của vô vàn các sinh vật hải sinh nhỏ sống thời đó”, đồng tác giả nghiên cứu trên, Jean-Bernard Caron, người phụ trách mảng động vật cổ đại không xương sống tại Bảo tàng Hoàng gia Ontario cho hay.

    Caron và tác giả chính của nghiên cứu, Derek Briggs – một giáo sư địa chất học, địa vật lý học và quản lý tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Yale Peabody đã khám phá ra loài giun kì lạ này khi nghiên cứu 50 mẫu hóa thạch tại khu khai quật Burgess Shale, nằm trong khuôn viên Công viên Quốc giá Yoho và Kootenay.

    Khu vực Burgess Shale nổi tiếng với những hóa thạch rất chi tiết, hé lộ cho các nhà khoa học rất nhiều điều thú vị về sự sống của kỷ Cambri, và con giun “mặt mông” kể trên là một trong số đó. Hóa thạch của nó chứa mô mềm, một khung xương đơn giản – những thành tố tối quan trọng trong việc xác định vị trí đặt con giun này trong bản đồ cây sự sống.

    Hiện tại, dưới lòng đại dương, có tới 120 loại giun mũi tên tồn tại và chúng đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của nhóm sinh vật phù du. Hậu duệ của loài giun “mặt mông” đã bị tuyệt chủng kể trên nhỏ hơn ông cha chúng, tuy trên đầu chúng có những gai tủa ra nhưng không thể nào so sánh với vẻ ngoài kinh hoàng đến tuyệt vời của những kẻ kì dị bậc nhất kỉ Cambri được.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ