Phát hiện mới: Một trong những khu định cư cổ nhất của loài người bị tiêu diệt bởi một mảnh thiên thạch

    Nguyễn Đàng,  

    Dựa trên vật liệu khảo cổ, các nhà khoa học xác định ngôi làng cổ xưa của loài người đã bị nung chảy bởi một mảnh vỡ thiên thạch.

    Vào thập kỷ 1970, tại miền đông Syria, con đập Taqba được xây dựng để ngăn dòng chảy của con sông Euphrates. Sau khi hoàn thành, con đập hình thành nên hồ Assad và nhấn chìm một khu vực khảo cổ có cái tên Abu Hureyra. Tuy nhiên, trước khi sự việc xảy ra, các nhà khảo cổ đã có cơ hội khai quật Abu Hureyra và phát hiện những chứng cứ khắc ghi lại khoảng thời gian người du mục cổ đại định cư và trồng trọt.

    Các nhà khảo cổ trích xuất và khám phá được nhiều loại vật liệu, bao gồm bộ phận nhà cửa, thực phẩm và công cụ. Chúng đều là những bằng chứng giúp họ xác định thời gian người xưa chuyển đổi sang nông nghiệp là gần 12.800 năm trước. Một trong những sự kiện quan trọng trong nền lịch sử văn hóa và môi trường của Trái Đất.

    Tuy nhiên, vẫn còn có rất nhiều bí ẩn tồn tại bên trong Abu Hureyra. Thủy tinh tan chảy được phát hiện bên trong ngũ cốc, lúa, vật liệu xây dựng và xương động vật. Đặc tính của loại thủy tinh này cho thấy nó được hình thành ở nhiệt độ cực cao, cao hơn rất nhiều mức độ mà con người có thể đạt đến vào thời điểm ấy, dù là nhiệt từ lửa, sét hay từ núi lửa.

    Phát hiện mới: Một trong những khu định cư cổ nhất của loài người bị tiêu diệt bởi một mảnh thiên thạch - Ảnh 1.

    a. Bản đồ vùng Trung Đông; b. Bản đồ di tích Abu Hureyra

    "Để dễ dàng nhìn nhận, nhiệt độ cỡ ấy có thể làm tan chảy một chiếc ô tô chỉ trong chưa đầy một phút", James Kennet, một giáo sư địa chất danh dự tại trường Đại học Santa Barbara, California, nói. Theo James, với mức độ như thế, nguyên nhân phải đến từ một sự kiện cực kỳ có tính tàn phá để phát ra lượng lớn năng lượng có cường độ cao, tương tự như một vụ va chạm thiên thạch.

    Dựa trên vật chất thu thập được trước khi khu khảo cổ bị ngập, Kennett và đồng nghiệp của ông khẳng định rằng Hureyra là nơi đầu tiên có chứng cứ về một vụ va chạm giữa mảnh vỡ thiên thạch và khu định cư của loài người. Theo Kennett, vào cuối thế Cánh Tân (thế Pleistocen), một viên sao chổi đã lao vào bầu khí quyển của Trái Đất và phát nổ, phân thành nhiều mảnh. Mảnh thiên thạch trên rất có thể là một phần của vì sao chổi này. Vụ va chạm đã góp phần làm tuyệt chủng phần nhiều động vật to lớn, bao gồm voi ma mút, giống ngựa và lạc đà châu Mỹ. Nó còn có thể là tác nhân gây ra sự biến mất của nền văn hóa Clovis ở Bắc Mỹ và sự khởi đầu đột ngột của đợt lạnh Dryas trẻ.

    Báo cáo khoa học chứa những phát hiện của nhóm khảo cổ được xuất bản trên mục Scientific Reports của tờ Nature.

    "Những phát hiện của chúng tôi chứng minh rằng nhiệt độ cực cao chỉ có thể bị gây ra bởi một vụ va chạm thiên thạch", Kennett nói. Ông và đồng nghiệp lần đầu tiên báo cáo bằng chứng về sự kiện này vào năm 2012.

    Phát hiện mới: Một trong những khu định cư cổ nhất của loài người bị tiêu diệt bởi một mảnh thiên thạch - Ảnh 2.

    Abu Hureyra nằm ở tận cùng phía Đông khu vực có thiên thạch rơi của Ranh giới Dryas trẻ. Nơi này bao gồm 30 khu vực rải rác ở châu Mỹ, châu Âu và một phần Trung Đông. Các khu di tích này chứa chứng cứ về một vụ cháy lớn, để lại một lớp thảm đen có diện tích rộng, bên trong giàu cacbon và chứa hàng tỉ hạt kim cương li ti, một lượng bạch kim dồi dào và các quả cầu kim loại cực nhỏ chỉ hình thành ở nhiệt độ cao.

    Giả thuyết về các tác động của Ranh giới Dryas trẻ đã thu hút được rất nhiều sự chú ý trong những năm gần đây, nguyên nhân là do nhiều khám phá mới xuất hiện. Trong đó có một khám phá về miệng hố thiên thạch nằm dưới sông băng Hiawatha ở Greenland, Bắc Cực; một cái khác về thủy tinh tan chảy và các bằng chứng tương tự ở khu khảo cổ Pilauco, nằm ở phía Nam Chile.

    "Ngôi làng Abu Hureyra chắc hẳn đã đột ngột bị phá hủy", Kennett nói. Ở khu khảo cổ Pilauco, các chứng cứ thu thập được cho thấy dấu hiệu con người xuất hiện sớm nhất là sau khi lớp thảm đen xuất hiện. Di tích Abu Hureyra thì cho thấy nó đã tồn tại từ trước Dryas trẻ. Theo Kennett thì một vụ va chạm thiên thạch hoặc nổ khí đã xảy ra gần đó, khiến cho một luồng nhiệt khổng lồ phát ra và làm tan chảy thủy tinh bên trong ngôi làng.

    Phát hiện mới: Một trong những khu định cư cổ nhất của loài người bị tiêu diệt bởi một mảnh thiên thạch - Ảnh 3.

    Các nhà khoa học phân tích thủy tinh khai quật để kiểm tra thành phần địa hóa, hình dạng, cấu trúc, nhiệt độ hình thành, từ tính và hàm lượng nước. Kết quả cho thấy nó được hình thành ở nhiệt độ rất cao và chứa các loại khoáng sản như crom, sắt, niken, sunfua, titan, và thậm chí cả bạch kim, sắt nóng chảy giàu iridium - tất cả đều được hình thành ở nhiệt độ cao hơn 2200 độ C.

    "Các vật chất chủ yếu rất là hiếm dưới nhiệt độ bình thường, nhưng lại dễ tìm thấy trong những sự kiện va chạm thiên thạch", Kennett nói.

    Theo bản báo cáo, thủy tinh tan chảy hình thành "bởi sự tan chảy và bốc hơi tức thì của sinh khối, đất và lớp lắng đọng của bãi bồi và được làm mát ngay lập tức sau đó". Ngoài ra, bởi vì vật chất được tìm thấy giống với vật chất trong lớp thảm đen tạo ra bởi Ranh giới Dryas trẻ, có khả năng lớn là khu vực này đã bị một mảnh vỡ thiên thạch đâm trúng, chứ không phải là một viên thiên thạch hoàn hảo hay một tiểu hành tinh.

    "Vụ va chạm gây ra bởi một tiểu hành tinh cỡ lớn sẽ không khiến cho vật chất bị phân tán như ở Abu Hureyra", Kennett nói. "Mảnh vỡ sao chổi lớn nhất có khả năng tạo ra hàng ngàn vụ nổ khí chỉ trong vòng vài phút trên toàn bộ một mặt bán cầu. Giả thuyết Ranh giới Dryas trẻđề xuất rằng hiện tượng này chính là nguyên nhân một lượng vật chất cùng thời bị phân tán ra hơn 14.000 km ở Nam và Bắc bán cầu. Những khám phá ở Abu Hureyra càng mạnh mẽ ủng hộ giả thuyết này".

    Theo ScitechDaily


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày