Phát hiện quái thú cổ đại có kích thước bằng một chiếc ô tô và 3 cặp răng nanh, mỗi chiếc có kích thước bằng quả chuối

    Đức Khương,  

    Phát hiện đặc biệt này không đến từ một cuộc khai quật quy mô lớn hay một chuyến thám hiểm xa xôi, mà bắt đầu từ kho lưu trữ hóa thạch của Bảo tàng Quốc gia Nairobi, Kenya.

    Trong kho tàng hóa thạch của Bảo tàng Quốc gia Nairobi ở Kenya, một phát hiện đầy bất ngờ đã hé lộ một trong những loài động vật ăn thịt lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất. Loài sinh vật này không chỉ sở hữu hình thể khổng lồ với trọng lượng ước tính lên tới hơn 1,5 tấn, mà còn gây sốc với ba cặp răng nanh dài đến mức có thể sánh ngang với một quả chuối.

    Với tên gọi Simbakubwa kutokaafrika, loài vật tiền sử này đã khiến cả giới cổ sinh vật học phải sửng sốt trước mức độ tiến hóa khủng khiếp của nó trong chuỗi thức ăn thời kỳ cách đây hơn 20 triệu năm.

    Phát hiện quái thú cổ đại có kích thước bằng một chiếc ô tô và 3 cặp răng nanh, mỗi chiếc có kích thước bằng quả chuối- Ảnh 1.

    Câu chuyện khởi nguồn từ một sự tình cờ, khi nhà cổ sinh vật học Matt Borths, một chuyên gia đang nghiên cứu về hyaenodonts, một nhóm động vật có vú ăn thịt đã tuyệt chủng đang tìm kiếm tài liệu phục vụ cho luận án tiến sĩ của mình.

    Trong khi lật giở những ngăn kéo lưu trữ tại bảo tàng Nairobi, ông bất ngờ phát hiện những mảnh xương khổng lồ chưa từng được phân loại chính thức. "Khi mở ngăn kéo, chúng tôi thấy một hàng răng ăn thịt khổng lồ, rõ ràng là của một loài mới đối với khoa học", Borths chia sẻ trong niềm phấn khích khó tả.

    Thật đáng ngạc nhiên khi những hóa thạch này đã được khai quật từ cuối thập niên 1970 trong các đợt khảo sát tại khu vực Cầu Meswa ở phía tây Kenya. Tuy nhiên, do nhóm nghiên cứu ban đầu chủ yếu quan tâm đến các loài linh trưởng cổ đại, những mảnh xương to lớn này đã bị bỏ quên trong bộ sưu tập suốt nhiều thập kỷ.

    Chỉ đến khi Borths và cộng sự của ông là nhà cổ sinh vật học Nancy Stevens cùng bắt tay vào phân tích các mẫu vật bị lãng quên này, một bức tranh hoàn toàn mới về loài săn mồi đỉnh cao thời tiền sử mới dần hiện ra.

    Phát hiện quái thú cổ đại có kích thước bằng một chiếc ô tô và 3 cặp răng nanh, mỗi chiếc có kích thước bằng quả chuối- Ảnh 2.

    Sau quá trình phân tích kéo dài, nhóm nghiên cứu đã công bố kết quả trên Tạp chí Cổ sinh vật học có xương sống , khẳng định đây là một loài mới chưa từng được biết đến trước đó.

    Với tên gọi đầy biểu tượng Simbakubwa kutokaafrika, dịch từ tiếng Swahili là "con sư tử lớn đến từ châu Phi". Loài vật này là đại diện sớm nhất từng được ghi nhận trong họ hyaenodonts, một nhóm động vật ăn thịt không có họ hàng với sư tử hay linh cẩu ngày nay, nhưng từng giữ vị trí thống trị trong hệ sinh thái châu Phi trước khi các loài thú ăn thịt hiện đại như mèo lớn hay chó sói xuất hiện.

    Dù mang cái tên có chữ "sư tử", nhưng Simbakubwa thực chất không phải là một loài mèo lớn, mà là một sinh vật hoàn toàn riêng biệt trong cây tiến hóa. Các nhà nghiên cứu cho biết nó có thể cao tới 1,2 mét, dài hơn 2,4 mét và nặng hơn 1,5 tấn, tương đương với một chiếc xe ô tô nhỏ.

    Với hình thể đồ sộ như vậy, không có gì ngạc nhiên khi nó được xem là động vật ăn thịt lớn nhất từng biết đến tại lục địa đen.

    Phát hiện quái thú cổ đại có kích thước bằng một chiếc ô tô và 3 cặp răng nanh, mỗi chiếc có kích thước bằng quả chuối- Ảnh 3.

    Một trong những đặc điểm gây kinh ngạc nhất của Simbakubwa chính là bộ răng khổng lồ của nó. Theo mô tả từ các nhà nghiên cứu, răng hàm của loài này dài hơn 5 cm, trong khi răng nanh có thể dài tới 20 cm, gần bằng chiều dài của một quả chuối lớn.

    Đặc biệt, trong khi các loài thú ăn thịt hiện đại chỉ có một cặp răng nanh để xé thịt con mồi, Simbakubwa lại sở hữu đến ba cặp, khiến Borths phải thốt lên: “Con vật này có rất nhiều lưỡi kiếm”.

    Điều thú vị là loài thú khổng lồ này dường như không phải là một tay săn mồi đơn độc trong thế giới của nó. Những dữ liệu từ hóa thạch giúp các nhà khoa học dần khôi phục lại bức tranh sinh thái phức tạp cách đây hàng chục triệu năm, khi châu Phi đang trải qua sự biến đổi địa lý và khí hậu đáng kể.

    Thời kỳ này trùng hợp với giai đoạn lục địa châu Phi bắt đầu dịch chuyển gần hơn về phía Âu-Á, dẫn đến sự giao thoa sinh thái giữa các loài động vật ở hai khu vực địa lý. Điều này có thể đã góp phần vào sự xuất hiện và biến mất của nhiều loài, trong đó có cả các họ thú ăn thịt tiền sử như hyaenodonts.

    Phát hiện quái thú cổ đại có kích thước bằng một chiếc ô tô và 3 cặp răng nanh, mỗi chiếc có kích thước bằng quả chuối- Ảnh 4.

    Nhà sinh học tiến hóa Jack Tseng, người không tham gia nghiên cứu, nhận định phát hiện này không chỉ đơn thuần là một khám phá thú vị về một loài mới, mà còn là một dữ kiện quý báu cho việc tìm hiểu mối quan hệ tương tác giữa động vật ăn thịt và con mồi trong các hệ sinh thái cổ đại.

    “Bất cứ khi nào bạn phát hiện một loài mới với quy mô lớn như thế này trong chuỗi thức ăn, bạn phải bắt đầu đặt lại toàn bộ câu hỏi về cấu trúc sinh thái và cách mà các loài tương tác với nhau vào thời điểm đó”, ông nhận định.

    Simbakubwa giúp chúng ta nhìn sâu hơn vào lịch sử tiến hóa và sự thay đổi của sinh quyển Trái Đất. Với việc xác định được các mối quan hệ di truyền, các nhà khoa học có thể phỏng đoán về tổ tiên chung của các loài, thời điểm và nguyên nhân mà những thay đổi tiến hóa lớn đã diễn ra.

    "Bạn có thể thử nghiệm một chút với dữ liệu để tìm ra cách những thay đổi tiến hóa lớn này tương ứng với những thay đổi khác, như biến đổi khí hậu và trôi dạt lục địa", Borths chia sẻ.

    Phát hiện quái thú cổ đại có kích thước bằng một chiếc ô tô và 3 cặp răng nanh, mỗi chiếc có kích thước bằng quả chuối- Ảnh 5.

    Tuy nhiên, bên cạnh sự hào hứng của giới khoa học, phát hiện về Simbakubwa cũng khiến nhiều người cảm thấy… may mắn. Bởi lẽ, thật khó hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu loài vật khổng lồ với bộ răng như lưỡi kiếm này vẫn còn tồn tại trong tự nhiên ngày nay.

    "Chúng ta thật sự nên cảm thấy biết ơn vì đã không phải sống cùng thời với những sinh vật đáng sợ như thế", một nhà nghiên cứu đùa.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày